Ban quản trị nhà chung cư phải đáp ứng các yêu cầu về thành viên như thế nào?
Nội dung chính
Ban quản trị nhà chung cư được thành lập trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì nhà chung cư được định nghĩa là nhà ở có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 146 Luật Nhà ở 2023 thì việc thành lập ban quản trị nhà chung cư sẽ được thực hiện như sau:
- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có thể thống nhất quyết định việc thành lập ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập ban quản trị nhà chung cư. Nếu thành lập ban quản trị nhà chung cư thì có hai trường hợp như sau:
+ Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu, thành phần ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư;
+ Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, thành phần ban quản trị nhà chung cư thực hiện như việc thành lập ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên.
- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập ban quản trị nhà chung cư với thành phần bao gồm: Đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư.
Như vậy, nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập ban quản trị nhà chung cư.
Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì không bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư. Nếu chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập ban quản trị nhà chung cư thì mới thành lập.
Ban quản trị nhà chung cư phải đáp ứng các yêu cầu về thành viên như thế nào?(Hình Internet)
Yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư là gì?
Căn cứ theo Điều 20 Quy chế Quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD thì yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư bao gồm:
- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên thì thành viên ban quản trị bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án không cử đại diện tham gia ban quản trị.
- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành viên ban quản trị là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư.
- Thành viên ban quản trị nhà chung cư phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong vòng không quá 03 tháng, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền công nhận ban quản trị theo quy định của pháp luật.
- Khuyến khích tham gia ban quản trị nhà chung cư đối với các đối tượng sau: Người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy, chữa cháy.
- Trường hợp thành viên ban quản trị là người nước ngoài thì trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của ban quản trị phải sử dụng được tiếng Việt.
Như vậy, thành viên ban quản trị nhà chung cư phải đáp ứng các yêu cầu nêu trên, quan trọng là việc tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
Ban quản trị nhà chung cư có quyền hạn như thế nào?
Theo Điều 147 Luật Nhà ở 2023 thì ban quản trị nhà chung cư sẽ có những quyền hạn sau đây:
- Ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu:
+ Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập và có văn bản đề nghị bàn giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì;
+ Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư theo quy định của pháp luật;
+ Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;
+ Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư;
+ Yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao hồ sơ nhà chung cư; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế bàn giao hồ sơ nhà chung cư;
+ Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.
- Ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư thuộc tài sản công:
+ Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
+ Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.
- Ban quản trị nhà chung cư đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu khác:
+ Được hưởng thù lao trách nhiệm và chi phí khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị nhà chung cư
+ Thực hiện công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái quy định của pháp luật.