16:36 - 01/02/2025

Định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức đến năm 2040?

Định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức đến năm 2040? Nhà nước có những chính sách phát triển gì đối với hoạt động đường bộ?

Nội dung chính

    Định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức đến năm 2040?

    Ngày 21/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025 về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chính Minh đến năm 2040.

    Trong đó, căn cứ quy định tại điểm a khoản 10 Điều 1 Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025, định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 như sau:

    (1) Đường bộ: Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hệ thống giao thông liên vùng, đường cao tốc và quốc lộ khu vực thành phố Thủ Đức theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 3, quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 1K. Tăng cường kết nối liên vùng giữa thành phố Thủ Đức với các tỉnh thành lân cận thông qua các đoạn tuyến: Xa Lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp, đường nối quốc lộ 1 - Vành đai 3 qua Long Phước đến Đồng Nai, đường nối từ nút giao Gò Dưa đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành.

    (2) Đường sắt: Nâng cấp cải tạo hệ thống đường sắt quốc gia đi qua thành phố gồm các tuyến đường sắt hành khách và hàng hóa theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể: tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, ga đầu mối hành khách Bình Triệu; tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, ga đầu mối hành khách Thủ Thiêm; dự kiến phương án bổ sung tuyến đường sắt Tân Kiên - Thủ Thiêm; ngoài ga đầu mối, thực hiện xây dựng các ga hành khách theo quy hoạch chuyên ngành, với vị trí, quy mô được cụ thể hoá tại các quy hoạch cấp dưới.

    (3) Đường thủy: Duy trì quy mô, nâng cấp khu bến cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây dựng khu bến cảng Long Bình bao gồm chức năng cảng đường thủy và cảng cạn quy mô khoảng 48 ha; di dời cảng hàng hóa tại khu vực Trường Thọ, tái phát triển khu vực này thành khu đô thị trung tâm của Thành phố Thủ Đức. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa quốc gia và địa phương tại khu vực thành phố Thủ Đức phù hợp với yêu cầu phát triển của quốc gia, vùng và nhu cầu của thành phố.

    Định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức đến năm 2040?

    Định hướng phát triển giao thông đối ngoại thành phố Thủ Đức đến năm 2040? (Hình từ Internet)

    Nhà nước có những chính sách phát triển gì đối với hoạt động đường bộ?

    Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Đườngbộ 2024, Nhà nước có những chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ như sau:

    (1) Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

    - Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;

    - Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

    - Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    (2) Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

    (3) Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.

    Chuyên viên pháp lý Đỗ Hữu Hòa
    10
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ