Lập thiết kế, dự toán xây dựng công trình trong Công an nhân dân được quy định thế nào?
Nội dung chính
Lập thiết kế, dự toán xây dựng công trình trong Công an nhân dân được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 65/2011/TT-BCA thì Chủ đầu tư căn cứ vào dự toán đầu tư xây dựng công trình và kế hoạch đấu thầu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức lập thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Trường hợp không đủ năng lực thì thuê tổ chức tư vấn thiết kế có đủ năng lực lập thiết kế, dự toán theo quy định.
Việc thiết kế xây dựng công trình trong Công an nhân dân được thực hiện theo các bước thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo quy định Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế (nếu có).
Đối với công trình phải thực hiện thiết kế 2 bước trở lên, các bước thiết kế tiếp theo phải tuân thủ thiết kế cơ sở và chỉ được triển khai thực hiện trên cơ sở bước thiết kế đã được phê duyệt. Trường hợp thiết kế ở các bước sau thiết kế cơ sở trái với quy định trên thì phương án dự kiến thay đổi phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi chủ đầu tư phê duyệt.
Nội dung của thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
- Nội dung của thiết kế kỹ thuật phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
+ Phù hợp với thiết kế cơ sở được duyệt;
+ Giải pháp kết cấu công trình phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dự án được duyệt và phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật;
+ Lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quy phạm (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
+ Tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
+ Đủ căn cứ để triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công.
- Nội dung của thiết kế bản vẽ thi công phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
+ Phù hợp với thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật được duyệt ở bước trước đó;
+ Giải pháp kết cấu công trình phải bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dự án được duyệt và phù hợp tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật;
+ Lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quy phạm (đối với công trình có yêu cầu công nghệ);
+ Tuân thủ quy định về môi trường, phòng cháy, chữa cháy;
+ Bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.
- Nội dung của dự toán phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
+ Các công việc trong dự toán phải được áp dụng đúng, đủ các định mức theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, đơn giá xây dựng cơ bản của địa phương. Đối với các việc mà đơn giá không có trong định mức đơn giá của địa phương thì phải xây dựng đơn giá trên cơ sở thông báo giá do liên Sở Xây dựng - Tài chính của địa phương phát hành, báo giá của các nhà cung cấp hoặc giá áp dụng đối với công trình tại khu vực lân cận đã được cấp thẩm quyền phê duyệt;
+ Giá trị tổng dự toán xây dựng công trình, giá trị dự toán hạng mục công trình phải được tính đúng, đủ các chi phí;
+ Nội dung các chi phí thuộc giá trị tổng dự toán xây dựng công trình, giá trị dự toán hạng mục công trình phải phù hợp theo nội dung các chi phí đầu tư tại quyết định phê duyệt dự án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
+ Tổng dự toán công trình không được vượt tổng mức đầu tư được duyệt;
+ Trường hợp công trình có tính tới chi phí vận chuyển vật tư, vật liệu, đối với mỗi loại vật tư, vật liệu phải thể hiện rõ: phương thức vận chuyển, cự ly vận chuyển, đơn giá vận chuyển, bậc hàng, hệ số điều chỉnh bậc hàng, loại đường và hệ số trọng lượng, hệ số nâng hạ ben (áp dụng với vận chuyển bằng ô tô), loại sông và phương tiện vận chuyển (vận chuyển bằng đường thủy).
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc