Cầu Trần Hưng Đạo Hà Nội bao giờ khởi công? Cầu Trần Hưng Đạo kết nối những khu vực nào?
Nội dung chính
Cầu Trần Hưng Đạo Hà Nội bao giờ khởi công?
Tại Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2025 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương có nêu như sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
...
k) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành thủ tục theo quy định của pháp luật để bảo đảm đủ điều kiện khởi công dự án Cầu Tứ Liên vào ngày 19 tháng 5 năm 2025, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 2025 (19/8/2025 - 02/9/2025).
...
Bên cạnh đó, tại Chỉ thị 03/CT-UBND năm 205 do Thành phố Hà Nội ban hành có nêu về tiến độ khởi công một số công trình, dự án trong năm 2025 như sau:
[4] Tiến độ khởi công một số công trình, dự án trong năm 2025: (1) Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (tháng 9/2025); (2) Bệnh viện Thận Hà Nội cơ sở 2 (tháng 11/2025); (3) Cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu; (4) Cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà (Tháng 11/2025); (5) Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Tháng 10/2025); (6) Đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc; (7) Tuyến đường Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính (đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn – Tam Chúc) (Tháng 4/2025); (8) Cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (ngày 19/5/2025); (9) Cầu Trần Hưng Đạo và (10) Cầu Ngọc Hồi (tiếp theo sau cầu Tứ Liên); (11) cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32 (Tháng 6/2025); (12) Đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm).
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu khởi công cầu Tứ Liên vào ngày 19/5/2025, sau đó là cầu Trần Hưng Đạo. Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã đề xuất khởi công xây dựng cầu Trần Hưng Đạo vào ngày 19/8/2025.
Cầu Trần Hưng Đạo Hà Nội bao giờ khởi công? Cầu Trần Hưng Đạo kết nối những khu vực nào? (Hình từ Internet)
Cầu Trần Hưng Đạo kết nối những khu vực nào?
Dự án cầu Trần Hưng Đạo gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,5km, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Cụ thể, cây cầu này sẽ nối các khu vực sau:
(1) Hai điểm kết nối chính của cầu Trần Hưng Đạo:
- Phía Tây (hữu ngạn sông Hồng – trung tâm Hà Nội):
- Điểm đầu cầu thuộc quận Hoàn Kiếm, gần khu vực phố Trần Hưng Đạo – khu trung tâm cũ, có nhiều cơ quan hành chính và di tích lịch sử.
- Cầu giúp kết nối trực tiếp các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Trần Quang Khải, và Đê Hữu Hồng.
(2) Phía Đông (tả ngạn sông Hồng – Long Biên):
- Điểm cuối cầu thuộc địa bàn quận Long Biên, cụ thể là khu vực gần Ngọc Lâm, Ngọc Thụy, gần cầu Long Biên và cầu Chương Dương hiện hữu.
- Từ đây, cầu sẽ kết nối dễ dàng đến các trục đường như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Cổ Linh, và xa hơn là quốc lộ 5 đi Hải Phòng.
Thời gian thi công đối với dự án cầu Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ kéo dài 30 tháng, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2028.
Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định gì?
Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:
(1) Phù hợp với quy hoạch;
(2) Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường và có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn;
(3) Công trình đường bộ có thể phân kỳ theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư;
(4) Trường hợp đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ liên quan đến đê, hành lang bảo vệ nguồn nước, lòng, bờ, bãi sông, hồ phải bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đê điều và an toàn đê điều; bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, không gây cản trở dòng chảy; hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
Lưu ý: Ngoài các quy định trên thì việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ còn phải đảm bảo các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước, và quy định khác của pháp luật có liên quan.