Mở quán ăn tại chung cư có thể bị xử phạt
Nội dung chính
Những hành vi bị cấm trong quản lý, vận hành nhà chung cư là gì?
Tại khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023, những hành vi bị cấm trong quản lý, vận hành nhà chung cư bao gồm:
Thứ nhất, không đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (sau đây gọi chung là kinh phí bảo trì); quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì không đúng quy định của pháp luật về nhà ở;
Thứ hai, cố ý gây thấm dột; gây tiếng ồn, độ rung quá mức quy định; xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc không đúng nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; chăn, thả gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc trong khu vực nhà chung cư;
Thứ ba, tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
Thứ tư, tự ý sử dụng phần diện tích và trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung vào sử dụng riêng; thay đổi mục đích sử dụng phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng;
Thứ năm, gây mất trật tự, an toàn, cháy, nổ trong nhà chung cư; kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ và ngành, nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thứ sáu, kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar; kinh doanh sửa chữa xe có động cơ; hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kinh doanh dịch vụ nhà hàng mà không bảo đảm tuân thủ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Mở quán ăn tại chung cư có thể bị xử phạt (Hình từ Internet)
Mở quán ăn tại chung cư có thể bị xử phạt?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023, nhà chung cư được định nghĩa là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Trong đó, nhà chung cư hỗn hợp được quy định khoản 5 Điều 3 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD, cụ thể, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.
Theo đó, việc mở quán ăn ở chung cư có bị xử phạt hay không thì sẽ xem xét 2 trường hợp sau:
(1) Đối với nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở
Đối với loại nhà chung cư này thì chỉ có các căn hộ chung cư với mục đích để ở, không có diện tích sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.
Căn hộ chung cư theo tiểu mục 1.4.6 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD được định nghĩa là căn hộ nằm trong nhà chung cư hoặc nhà chung cư hỗn hợp, phục vụ mục đích để ở cho một gia đình, cá nhân hay tập thể.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại nội dung trước, pháp luật về nhà ở nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì đối với nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở người sử dụng nhà chung cư không được phép mở quán ăn tại chung cư này. Nếu thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, đồng thời, bị buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở (căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 và điểm e khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
(2) Đối với nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp (chung cư hỗn hợp)
Đối với loại nhà chung cư này thì bao gồm các căn hộ chung cư sử dụng vào mục đích ở và phần diện tích sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.
Trong đó, người sử dụng nhà chung cư được phép mở quán ăn tại phần diện tích sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại.
Đối với các căn hộ chung cư sử dụng vào mục đích ở, người sử dụng nhà chung cư không được phép mở quán ăn tại đó vì đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định ở nội dung trước. Nếu thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, đồng thời, bị buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở (căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 và điểm e khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Như vậy, người sử dụng nhà chung cư chỉ được phép mở quán ăn tại phần diện tích sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại của nhà chung cư hỗn hợp. Nếu mở quán ăn tại căn hộ chung cư (kể cả căn hộ tại chung cư được xây dựng với mục đích để ở và chung cư hỗn hợp) thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Lưu ý: Khi mở quán ăn tại phần diện tích sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại của nhà chung cư hỗn hợp, người sử dụng chung cư phải thực hiện đăng ký kinh doanh và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
Đối với trường hợp hộ gia đình mở quán ăn tại chung cư thì phải đáp ứng các điều kiện gì về an toàn thực phẩm?
Căn cứ theo phân tích ở nội dung trước, hộ gia đình chỉ được phép mở quán ăn tại phần diện tích sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại của nhà chung cư hỗn hợp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010, trường hợp hộ gia đình mở quán ăn tại chung cư thì phải đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm sau:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.