Cầu Nhật Tân có gì đặc biệt? Cầu Nhật Tân kết nối các quận nào của thủ đô Hà Nội?
Nội dung chính
Cầu Nhật Tân có gì đặc biệt?
Cầu Nhật Tân, chính thức đưa vào sử dụng ngày 04/01/2015 sau 6 năm thi công, là công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. Cây cầu được thiết kế và xây dựng dưới sự hướng dẫn của các kiến trúc sư Nhật Bản, trở thành biểu tượng sinh động cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản trên cả phương diện kinh tế lẫn ngoại giao.
Với tổng chiều dài 9,17 km, trong đó phần cầu chính bắc qua sông Hồng dài 3,9 km và đoạn cầu dây văng chiếm khoảng 1,5 km, cầu Nhật Tân không chỉ mang ý nghĩa về giao thông mà còn là công trình có thiết kế ấn tượng.
Điểm nổi bật của cầu là 5 nhịp dây văng liên tục, tượng trưng cho 5 cửa ô của thành Hà Nội xưa. 5 trụ tháp chính hình thoi, giống như 5 cánh hoa đào, gợi lên mối giao lưu văn hóa đẹp đẽ giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Cầu Nhật Tân cũng là một trong ba cây cầu trên thế giới có 5 nhịp dây văng liên tục và là cây cầu đầu tiên ở châu Á được thi công theo thiết kế 5 trụ tháp.
Về đêm, cầu Nhật Tân trở nên rực rỡ với hệ thống 1.280 đèn LED hiện đại. Ánh sáng từ những chiếc đèn không chỉ làm nổi bật dáng vẻ kiến trúc của cầu mà còn tạo nên màn trình diễn ánh sáng sinh động, với các chuyển động nhịp nhàng và sự thay đổi màu sắc liên tục, trở thành điểm nhấn nổi bật trên bầu trời đêm Hà Nội.
Ngoài ra, dưới chân cầu là làng hoa đào Nhật Tân nổi tiếng, nơi người dân Hà Nội thường tìm đến vào mỗi dịp lễ Tết để ngắm và mua đào. Những vườn đào rực rỡ sắc hồng như tái hiện một Nhật Bản thu nhỏ giữa lòng Thủ đô, góp phần làm tăng thêm giá trị văn hóa và du lịch cho khu vực.
Cầu Nhật Tân có gì đặc biệt? Cầu Nhật Tân kết nối các quận nào của thủ đô Hà Nội? (Hình từ Internet)
Cầu Nhật Tân kết nối các quận nào của thủ đô Hà Nội?
Cầu Nhật Tân là cây cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ (Hà Nội) với huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Cầu nằm trong dự án cải thiện giao thông của thủ đô, phục vụ nhu cầu đi lại và thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Bắc Hà Nội.
Điểm đầu của cầu Nhật Tân nằm tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ và điểm cuối thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, với vị trí chiến lược quan trọng, cầu Nhật Tân chính là 1 trong 7 cây cầu huyết mạch quan trọng trong giao thông và kinh tế của Hà Nội, giúp lưu thông giữa trung tâm thành phố và các khu vực ngoại thành thuận lợi hơn.
Đặc biệt, cầu Nhật Tân góp phần rút ngắn quãng đường di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng thời, công trình này cũng chia sẻ lưu lượng phương tiện, giảm áp lực cho cầu Thăng Long và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng?
Căn cứ theo Điều 12 Luật xây dựng 2014 ( sửa đổi bởi Khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng gồm:
(1) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định Luật xây dựng 2014.
(2) Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định Luật xây dựng 2014.
(3) Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
(4) Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
(5) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trái với quy định Luật xây dựng 2014.
(6) Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(7) Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(8) Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.
(9) Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.
(10) Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.
(11) Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
(12) Đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng; lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình.
(13) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.
(14) Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.