Có quy định thời điểm vay vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam?
Nội dung chính
Có bao nhiêu loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định mới?
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tập hợp đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở trên một địa điểm nhất định trong thời hạn và chi phí xác định. (khoản 12 Điều 2 Luật Nhà ở 2023)
Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Nhà ở 2023 quy định các loại hình nhà ở phát triển theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
(1) Phát triển nhà ở thương mại;
(2) Phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân;
(3) Phát triển nhà ở công vụ;
(4) Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư;
(5) Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
(6) Phát triển các loại nhà ở hỗn hợp quy định tại khoản này theo quy định Luật Nhà ở 2023.
Theo quy định trên đã liệt kê 6 loại hình nhà ở được phát triển theo dự án đầu tư xây dựng. Quy định này nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị bền vững.
Bên cạnh đó, tạ khoản 2 Điều 31 Luật Nhà ở 2023 quy định tiêu chuẩn diện tích nhà ở như sau:
- Nhà ở được thiết kế, xây dựng theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;
- Đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng khép kín, có diện tích sàn căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư;
- Đối với khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở còn phải phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở nông thôn theo từng vùng, miền, phải bao gồm các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của gia đình, cá nhân.
Có quy định thời điểm vay vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Có quy định thời điểm vay vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 34 Luật Nhà ở 2023 quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
- Giai đoạn chuẩn bị dự án
- Giai đoạn thực hiện dự án
- Giai đoạn kết thúc xây dựng dự án, đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, theo Điều 46 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm:
- Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư dự án phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án thì phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
- Trường hợp vay vốn theo cơ chế cho vay do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định thì thực hiện theo các quy định của cơ chế cho vay vốn này.
- Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ tổ chức tài chính nhà nước và tổ chức tài chính ngoài Nhà nước đang hoạt động tại Việt Nam thì dự án cần vay vốn phải có báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng các điều kiện cho vay vốn khác theo quy định của tổ chức tài chính cho vay vốn.
- Trường hợp huy động vốn thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về thời điểm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép huy động vốn từ tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc vay vốn chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về pháp lý như có quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc quyền sử dụng đất hợp pháp, có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư), cũng như các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn tài chính và hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở.
Ngoài hình thức vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính thì còn hình thức huy động vốn nào để phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở?
Căn cứ theo Điều 114 Luật Nhà ở 2023, ngoài hình thức vay vốn từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam thì còn 06 hình thức huy động vốn sau đây để phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm:
- Huy động thông qua góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, cá nhân;
- Huy động thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ theo quy định của pháp luật;
- Huy động thông qua cấp vốn từ nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Nhà ở 2023;
- Huy động thông qua vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội;
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;
- Nguồn vốn hợp pháp khác.