Quy hoạch mô hình đô thị sân bay Long Thành tại huyện Long Thành và Nhơn Trạch
Nội dung chính
Định hướng phát triển Long Thành và Nhơn Trạch theo mô hình đô thị sân bay Long Thành
Theo Nghị quyết 94/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25/6/2015 xác định mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc địa, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Sân bay Long thành có quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm.
Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch đã được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay, tương tự như Dubai, Frankfurt (Đức) và Changi (Singapore). Đây là thông tin được UBND tỉnh Đồng Nai công bố trong buổi kiểm tra tiến độ thi công dự án Sân bay Long Thành của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 3/12.
Khu vực quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Long Thành. Vùng phụ cận được mở rộng với diện tích hơn 14.000 ha, bao gồm các khu vực thuộc xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) và các xã Xuân Quế, Sông Nhạn, Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ).
Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho biết, mô hình đô thị sân bay sẽ mang đến sự đột phá về kinh tế - xã hội, với mục tiêu xây dựng khu vực này thành một trung tâm đô thị hiện đại, gắn liền với sân bay quốc tế.
Hiện tại, tỉnh đang tổ chức thi tuyển quốc tế để tìm kiếm ý tưởng quy hoạch đô thị Long Thành và vùng phụ cận. Dự kiến đồ án quy hoạch chung sẽ được trình thẩm định và phê duyệt vào tháng 6/2025.
Long Thành và Nhơn Trạch được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay Long Thành (Hình từ Internet)
Tiến độ thi công dự án sân bay Long Thành
Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có diện tích 5.000 ha và tổng mức đầu tư ước tính 336.630 tỷ đồng, đang được đẩy mạnh triển khai. Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tiến độ các dự án thành phần tại sân bay được đánh giá rất tốt.
- Tháp không lưu: Đã cất nóc và đang hoàn thiện.
- Nhà ga hành khách: Đạt giá trị thi công trên 8.300 tỷ đồng (khoảng 25% giá trị hợp đồng), dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025.
- Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ: Đạt khoảng 2.015 tỷ đồng (27%), vượt tiến độ kế hoạch 3 tháng.
Điều chỉnh quy hoạch và thời gian hoàn thành
Chính phủ đề xuất bổ sung đường băng số 3 trong giai đoạn 1 để nâng cao hiệu quả khai thác. Việc xây dựng đường băng này, cách đường băng số 1 khoảng 400m về phía bắc, sẽ giúp sân bay khai thác hai đường băng song song ngay từ giai đoạn đầu, giảm sự phụ thuộc vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chi phí bổ sung ước tính 3.300 tỷ đồng, không làm vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án được kiến nghị điều chỉnh sang cuối năm 2026 thay vì 2025.
Việc điều chỉnh tiến độ dự án do nhiều nguyên nhân, bao gồm thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây khó khăn cho việc hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và huy động chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách phải thực hiện qua hai vòng đấu thầu. Một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 cũng chậm triển khai do đây là lần đầu tiên tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến sự lúng túng và cần điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan.
Dự án sân bay Long Thành không chỉ hứa hẹn trở thành một trung tâm hàng không quan trọng của khu vực mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.