Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chủ sở hữu bất động sản liền kề có được tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới hay không?

Ranh giới giữa hai nhà liền kề được xác định như thế nào? Chủ bất động sản liền kề có được tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới hay không?

Nội dung chính

    Ranh giới giữa hai nhà liền kề được xác định như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa hai bất động sản liền kề như sau:

    Ranh giới giữa các bất động sản
    1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

    Theo đó, ranh giới giữa hai nhà liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

    Chủ sở hữu bất động sản liền kề có được tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới hay không?(Hình ảnh Internet)

    Chủ bất động sản liền kề có được tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới hay không?

    Căn cứ tại khoản 1 và khản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mốc giới ngăn cách các bất động sản liền kề như sau:

    Mốc giới ngăn cách các bất động sản
    1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
    2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
    Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

    Theo quy định trên, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản. Việc xây tường ngăn trên ranh giới phải thông qua sự thỏa thuận với chủ sở hữu bất động sản liền kề còn lại.

    Và trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

    Trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề tự ý xây dựng tường ngăn trên ranh giới đất không có sự đồng ý của các bên thì sẽ bị phạt như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 4 và khoản 5 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức phạt cho hành vi lấn đất, chiếm đất như sau:

    Lấn, chiếm đất
    ...
    4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
    5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Theo đó, trường hợp xây dựng tường ngăn cách trên ranh giới đất là hành vi lấn đất, chiếm đất, chủ sở hữu bất động sản liền kề khi có hành vi vi phạm lấn đất, chiếm đất sẽ bị phạt tiền như sau: 

    - Đối với trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

    + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta

    + Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta

    + Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta

    + Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta

    + Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

    Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với khu vực nông thôn và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức sẽ áp dụng mức phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP là bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính. 

    7