3 doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông
Nội dung chính
3 doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông
Dưới đây là 3 doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông, cụ thể như sau:
(1) Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi)
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đề xuất được làm nhà đầu tư thực hiện mở rộng khoảng 300 km cao tốc Bắc – Nam phía Bắc theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Cụ thể, Vidifi đề xuất đầu tư mở rộng 6 đoạn tuyến gồm: Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 45.375 tỷ đồng, có thể triển khai theo phương thức PPP hoặc hình thức khác tùy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
(2) Tập đoàn Đèo Cả
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất tham gia đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc Bắc Nam từ 4 lên 6 làn xe theo quy hoạch, bằng phương thức đối tác công tư (PPP).
(3) Tập đoàn Sơn Hải
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh 263km cao tốc Bắc - Nam từ Hoài Nhơn đến Nha Trang bằng 100% vốn Nhà đầu tư theo Công văn 4846/VPCP-CN.
(*) Trên đây là thông tin về "3 doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông".
Chính phủ thống nhất mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông
Theo Thông báo 266/TB-VPCP năm 2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
- Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, cơ quan phát biểu tại cuộc họp để bổ sung, hoàn thiện phương án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP hoặc phương án nhượng quyền kết hợp nâng cấp, mở rộng tài sản theo quy hoạch;
- Không thực hiện phương án đầu tư công, như sau: Căn cứ yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về thu phí để hoàn vốn sau khi đầu tư xây dựng xong, phân tích các khía cạnh về kinh tế để xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể về các phương án đầu tư mở rộng (tổng thể 15 đoạn tuyến) và tiến hành khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư.
- Khi xây dựng kịch bản cần lưu ý về lộ trình triển khai phù hợp (ưu tiên các dự án đang triển khai thi công thì nghiên cứu đầu tư luôn để tránh lãng phí và nghiên cứu cơ chế sử dụng tiếp các nhà thầu thi công trước đó đã thực hiện tốt gói thầu của dự án).
Đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương chủ động đề xuất phương án (VEC chủ trì toàn bộ hoặc VEC hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước, đề xuất cơ chế, chính sách kèm theo) đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gửi Bộ Xây dựng trong ngày 02 tháng 6 năm 2025;
- Bộ Xây dựng tổ chức đánh giá và so sánh các phương án để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hiệu quả tối ưu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 6 năm 2025.
Như vậy, Chính phủ thống nhất mở rộng cao tốc Bắc Nam phía đông.
3 doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam phía Đông (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào được miễn thu phí cao tốc Bắc Nam?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định đối tượng miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc khi lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác bao gồm:
- Xe cứu thương.
- Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.
- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: Xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh, các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng), xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.
- Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân bao gồm:
+ Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;
+ Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;
+ Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;
+ Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;
+ Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng Công an nhân dân;
+ Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng Công an nhân dân);
+ Xe của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.
- Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:
+ Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: Xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);
+ Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: Xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).
- Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường.
- Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.
- Xe ô tô của lực lượng Công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 130/2024/NĐ-CP.
- Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.
- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.