Sông Hồng ở đâu, thuộc tỉnh thành nào sau sáp nhập? Những dự án xây cầu bắt qua sông Hồng nào đang triển khai?
Nội dung chính
Sông Hồng ở đâu, thuộc tỉnh thành nào sau sáp nhập tỉnh?
Sông Hồng là một trong những con sông lớn và quan trọng nhất tại miền Bắc Việt Nam, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nền văn minh lúa nước. Không chỉ có giá trị về địa lý, sông Hồng còn mang đậm ý nghĩa văn hóa, chính trị và kinh tế đối với cả Việt Nam và Trung Quốc.
Sông Hồng còn được gọi với nhiều tên khác như sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà hay Nhĩ Hà, bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn thuộc huyện Nhị Đô, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tổng chiều dài của sông Hồng là 1.149 km, trong đó có 556 km nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Khi chảy vào Việt Nam, sông Hồng chảy vào huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ Lào Cai, sông Hồng tiếp tục xuôi dòng và lần lượt đi qua các tỉnh, thành (trước sáp nhập) sau:
- Yên Bái
- Phú Thọ
- Hà Nội
- Hưng Yên
- Thái Bình
Cuối cùng, sông Hồng đổ ra biển Đông, tạo nên hệ thống châu thổ rộng lớn và trù phú.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 202/2025/QH15 sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ngày 12/6/2025, tên các tỉnh thành mà sông Hồng chảy qua đã có sự thay đổi, cụ thể:
- Tỉnh Lào Cai (sáp nhập tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai)
- Tỉnh Phú Thọ (sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ)
- Thành phố Hà Nội (vẫn giữ nguyên, không thực hiện sắp xếp)
- Tỉnh Hưng Yên (sáp nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên)
Việc sắp xếp lại địa giới hành chính đã làm thay đổi tên gọi các tỉnh mà sông Hồng chảy qua, nhưng không làm thay đổi vai trò chiến lược của con sông này.
Sông Hồng vẫn là cái nôi của nền văn hóa lúa nước ở Việt Nam. Vùng đồng bằng sông Hồng được hình thành từ phù sa màu mỡ của con sông này, trở thành khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm và là nơi tập trung đông dân cư từ xa xưa.
Sông Hồng tiếp tục là trục thủy văn quan trọng kết nối các tỉnh trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ. Đồng thời, dòng sông này cũng góp phần định hình bản sắc văn hóa - kinh tế của các tỉnh mới được thành lập sau khi sáp nhập.
Đồng thời, sông Hồng còn đóng vai trò quan trọng trong giao thương, vận tải, cung cấp nước ngọt và điều hòa khí hậu khu vực.
Sông Hồng ở đâu, thuộc tỉnh thành nào sau sáp nhập tỉnh? Những dự án xây cầu nào bắt qua sông Hồng đang triển khai? (Hình từ Internet)
Những dự án xây cầu nào bắt qua sông Hồng đang triển khai?
Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung kế hoạch xây dựng, hoàn thành tổng cộng 18 cây cầu vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện tại, có 07 dự án cầu bắt qua sông Hồng đang triển khai bao gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vân Phúc và cầu Ngọc Hồi. Trong đó:
- Cầu Tứ Liên đã được khởi công vào ngày 19/5/2025.
- Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở dự kiến sắp khởi công xây dựng.
- Cầu Thượng Cát dự kiến khởi công vào ngày 10/10/2025.
- Cầu Vân Phúc dự kiến khởi công tháng 6/2025 (Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2025 đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Thủ đô).
- Cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào ngày 19/8/2025; Cầu Ngọc Hồi dự kiến khởi công vào ngày 02/9/2025 (Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2025) nhằm kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 2025 (19/8/2025 - 02/9/2025).
Bên cạnh đó, cầu Thăng Long mới và cầu Phú Xuyên là dự án cầu bắt qua sông Hồng đang được hoàn thiện hồ sơ, thiết kế kỹ thuật để đủ điều kiện khởi công trong các năm tới.