Thời hạn thi hành quyết định thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

Sau khi thi hành án cấp huyện ra quyết định thi hành án dân sự, thì quyết định này có hiệu lực trong bao lâu? Nếu quá thời gian thi hành án khá lâu vẫn chưa thi hành án thì bên được thi hành án có quyền khiếu nại cơ quan thi hành án nào?

Nội dung chính

    Thời hạn thi hành quyết định thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

    1. Hiệu lực quyết định thi hành bản án tồn tại kể từ khi được ban hành cho tới khi kết thúc thi hành án.

    Điều 52 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định việc thi hành án dân sự kết thúc trong những trường hợp sau đây:

    a. Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;

    b. Có quyết định đình chỉ thi hành án;

    c. Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.

    Quyết định đình chỉ thi hành án được ban hành khi xảy ra một trong những trường hợp như sau:

    a. Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

    b. Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

    c. Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

    d. Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

    e. Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

    f. Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

    g. Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

    h. Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.

    2. Thời hạn ra quyết định cưỡng chế thi hành án

    Trước khi ra quyết định cưỡng chế thi hành án, cơ quan thi hành án phải thực hiện các thủ tục như ra quyết định thi hành án, bổ nhiệm chấp hành viên, thông báo, xác minh khả năng thi hành án của người có nghĩa vụ… Thời hạn thực hiện công việc này và ra quyết định thi hành án được quy định như sau:

    - Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

    - Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

    - Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay. Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.

    - Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

    - Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

    Hoãn thi hành án:

    Việc hoãn thi hành án được quy định tại Điều 48 Luật thi hành án dân sự 2008  như sau: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

    a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

    b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

    c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

    d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lýđểgiải quyết;

    đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.

    II. Nếu đương sự nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm trong quá trình thi hành án thì có quyền khiếu nại theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự như sau:

    Khoản 1 Điều 140 quy định: Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Về thời hạn Khiếu nại được quy định tại Khỏan 2 điều này như sau:

    a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

    b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong toả tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;

    Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

    c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;

    d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.

    Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.

    Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

     

    10