Bên cho thuê nhà trọ có nghĩa vụ bảo trì, sửa chữa nhà trọ không? Nếu không sửa chữa thì có phải bồi thường thiệt hại không?
Nội dung chính
Bên cho thuê nhà trọ có nghĩa vụ bảo trì, sửa chữa nhà trọ không? Nếu không sửa chửa thì có phải bồi thường thiệt hại không?
Căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định về nghĩa vụ của bên cho thuê nhà ở:
Nghĩa vụ của bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn
1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
...
đ) Làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giao giấy chứng nhận và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng;
e) Bên cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng bảo đảm cho bên thuê sử dụng ổn định trong thời hạn thuê; bảo trì, sửa chữa theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận; nếu bên cho thuê không bảo trì, sửa chữa mà gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường;
...
Như vậy, bên cho thuê nhà có nghĩa vụ bảo trì, sửa chữa nhà trọ theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận. Nếu bên cho thuê không bảo trì, sửa chữa nhà trọ mà gây ra thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường thiệt hại.
Bên cho thuê nhà trọ có nghĩa vụ bảo trì, sửa chữa nhà trọ không? Nếu không sửa chửa thì có phải bồi thường thiệt hại không? (Hình từ Internet)
Bên thuê nhà trọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên cho thuê trọ không thực hiện sửa chữa, bảo trì không?
Căn cứ theo điêm a khoản 3 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
...
3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.
...
Như vậy, bên thuê nhà trọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nếu bên cho thuê trọ không thực hiện nghĩa vụ sửa chữa, bảo trì để xảy ra hư hỏng nặng.
Ai có nghĩa vụ sửa chữa những hư hỏng mà do bên thuê nhà trọ gây ra?
Căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 21 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định về nghĩa vụ của bên thuê nhà ở như sau:
Nghĩa vụ của bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn
...
4. Ngoài các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này, bên thuê nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
a) Phải sửa chữa hư hỏng của nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng do lỗi của mình gây ra; trả lại nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng cho bên cho thuê theo thỏa thuận trong hợp đồng; không được thay đổi, cải tạo, phá dỡ nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng nếu không có sự đồng ý của bên cho thuê;.
...
Như vậy, bên thuê nhà trọ sẽ có nghĩa vụ sửa chữa hư hỏng đối với căn nhà trọ do lỗi của mình gây ra.
Hợp đồng thuê nhà trọ phải có những nội dung gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023, quy định về hợp đồng thuê nhà trọ phải có những nội dung sau:
(1) Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
(2) Mô tả đặc điểm của nhà trọ giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà trọ đó.
(3) Giá giao dịch nhà trọ nếu hợp đồng thuê nhà có thỏa thuận về giá; trường hợp cho thuê nhà trọ mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
(4) Thời hạn và phương thức thanh toán tiền thuê nhà trọ;
(5) Thời gian giao nhận nhà trọ; thời hạn cho thuê nhà trọ;
(6) Quyền và nghĩa vụ của các bên.
(7) Cam kết của các bên;
(8) Thỏa thuận khác;
(9) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
(10) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
(11) Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.