Vành đai 4 TP HCM đi qua đâu? Đường vành đai 4 từ đâu đến đâu?
Nội dung chính
Vành đai 4 đi qua đâu? Đường vành đai 4 từ đâu đến đâu? Vành đai 4 bắt đầu từ đâu?
Đường Vành đai 4 TP HCM là một dự án giao thông chiến lược với tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua 5 tỉnh và thành phố:
Bà Rịa – Vũng Tàu: khoảng 18,3 km, qua thành phố Phú Mỹ và huyện Châu Đức.
Đồng Nai: khoảng 35 km, qua các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom và Vĩnh Cửu.
Bình Dương: khoảng 47,8 km, qua các thành phố Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên.
TP.HCM: khoảng 18,3 km, qua các huyện Củ Chi và Nhà Bè.
Long An: khoảng 74,5 km, qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.
Tuyến đường bắt đầu từ điểm giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại km40+000, khu vực cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, và kết thúc tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM.
Đường vành đai 4 khi nào khởi công?
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 4 tp hcm dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong quý I hoặc II năm 2026.
Vành đai 4 TP HCM đi qua đâu? Đường vành đai 4 từ đâu đến đâu? (Hình từ Internet)
Mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ được quy hoạch như thế nào?
Theo Điều 5 Luật Đường bộ 2024 quy định, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:
(1) Quy hoạch mạng lưới đường bộ được quy định như sau:
- Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ;
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác;
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(2) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:
- Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ;
- Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định sơ bộ quy mô của cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định các điểm giao cắt chính; phương án kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch; giải pháp thực hiện quy hoạch;
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(3) Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai.
(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung về phát triển đường bộ trong phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nội dung về phát triển đường bộ đô thị được xác định trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(5) Quy hoạch quy định tại Điều 5 Luật Đường bộ 2024 phải bảo đảm các quy định sau đây:
- Kết nối giao thông đường bộ giữa các đô thị, địa bàn, khu vực, bến xe;
- Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, xác định các tuyến đường bộ nối đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa.
(6) Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ.
Nguyên tắc hoạt động đường bộ là gì?
Theo Điều 3 Luật Đường bộ 2024, nguyên tắc hoạt động đường bộ như sau:
Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.
Phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.
Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.