Người nước ngoài có được phép mua đất tại Việt Nam không?
Nội dung chính
Người nước ngoài có được phép mua đất tại Việt Nam không?
Đất đai là tài nguyên quan trọng của một quốc gia, tại Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý và trao quyền sử dụng.
Theo quy định Điều 4 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất, bao gồm:
(1) Tổ chức trong nước gồm:
+ Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
+ Tổ chức kinh tế trong nước;
(2) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
(3) Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam;
(4) Cộng đồng dân cư;
(5) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
(6) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
(7) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng theo Điều 28 Luật Đất đai 2024 thì nhận quyền sử dụng đất bao gồm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Điều này quy định chi tiết về những người được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo như các quy định trên thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vậy nên, người nước ngoài không được phép mua đất tại Việt Nam.
Người nước ngoài có được phép mua đất tại Việt Nam không? (Hình từ internet)
Trừ mua đất, người nước ngoài được mua những bất động sản nào ở Việt Nam?
Tuy không được phép mua đất ở Việt Nam, nhưng người nước ngoài vẫn được mua nhà ở tại Việt Nam. Theo Điều 17, Điều 18 Luật Nhà ở 2023 thì người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thông qua các hình thức:
- Mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, người nước ngoài để sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì những người này phải đáp ứng các điều kiện:
- Là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
- Không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 19 Luật Nhà ở 2023 số lượng nhà ở mà người nước ngoài được sở hữu tại Việt Nam tối đa là:
- Căn hộ: không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư;
- Nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề): không quá 250 căn nhà trên một khu vực có quy mô về dân số tương đương một phường.
Người Việt Nam có thể mua nhà do người nước ngoài sở hữu không?
Theo các văn bản pháp luật hiện hành hiện tại không cấm người Việt Nam mua lại nhà của người nước ngoài. Tuy nhiên, khi người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam, họ cần tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 20 Luật Nhà ở 2023, người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam thông qua mua bán, thuê mua, tặng cho, hoặc nhận thừa kế, nhưng thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm kể từ ngày cấp Sổ. Họ chỉ được gia hạn thêm 1 lần với thời hạn tối đa là 50 năm.
Vì vậy, nếu muốn bán nhà, người nước ngoài phải bán trong thời gian họ còn quyền sở hữu, và đối tượng mua lại phải thuộc diện được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nếu hết thời hạn sở hữu mà người nước ngoài chưa bán hoặc tặng cho, căn nhà đó sẽ được chuyển thành tài sản công.
Như vậy, người Việt Nam thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam có quyền mua lại nhà của người nước ngoài theo quy định pháp luật.