Hướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tử

Hướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tử? Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2025 của người sử dụng lao động và người lao động là bao nhiêu?

Nội dung chính

Hướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tử

Người tham gia đóng bảo hiểm xã hội có thể tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

Để tra cứu mã bảo hiểm xã hội trên Cổng thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam, bạn có thể thực hiện các bước sau:

Bước 1: Truy cập website: Mở Cổng thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam và chọn mục "Tra cứu trực tuyến".

Bước 2: Chọn loại tra cứu: Lựa chọn chức năng tra cứu phù hợp theo nhu cầu cá nhân.

Bước 3: Nhập thông tin: Điền đầy đủ thông tin mà hệ thống yêu cầu (lưu ý các mục có dấu * là bắt buộc).

Bước 4: Xác minh giao dịch: Đánh dấu vào ô "Tôi không phải người máy". Trong một số trường hợp, hệ thống sẽ gửi mã OTP đến email bạn đã đăng ký để xác thực giao dịch.

Bước 5: Xem kết quả: Nhấn "Tra cứu" để nhận kết quả được hệ thống trả về.

Trên đây là hướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, tra cứu mã bảo hiểm xã hội trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam là phương pháp nhanh chóng và tiện lợi, giúp bạn dễ dàng kiểm tra các thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội cá nhân mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối internet. Kết quả sẽ được hiển thị ngay lập tức sau khi bạn hoàn tất việc nhập thông tin cần thiết.

Hướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin điện tửHướng dẫn tra cứu mã bảo hiểm xã hội mới nhất 2025 trên cổng thông tin
điện tử (Hình từ internet)

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2025 của người sử dụng lao động và người lao động là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội
1. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội từ 01/7/2025 như trên.

Căn cứ Điều 33, 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP và Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội năm 2025 của người sử dụng lao động và người lao động như sau:

(1) Đối với Người sử dụng lao động:

- Bảo hiểm xã hội (BHXH): 14%

- Bảo hiểm hưu trí (HT): 3%

- Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN): 0,5%

- Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 1%

- Bảo hiểm y tế (BHYT): 3%

Tổng cộng: 21,5%

(2) Đối với Người lao động:

- Bảo hiểm xã hội (BHXH): 8%

- Bảo hiểm hưu trí (HT): không đóng

- Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN): không đóng

- Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 1%

- Bảo hiểm y tế (BHYT): 1,5%

Tổng cộng: 10,5%

(*) Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN này áp dụng cho người lao động Việt Nam.

Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp, đưa tổng tỷ lệ đóng góp BHXH bắt buộc năm 2025 là 32%.

Mức đóng BHXH từ năm 2025 của người lao động Việt Nam là bao nhiêu?

Tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc năm 2025 của người lao động Việt Nam là 10,5% (bao gồm 8% vào quỹ hưu trí; 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% BHYT).

Công thức tính mức tiền đóng bảo hiểm bắt buộc từ năm 2025 của người lao động Việt Nam được xác định như sau:

Mức tiền đóng bảo hiểm năm 2025 = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:

Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc;
...

Theo đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH từ 01/7/2025 bắt buộc bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc nhưng vẫn nhận tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tối thiểu thì tiền lương đóng BHXH trong thời gian ngừng việc sẽ được tính dựa trên mức lương thực tế mà người lao động được hưởng.

Đồng thời căn cứ Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:
...
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
...

Như vậy, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2025 không bao gồm các khoản sau:

- Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019.

- Tiền thưởng sáng kiến;

- Tiền ăn giữa ca;

- Khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

- Khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động;

- Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Các khoản nêu trên phải ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.

Chuyên viên pháp lý Lê Thị Thanh Lam
saved-content
unsaved-content
111