Khi nào cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khởi công?
Nội dung chính
Khi nào cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khởi công?
Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là tuyến giao thông trục ngang có vai trò kết nối khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với vùng Tây Nguyên. Đây là một trong những dự án trọng điểm được định hướng triển khai trong năm 2025, nhằm tạo động lực phát triển không gian liên kết vùng và hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia.
Tuyến cao tốc tốc Quy Nhơn – Pleiku dự kiến có chiều dài khoảng 123 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 19B (khoảng Km39+200) tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Riêng các đoạn đi qua địa hình đèo dốc như đèo An Khê và đèo Mang Yang (tổng chiều dài khoảng 40 km) được điều chỉnh vận tốc thiết kế xuống 80 km/h để đảm bảo an toàn và khả năng khai thác hiệu quả.
Dự án hiện đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang trong quá trình thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai, các cơ quan liên quan đề xuất áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ như: cơ chế về mỏ vật liệu xây dựng, điều chỉnh thẩm quyền đầu tư, xử lý đất trồng lúa, chính sách đền bù – tái định cư và chỉ định thầu trong một số trường hợp cần thiết.
Với tiến độ chuẩn bị hiện tại, dự án dự kiến được khởi công trong năm 2025, sau khi hoàn tất phê duyệt chủ trương và bố trí vốn. Thời gian thi công và hoàn thiện kéo dài khoảng 4 năm, với mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2029.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ trở thành hành lang vận tải chính giữa các vùng kinh tế trọng điểm, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm áp lực cho Quốc lộ 19 hiện hữu, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa giữa cảng biển quốc tế Quy Nhơn và khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời, tuyến đường cũng góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp tại các địa phương dọc tuyến.
Khi nào cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khởi công? (Hình từ Internet)
Phương án phân chia dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Ngày 26/6/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 5871/VPCP-CN về phương án phân chia dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng (văn bản số 5722/BXD-KHTC ngày 25 tháng 6 năm 2025) về phương án phân chia dự án thành phần Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (Dự án), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
1. Đồng ý kiến nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản nêu trên về việc phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thành 03 dự án thành phần do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh) làm cơ quan chủ quản. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về nội dung kiến nghị, bảo đảm việc triển khai Dự án được thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
2. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất về việc thay đổi so với Tờ trình 424/TTr-CP ngày 13 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Căn cứ Điều 4 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:
- Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.
- Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ các điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp công trình xây dựng và công việc theo quy định của Luật Xây dựng 2014.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.
- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng.
- Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.