Chồng là người nước ngoài, vợ là người Việt Nam thì đất là tài sản chung hay riêng?
Nội dung chính
Người nước ngoài có được sở hữu nhà ở, bất động sản tại Việt Nam không?
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 17 Luật Nhà ở 2023, cá nhân là người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 16, khoản 3 Điều 18 và khoản 1 Điều 19 Luật Nhà ở 2023 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam không thuộc trường hợp được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự và được mua và sở hữu số lượng nhà tối đa trong một khu vực có quy mô tương đương phường là 250 căn nhà đối với nhà ở riêng lẻ, đối với chung cư thì không quá 30% số căn hộ của chung cư đó.
Cá nhân nước ngoài sẽ không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhà ở đó nằm trong khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, bao gồm các khu vực sau đây:
- Khu vực giáp ranh khu vực trọng yếu cần bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Khu vực giáp ranh các doanh trại, trụ sở của lực lượng vũ trang và khu vực nằm trong quy hoạch đất quốc phòng, an ninh;
- Khu vực giáp ranh trụ sở, nhà làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Đảng từ cấp tỉnh trở lên;
- Khu vực thuộc các xã, phường, thị trấn thuộc biên giới đất liền, biên giới biển, hải đảo theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh;
- Khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia;
- Khu vực người nước ngoài không được tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở, bất động sản tại Việt Nam khi đáp ứng được các yêu cầu về nhập cảnh đồng thời việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân nước ngoài sẽ bị giới hạn số lượng và phạm vi khu vực được sở hữu nhà ở.
Lưu ý: Theo khoản 1, khoản 4 Điều 3 và Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 thì người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch được tiến vào lãnh thổ Việt Nam thông qua cửa khẩu của Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực.
- Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng;
- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
- Đối với người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử thì cần phải đáp ứng các điều kiện trên, đồng thời việc nhập cảnh phải thông qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quy định.
Chồng là người nước ngoài, vợ là người Việt Nam thì đất là tài sản chung hay riêng? (Hình ảnh từ Internet)
Chồng là người nước ngoài nhưng đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân của nước nào?
Căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nêu rõ đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ áp dụng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác.
Theo đó, trường hợp chồng là người nước ngoài nhưng đăng ký kết hôn tại Việt Nam được xem là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Quan hệ hôn nhân và gia đình này sẽ áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam nếu như không có quy định khác.
Lưu ý, nếu như áp dụng pháp luật nước ngoài thì việc áp dụng này phải không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Chồng là người nước ngoài, vợ là người Việt Nam thì đất là tài sản chung hay riêng?
Như đã phân tích thì trường hợp này phải tuân theo pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam, trong đó có cả chế độ tài sản của vợ chồng, trừ khi có quy định khác.
Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có thể áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Đối với chế độ tài sản theo luật định sẽ được quy định như sau:
* Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản chung gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra;
- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng;
- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
* Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản riêng như sau:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Như vậy, đối với trường hợp này, đất có thể là tài sản chung hoặc riêng tùy nguồn gốc hoặc do hai bên thỏa thuận.
Đất là tài sản riêng của vợ/chồng nếu đất này có trước khi kết hôn và không có thể thuận đưa đất này vào tài sản chung của vợ chồng hoặc đất này được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân...
Đất là tài sản chung nếu đất này có được trong thời kỳ hôn nhân, được thỏa thuận là tài sản chung hoặc được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung...