Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề là gì?

Quy định về nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề là gì? Đất bị vây bọc bởi nhiều thửa đất của người khác và không có lối đi thì giải quyết thế nào?

Nội dung chính

    Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề là gì?

    Căn cứ tại Điều 248 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề là theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

    - Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

    - Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

    - Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

    (Hình từ Internet)

    Đất bị vây bọc bởi nhiều thửa đất của người khác và không có lối đi thì giải quyết thế nào?

    Căn cứ tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về lối đi qua khi có đất bị vây bọc bởi các thửa đất của người khác như sau:

    Quyền về lối đi qua
    1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
    Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
    Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
    3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

    Bên cạnh đó, tại Công văn 1083/VKSTC-V9 năm 2024 giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự có hướng dẫn như sau:

    Trường hợp bất động sản bị vây bọc bởi nhiều bất động sản khác và không có lối đi trong khi BLDS chỉ quy định quyền về lối đi đối với bất động sản “liền kề” thì giải quyết thế nào? (VKS Bà Rịa - Vũng Tàu)
    Trả lời:
    Khoản 1 Điều 254 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất...”.
    Do vậy, trường hợp này “bất động sản liền kề” không chỉ được hiểu là bất động sản ngay cạnh, sát cạnh mà còn được hiểu là các bất động sản vây bọc và việc mở lối đi bắt buộc phải đi qua các bất động sản này.

    Theo đó, đất bị vây bọc bởi nhiều thửa đất của người khác và không có lối đi, việc mở lối đi bắt buộc phải đi qua các thửa đất này thì người có đất bị vây bọc được quyền yêu cầu những người có đất vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

    Quyền đối với bất động sản liền kề là gì? Có những quyền đối với bất động sản liền kề nào?

    Căn cứ Mục I Chương XIV Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).

    Cụ thể, ngoài quyền về lối đi qua nêu trên còn có các quyền khác đối với bất động sản liền kề, bao gồm:

    - Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề:

    + Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

    + Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.

    - Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác:

    + Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu;

    + Người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó;

    + Nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.

    - Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề:

    Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    11