Tặng cho nhà ở là tài sản đang thế chấp có được không?
Nội dung chính
Hợp đồng tặng cho nhà ở là gì?
Căn cứ quy định Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Bên cạnh đó, theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng tặng cho đối với tài sản là bất động sản phải được thành lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản có hiệu lực từ thời điểm đăng ký hoặc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.
Từ các quy định nêu trên có thể kết luận rằng hợp đồng tặng cho nhà ở là một thỏa thuận dân sự, trong đó bên tặng cho chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù. Để hợp đồng tặng cho nhà ở có hiệu lực, hợp đồng phải được lập thành văn bản có công chứng, đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu của pháp luật. Hợp đồng này sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Việc thực hiện đúng các thủ tục pháp lý giúp bảo vệ quyền lợi của các bên và đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch.
Thế chấp tài sản là gì?
Tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được sử dụng phổ biến. Ví dụ như thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng làm ăn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong hợp đồng vay vốn. Phía ngân hàng sẽ nhận thế chấp này và cho khách hàng vay vốn theo thỏa thuận, quyền sử dụng đất này nhằm đảm bảo là khách hàng khi vay vốn sẽ trả nợ đúng hạn, nếu không muốn mảnh đất này bị bán để xử lý nợ đã vay.
Tặng cho nhà ở là tài sản đang thế chấp có được không? (Hình từ Internet)
Tặng cho nhà ở là tài sản đang thế chấp được không?
Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản là bất động sản và động sản; Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 bất động sản bao gồm:
- Đất đai;
- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật
Có thể thấy rằng, nhà ở được pháp luật quy định là bất động sản.
Căn cứ khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên thế chấp được bán, trao đổi, tặng cho sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Theo các quy định trên, việc tặng cho tài sản là nhà ở đang thế chấp vẫn có thể được thực hiện tuy nhiên vẫn cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp.
Khó khăn trong thực hiện việc tặng cho nhà ở đang thế chấp
Như đã nêu ở trên, hợp đồng tặng cho nhà ở phải thành lập văn bản có công chứng, chứng thực.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch và điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 thì khi công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch phải cung cấp được bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, đồng thời phải xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
Lúc này Giấy chứng nhận quyền sở hữu có thể đã giao cho bên nhận thế chấp giữ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 320 Bộ Luật dân sự 2015. Và bên nhận thế chấp chỉ được nhận lại giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Quan trọng hơn hết là theo quy định thì để hợp đồng tặng cho có hiệu lực, bên thế chấp cần có sự chấp thuận của bên nhận thế chấp. Vậy nên, điều khó khăn nhất chính là sự đồng ý của bên nhận thế chấp, bởi lẽ bên nhận thế chấp thường sẽ bảo vệ các quyền lợi của mình, khó mà đồng ý để cho tài sản thế chấp chuyển giao qua cho bên thứ ba.
Tóm lại, mặc dù pháp luật cho phép tặng cho nhà ở đang thế chấp, nhưng thực tế việc thực hiện hợp đồng tặng cho sẽ gặp khó khăn lớn nếu không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Bên nhận thế chấp có quyền giữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho đến khi nghĩa vụ được hoàn tất, điều này tạo ra rào cản lớn trong việc giao kết hợp đồng tặng cho.