Huyện Nhà Bè và Quận 7 sẽ trở thành đô thị phía Nam TPHCM

Các mô hình đô thị đa trung tâm, bao gồm: khu vực trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị sinh thái biển Cần Giờ; Huyện Nhà Bè và Quận 7

Nội dung chính

    Huyện Nhà Bè và Quận 7 sẽ trở thành đô thị phía Nam TPHCM

    Căn cứ theo khoản 6 mục VI Điều 1 Quyết định 1711/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

    VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG VÀ CÁC KHU VỰC CÓ VAI TRÒ ĐỘNG LỰC
    6. Các khu vực có vai trò động lực bao gồm 05 khu
    - Khu vực đô thị trung tâm (các quận) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch;
    - Khu vực thành phố Thủ Đức là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao;
    - Khu vực phía Nam (Quận 7 và huyện Nhà Bè) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái;
    - Khu vực huyện Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo;
    - Khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là khu vực ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế.

    Theo Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển với mô hình đô thị đặc biệt, gồm một khu vực trung tâm và 6 đô thị trực thuộc. 

    TP. Thủ Đức (đô thị loại I) đóng vai trò là cực tăng trưởng mới, phát triển song hành cùng trung tâm TP.HCM. Trong khi đó, 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ sẽ được quy hoạch thành các đô thị vệ tinh, giữ vai trò cửa ngõ kết nối vùng. 

    Sau năm 2030, TP.HCM sẽ hướng tới mô hình đô thị đa trung tâm, bao gồm: khu vực trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị sinh thái biển Cần Giờ và Huyện Nhà Bè và Quận 7 sẽ trở thành đô thị phía Nam TPHCM.

    Huyện Nhà Bè và Quận 7 sẽ trở thành đô thị phía Nam TPHCM

    Huyện Nhà Bè và Quận 7 sẽ trở thành đô thị phía Nam TPHCM (Hình từ Internet)

    Huyện Nhà Bè và Quận 7 được quy hoạch thành tiểu vùng khu vực ngoại thành

    Căn cứ theo điểm b khoản 3 mục IV Điều 1 Quyết định 1711/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội theo các khu vực như sau:

    IV. PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
    3. Phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; khu vực khuyến khích phát triển và khu vực hạn chế phát triển
    b) Các tiểu vùng, các khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển
    - Các tiểu vùng:
    + Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2030 bao gồm 16 quận, được chia thành 04 phân vùng, trong đó phân vùng 1 là Quận 1; phân vùng 2 bao gồm các Quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; phân vùng 3 bao gồm các Quận 7, 8, Gò vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú; phân vùng 4 bao gồm các Quận 12, Bình Tân;
    + Tiểu vùng thành phố Thủ Đức là đô thị loại I, đô thị song hành giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố;
    + Tiểu vùng khu vực ngoại thành: đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới. Đến năm 2030, tiểu vùng này được chia thành 05 phân vùng gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Tầm nhìn đến năm 2050, tiểu vùng này được sắp xếp lại thành 04 phân vùng gồm phân vùng Củ Chi - Hóc Môn; phân vùng Bình Chánh; phân vùng Nhà Bè - Quận 7 và phân vùng Cần Giờ. Ranh giới các phân vùng trên sẽ được làm chính xác khi lập quy hoạch và đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã;
    + Các khu vực hạn chế phát triển gồm khu vực bảo vệ nghiêm ngặt như các khu bảo tồn thiên nhiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và 1 số khu rừng quan trọng ở huyện Bình Chánh chưa được công nhận là khu bảo tồn; các khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng theo quy định.

    Theo đó, đến năm 2030, tiểu vùng khu vực ngoại thành được phân thành các phân vùng, trong đó bao gồm phân vùng Huyện Nhà Bè và Quận 7.

    Phương án đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.

    Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông khu vực huyện Nhà Bè

    Nhằm thúc đẩy sự kết nối và phát triển đồng bộ, huyện Nhà Bè sẽ được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông với nhiều dự án trọng điểm. 

    (1) Giao thông đường bộ 

    Các tuyến đường quan trọng được mở rộng và nâng cấp bao gồm: cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, đường nối cầu Phú Mỹ 2, Lê Văn Lương, Nguyễn Bình... Những dự án này sẽ giúp cải thiện khả năng lưu thông, giảm áp lực giao thông khu vực. 

    (2) Giao thông đường sắt và metro 

    TP.HCM sẽ xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng dài 38 km kết nối từ đường sắt quốc gia đến khu cảng Hiệp Phước. Đồng thời, huyện Nhà Bè trong tương lai sẽ có các tuyến metro quan trọng đi qua như: 

    - Metro số 4 (Đông Thạnh - Hiệp Phước) dài 47,3 km.

    - Metro số 10 (Vành đai ngoài) dài 83,9 km, kết nối TP Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. 

    - Metro số 12 (Quận 7 - Nhà Bè - Khu đô thị lấn biển Cần Giờ) dài 48,7 km. 

    (3) Giao thông đường thủy 

    Hệ thống giao thông đường thủy cũng được nâng cấp, bao gồm cải tạo các tuyến thủy nội địa kết nối nội thành với cảng biển Hiệp Phước.

    TP.HCM sẽ quy hoạch các tuyến đường ven sông Sài Gòn, góp phần phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch, đồng thời hình thành trục giao thông Bắc - Nam mới. 

    (4) Hệ thống bến cảng 

    Nhà Bè sẽ có 10 bến cảng/cầu cảng dọc sông Nhà Bè. TP.HCM sẽ cải tạo các bến hiện hữu, đồng thời xây mới cảng hàng hóa Nhơn Đức và bến khách Phú Thuận (hạ lưu cầu Phú Mỹ), nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và giao thương trong tương lai.

    80
    Chủ quản: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 03/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 06/02/2025 Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ