Mức thuế suất thuế GTGT 5% áp dụng đối với sản phẩm rừng trồng nào?
Nội dung chính
Mức thuế suất thuế GTGT 5% áp dụng đối với sản phẩm rừng trồng nào?
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định như sau:
Điều 9. Thuế suất
[...]
2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:
a) Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác;
b) Phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật;
c) Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
d) Sản phẩm cây trồng, rừng trồng (trừ gỗ, măng), chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
đ) Mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
e) Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; xơ bông đã qua chải thô, chải kỹ; giấy in báo;
g) Tàu khai thác thủy sản tại vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ;
h) Thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; dược chất, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
i) Thiết bị dùng để giảng dạy và học tập bao gồm: các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước, com-pa;
k) Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống, dân gian;
l) Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 của Luật này;
m) Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ;
n) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
[...]
Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định như sau:
Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
1. Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
[...]
Như vậy, mức thuế suất 5% được áp dụng đối với sản phẩm rừng trồng (trừ gỗ, măng) chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Trừ trường hợp các sản phẩm đó thuộc diện sản phẩm rừng trồng chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường do tổ chức, cá nhân tự sản xuất, khai thác, bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Mức thuế suất thuế GTGT 5% áp dụng đối với sản phẩm rừng trồng nào? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu nguyên tắc thanh lý rừng trồng?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Nguyên tắc thanh lý rừng trồng
1. Tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; pháp luật về quản lý đầu tư công và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Thực hiện thanh lý rừng trồng bảo đảm kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản.
3. Thực hiện thanh lý đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại và đảm bảo có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
4. Phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Theo đó, có 04 nguyên tắc thanh lý rừng trồng như sau:
- Tuân thủ quy định pháp luật: Việc thanh lý rừng trồng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, quản lý đầu tư công và quản lý, sử dụng tài sản công.
- Bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí: Thanh lý rừng trồng phải kịp thời, tránh thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản.
- Đối tượng thanh lý và hồ sơ hợp pháp: Chỉ thanh lý diện tích rừng trồng bị thiệt hại, và phải có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định.
- Phục hồi rừng sau thanh lý: Sau khi thanh lý, phải thực hiện phục hồi rừng theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Những trường hợp nào được thanh lý rừng trồng?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 140/2024/NĐ-CP
Điều 7. Các trường hợp rừng trồng được thanh lý
1. Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
2. Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Như vậy, những trường hợp được thanh lý rừng trồng bao gồm:
(1) Rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
(2) Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP.