Luật Đường bộ 2024

Số hiệu 35/2024/QH15
Ngày ban hành 27/06/2024
Ngày có hiệu lực 01/01/2025
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 35/2024/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2024

 

LUẬT

ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động đường bộ bao gồm: hoạt động về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ.

2. Đường bộ bao gồm: đường, cầu đường bộ, cống đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ, đường cứu nạn và các công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ.

3. Công trình đường bộ bao gồm: đường bộ; công trình phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác đường bộ; công trình thuộc hệ thống quản lý giao thông thông minh; nhà hạt quản lý đường bộ; kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe; trạm thu phí và các công trình khác của đường bộ.

4. Kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; điểm dừng xe, đỗ xe; đất của đường bộ; hành lang an toàn đường bộ và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.

5. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

6. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã.

7. Người quản lý, sử dụng đường bộ là chủ sở hữu trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác công trình đường bộ.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động đường bộ

1. Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.

2. Phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.

3. Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Điều 4. Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ

1. Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;

b) Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

c) Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

[...]