Tổng hợp các cách kiểm tra đất có lên thổ cư được không?
Căn cứ theo Điều 59 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định các hình thức khai thác thông tin và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai như sau
Điều 59. Các hình thức khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai
Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai được thực hiện theo các hình thức sau:
1. Khai thác trực tuyến trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, qua dịch vụ tin nhắn SMS, qua dịch vụ web service và API; khai thác qua các tiện ích, ứng dụng tạo ra sản phẩm, giá trị gia tăng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định.
2. Khai thác trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
3. Khai thác qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Người dân có thể tự kiểm tra đất mà mình đang sử dụng có lên thổ cư được hay không dựa vào 3 các cách dưới đây:
Cách 01: Khai thác trực tuyến
- Toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất được Nhà nước thông qua sẽ được công bố công khai tại trụ sở UBND xã, phường và UBND cấp huyện; công bố trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.
- Người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, qua dịch vụ tin nhắn SMS, qua dịch vụ web service và API; khai thác qua các tiện ích để kiểm tra tình trạng quy hoạch đất.
Cách 02: Khai thác trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai hoặc Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Người dân có thể đến trực tiếp UBND cấp xã hoặc huyện nơi có đất để xem quy hoạch sử dụng đất. Tại đây, cán bộ địa chính sẽ cung cấp thông tin về quy hoạch chi tiết của thửa đất, bao gồm mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, ranh giới,... Khi xin trích lục, người dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất.
- Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
Cách 03: Kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là Sổ đỏ) sẽ thể hiện phần thông tin quy hoạch được ký hiệu bằng nét gạch đứt bên cạnh thông tin thửa đất. Mặc dù đây là cách giúp người sử dụng đất tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng sẽ có một vài hạn chế như:
- Thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể là thông tin đã cũ, chưa cập nhật.
- Không phải mọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều ghi nhận phần thông tin về quy hoạch.
Như vậy, với 3 cách đơn giản trên, người dân có thể dễ dàng kiểm tra đất có đủ điều kiện lên thổ cư hay không, từ đó đưa ra phương án sử dụng và khai thác phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Tổng hợp các cách kiểm tra đất có lên thổ cư được không? (Hình từ Internet)
Thời hạn sử dụng đất khi lên thổ cư từ đất nông nghiệp là bao lâu?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 173 Luật Đất đai 2024 quy định về thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Điều 173. Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
1. Thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thì thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê;
d) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
[...]
Như vậy, lên thổ cư từ đất nông nghiệp thuộc trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Do đó, thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Trong trường hợp này là đất thổ cư.
Thêm vào đó, tại khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2024 quy định đất thổ cư là đất sử dụng ổn định lâu dài. Nên lên thổ cư từ đất nông nghiệp sẽ được sử dụng ổn định lâu dài.
Cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư năm 2025
Căn cứ theo khoản 1 và 2 Điều 8 Nghị định 103/2024/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì tiền sử dụng đất tính như sau:
Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở | = | Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất | - | Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) |
Trong đó:
- Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển tính như sau:
Tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất | = | Diện tích đất tính tiền sử dụng đất sau khi chuyển mục đích | x | Giá đất tính tiền sử dụng đất |
- Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất (sau đây gọi là tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất) được tính như sau:
+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc là đất nông nghiệp có nguồn gốc nhận chuyển nhượng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân khác đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất:
Tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất được tính = diện tích đất x với giá đất của loại đất nông nghiệp tương ứng trong Bảng giá đất.
+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất được tính như sau:
Tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất | = | Diện tích đất có thu tiền thuê đất nhân (x) giá đất tương ứng với thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích ________________ Thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích | x | Thời hạn sử dụng đất còn lại |
Trong đó:
++ Giá đất tương ứng với thời hạn cho thuê đất của đất trước khi chuyển mục đích là giá đất tại Bảng giá đất để tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
++ Thời hạn sử dụng đất còn lại được xác định = thời hạn giao đất, thuê đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất - thời gian đã sử dụng đất trước khi chuyển mục đích.
Trường hợp thời gian sử dụng đất còn lại được xác định theo công thức quy định tại điểm này không tròn năm thì tính theo tháng; thời gian không tròn tháng thì thời gian không tròn tháng từ 15 ngày trở lên được tính tròn 01 tháng, dưới 15 ngày thì không tính tiền sử dụng đất đối với số ngày này.
+ Đối với đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm thì tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không (= 0).
Lưu ý: Trường hợp tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất thì tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không (=0).