Cách đào Pi Network như thế nào? Sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản được không?

Pi Network thu hút nhờ cách đào đơn giản, nhưng việc sử dụng để giao dịch bất động sản chưa được pháp luật công nhận, tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá trị và tính hợp pháp.

Nội dung chính

Cách đào Pi Network như thế nào?

Đào Pi Network là quá trình khai thác đồng Pi thông qua ứng dụng trên điện thoại mà không tiêu tốn tài nguyên như các loại tiền mã hóa khác.

Việc này giúp người dùng tham gia hệ sinh thái Pi một cách đơn giản, không cần phần cứng chuyên dụng. 

Hướng dẫn cách đào Pi Network trên điện thoại 

Bước 1: Tải ứng dụng Pi Network 

- Vào CH Play (Android) hoặc App Store (iOS), tìm kiếm ứng dụng “Pi Network” và cài đặt. 

Bước 2: Đăng ký tài khoản 

- Chọn "Continue with phone number" để đăng ký bằng số điện thoại. 

- Chọn mã vùng Vietnam (+84), nhập số điện thoại và tạo mật khẩu.

- Điền đầy đủ thông tin cá nhân theo hướng dẫn, nhập mã mời (nếu có). 

Bước 3: Bắt đầu đào Pi Network 

- Sau khi đăng ký, mở ứng dụng Pi Network và nhấn vào biểu tượng sấm sét để kích hoạt quá trình đào Pi. 

- Mỗi 24 giờ, người dùng cần nhấn lại để tiếp tục quá trình khai thác Pi Network. 

- Có thể tăng tốc độ đào bằng cách mời thêm thành viên tham gia hệ thống. 

Cách đào Pi Network như thế nào? Sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản được không?

Cách đào Pi Network như thế nào? Sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản được không? (Hình từ Internet)

Sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản được không? 

(1) Đồng Pi Network có là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam không?

Theo pháp luật Việt Nam, các loại tiền ảo như Pi Network chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Cụ thể:

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Và tại khoản 10, khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP cũng có quy định:

Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
10. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) là phương tiện do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được phép phát hành thẻ tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phát hành và được khách hàng sử dụng nhằm thực hiện giao dịch thanh toán, bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
11. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 10 Điều này.
...

Ngoài ra, theo Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước cũng có hướng dẫn: 

Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Do đó, Pi Network không được coi là tiền tệ và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc sử dụng đồng Pi Network như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán trong các giao dịch tại Việt Nam là hành vi bị cấm.

Căn cứ khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh toán như sau

Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
...
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
...

Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định:

Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả

...

3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

Do đó, nếu cá nhân sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản tại Việt Nam, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tối đa lên đến 100.000.000 đồng.

(2) Những rủi ro khi sử dụng Pi Network để giao dịch bất động sản 

- Không được pháp luật bảo vệ: Pi Network không được công nhận là tiền tệ hợp pháp, nên các hợp đồng mua bán bằng Pi có thể bị xem là vô hiệu nếu có tranh chấp. 

- Không có giá trị quy đổi ổn định: Giá trị của Pi Network trên các sàn giao dịch quốc tế vẫn chưa ổn định, khiến việc mua bán tài sản lớn như bất động sản bằng Pi gặp nhiều rủi ro. 

- Tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo: Một số giao dịch bất động sản bằng Pi có thể là hình thức lừa đảo, do không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan pháp luật. 

Việc đào Pi Network khá đơn giản, nhưng sử dụng Pi để mua bán bất động sản tại Việt Nam chưa được công nhận.

Theo quy định pháp luật hiện hành, Pi Network không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, nên các giao dịch bất động sản bằng Pi vẫn chưa được bảo vệ về mặt pháp lý.

Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng Pi để giao dịch bất động sản để tránh rủi ro tài chính.

saved-content
unsaved-content
1434