Người thuê trọ chấm dứt hợp đồng thuê trọ trước thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng thì có được chủ trọ trả tiền cọc đã đặt cọc trước đó không?
Nội dung chính
Người thuê trọ chấm dứt hợp đồng thuê trọ trước thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng thì có được chủ trọ trả tiền cọc đã đặt cọc trước đó không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Đặt cọc
...
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo các quy định đã nêu ở trên, nếu bên đặt cọc (trong trường hợp này là người thuê trọ) từ chối thực hiện hợp đồng, thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc (chủ trọ). Điều này có nghĩa là chủ trọ không có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền đã đặt cọc trước đó. Tuy nhiên, nếu trước đó giữa hai bên có thỏa thuận khác về việc xử lý tiền đặt cọc trong hợp đồng, thì việc trả lại tiền cọc sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đã được thống nhất trong hợp đồng đã giao kết trước đó. Trong trường hợp này, việc trả lại tiền cọc có thể được thực hiện toàn bộ, một phần, hoặc không trả lại tùy theo các điều khoản đã được hai bên đồng ý và ghi rõ trong hợp đồng.
Người thuê trọ có bắt buộc phải đặt cọc không? Chấm dứt hợp đồng thuê trọ trước thời hạn thì có được chủ trọ trả tiền cọc không? (Hình ảnh từ Internet)
Người thuê trọ có bắt buộc phải đặt cọc khi đi thuê trọ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Theo các quy định trên, việc đặt cọc không phải là một yêu cầu bắt buộc trong hợp đồng thuê trọ. Thay vào đó, đặt cọc được xem như một biện pháp bảo đảm nhằm đảm bảo sự nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Do đó, khi thuê trọ, việc có yêu cầu đặt cọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người thuê trọ và chủ trọ.
Việc đặt cọc chủ yếu nhằm mục đích đảm bảo rằng các bên trong hợp đồng sẽ thực hiện đầy đủ và đúng nghĩa vụ của mình. Đây là cách để bảo vệ quyền lợi của cả người thuê trọ và chủ trọ, tạo ra một cơ sở vững chắc cho việc thực hiện hợp đồng mà không xảy ra tranh chấp. Nếu các bên có sự thỏa thuận rõ ràng về việc đặt cọc trong hợp đồng, điều này sẽ giúp tăng cường tính ràng buộc khi giao kết hợp đồng để thuê trọ.
Do đó, việc có hay không có đặt cọc không phụ thuộc vào sự tự nguyện và thỏa thuận giữa hai bên, nhờ đó phản ánh mức sự nghiệm túc khi thực hiện hợp đồng cũng như ràng buộc các bên trong việc thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
Người thuê trọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chủ trọ tự ý tăng giá thuê không có thỏa thuận trong hợp đồng?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
...
3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
Như quy định trên, có thể thấy trong thời hạn thuê trọ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì người thuê trọ có quyền đơn phương chấm dứt khi thuộc 03 trường hợp trên. Vậy nên, việc chủ trọ tự ý tăng giá thuê bất hợp lý không có trong thỏa thuận hợp đồng trước đó không chỉ vi phạm quyền lợi của người thuê trọ mà còn là điều kiện để người thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách hợp pháp. Điều này đảm bảo rằng các điều khoản và điều kiện của hợp đồng được thực hiện đúng như đã thỏa thuận và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả hai bên.