Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bị khống chế trần lợi nhuận 10%?
Nội dung chính
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bao gồm những đối tượng nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội) gồm:
- Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, bao gồm cả tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có chức năng kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và đáp ứng điều kiện sau:
+ Có vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản để thực hiện đối với từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
+ Có quyền sử dụng đất để thực hiện đối với từng loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2023 hoặc được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai;
+ Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn công đoàn hoặc vốn đầu tư công hoặc vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật và là tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được quy định tại Điều 84 Luật Nhà ở 2023, cụ thể như sau:
(1) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn huy động từ Quỹ phát triển đất, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác theo quy định của pháp luật thì việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh đề xuất chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
(2) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
(3) Trường hợp phải dành quỹ đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83 Luật Nhà ở 2023 thì giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trừ trường hợp Nhà nước sử dụng diện tích đất này để giao cho tổ chức khác thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
(4) Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không bằng nguồn vốn quy định tại (1) và (2) và không thuộc trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện như sau:
- Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Chính phủ;
- Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đất đai.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bị khống chế trần lợi nhuận 10%? (Hình từ Internet)
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bị khống chế trần lợi nhuận 10%?
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội;
Đồng thời, khoản 3 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đó cũng được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội quy định tại (1) và (2) ở nội dung trước do chủ đầu tư đó trực tiếp đầu tư xây dựng.
Lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nêu trên được xác định tối đa bằng 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội (Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2024/NĐ-CP). Trong đó, tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội được xác định cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau bị khống chế trần lợi nhuận 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích nhà ở xã hội:
Thứ nhất, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn.
Thứ hai, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đó.