Độ pô xe máy bị xử phạt bao nhiêu?
Nội dung chính
Độ pô xe máy bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
...
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
c) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số xe, chứng nhận đăng ký xe nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Không làm thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
....
Như vậy, theo quy định từ 2025 cá nhân vi phạm lỗi độ pô xe máy sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức vi phạm lỗi độ pô xe máy sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Độ pô xe máy bị xử phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Lỗi độ pô xe máy có bị trừ điểm giấy phép lái xe hay không?
Căn cứ tại khoản 21 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
...
21. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ, điểm g, điểm m khoản 7; điểm đ, điểm e khoản 8; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 9; điểm a, điểm b, điểm đ khoản 11; điểm a khoản 12; điểm c khoản 13; điểm đ, điểm h khoản 14 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e, điểm g khoản 14 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 03 điểm;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm đ khoản 13; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 14; điểm a khoản 16 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện chở vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện, còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 8, điểm b khoản 12 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 06 điểm;
e) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 15 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 08 điểm;
g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm d khoản 13, điểm b khoản 16 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm;
h) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện chở vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.
Như vậy, theo quy định trên đối với lỗi độ pô xe máy cụ thể là tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ không bị trừ điểm giấy phép lái xe.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện cụ thể như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.
2. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
....
Như vậy, theo quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.