Bảng giá đất được xây dựng theo các tiêu chí nào?

Bảng giá đất được xây dựng theo các tiêu chí nào? Khi xây dựng bảng giá đất thì xác định vị trí đất như thế nào? Người dân được quyền tiếp cận thông tin về bảng giá đất không?

Nội dung chính

    Bảng giá đất được xây dựng theo các tiêu chí nào? Khi xây dựng bảng giá đất thì xác định vị trí đất như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Bảng giá đất
    ...
    2. Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
    ...

    Như vậy, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực và vị trí.

    Trong đó, việc xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất được quy định tại Điều 20 Nghị định 71/2024/NĐ-CP, theo đó:

    (1) Căn cứ xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất

    - Đối với nhóm đất nông nghiệp: Vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất được xác định theo từng khu vực và thực hiện như sau:

    Vị trí 1 là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất;

    Các vị trí tiếp theo là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.

    - Đối với đất phi nông nghiệp: Vị trí đất được xác định gắn với từng đường, đoạn đường, phố, đoạn phố (đối với đất ở tại đô thị, đất thương mại, dịch vụ tại đô thị, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị), đường, đoạn đường hoặc khu vực (đối với các loại đất phi nông nghiệp) và căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực và thực hiện như sau:

    Vị trí 1 là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất;

    Các vị trí tiếp theo là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.

    (2) Căn cứ quy định nêu trên và tình hình thực tế tại địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí cụ thể để xác định vị trí đối với từng loại đất, số lượng vị trí đất trong bảng giá đất. Đối với thửa đất, khu đất có yếu tố thuận lợi hoặc kém thuận lợi trong việc sử dụng đất, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định tăng hoặc giảm mức giá như sau:

    - Đối với đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ; đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường thì căn cứ vào thực tế tại địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn;

    - Đối với thửa đất ở có các yếu tố thuận lợi hơn hoặc kém thuận lợi hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất so với các thửa đất ở có cùng vị trí đất trong bảng giá đất, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định tăng hoặc giảm mức giá.

    Khi xây dựng bảng giá đất thì xác định vị trí đất như thế nào?

    Khi xây dựng bảng giá đất thì xác định vị trí đất như thế nào? (Hình từ Internet)

    Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí thế nào?

    Căn cứ vào Điều 23 Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định xây dựng dự thảo bảng giá đất, dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí đất như sau:

    Xây dựng dự thảo bảng giá đất, dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí đất
    1. Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí đất thực hiện theo mẫu biểu từ Mẫu số 12 đến Mẫu số 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
    2. Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí gồm các nội dung chủ yếu sau:
    a) Đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn cấp tỉnh;
    b) Đánh giá tình hình và kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất trên địa bàn cấp tỉnh; kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành;
    c) Đánh giá sự phù hợp hoặc chưa phù hợp của giá đất trong dự thảo bảng giá đất so với kết quả điều tra giá đất điều tra;
    d) Việc quy định khu vực, vị trí đất; áp dụng các phương pháp định giá đất và mức giá các loại đất trong dự thảo bảng giá đất; các phương án giá các loại đất (nếu có);
    đ) Đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đến tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai và thu nhập, đời sống của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

    Như vậy, theo căn cứ trên thì việc báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí được thực hiện theo biểu mẫu và đảm bảo các nội dung luật định.

    Người dân được quyền tiếp cận thông tin về bảng giá đất không?

    Căn cứ vào Điều 24 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai như sau:

    Quyền tiếp cận thông tin đất đai
    1. Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
    a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
    b) Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai;
    c) Giao đất, cho thuê đất;
    d) Bảng giá đất đã được công bố;
    đ) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
    g) Thủ tục hành chính về đất đai;
    h) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
    i) Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
    2. Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, với thông tin bảng giá đất đã được công bố thì thuộc quyền tiếp cận của người dân.

    15