Đóng 1 cọc 1 là gì? Trả trọ trước hạn có lấy lại tiền cọc được không?
Nội dung chính
Đóng 1 cọc 1 là gì?
“Đóng 1 cọc 1” là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực thuê trọ, đặc biệt tại các khu vực đô thị và sinh viên. Cụm từ này ám chỉ hình thức thanh toán mà người thuê nhà trả trước một khoản tiền đặt cọc tương đương với một tháng tiền thuê và thanh toán tiền thuê nhà hàng tháng.
Ví dụ: Nếu tiền thuê trọ hàng tháng là 3 triệu đồng, người thuê sẽ trả trước 3 triệu đồng làm tiền cọc và 3 triệu đồng cho tháng đầu tiên. Tổng cộng, người thuê sẽ thanh toán 6 triệu đồng khi bắt đầu hợp đồng thuê nhà.
Hình thức "Đóng 1 cọc 1" nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong hợp đồng thuê:
- Đối với chủ: Khoản tiền cọc là sự đảm bảo cho việc người thuê sẽ tuân thủ các điều khoản hợp đồng, như không phá hoại tài sản, không vi phạm quy định và thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Đối với người thuê: Hình thức này giúp người thuê không phải trả trước nhiều tháng tiền thuê, giảm áp lực tài chính ban đầu. Đồng thời, nếu tuân thủ đúng hợp đồng, người thuê sẽ được hoàn trả tiền cọc khi kết thúc hợp đồng.
Đóng 1 cọc 1 là gì? Trả trọ trước hạn có lấy lại tiền cọc được không? (Hình từ Internet)
Đóng 1 cọc 1 thì người thuê trọ cần lưu ý những gì?
Khi đóng 1 cọc 1, người thuê trọ cần đặc biệt lưu ý một số điểm quan trọng để tránh rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình. Dưới đây là những điều cần lưu ý:
(1) Xác minh rõ số tiền cọc và mục đích sử dụng
- Khoản tiền cọc không phải là tiền thuê, mà là tiền bảo đảm, thường dùng để bù đắp nếu người thuê gây hư hỏng tài sản hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng hạn.
- Cần thỏa thuận rõ ràng trường hợp nào thì bị mất cọc, và điều kiện để hoàn trả đầy đủ tiền cọc khi kết thúc hợp đồng.
(2) Lập hợp đồng thuê rõ ràng, có điều khoản hoàn cọc
- Nên yêu cầu hợp đồng thuê nhà bằng văn bản (không chỉ thỏa thuận miệng).
- Hợp đồng nên ghi cụ thể:
+ Số tiền cọc;
+ Thời hạn thuê;
+ Thời gian thông báo trước khi rời đi;
+ Điều kiện nhận lại tiền cọc;
+ Cam kết về tình trạng bàn giao tài sản, nội thất.
(3) Yêu cầu biên nhận hoặc chứng từ rõ ràng
- Khi giao tiền cọc và tiền thuê, nên có biên nhận viết tay hoặc giấy tờ có chữ ký hai bên.
- Nếu chuyển khoản, giữ lại bằng chứng giao dịch (sao kê, ảnh chụp màn hình...).
(4) Khảo sát kỹ tình trạng phòng trước khi cọc
- Trước khi đồng ý đóng tiền cọc, hãy kiểm tra kỹ phòng trọ, vị trí, tiện ích, an ninh khu vực.
- Nếu có hư hỏng hoặc điểm chưa hài lòng, cần yêu cầu sửa chữa hoặc ghi rõ trong biên bản bàn giao.
(5) Không đóng cọc nếu chưa rõ thông tin chủ nhà
- Tránh tình trạng lừa đảo hoặc người cho thuê không có quyền hợp pháp, cần kiểm tra giấy tờ tùy thân và chứng minh chủ sở hữu (hoặc được ủy quyền hợp lệ).
- Có thể đề nghị xem giấy tờ nhà/đất hoặc hợp đồng ủy quyền nếu người đứng tên không phải chủ nhà.
Trả trọ trước hạn có lấy lại tiền cọc được không?
Căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức đặt cọc như sau:
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Việc trả trọ trước hạn có lấy lại tiền cọc hay không phụ thuộc vào các trường hợp sau:
(1) Có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng thuê trọ trước hạn
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 171 Luật Nhà ở 2023, hợp đồng thuê trọ chấm dứt nếu hai bên có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng, trong trường hợp này thì sẽ xác định là hợp đồng đã thực hiện xong. Theo đó, nếu bên thuê trọ trả trọ trước hạn theo sự thỏa thuận giữa hai bên thì sẽ đòi lại được tiền đặt cọc.
(2) Bên thuê trọ tự ý chấm dứt hợp đồng thuê trọ và trả trọ trước hạn
Căn cứ khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu bên thuê trọ tự ý chấm dứt hợp đồng thuê trọ và trả trọ trước hạn thì được xem là hành vi từ chối thực hiện hợp đồng. Vì vậy, bên thuê trọ sẽ không thể đòi lại tiền đặt cọc, trừ các trường hợp bên thuê trọ được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 như:
- Bên cho thuê trọ không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
- Bên cho thuê trọ tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
- Khi quyền sử dụng trọ bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Lưu ý: Bên thuê trọ khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê trọ phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên cho thuê trọ biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.