Trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên vận hành khai thác công trình đường bộ được quy định ra sao?

Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên vận hành khai thác công trình đường bộ có những trách nhiệm được quy định cụ thể như thế nào?

Nội dung chính

    Trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên vận hành khai thác công trình đường bộ được quy định ra sao?

    Trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ  được quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2019/TT-BGTVT quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo đó: 

    - Bố trí thực hiện tuần đường theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; trang bị phương tiện, thiết bị cho nhân viên tuần đường thực hiện nhiệm vụ.

    - Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường; xử lý, thay thế nhân viên tuần đường không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này.

    - Xử lý các kiến nghị của nhân viên tuần đường ghi trong sổ Nhật ký tuần đường hoặc báo cáo người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra giao thông (nếu cần thiết), công an để xử lý. Trong trường hợp khẩn cấp, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và vận hành khai thác công trình đường bộ phải huy động mọi lực lượng để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

    - Tổ chức sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp của công trình đường bộ theo đề xuất của nhân viên tuần đường. Trường hợp hư hỏng, xuống cấp nằm ngoài phạm vi hợp đồng quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình thì báo cáo kịp thời với người quản lý sử dụng công trình đường bộ để có biện pháp sửa chữa, khắc phục.

    - Tham gia xử lý tai nạn giao thông, xử lý khắc phục ùn tắc giao thông, sự cố mất an toàn giao thông, sự cố xảy ra đối với công trình đường bộ.

    - Tham gia xử lý khắc phục bão lũ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

    - Phối hợp với người quản lý sử dụng công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra và công an trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

    - Hàng tháng, báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ các nội dung sau:

    + Việc thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác trong tháng; công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng;

    + Tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình, các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của các hạng mục: mặt đường, nền và lề đường; hệ thống an toàn giao thông; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thoát nước: cống, mương, rãnh thoát nước, ngầm, tràn; công trình bảo vệ nền đường, chỉnh trị dòng chảy; mố, trụ, kết cấu nhịp, gối, khe co giãn và các bộ phận của cầu; vỏ, thân, cửa hầm, bộ phận thu thoát nước và các bộ phận khác của hầm; các thiết bị lắp đặt vào công trình, các công trình bến phà và các hạng mục công trình khác thuộc phạm vi quản lý;

    + Các vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với người, phương tiện tham gia giao thông; các hạng mục công trình bị hư hỏng, giá trị hư hỏng do tai nạn giao thông; các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến phát sinh nhưng chưa được xử lý;

    + Các vụ vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát sinh trong tháng, các vụ đã xử lý, chưa xử lý.

    Trên đây là tư vấn về trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 04/2019/TT-BGTVT.

    20