15:37 - 09/11/2024

Phân biệt các vạch kẻ đường như thế nào? Cách phân biệt các vạch phân chia đường 1 chiều và đường 2 chiều?

Vạch kẻ đường là gì? Phân loại vạch kẻ đường? Phân biệt các vạch phân chia đường 1 chiều và đường hai chiều xe chạy? Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường bị xử phạt thế nào?

Nội dung chính

    Vạch kẻ đường là gì?

    Căn cứ theo Điều 52 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định chung đối với vạch kẻ đường như sau:

    - Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe. Có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông

    - Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi quy định của làn đường xe chạy.

    Phân loại vạch kẻ đường?

    Căn cứ theo Điều 53 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định như sau

    Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại:

    - Vạch trên mặt bằng quy định các phần đường khác nhau trên mặt bằng, bao gồm: Vạch dọc đường; Vạch gang đường; Những loại vạch khác

    - Vạch đứng kẻ trên thành vỉa hè, các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường.

    Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại như sau:

    - Vạch dọc đường là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường;

    - Vạch ngang đường là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy;

    - Các loại vạch khác là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.

    Dựa vào chức năng, ý nghĩa sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành bốn loại: 

    Vạch hiệu lệnh; Vạch cảnh báo; Vạch chỉ dẫn; Vạch giảm tốc độ.

    Dựa vào hình dáng, kiểu, vạch kẻ đường được chia thành hai loại:

    - Vạch trên mặt đường, trên thành vỉa hè (bó vỉa).

    - Vạch ở ranh giới phân cách làn xe, gồm vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc.

    Phân biệt các vạch phân chia đường 1 chiều (cùng chiều) và đường hai chiều xe chạy?

    (1) Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều

    - Dạng vạch đơn, đứt nét (màu trắng)

    Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường.

     

    Hình minh họa

    - Dạng vạch đơn, liền nét (màu trắng)

    Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

     Hình minh họa

     

    - Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên

    Ý nghĩa sử dụng: Vạch giới hạn làn đường dành riêng cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch liền nét), các loại xe khác không được đi vào làn xe này trừ những trường hợp khẩn cấp theo Luật Giao thông đường bộ.

    Vạch giới hạn làn đường ưu tiên cho một loại xe cơ giới nhất định (vạch đứt nét), các xe khác có thể sử dụng làn đường này nhưng phải nhường đường cho xe được ưu tiên sử dụng làn khi xuất hiện loại xe này trên làn xe.

     Xe trên làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên có thể cắt qua các vạch này khi làn đường hoặc phần đường xe chạy liền kề không cấm sử dụng loại xe này.

    Hình minh họa

     

    - Dạng vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét)

    Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.

     

    (2) Nhóm vạch phân chia đường hai chiều xe chạy (ngược chiều)

    - Dạng vạch đơn, đứt nét (màu vàng)

    Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.

     Hình minh họa

    - Dạng vạch đơn, nét liền (màu vàng)

    Ý nghĩa sử dụng: dùn để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

    Hình minh họa

    - Dạng vạch đôi, nét liền

    Ý nghĩa sử dụng: Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

     

    Hình minh họa

    - Dạng vạch đôi gồm một vạch nét liền, một vạch nét đứt

    Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.

     

    Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường bị xử phạt thế nào?

    Đối với xe ô tô và xe máy nếu không tuân thủ vạch kẻ đường có thể bị xử phạt như sau:

    Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường đối với xe ô tô

    Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với xe ô tô không chấp hành vạch kẻ đường.

    Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường đối với xe máy

    Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với xe máy không chấp hành vạch kẻ đường.

    Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng 

    Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành vạch kẻ đường.

    Lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác

    Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) và các xe thô sơ khác khi không chấp hành vạch kẻ đường.

     

    6