Các hình thức xử phạt chính đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là gì?
Nội dung chính
Các hình thức xử phạt chính đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 168/2024/NĐ-CP:
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả; thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;c) Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Như vậy, mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: cảnh cáo, phạt tiền hoặc tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Có những hình thức xử phạt bổ sung nào trong lĩnh vực giao thông đường bộ?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 168/2024/NĐ-CP:
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả; thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề
...
2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong trường hợp không áp dụng là hình thức xử phạt chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, khi có hành vi vi phạm hành chính, ngoài các hình thức xử phạt chính, cá nhân và tổ chức vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn nhất định; đình chỉ hoạt động có thời hạn; hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu việc tịch thu này không được áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Các hình thức xử phạt chính đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là gì? (Hình từ Internet)
Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 168/2024/NĐ-CP:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn
...
3. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề như sau:
a) Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ;
c) Khi giữ và trả lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng theo quy định tại điểm b khoản này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản và lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định cụ thể như sau:
(1) Trường hợp đã tạm giữ giấy phép, chứng chỉ: Nếu tại thời điểm ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm, thì thời hạn tước quyền sử dụng được tính từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
(2) Trường hợp chưa tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ: Nếu tại thời điểm ra quyết định xử phạt, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chưa bị tạm giữ, người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm. Trong trường hợp này, quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng, cụ thể là từ thời điểm người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ để người có thẩm quyền tiến hành tạm giữ.
(3) Lập biên bản tạm giữ và trả lại: Đối với trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, quá trình tạm giữ và trả lại phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo tính minh bạch và đầy đủ.