3 trường hợp tặng cho nhà ở không bắt buộc phải công chứng
Nội dung chính
3 trường hợp tặng cho nhà ở không bắt buộc phải công chứng
Căn cứ Điều 164 Luật Nhà ở 2023, trường hợp tặng cho nhà ở thì phải thực hiện công chứng trừ các trường hợp sau đây:
- Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa;
- Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình thương;
- Trường hợp tổ chức tặng cho nhà đại đoàn kết.
Như vậy, theo quy định tại Luật Nhà ở 2023 việc tặng cho nhà ở phải được lập thành văn bản và thực hiện công chứng, trừ 3 trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết thì không bắt buộc phải công chứng hợp đồng tặng cho nhà ở.
3 trường hợp tặng cho nhà ở không bắt buộc phải công chứng (Hình từ Internet)
Nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết khác nhau như thế nào?
Hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về định nghĩa cũng như cách phân biệt 3 loại nhà trên. Tuy nhiên, có thể sử dụng cách hiểu thông thường như sau:
Nhà tình nghĩa, nhà tình thương và nhà đại đoàn kết là các hình thức hỗ trợ xây dựng nhà ở dành cho các đối tượng khó khăn trong xã hội. Tuy có những điểm chung về mục đích nhân văn, mỗi loại nhà lại có đối tượng và đặc điểm riêng biệt:
(1) Nhà tình nghĩa:
- Đối tượng hỗ trợ: Gia đình có công với cách mạng (như thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...).
- Nguồn kinh phí: Chủ yếu từ ngân sách nhà nước, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các tổ chức chính trị - xã hội và sự đóng góp của cộng đồng.
- Mục tiêu: Ghi nhận công lao và sự hy sinh của các cá nhân, gia đình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
(2) Nhà tình thương:
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi.
- Nguồn kinh phí: Đóng góp từ các tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm, và một phần có thể từ chính quyền địa phương.
- Mục tiêu: Cải thiện điều kiện sống cơ bản cho các gia đình gặp khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
(3) Nhà đại đoàn kết:
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, thường không thuộc diện ưu tiên như gia đình có công với cách mạng.
- Nguồn kinh phí: Từ Quỹ “Vì người nghèo”, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, cùng sự đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
- Mục tiêu: Thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng sống.
Nếu không thuộc trường hợp bắt buộc công chứng thì hợp đồng tặng cho nhà ở được công chứng ở đâu?
Theo Điều 42 Luật Công chứng 2014, quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản như sau:
- Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp:
- Công chứng di chúc;
- Văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản;
- Văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
Như vậy, tặng cho nhà ở được công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở, tức là hợp đồng tặng cho nhà ở không được công chứng ở tỉnh khác nơi có nhà ở.
Kết luận, việc tặng cho nhà ở phải được lặp thành văn bản và thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật, trong đó, 3 trường hợp không bắt buộc công chứng là tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, việc công chứng hợp đồng tặng cho nhà ở chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh có nhà ở.