Chủ trọ hay người thuê trọ sẽ thực hiện việc đăng ký tạm trú? Mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú là bao nhiêu?

Có rất nhiều người khi đi thuê trọ không đăng ký tạm trú, vậy trách nhiệm đăng ký tạm trú thuộc về ai? Mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Thế nào là nơi tạm trú?

    Căn cứ theo khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định thì nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

    Chủ trọ hay người thuê trọ sẽ thực hiện việc đăng ký tạm trú? Mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú là bao nhiêu?

    Chủ trọ hay người thuê trọ sẽ thực hiện việc đăng ký tạm trú? Mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú là bao nhiêu? (Hình ảnh từ Internet)

    Chủ trọ hay người thuê trọ sẽ thực hiện việc đăng ký tạm trú?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020:

    Điều kiện đăng ký tạm trú
    1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

    Như vậy khi đi thuê nhà, người thuê là bên có nghĩa vụ khai báo, đăng ký tạm trú.

    Thế nhưng trên thực tế, khi đi thuê trọ thì chủ nhà trọ thường là người chủ động liên hệ để thực hiện việc đăng ký tạm trú cho người đi thuê trọ. Điều này xuất phát từ việc các chủ nhà trọ thường quen thuộc với cơ quan công an địa phương, giúp quy trình diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

    Vậy nên, người đi thuê trọ là người có nghĩa vụ đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, bởi vì chủ nhà trọ và người thuê trọ đều có trách nhiệm về đăng ký tạm trú khi có sự thay đổi về cư trú. Do đó, việc thực hiện đăng ký tạm trú có thể để cả chủ trọ và người thuê trọ thực hiện để việc đăng ký tạm trú diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn cho cả đôi bên. 

    Mức phạt đối với hành vi không thực hiện đăng ký tạm trú là bao nhiêu?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

    Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
    1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
    b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

    c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
    ...
    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, theo quy định trên đối với việc thực hiện đăng ký tạm trú khi có những hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân và 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cụ thể là:

    - Không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

    - Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

    Do đó, mức phạt khi không thực hiện đăng ký tạm trú sẽ từ 500.000 - 1.000.000 đồng theo quy định của pháp luật. Mức phạt này được áp dụng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định về cư trú, góp phần bảo đảm an ninh trật tự cũng như giúp cơ quan chức năng quản lý dân cư hiệu quả. Bên cạnh đó, khi không thực hiện đăng ký tạm trú ngoài việc bị phạt tiền, công dân cũng có thể gặp phải một số rắc rối khác, như không được hưởng các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, giáo dục hay các dịch vụ công khác, nếu không có giấy tờ chứng minh nơi cư trú hợp pháp.

    Hơn nữa, việc không đăng ký tạm trú có thể ảnh hưởng đến quá trình làm việc, học tập, và thậm chí có thể gây khó khăn trong việc xin cấp các giấy tờ. Vì vậy, việc tuân thủ quy định này không chỉ tránh được những hình thức xử phạt mà còn đảm bảo quyền lợi và sự thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi công dân.

    Không đăng ký tạm trú trong thời gian bao lâu thì sẽ bị phạt?

    Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020:

    Điều kiện đăng ký tạm trú
    1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

    Như vậy, công dân khi đến sinh sống tại một địa điểm khác ngoài nơi thường trú của mình với thời gian từ 30 ngày trở lên vì mục đích lao động, học tập, hoặc các lý do khác, đều có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký tạm trú. Quy định này nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều được quản lý về nơi cư trú, giúp cơ quan chức năng nắm bắt thông tin và hỗ trợ trong các công tác an ninh, trật tự. Việc đăng ký tạm trú không chỉ là thủ tục hành chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc tiếp cận các dịch vụ công và quyền lợi liên quan đến sinh hoạt hàng ngày.

    Chuyên viên pháp lý Lê Phạm Kiều Anh
    244
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ