Người thuê phòng trọ khi làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm gì?

Người thuê phòng trọ khi làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm gì? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại do người thuê nhà trọ gây ra?

Nội dung chính

    Người thuê phòng trọ khi làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về nghĩa vụ của người thuê phòng trọ bao gồm:

    Nghĩa vụ của bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn
    1. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
    a) Thanh toán đủ tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng theo thời hạn và phương thức thỏa thuận trong hợp đồng;
    b) Nhận nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng và hồ sơ có liên quan theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng;
    c) Thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng; phối hợp với bên bán, cho thuê, cho thuê mua thực hiện các thủ tục mua bán, thuê, thuê mua trong thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng;
    d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

    Theo đó, trong các nghĩa vụ mà người thuê phòng trọ cần thực hiện có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

    Ngoài ra, căn cứ theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

    Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
    1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
    3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
    4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
    5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

    Như vậy, nếu người thuê phòng trọ làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời do lỗi của mình gây ra.

    Thiệt hại thực tế phải được bồi thường theo thỏa thuận, có thể bằng tiền, hiện vật hoặc công việc và có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc lỗi vô ý, và thiệt hại quá lớn so với khả năng.

    Người thuê phòng trọ khi làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm gì?

    Người thuê phòng trọ khi làm hư hỏng phòng trọ thì có trách nhiệm gì? (Hình từ Internet)

    Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại do người thuê nhà trọ gây ra?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:

    Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
    1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
    a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
    b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

    c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

    ...

    Dẫn chiếu đến Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về các loại giao dịch dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của Ủy ban nhân dân cấp huyện bao gồm:

    Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
    1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
    2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
    3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
    4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.
    5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
    6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
    8. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
    9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
    10. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
    11. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
    12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
    13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
    14. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
    ...

    Đồng thời căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

    Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
    1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

    a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

    ...

    Theo như các quy định trên, Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người phải bồi thường thiệt hại là cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại do người thuê nhà trọ gây ra.

    Bên cho thuê phòng trọ có các quyền gì?

    Trong quá trình cho thuê phòng trọ, bên cho thuê có các quyền được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bao gồm:

    - Yêu cầu bên thuê nhận tài sản đúng hạn: Yêu cầu bên thuê nhận nhà, công trình hoặc diện tích đúng thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng.

    - Yêu cầu thanh toán tiền đúng hạn: Yêu cầu bên thuê thanh toán đủ tiền thuê đúng thời hạn và theo phương thức đã thỏa thuận.

    - Yêu cầu bảo quản tài sản: Yêu cầu bên thuê bảo quản và sử dụng nhà, công trình hoặc diện tích theo thỏa thuận trong hợp đồng.

    - Yêu cầu bồi thường thiệt hại: Yêu cầu bên thuê bồi thường hoặc sửa chữa phần hư hỏng do bên thuê gây ra.

    - Cải tạo, nâng cấp tài sản cho thuê: Được phép cải tạo hoặc nâng cấp nhà, công trình hoặc diện tích cho thuê khi có sự đồng ý của bên thuê, nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng của bên thuê.

    - Yêu cầu giao lại tài sản khi hết thời gian thuê: Yêu cầu bên thuê giao lại nhà, công trình hoặc diện tích khi hết thời hạn thuê. Nếu hợp đồng không quy định thời gian thuê, bên cho thuê phải thông báo trước 6 tháng.

    - Đơn phương chấm dứt hợp đồng: Có quyền chấm dứt hợp đồng nếu bên thuê vi phạm các điều khoản, như: chậm thanh toán tiền thuê quá 3 tháng, sử dụng tài sản không đúng mục đích, cố ý gây hư hỏng nghiêm trọng, hoặc sửa chữa, cho thuê lại mà không có sự đồng ý của bên cho thuê.

    - Các quyền khác theo hợp đồng: Các quyền khác do hợp đồng quy định.

    24