Nhà ở công có được bán không? Nhà ở công có thể được sử dụng với mục đích khác không?

Chuyên viên pháp lý Lâm Ngọc Khánh Huyên
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Giáo viên sử dụng nhà ở của trường thì có phải nhà ở công không? Nhà ở công có được bán không? Nhà ở công có thể được sử dụng với mục đích khác không?

Nội dung chính

    Giáo viên sử dụng nhà ở của trường thì có phải nhà ở công không?

    Nhà ở công được hiểu là nhà ở công vụ. Căn cứ khoản 5 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 quy định nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để bố trí cho đối tượng thuộc trường hợp được ở nhà ở công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác theo quy định của Luật Nhà ở 2023.

    Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở 2023 quy định giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo là đối tượng được thuê nhà ở công vụ.

    Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 45 Luật Nhà ở 2023 quy định điều kiện thuê nhà ở công vụ đối với giáo viên là phải thuộc trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.

    Theo quy định trên, không phải giáo viên nào cũng có thể ở nhà ở công vụ, chỉ những giáo viên công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo là đối tượng được thuê nhà ở công vụ và còn đang công tác mới được ở nhà ở công vụ, ngoài ra giáo viên này còn phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại địa phương nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.

    Như vậy, giáo viên sử dụng nhà ở của trường thì phải xét xem nhà đó có nguồn gốc như thế nào, mục đích sử dụng ra sao có phải là nhà ở công vụ để cho giáo viên thuê hay không. Lúc đó mới xác định được là nhà giáo viên này đang ở có phải nhà ở công vụ không.

    Nhà ở công có được bán không? (Hình từ Internet)

    Nhà ở công có được bán không?

    Theo điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Nhà ở 2023 có quy định nhà ở công vụ là nhà ở thuộc tài sản công.
    Căn cứ khoản 3 Điều 69 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định đối tượng, điều kiện được mua và điều kiện bán nhà ở cũ thuộc tài sản công, theo đó, nhà ở công vụ cũ cũng sẽ được bán nếu đáp ứng các điều kiện sau:

    - Nhà ở phải không thuộc các trường hợp sau:

    + Nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ, quy hoạch xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật;

    + Nhà ở đã có quyết định thu hồi đất, thu hồi nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

    + Nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện đang thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

    + Nhà ở gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công viên, công trình phục vụ mục đích công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

    + Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023;

    + Căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại, trừ trường hợp người thuê đã tự cải tạo trước ngày Nghị định 95/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và việc sử dụng độc lập, tự nguyện, có sự đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua;

    + Nhà biệt thự nằm trong danh mục không thuộc diện được bán mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước ngày Nghị định 95/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và các nhà biệt thự khác mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

    - Nhà ở đang thuê phải thuộc diện được bố trí sử dụng từ trước ngày 19 tháng 01 năm 2007;

    - Đối với nhà ở thuộc diện phải xác lập sở hữu toàn dân theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu toàn dân và thực hiện ký hợp đồng thuê nhà ở theo quy định trước khi bán nhà ở này;

    - Đối với loại nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng được bố trí sử dụng để ở từ trước ngày 19 tháng 01 năm 2007 thì nhà ở này phải đảm bảo các điều kiện: khu đất đã bố trí làm nhà ở đó có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên trụ sở, cơ quan; nhà ở có lối đi riêng, không che chắn mặt tiền trụ sở, cơ quan, không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh; cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng và nhà ở này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng diện tích nhà ở phải chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó quản lý để thực hiện bán theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp nhà ở đang do Bộ Quốc phòng đang quản lý;

    - Trường hợp nhà ở do cơ quan, đơn vị có quỹ nhà ở tự quản chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà ở tiếp nhận, quản lý hoặc nhà ở tự quản không còn cơ quan, đơn vị quản lý nhưng tại thời điểm tiếp nhận, nhà ở này đã bị phá dỡ, xây dựng lại thì cơ quan quản lý nhà ở vẫn tiếp nhận và căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để thực hiện bán cho người đang thuê theo giá bán quy định tại Điều 71 Nghị định 95/2024/NĐ-CP  mà không phải lập thủ tục ký hợp đồng thuê nhà ở.

    Có thể thấy việc Nhà nước bán nhà ở công cũ là một trong những giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nhà ở, đồng thời tối ưu hóa tài sản công, tránh lãng phí, tái tạo lại tài sản không sử dụng trong trường hợp sử dụng tài sản công không hiệu quả, đặc biệt là nhà ở công. 

    Lưu ý rằng chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép bán nhà ở công vụ, vì đây là tài sản nhà nước.

    Nhà ở công có thể được sử dụng với mục đích khác không?

    Như đã đề cập, nhà ở công vụ chỉ được dùng để bố trí cho đối tượng thuộc trường hợp được ở nhà ở công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Theo đó, nhà ở công không thể dùng với mục đích khác.

    Tuy nhiên, Luật Nhà ở cũng quy định về việc chuyển đổi công năng nhà ở theo Điều 124 Luật Nhà ở 2023, cụ thể nhà ở công có thể được chuyển đổi sang làm nhà ở phục vụ tái định cư.

    Việc chuyển đổi công năng nhà ở này phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

    - Phải phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, không gây thất thoát tài sản công;

    - Nhà ở sau khi được chuyển đổi công năng phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nhà ở được chuyển đổi;

    - Phải được Bộ Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

    Như vậy, về nguyên tắc nhà ở công không thể được sử dụng với mục đích khác được, tuy nhiên loại nhà ở này cũng có thể được chuyển đổi làm nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định pháp luật.

    57
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ