Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng như thế nào? Thẩm quyền ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng thuộc về cơ quan nào?

Nội dung chính

    Nguyên tắc thực hiện bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng

    Căn cứ Điều 3 Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ban hành kèm theo Quyết định 47/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng về nguyên tắc thực hiện bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng như sau:

    - Thực hiện bồi thường theo Điều 103 Luật Đất đai 2024.

    - Chỉ bồi thường thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi khi được tạo lập trước thời điểm thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    - Không bồi thường đối với cây hàng năm mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời điểm thu hoạch.

    - Vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất hoặc bàn giao đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường. Trường hợp chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di dời được thì được hỗ trợ bồi thường chi phí di dời và thiệt hại do di dời gây ra.

    - Đối với vật nuôi khác, việc bồi thường, hỗ trợ trên nguyên tắc thống kê thực tế số lượng vật nuôi chết trong quá trình di dời, chỉ hỗ trợ vật nuôi trên diện tích đất bị thu hồi tại thời điểm thống kê, kiểm đếm.

    - Việc bồi thường trên nguyên tắc thống kê thực tế về diện tích trồng, số lượng cây, khóm cây; mật độ nuôi, số lượng vật nuôi trên diện tích đất bị thu hồi tại thời điểm thống kê, kiểm đếm.

    Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng

    Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Hình từ Internet) 

    Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng

    Căn cứ Điều 6 Quy định đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ban hành kèm theo Quyết định 47/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng, đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quy định cụ thể như sau:

    Phân loại nhóm gỗ căn cứ theo Quyết định số 2198/CNR năm 1977 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp về việc phân loại gỗ sử dụng và Quyết định số 334/CNR năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc điều chỉnh xếp hạng một số loại gỗ sử dụng trong bảng phân loại 08 nhóm.

    + Gỗ Nhóm I - VIII: Được tính bằng đường kính gốc (đường kính gốc được đo tại vị trí của cây tính từ mặt đất lên 1,3 m).

    + Nhóm Tràm cừ: Tính bằng đường kính ngọn.

    + Nhóm Tre: Tính theo chiều cao cây.

    + Nhóm Trúc: Tính theo số cây và chiều cao trung bình/bụi.

    + Nhóm dừa nước: Tính theo chiều dài của lá.

    - Đơn giá bồi thường được xác định trên cơ sở chi phí đầu tư ban đầu (bao gồm giống, công trồng), chi phí chăm sóc, công chặt hạ; có xem xét đến giá trị từng loại cây gỗ để hỗ trợ đền bù thêm. Đơn giá bồi thường trên không bao gồm xác cây.

    - Cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

    - Cây không nằm trong Bảng phân nhóm gỗ của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhưng thực tế có trồng ở địa phương sẽ đưa vào nhóm cây lấy gỗ khác.

    - Đơn giá bồi thường đối với cây lấy gỗ trên địa bàn tỉnh: Theo Bảng 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 47/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng.

    Thẩm quyền ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng thuộc về cơ quan nào?

    Căn cứ khoản 6 Điều 103 Luật đất đai 2024 quy định như sau:

    Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi
    Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
    ...
    5. Chủ sở hữu cây trồng, vật nuôi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước;
    6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi theo quy trình sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc do địa phương ban hành theo quy định của pháp luật; đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều này bảo đảm phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.

    Như vậy, cơ quan ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại vê cây trồng là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy trình sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc do địa phương ban hành theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất.

    Ngoài ra, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản.

    15