Chủ sở hữu nhà chung cư đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ cho chung cư đó có được làm thành viên Ban quản trị không?
Nội dung chính
Ban quản trị nhà chung cư hoạt động theo nguyên tắc nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD, Ban quản trị nhà chung cư hoạt động theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có dưới 20 căn hộ nếu Hội nghị nhà chung cư quyết định thành lập Ban quản trị thì Ban quản trị hoạt động theo nguyên tắc sau:
(1) Nhà chung cư có một chủ sở hữu:
- Ban quản trị hoạt động theo mô hình tự quản theo quy chế hoạt động do Hội nghị nhà chung cư quyết định;
- Ban quản trị thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 147 và khoản 2 Điều 148 Luật Nhà ở 2023;
(2) Nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu:
Ban quản trị có con dấu và tài khoản để hoạt động theo quy chế hoạt động của Ban quản trị được Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Thứ hai, Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên thì Ban quản trị hoạt động theo nguyên tắc sau:
Ban quản trị có con dấu và tài khoản để hoạt động theo quy chế hoạt động của Ban quản trị được Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Chủ sở hữu nhà chung cư đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ cho chung cư đó có được làm thành viên Ban quản trị không? (Hình từ Internet)
Chủ sở hữu nhà chung cư đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ cho chung cư đó có được làm thành viên Ban quản trị không?
Tại khoản 1 Điều 20 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD nêu rõ đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị; thành viên Ban quản trị bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án không cử đại diện tham gia Ban quản trị. Đồng thời, đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành viên Ban quản trị là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên thì pháp luật về nhà ở chỉ giới hạn các đối tượng tham gia Ban quản trị là đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, pháp luật không cấm nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ cho chung cư đồng thời là chủ sở hữu nhà chung cư đó không được phép là thành viên Ban quản trị. Do đó, nếu nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ nhà chung cư đồng thời là chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu, họ hoàn toàn có quyền ứng cử vào Ban quản trị. Việc trở thành thành viên Ban quản trị sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu chọn tại Hội nghị nhà chung cư.
Thành viên Ban quản trị nhà chung cư chết thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD, trường hợp sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà có thành viên Ban quản trị nhà chung cư chết thì xử lý như sau:
(1) Ban quản trị tòa nhà chung cư
- Trường hợp thiếu 01 thành viên thì Ban quản trị vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được thành viên Ban quản trị mới và được công nhận theo quy định tại Điều 23 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD;
- Trường hợp thiếu từ 02 thành viên trở lên thì thành viên Ban quản trị còn lại phải tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư theo quy định tại Điều 16 hoặc Điều 17 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD để bầu bổ sung các thành viên còn thiếu;
(2) Ban quản trị cụm nhà chung cư
- Trường hợp thiếu 02 thành viên thì Ban quản trị vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được thành viên Ban quản trị mới và được công nhận theo quy định tại Điều 23 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD;
- Trường hợp thiếu từ 03 thành viên trở lên thì các thành viên Ban quản trị còn lại phải tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư theo quy định tại Điều 16 hoặc Điều 17 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD để bầu bổ sung các thành viên còn thiếu;
(3) Trường hợp thiếu thành viên quy định tại (1) và (2) là Trưởng ban
Phó ban quản trị nhà chung cư đó thực hiện nhiệm vụ của Trưởng ban cho đến khi bầu được Trưởng ban quản trị mới; trường hợp Ban quản trị có 02 Phó ban thì phải thống nhất cử 01 Phó ban làm nhiệm vụ của Trưởng ban;
(4) Trường hợp Ban quản trị của tòa nhà chung cư thiếu 02 thành viên hoặc Ban quản trị cụm nhà chung cư thiếu từ 03 thành viên trở lên mà trong thời gian chưa bầu bổ sung và chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận
- Các thành viên còn lại của Ban quản trị phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư để phối hợp thực hiện các công việc của Ban quản trị.
- Trường hợp thiếu Phó ban quản trị do chủ đầu tư cử tham gia thì Ban quản trị có văn bản đề nghị chủ đầu tư cử thành viên khác thay thế; nếu chủ đầu tư không cử thành viên thay thế thì Ban quản trị tổ chức bầu bổ sung thành viên khác theo quy định tại điểm a khoản 3 hoặc điểm a khoản 4 Điều 26 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD.