Luật Đất đai 2024

Luật Giá 2023

Số hiệu 16/2023/QH15
Cơ quan ban hành Quốc hội
Ngày ban hành 19/06/2023
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Tài chính nhà nước
Loại văn bản Luật
Người ký Vương Đình Huệ
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 16/2023/QH15

Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2023

 

LUẬT GIÁ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giá.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan

1. Trường hợp có quy định khác nhau về giá giữa Luật Giá và luật khác được ban hành trước ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật Giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

3. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Giá có hiệu lực thi hành có quy định bổ sung hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì phải đánh giá tác động chính sách; hàng hóa, dịch vụ đó phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm định giá, hình thức định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó, xác định cụ thể về căn cứ, phương pháp định giá, việc ban hành văn bản định giá thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định tại Luật Giá, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

4. Việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như sau:

a) Giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Giá nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở;

c) Giá điện và giá các dịch vụ về điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực;

d) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

đ) Học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;

e) Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được, tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường.

2. Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau.

3. Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ cần thiết đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

4. Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cung, cầu và do các yếu tố thị trường quyết định trong một khoảng thời gian, không gian nhất định.

5. Mặt bằng giá thị trường là bình quân các mức giá phổ biến của hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, được phản ánh thông qua chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (nếu có).

6. Giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ bao gồm:

a) Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; giá nhập khẩu hàng hóa;

b) Chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

7. Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế; lợi nhuận (nếu có) hoặc khoản lỗ (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

8. Điều tiết giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của Luật này để hạn chế các bất cập của kinh tế thị trường nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Nhà nước và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội.

9. Bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi có biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.

10. Biến động bất thường về giá là hiện tượng mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp so với mặt bằng giá thị trường của một thời kỳ nhất định trước đó.

11. Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ.

12. Phương án giá là bản thuyết minh về các căn cứ định giá hoặc điều chỉnh giá, yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ.

13. Hiệp thương giá là phương thức thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ và có vai trò trung gian của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này.

14. Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

15. Niêm yết giá là hình thức công khai mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

16. Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

17. Tài sản thẩm định giá bao gồm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá theo nhu cầu hoặc các trường hợp pháp luật quy định phải thẩm định giá.

18. Chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.

19. Báo cáo thẩm định giá là văn bản trình bày về quá trình thẩm định giá, làm căn cứ lập chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, trong đó:

a) Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá lập, thể hiện ý kiến của thẩm định viên về giá và được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá xem xét, phê duyệt;

b) Đối với hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, báo cáo thẩm định giá do hội đồng thẩm định giá lập, thể hiện ý kiến của các thành viên hội đồng và ý kiến biểu quyết thống nhất của hội đồng.

20. Thông báo kết quả thẩm định giá là văn bản do hội đồng thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.

21. Thông đồng về giá, thẩm định giá là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi trao đổi để thống nhất làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

1. Quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.

3. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Công khai thông tin về giá, thẩm định giá

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước thực hiện công khai các nội dung sau đây:

a) Chủ trương, đề án, báo cáo về biện pháp quản lý, điều tiết giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; văn bản quy phạm pháp luật về giá;

b) Văn bản định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trừ hàng dự trữ quốc gia;

c) Danh sách doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thẩm định viên về giá; danh sách doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; danh sách người bị tước, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai các nội dung sau đây:

a) Giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự định giá trong khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

b) Mức giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này;

c) Mức giá của hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá.

3. Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện công khai các nội dung sau đây:

a) Danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp;

b) Thông tin cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, số lượng chứng thư đã phát hành hàng năm;

c) Bảng giá dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá.

4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm công khai thông tin quy định tại Điều này phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, kịp thời và chịu trách nhiệm về nội dung công khai. Việc công khai không áp dụng đối với các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước và các trường hợp không được phép công khai theo quy định của pháp luật.

Việc thông tin, truyền thông về các chính sách pháp luật về giá, cơ chế quản lý, điều hành giá phải bảo đảm tính khách quan, trung thực theo quy định của pháp luật.

5. Việc công khai các thông tin quy định tại Điều này được thực hiện theo hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc hình thức phù hợp khác. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì công khai bằng hình thức gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá; đối với các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì công khai bằng hình thức cập nhật vào cơ sở dữ liệu về giá.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá

1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thẩm định giá:

a) Can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá;

b) Cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

2. Đối với tổ chức, cá nhân:

a) Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;

b) Gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ;

c) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;

d) Cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá giả hoặc sử dụng chứng thư thẩm định giá giả cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;

e) Làm, cung cấp chứng thư thẩm định giá khi không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc sử dụng chứng thư đó cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không là thẩm định viên về giá;

g) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

3. Đối với doanh nghiệp thẩm định giá:

a) Hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; thông tin không chính xác về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;

b) Cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

c) Kê khai không chính xác, không trung thực, giả mạo hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hồ sơ đăng ký hành nghề của thẩm định viên về giá;

d) Phát hành khống chứng thư thẩm định giá;

đ) Mua chuộc, hối lộ; cấu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

4. Đối với thẩm định viên về giá:

a) Thông tin không chính xác, không trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;

b) Giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

c) Lập chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá với tư cách cá nhân;

d) Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này;

đ) Thực hiện thẩm định giá cho người có liên quan với doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

e) Lập khống báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

g) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

5. Đối với hội đồng thẩm định giá:

a) Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của thành viên hội đồng thẩm định giá nhằm vụ lợi;

b) Lập khống thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

c) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

6. Đối với thành viên hội đồng thẩm định giá:

a) Lập khống các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

b) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

7. Đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá:

a) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá;

b) Sử dụng chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực; sử dụng chứng thư thẩm định giá không theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với tài sản thẩm định giá, số lượng tài sản thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá;

c) Mua chuộc, hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.

8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành văn bản có các hình thức, điều kiện nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá trái quy định của Luật này.

Chương II

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG LĨNH VỰC GIÁ

Điều 8. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

1. Tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể. Được xem xét áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ.

2. Tự định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh theo khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật này.

3. Tham gia xây dựng và kết nối, chia sẻ thông tin vào cơ sở dữ liệu về giá.

4. Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu và phải niêm yết công khai về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng tươi sống;

b) Hàng hóa tồn kho;

c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;

d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;

đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;

e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.

5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá xem xét, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

6. Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

7. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá; yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

1. Lập phương án giá hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ hoặc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ việc định giá hoặc triển khai, áp dụng các biện pháp quản lý, điều tiết giá khác theo quy định của Luật này.

2. Chấp hành văn bản định giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Kê khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

4. Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

5. Giảm giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với các chính sách miễn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.

6. Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

7. Giải quyết kịp thời các khiếu nại về giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Quyền của người tiêu dùng

1. Lựa chọn, thỏa thuận về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể.

2. Tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

3. Được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn theo quy định của pháp luật.

4. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá xem xét điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 11. Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Thanh toán theo mức giá thỏa thuận hoặc mức giá cụ thể do Nhà nước định giá khi mua hàng hóa, dịch vụ.

2. Thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về giá, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 12. Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

2. Quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

3. Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá.

4. Quản lý hoạt động thẩm định giá; tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.

5. Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá, thẩm định giá.

6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá.

8. Hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

2. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền.

3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

4. Quy định, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này.

5. Quyết định và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, điều tiết giá theo quy định của Luật này. Phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

2. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.

3. Trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện bình ổn giá theo phân công của Chính phủ.

6. Định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này.

7. Tiếp nhận kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền.

8. Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.

9. Tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

b) Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho thẩm định viên về giá và người làm công tác thẩm định giá của Nhà nước;

c) Quy định về việc thi, cấp, quản lý, tước có thời hạn và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá;

d) Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

đ) Quản lý hoạt động hành nghề của thẩm định viên về giá;

e) Quản lý hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với hội nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về việc đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá.

11. Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định pháp luật.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá.

13. Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá, thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.

14. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

16. Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.

3. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

4. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này.

5. Đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ chủ trương bình ổn giá; tổ chức thực hiện bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

6. Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

7. Tiếp nhận kê khai giá theo phân công của Chính phủ.

8. Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.

9. Cập nhật thông tin, dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ.

10. Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

11. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá, thẩm định giá của Nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

13. Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá tại địa phương theo quy định của pháp luật; có thẩm quyền quyết định, phân công nhiệm vụ đối với từng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo ngành, lĩnh vực, cơ quan hành chính cấp dưới tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá quy định tại Điều này.

2. Ban hành theo thẩm quyền, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giá.

3. Tổ chức thực hiện bình ổn giá trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật này; phối hợp với các địa phương khác trong việc triển khai bình ổn giá.

4. Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

5. Tổ chức phân công, phân cấp việc tiếp nhận kê khai giá trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, thực hiện cập nhật thông tin, dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; quyết định việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Chính phủ.

6. Đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

7. Đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 của Luật này.

8. Tổ chức hiệp thương giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật này.

9. Tổ chức hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật.

10. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá theo chức năng, lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá.

11. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về giá, thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

12. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương trong từng giai đoạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch để triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá thị trường trên địa bàn.

13. Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phân công của Chính phủ.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT GIÁ CỦA NHÀ NƯỚC

Mục 1. BÌNH ỔN GIÁ

Điều 17. Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

1. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

a) Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;

b) Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật này. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

3. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 18. Nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá

1. Nguyên tắc bình ổn giá được quy định như sau:

a) Công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng;

b) Phù hợp với điều ước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát;

d) Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá trong các trường hợp sau đây:

a) Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường.

Điều 19. Các biện pháp bình ổn giá

1. Các biện pháp bình ổn giá bao gồm:

a) Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

b) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương này;

d) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.

Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.

2. Thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quyết định biện pháp bình ổn giá xác định trên cơ sở xác định nguyên nhân của biến động giá; căn cứ tình hình thực hiện, diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong thực tế có thể kết thúc bình ổn giá trước thời hạn hoặc gia hạn thời hạn áp dụng.

Điều 20. Tổ chức thực hiện bình ổn giá

1. Việc thực hiện bình ổn giá trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 của Luật này được triển khai như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá;

b) Trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức: kiểm tra yếu tố hình thành giá hoặc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo một số yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; đánh giá cung cầu hàng hóa, dịch vụ để xác định nguyên nhân, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá phù hợp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì triển khai;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá và thời hạn, phạm vi áp dụng bình ổn giá; tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá và báo cáo Chính phủ kết quả bình ổn giá, đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai biện pháp bình ổn giá và báo cáo kết quả gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì triển khai;

d) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm chấp hành biện pháp bình ổn giá được công bố và thực hiện kê khai lần đầu, kê khai lại giá theo quy định tại Điều 28 của Luật này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc thực hiện bình ổn giá trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 của Luật này được triển khai như sau:

a) Đối với việc bình ổn giá trên phạm vi cả nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn giá không nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhưng cần thực hiện ngay, trên cơ sở đề nghị của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ đó. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo phân công của Chính phủ;

b) Đối với việc bình ổn giá tại phạm vi địa phương, sở quản lý ngành, lĩnh vực đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn; có văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ về kết quả bình ổn giá, đồng thời gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường;

c) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm chấp hành biện pháp bình ổn giá được công bố và thực hiện kê khai lần đầu, kê khai lại giá theo quy định tại Điều 28 của Luật này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và có quy định khác về việc thực hiện bình ổn giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. ĐỊNH GIÁ

Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

1. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên;

c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước;

d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện định giá theo các hình thức sau đây:

a) Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó;

b) Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó;

c) Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó;

d) Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân;

b) Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn.

4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.

5. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

6. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 22. Nguyên tắc và căn cứ định giá của Nhà nước

1. Nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định như sau:

a) Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng;

c) Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

2. Căn cứ định giá của Nhà nước được quy định như sau:

a) Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ;

b) Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;

c) Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ.

Điều 23. Phương pháp định giá

1. Phương pháp định giá là cách thức để xác định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo các hình thức định giá quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này;

b) Hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng.

Điều 24. Ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá; văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá

1. Văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành là văn bản hành chính. Việc ban hành văn bản được thực hiện như sau:

a) Lập phương án giá;

b) Thẩm định phương án giá;

c) Trình và ban hành văn bản định giá, điều chỉnh mức giá.

2. Văn bản quy định cơ chế, chính sách về giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Mục 3. HIỆP THƯƠNG GIÁ

Điều 25. Tiêu chí hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá

1. Không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; không thuộc các trường hợp phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.

2. Có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán mà bên mua, bên bán phụ thuộc nhau, khó thay thế được.

Điều 26. Nguyên tắc, thẩm quyền và trách nhiệm hiệp thương giá

1. Nguyên tắc hiệp thương giá được quy định như sau:

a) Các đối tượng đề nghị hiệp thương giá phải là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 25 của Luật này;

b) Việc tiếp nhận, tổ chức hiệp thương giá được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; bên mua và bên bán đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương giá;

c) Quá trình hiệp thương giá phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá của các bên đề nghị hiệp thương giá.

2. Thẩm quyền và trách nhiệm hiệp thương giá được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý mà bên mua, bên bán hoặc cả 02 bên là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

b) Sở quản lý ngành, lĩnh vực hiệp thương giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý mà bên mua và bên bán không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

Trường hợp bên mua, bên bán có trụ sở chính đóng tại địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau, bên mua và bên bán có trách nhiệm thống nhất đề nghị 01 trong 02 địa phương tổ chức hiệp thương giá.

Trường hợp bên mua, bên bán không thống nhất được địa phương tổ chức hiệp thương giá thì Sở quản lý ngành, lĩnh vực nơi bên bán đăng ký kinh doanh tổ chức hiệp thương giá; trường hợp bên bán là chi nhánh của doanh nghiệp thì Sở quản lý ngành, lĩnh vực nơi chi nhánh được đăng ký hoạt động tổ chức hiệp thương giá.

Điều 27. Tổ chức hiệp thương giá

1. Khi nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá của bên mua và bên bán hàng hóa, dịch vụ, cơ quan hiệp thương giá tổ chức rà soát, đánh giá việc đáp ứng tiêu chí của hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 25 của Luật này. Trường hợp cần thiết, cơ quan hiệp thương giá có văn bản đề nghị các bên bổ sung thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

2. Cơ quan hiệp thương giá tổ chức hội nghị hiệp thương giá để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá trên cơ sở hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên. Bên mua và bên bán có văn bản cử người đại diện của mình tham gia hội nghị hiệp thương giá.

3. Tại hội nghị hiệp thương giá, cơ quan hiệp thương giá có vai trò trung gian để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá và không được can thiệp vào mức giá mà các bên đã thương lượng.

4. Tại hội nghị hiệp thương giá, trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì hội nghị hiệp thương giá kết thúc; cơ quan hiệp thương giá lập biên bản để các bên ký ghi nhận kết quả hiệp thương. Mức giá hiệp thương chỉ được áp dụng cho đúng vụ việc mua, bán và khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị hiệp thương giá; mức giá hiệp thương không có giá trị để áp dụng cho trường hợp khác. Bên mua và bên bán chịu trách nhiệm về mức giá hiệp thương mà 02 bên đã thoả thuận.

5. Trong trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá để 02 bên thực hiện thì cơ quan hiệp thương giá lập biên bản về các nội dung này. Cơ quan hiệp thương giá tiếp tục tổ chức xác định mức giá để 02 bên thực hiện. Văn bản xác định mức giá của cơ quan hiệp thương giá chỉ được áp dụng 01 lần cho đúng đối tượng đề nghị hiệp thương, theo đúng vụ việc mua, bán, khối lượng hàng hóa, dịch vụ đã được các bên thống nhất tại văn bản đề nghị và không có giá trị để áp dụng cho các trường hợp khác. Bên mua và bên bán chịu trách nhiệm tuân thủ mức giá do cơ quan hiệp thương giá đã xác định.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 4. KÊ KHAI GIÁ, NIÊM YẾT GIÁ, GIÁ THAM CHIẾU

Điều 28. Kê khai giá

1. Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai.

2. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:

a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá;

b) Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng;

c) Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu;

d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

3. Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.

4. Đối tượng kê khai giá là tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và có quyền quyết định giá; thuộc danh sách do cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai theo quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Việc xây dựng, thông báo danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá được quy định như sau:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền tiếp nhận kê khai rà soát, ban hành danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá tại Bộ, cơ quan ngang Bộ;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, ban hành danh sách tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương và không thuộc danh sách kê khai giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành.

6. Tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng kê khai giá tự quyết định giá hàng hóa, dịch vụ, có trách nhiệm kê khai giá lần đầu và kê khai lại giá sau khi quyết định giá theo quy định và chịu trách nhiệm về mức giá, nội dung kê khai giá của mình.

7. Cơ quan tiếp nhận kê khai có trách nhiệm tổ chức việc cập nhật thông tin giá kê khai vào cơ sở dữ liệu về giá; được sử dụng mức giá kê khai trong công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo quy định.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 29. Niêm yết giá

1. Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: in, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành; đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ.

Điều 30. Giá tham chiếu

1. Giá tham chiếu là mức giá của hàng hóa, dịch vụ tại thị trường trong nước, quốc tế do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố để các cơ quan và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho việc thỏa thuận, quyết định giá hàng hóa, dịch vụ.

2. Chính phủ quyết định hàng hóa, dịch vụ áp dụng giá tham chiếu và quy định việc công bố, sử dụng giá tham chiếu.

Mục 5. KIỂM TRA YẾU TỐ HÌNH THÀNH GIÁ

Điều 31. Mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá

1. Kiểm tra yếu tố hình thành giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện để rà soát, đánh giá về tính hợp lý, hợp lệ của các yếu tố hình thành giá, cung cầu của hàng hóa, dịch vụ nhằm nhận diện các yếu tố tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ để xem xét, quyết định thực hiện các giải pháp, biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp.

2. Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Giá hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá có biến động bất thường, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, mặt bằng giá thị trường;

b) Giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.

Điều 32. Thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý và giao nhiệm vụ kiểm tra cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn và giao nhiệm vụ kiểm tra cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện.

Điều 33. Thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá

1. Việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá phải bảo đảm công khai, minh bạch và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; xác định rõ đối tượng, thời hạn kiểm tra. Kết thúc kiểm tra, cơ quan kiểm tra có báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả kiểm tra yếu tố hình thành giá.

2. Thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định như sau:

a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá có văn bản thông báo về việc kiểm tra gửi đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

b) Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng kiểm tra yếu tố hình thành giá có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến yếu tố hình thành giá;

c) Thời gian kiểm tra yếu tố hình thành giá tối đa là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ tài liệu theo yêu cầu; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 15 ngày;

d) Kết thúc kiểm tra, cơ quan kiểm tra có báo cáo kết quả kiểm tra yếu tố hình thành giá và đề xuất các biện pháp phù hợp. Việc lập báo cáo kết quả kiểm tra trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Báo cáo kết quả kiểm tra yếu tố hình thành giá phải bao gồm các nội dung về mục đích, yêu cầu, đối tượng kiểm tra, kết quả kiểm tra và nguyên nhân.

3. Trong quá trình kiểm tra, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIÁ

Điều 34. Hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường là việc thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong một giai đoạn, thời kỳ để phân tích, đánh giá, dự báo về xu hướng biến động của mặt bằng giá thị trường và đề ra phương hướng, giải pháp, biện pháp quản lý, điều tiết giá.

2. Nội dung công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được quy định như sau:

a) Tổ chức thu thập, phân tích giá các tài sản, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;

b) Xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trong từng giai đoạn, thời kỳ gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát;

c) Đánh giá, kiến nghị về mục tiêu kiểm soát lạm phát hằng năm và đề xuất các giải pháp về quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều 35. Nguyên tắc tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời.

2. Đối với việc tổng hợp, phân tích số liệu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

3. Đối với việc dự báo giá thị trường phải được thực hiện khoa học, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và yêu cầu công tác quản lý, điều tiết giá.

Điều 36. Báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tổng hợp mặt bằng giá thị trường và diễn biến mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước và thế giới phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về giá; phân tích các nguyên nhân của biến động mặt bằng giá thị trường; đánh giá tác động kinh tế, chính trị trong nước và thế giới đến công tác quản lý, điều tiết giá;

b) Công tác quản lý, điều tiết giá của Nhà nước;

c) Dự báo xu hướng biến động mặt bằng giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;

d) Dự kiến phương án điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (nếu có); đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế - xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát;

đ) Giải pháp, biện pháp quản lý, điều tiết giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Điều 37. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành giá.

2. Các Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính để triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 38. Cơ sở dữ liệu về giá

1. Cơ sở dữ liệu về giá gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và các nhu cầu của xã hội, do Bộ Tài chính thống nhất quản lý. Thông tin được cung cấp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá là một trong các nguồn thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và phải trả giá dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá tại địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm cập nhật thông tin dữ liệu về giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về giá.

5. Chính phủ quy định chi tiết về xây dựng, quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu về giá.

Điều 39. Kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và cơ sở dữ liệu về giá

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và công tác quản lý, điều tiết giá được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ.

2. Kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về giá được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan được giao quản lý cơ sở dữ liệu về giá có trách nhiệm lập dự toán ngân sách phục vụ cho việc xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Chương VI

THẨM ĐỊNH GIÁ

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 40. Hoạt động thẩm định giá

1. Hoạt động thẩm định giá bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.

2. Hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, được giao kết bằng hợp đồng dân sự; hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do hội đồng thẩm định giá thực hiện theo quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật này.

Điều 41. Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá

1. Tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

2. Độc lập, khách quan, trung thực.

3. Chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.

Điều 43. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá

1. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Luật Giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá, cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học và thực hiện các hoạt động liên quan đến thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mục 2. DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 44. Thẻ thẩm định viên về giá

1. Thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp, được cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.

2. Người tham dự kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên;

c) Có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá phù hợp với lĩnh vực chuyên môn dự thi do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo về thẩm định giá cấp, trừ trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

Điều 45. Đăng ký hành nghề thẩm định giá

1. Người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang còn hiệu lực với doanh nghiệp mà người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá, trừ trường hợp người có thẻ thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

c) Có tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá với trình độ đại học trở lên từ đủ 36 tháng. Trường hợp làm việc với trình độ đại học trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá theo chương trình định hướng ứng dụng theo quy định của pháp luật thì tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ đủ 24 tháng;

d) Đã cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 01 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề;

đ) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối tượng không được hành nghề thẩm định giá bao gồm:

a) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

b) Người đang bị cấm hành nghề thẩm định giá theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang trong thời gian bị khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; người đã bị kết án về một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

c) Người đang bị tước thẻ thẩm định viên về giá theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Người có thẻ thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá với Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp thẩm định giá để được thông báo là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp thẩm định giá đó. Người có thẻ thẩm định viên về giá trong lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp được đăng ký hành nghề cả 02 lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này. Người có thẻ thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá đồng thời tại hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Điều 46. Thẩm định viên về giá

1. Thẩm định viên về giá là người có thẻ thẩm định viên về giá đã thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá và được Bộ Tài chính thông báo là thẩm định viên về giá.

2. Trong quá trình hành nghề thẩm định giá, thẩm định viên về giá phải duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này. Doanh nghiệp thẩm định giá phải kịp thời báo cáo Bộ Tài chính trường hợp biến động thẩm định viên về giá do thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp không còn duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá hoặc thay đổi nơi đăng ký hành nghề.

3. Danh sách thẩm định viên về giá được thông báo như sau:

a) Danh sách thẩm định viên về giá được thông báo hằng năm trước ngày 01 tháng 01 của năm đó;

b) Danh sách thẩm định viên về giá được điều chỉnh hằng tháng (nếu có) và thông báo trước ngày làm việc cuối cùng của tháng đối với các hồ sơ Bộ Tài chính tiếp nhận trước ngày 15 của tháng đó;

c) Danh sách thẩm định viên về giá được thông báo kèm theo khi doanh nghiệp được cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá

1. Quyền của thẩm định viên về giá:

a) Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn; được phép hành nghề mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ, điều kiện chuyên môn khác với quy định của Luật này;

b) Đưa ra quan điểm độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;

c) Yêu cầu khách hàng phối hợp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá; không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về tài sản thẩm định giá do khách hàng cung cấp;

d) Từ chối thực hiện thẩm định giá trong trường hợp không đúng lĩnh vực chuyên môn được phép hành nghề hoặc xét thấy hồ sơ, tài liệu để thực hiện thẩm định giá không đủ hoặc không bảo đảm tin cậy;

đ) Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

e) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của thẩm định viên về giá:

a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

c) Giải trình hoặc bảo vệ các nội dung tại báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia các chương trình cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định;

đ) Lập hồ sơ về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Doanh nghiệp thẩm định giá

1. Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký ngành, nghề kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này.

2. Người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, sau khi thôi giữ chức vụ, không được thành lập hoặc giữ các chức danh, chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thẩm định giá trong thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Điều 49. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp phải có ít nhất 05 người có thẻ thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp và đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân; người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 51 của Luật này. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân, các thành viên hợp danh công ty hợp danh phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp;

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 51 của Luật này; đồng thời doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn hoặc 02 cổ đông phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.

Trường hợp thành viên góp vốn hoặc cổ đông là tổ chức thì người đại diện theo ủy quyền của của tổ chức góp vốn phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; tổng phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ. Tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

2. Trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, rách hoặc thông tin thay đổi so với thông tin trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Điều 50. Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

1. Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và được ghi tên trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá.

2. Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Phải có ít nhất 03 người có thẻ thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này đăng ký hành nghề thẩm định giá tại chi nhánh. Những người này không được đồng thời đăng ký hành nghề thẩm định giá tại trụ sở chính hoặc chi nhánh khác của doanh nghiệp thẩm định giá;

b) Người đứng đầu chi nhánh phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này đăng ký hành nghề thẩm định giá tại chi nhánh đó.

3. Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quyết định bằng văn bản của doanh nghiệp thẩm định giá và được phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá đối với các hợp đồng thẩm định giá do chi nhánh ký kết với khách hàng thẩm định giá.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của chi nhánh.

Điều 51. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

1. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

b) Là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp đó;

c) Có từ đủ 36 tháng là thẩm định viên về giá;

d) Duy trì điều kiện quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 45 của Luật này;

đ) Không thuộc các trường hợp đã giữ vị trí người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian 12 tháng đối với doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lần đầu và 60 tháng đối với doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá từ lần 02 trở lên tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

2. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá được ghi tên trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cấp cho doanh nghiệp thẩm định giá.

Điều 52. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

1. Được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đồng thời phải bảo đảm duy trì các điều kiện quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này, doanh nghiệp thẩm định giá phải báo cáo Bộ Tài chính; đồng thời phải khắc phục trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày không đủ điều kiện.

3. Trong thời gian khắc phục điều kiện hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều này, hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện như sau:

a) Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không còn là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp hoặc không còn đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 45 của Luật này thì doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá không được phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá. Trường hợp người đứng đầu chi nhánh không còn là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp hoặc không còn đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 45 của Luật này thì chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá không được phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

b) Trường hợp không đủ số lượng thẩm định viên về giá tối thiểu nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá được phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá với những hợp đồng thẩm định giá đã ký kết trong giai đoạn còn đủ điều kiện về số lượng thẩm định viên về giá nhưng không được ký kết hợp đồng dịch vụ thẩm định giá mới.

4. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày không đủ điều kiện quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật này, doanh nghiệp thẩm định giá không khắc phục các điều kiện hoạt động thẩm định giá thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 54 của Luật này; chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá không khắc phục các điều kiện hoạt động thẩm định giá thì bị xóa tên trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Quyền của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:

a) Cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này;

b) Tham gia hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp trong nước và ngoài nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

c) Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá;

d) Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:

a) Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này;

b) Thực hiện thẩm định giá theo đúng hợp đồng thẩm định giá và lĩnh vực chuyên môn được phép thực hiện; bố trí thẩm định viên về giá, người có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết; tạo điều kiện để thẩm định viên về giá thực hiện hoạt động thẩm định giá độc lập, khách quan;

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá để phát hành và cung cấp chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá;

d) Bảo đảm chứng thư thẩm định giá phát hành tuân thủ các quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, trừ trường hợp khách hàng thẩm định giá cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá; chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết;

đ) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định giá hoặc trong trường hợp hoạt động thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;

e) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

g) Quản lý, giám sát hoạt động của thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp;

h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

i) Tổ chức bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá an toàn, đầy đủ, hợp pháp và bảo mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

b) Phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do người không phải là thẩm định viên về giá ký với vai trò thẩm định viên về giá;

c) Các trường hợp đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính và hình sự.

2. Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Kê khai không đúng hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

b) Không phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong 12 tháng liên tục;

c) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp không khắc phục được vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

d) Tự chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

đ) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Trong thời gian bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá không được ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá và không được phát hành chứng thư thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá tại thời điểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá quy định tại điểm i khoản 2 Điều 53 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Điều 55. Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá

1. Chứng thư thẩm định giá phải có chữ ký của thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá và do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký và đóng dấu.

2. Báo cáo thẩm định giá phải có chữ ký của thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá và phê duyệt của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá và không thể tách rời với chứng thư thẩm định giá.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá được phép ủy quyền cho người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp ký chứng thư thẩm định giá và xem xét, phê duyệt báo cáo thẩm định giá. Người được ủy quyền phải là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp.

4. Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng thông tin tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.

5. Chứng thư thẩm định giá phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 56. Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật để giao kết hợp đồng thẩm định giá.

2. Quyền của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:

a) Yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá và thông tin về thẩm định viên về giá;

b) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá;

c) Yêu cầu thay thế thẩm định viên về giá tham gia thực hiện thẩm định giá khi có căn cứ cho rằng thẩm định viên về giá đó vi phạm Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam và nguyên tắc hoạt động trung thực, độc lập, khách quan trong quá trình thực hiện thẩm định giá;

d) Yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá; yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá có hành vi vi phạm gây thiệt hại;

đ) Xem xét, quyết định việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

e) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:

a) Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của doanh nghiệp thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp;

b) Phối hợp, tạo điều kiện cho thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác các vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá của thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Thanh toán giá dịch vụ thẩm định giá theo thỏa thuận trong hợp đồng;

đ) Chịu trách nhiệm về việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong việc quyết định, phê duyệt giá tài sản. Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá phải trong thời gian hiệu lực của chứng thư thẩm định giá, theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá;

e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Xác định giá dịch vụ thẩm định giá

Giá dịch vụ thẩm định giá được ghi trong hợp đồng thẩm định giá, thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Điều 58. Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá

1. Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

2. Giải quyết bằng trọng tài thương mại.

3. Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Mục 3. THẨM ĐỊNH GIÁ CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 59. Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước

1. Thẩm định giá của Nhà nước được lựa chọn thực hiện trong trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc sử dụng phương thức này là một trong các cơ sở để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét quyết định, phê duyệt giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước.

2. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá theo quy định tại khoản 1 Điều này khi lựa chọn phương thức thẩm định giá của Nhà nước có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá của Nhà nước.

3. Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Điều 60. Hội đồng thẩm định giá

1. Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 03 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập hội đồng thẩm định giá, bao gồm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá. Trường hợp cần thiết có thể thuê người có chứng nhận chuyên môn quy định tại khoản 2 Điều này làm thành viên hội đồng thẩm định giá.

2. Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 50% thành viên, bao gồm Chủ tịch hội đồng thẩm định giá có ít nhất một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây:

a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá;

b) Thẻ thẩm định viên về giá;

c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

3. Nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá được quy định như sau:

a) Hội đồng thẩm định giá làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Phiên họp thẩm định giá chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của hội đồng thẩm định giá trở lên tham dự và do Chủ tịch hội đồng thẩm định giá điều hành; trước khi tiến hành phiên họp thẩm định giá, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch hội đồng thẩm định giá nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về các vấn đề liên quan đến giá của tài sản cần thẩm định giá. Trường hợp hội đồng thẩm định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên;

b) Hội đồng thẩm định giá lập biên bản phiên họp, báo cáo thẩm định giá và thông báo kết quả thẩm định giá theo ý kiến đa số đã được biểu quyết thông qua của thành viên Hội đồng thẩm định giá có mặt tại phiên họp. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì ý kiến của bên có biểu quyết của Chủ tịch hội đồng thẩm định giá là ý kiến quyết định của hội đồng về giá trị của tài sản thẩm định giá. Thành viên của hội đồng thẩm định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình nếu không đồng ý với giá trị của tài sản do hội đồng quyết định; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào biên bản phiên họp hội đồng thẩm định giá;

c) Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều này tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập hội đồng. Các trường hợp phát sinh sau khi hội đồng thẩm định giá giải thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng chủ trì xử lý;

d) Hội đồng thẩm định giá được sử dụng con dấu của cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá hoặc cơ quan nơi Chủ tịch hội đồng thẩm định giá công tác.

Điều 61. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá

1. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá có quyền sau đây:

a) Lựa chọn các cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 60 của Luật này tham gia hội đồng thẩm định giá;

b) Thuê người đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này tham gia hội đồng thẩm định giá;

c) Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập tổ giúp việc cho hội đồng thẩm định giá;

d) Yêu cầu hội đồng thẩm định giá giải trình về các nội dung tại báo cáo thẩm định giá và thông báo kết quả thẩm định giá.

2. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ sau đây:

a) Bố trí địa điểm và thời gian, kinh phí để hội đồng thẩm định giá, tổ giúp việc cho hội đồng thẩm định giá (nếu có) thực hiện hoạt động thẩm định giá;

b) Bảo quản, lưu giữ hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

c) Cập nhật thông báo kết quả thẩm định giá vào cơ sở dữ liệu về giá, trừ trường hợp thuộc danh mục bí mật nhà nước;

d) Tạo điều kiện để người tham gia hội đồng thẩm định giá cập nhật, bồi dưỡng kiến thức về thẩm định giá nhà nước.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của hội đồng thẩm định giá

1. Hội đồng thẩm định giá có quyền sau đây:

a) Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, nguồn lực cần thiết phục vụ cho việc thẩm định giá;

b) Thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, chất lượng của tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá;

c) Xem xét, quyết định sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn, doanh nghiệp thẩm định giá;

d) Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc không có đủ thông tin, tài liệu để thực hiện thẩm định giá;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản và chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá tuân thủ Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

b) Rà soát, đánh giá việc tuân thủ về thu thập, phân tích thông tin, lựa chọn phương pháp thẩm định giá, lập báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá trong trường hợp thuê thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá;

c) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hội đồng thẩm định giá

1. Thành viên của hội đồng thẩm định giá có quyền sau đây:

a) Tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ cho việc thẩm định giá;

b) Đưa ra nhận định, đánh giá của mình trong quá trình thẩm định giá;

c) Biểu quyết để xác định giá trị của tài sản thẩm định giá; trường hợp có ý kiến khác thì có quyền bảo lưu ý kiến của mình và được ghi vào biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định giá;

d) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về thẩm định giá và quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên của hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ trình tự thẩm định giá theo quy định;

b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính chính xác, trung thực, khách quan; chịu trách nhiệm về chất lượng, tính đầy đủ đối với thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá; chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

c) Cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;

đ) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá

1. Thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá được sử dụng làm cơ sở để tham mưu cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét quyết định, phê duyệt giá theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thời gian có hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Thông báo kết quả thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá và theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng loại tài sản, số lượng tài sản tại văn bản giao nhiệm vụ thẩm định giá.

Điều 65. Chi phí thẩm định giá

1. Chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, tổ giúp việc của hội đồng thẩm định giá (nếu có) được bảo đảm bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước của cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.

2. Trường hợp thẩm định giá khi bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công thì chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, tổ giúp việc của hội đồng thẩm định giá (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 66. Hồ sơ thẩm định giá của Nhà nước

1. Hồ sơ thẩm định giá gồm có các tài liệu sau đây:

a) Văn bản giao nhiệm vụ bán, thanh lý, cho thuê, liên doanh, liên kết, chuyển giao tài sản công hoặc mua, đi thuê hàng hóa, dịch vụ, tài sản có sử dụng vốn nhà nước;

b) Thông tin, tài liệu về tài sản cần thẩm định giá;

c) Quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá;

d) Các tài liệu do hội đồng thẩm định giá thu thập, phân tích trong quá trình thẩm định giá; các báo cáo chuyên gia, chứng thư thẩm định giá kèm Báo cáo thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá (nếu có);

đ) Biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định giá; báo cáo thẩm định giá và Thông báo kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá;

e) Tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá (nếu có).

2. Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá để phục vụ lưu trữ.

Chương VII

THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ GIÁ, KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ GIÁ, THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 67. Mục đích của thanh tra, kiểm tra

1. Mục đích của thanh tra về giá, thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Mục đích của kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đem lại tác động tích cực trong công tác quản lý điều hành giá, thẩm định giá; nắm bắt tồn tại, hạn chế để nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 68. Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra

1. Công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra.

2. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm;

b) Không trùng lặp về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị;

c) Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

d) Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra.

Điều 69. Thời hạn thanh tra, kiểm tra

1. Thời hạn thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày và được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày. Biên bản kiểm tra phải được lập trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.

Điều 70. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra

1. Cơ quan thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, giao nhiệm vụ kiểm tra cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc.

Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 71. Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý

1. Báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm xử lý kết quả thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Báo cáo kết quả kiểm tra phải nêu rõ kết quả công việc kiểm tra; đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, pháp luật (nếu có) với đối tượng kiểm tra; đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiến nghị, quyết định xử lý về kiểm tra (nếu có).

Điều 72. Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3khoản 4 Điều 11 như sau:

3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.

4. Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

a) Dịch vụ cho thuê mặt bằng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;

b) Dịch vụ phi hàng không khác.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 11 như sau:

6. Việc định giá của Nhà nước đối với các hàng hóa, dịch vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 và tại điểm a khoản 4 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Doanh nghiệp thực hiện kê khai, niêm yết giá các hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này theo quy định của pháp luật về giá.”.

c) Bãi bỏ khoản 7 và khoản 8 Điều 11;

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 116 như sau:

2. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;

b) Giá dịch vụ khác tại cảng biển.

3. Việc định giá dịch vụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 56 như sau:

“1. Giá vận tải hành khách, hành lý, hàng hoá trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định; giá vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá theo quy định của pháp luật về giá; giá vận tải trên đường sắt chuyên dùng do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng quyết định.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 67 như sau:

“a) Bộ Giao thông vận tải định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về giá;”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 90 của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 như sau:

“3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định khung giá rừng trên địa bàn quản lý.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 35 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 59/2020/QH14Luật số 72/2020/QH14 như sau:

“2. Thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với các công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước được quy định như sau:

a) Đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thực hiện theo phương thức đặt hàng:

Bộ Tài chính định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý trên cơ sở giá tối đa do Bộ Tài chính ban hành;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

b) Đối với sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác:

Bộ Tài chính định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý trên cơ sở khung giá do Bộ Tài chính ban hành;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

3. Đối với công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư và công trình thủy lợi đầu tư xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được xác định theo hợp đồng giữa các bên.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 83 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 như sau:

“6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô theo quy định của pháp luật về giá.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 11/2022/QH15 như sau:

“6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng số 53/2014/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều 67 như sau:

“Điều 67. Giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng

1. Người yêu cầu công chứng phải trả giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định giá cụ thể đối với từng loại việc không vượt quá mức giá tối đa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức giá tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng cao hơn mức giá tối đa và mức giá đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.”;

b) Thay thế cụm từ “thù lao công chứng” bằng cụm từ “giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng” tại điểm đ khoản 1 Điều 7, khoản 4 Điều 22, khoản 2 Điều 32, khoản 4 Điều 33, điểm đ khoản 1 Điều 70 và tên Chương VII.

10. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên điều và khoản 1 Điều 66 như sau:

Điều 66. Giá dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản

1. Giá dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì giá dịch vụ đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”;

b) Thay thế cụm từ “thù lao dịch vụ đấu giá” bằng cụm từ “giá dịch vụ đấu giá” tại Điều 1, điểm đ khoản 2 Điều 9, điểm d khoản 1 Điều 24, điểm d khoản 4 Điều 56, Điều 68 và tên Chương V;

c) Bãi bỏ điểm đ khoản 2 Điều 78.

11. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 47 như sau:

“b) Hằng năm, gửi báo cáo kết quả hoạt động đánh giá, giám định công nghệ tới cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.”;

b) Bãi bỏ khoản 2 Điều 48.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 như sau:

“Điều 22. Hợp đồng môi giới và giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới

1. Hợp đồng môi giới là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam để giao kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định của Luật này.

2. Giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo từng thời kỳ có người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”.

13. Bãi bỏ khoản 2 Điều 19 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14.

14. Bãi bỏ điểm b khoản 6 Điều 55 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2023/QH15.

15. Bãi bỏ Điều 24 và Phụ lục số 02 về Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14, Luật số 23/2018/QH14 và Luật số 72/2020/QH14.

Điều 74. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 01 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây:

a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá;

b) Thẻ thẩm định viên về giá;

c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

3. Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Giá số 11/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 75. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này. Sau thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

2. Người được cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 thì được tiếp tục đăng ký hành nghề thẩm định giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định của Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

 

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ BÌNH ỔN GIÁ
(Ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15)

1. Xăng, dầu thành phẩm.

2. Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

3. Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

4. Thóc tẻ, gạo tẻ.

5. Phân đạm; phân DAP; phân NPK.

6. Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

7. Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

8. Thuốc bảo vệ thực vật.

9. Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
(Ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15)

STT

Tên hàng hóa, dịch vụ

Thẩm quyền, hình thức định giá

1

Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện theo quy định của Luật Điện lực bao gồm: dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện

Thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực

2

Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện

Bộ Công Thương định giá cụ thể

3

Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

4

Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do trung ương quản lý

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do địa phương quản lý

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa

5

Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý

Bộ Giao thông vận tải định khung giá

Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định khung giá

Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa

6

Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)

Bộ Giao thông vận tải định khung giá

Dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm cảng, bến thủy nội địa; cảng cá) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

Dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga (bao gồm cảng, bến thủy nội địa; cảng cá) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa

Dịch vụ hoa tiêu hàng hải

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

7

Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

Dịch vụ thuê chuyên cơ, chuyên khoang chính thức (có tính đến yếu tố tàu bay dự bị) sử dụng ngân sách nhà nước

- Bộ Tài chính định giá tối đa

- Bộ Giao thông vận tải định giá cụ thể

Dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay; nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không

Bộ Giao thông vận tải định khung giá

 

Dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay và dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay

Bộ Giao thông vận tải định khung giá

Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

Bộ Giao thông vận tải định giá cụ thể

8

Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải bao gồm: dịch vụ đăng kiểm phương tiện giao thông, các tổng thành, hệ thống linh, kiện, phụ tùng của phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng; máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong giao thông vận tải và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa

Dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định khung giá

Dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp

Bộ Công Thương định khung giá

9

Dịch vụ kết nối viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông định giá cụ thể

10

Dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ viễn thông công ích trừ các dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện đặt hàng.

Bộ Thông tin và Truyền thông định giá tối đa.

11

Tiền Bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ

Thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được

Tiền đền bù đối với quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền

12

Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, đặt hàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Bộ Tài chính định giá tối đa

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể

Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, đặt hàng của địa phương

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

13

Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Bộ Tài chính định khung giá

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định giá cụ thể thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý

Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của địa phương

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

14

Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

Bộ Tài chính định khung giá, giá tối đa, giá cụ thể (tùy dịch vụ)

15

Nước sạch

- Bộ Tài chính định khung giá

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

16

Hàng dự trữ quốc gia (trừ các trường hợp thực hiện mua theo hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, bán theo hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và hàng dự trữ quốc gia thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)

- Bộ Tài chính định giá mua tối đa, giá bán tối thiểu đối với việc mua, bán hàng dự trữ quốc gia của các Bộ, ngành

- Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia định giá cụ thể trên cơ sở giá mua tối đa, giá bán tối thiểu của Bộ Tài chính

Hàng dự trữ quốc gia thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an định giá để thực hiện mua, bán hàng dự trữ quốc gia thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia

17

Sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích) trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành, sử dụng ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền đặt hàng của cơ quan, tổ chức ở trung ương

- Bộ Tài chính định giá tối đa

- Các cơ quan, tổ chức ở trung ương định giá cụ thể

Sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích) trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành, sử dụng ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền đặt hàng của cơ quan, tổ chức ở địa phương

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

18

Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh

19

Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập

- Bộ Y tế định giá tối đa

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

Dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập

- Bộ Y tế định giá tối đa

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

20

Máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn

Bộ Y tế định giá tối đa

21

Dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại: Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên

Bộ Y tế định giá cụ thể

22

Dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y; dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định khung giá

23

Sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa

24

Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục

Thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục

Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật về giáo dục đại học

Thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật về giáo dục đại học

Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

25

Dịch vụ môi giới theo hợp đồng môi giới đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định giá tối đa

26

Nhà ở công vụ

Thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở

Nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở

Dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư đối với nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn

Nhà ở, dịch vụ khác thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của Luật Nhà ở

27

Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng an ninh

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an định giá cụ thể theo thẩm quyền

28

Dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá

Bộ Tư pháp định khung giá

29

Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tính giá theo lộ trình thu của người sử dụng dịch vụ

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo lĩnh vực định giá khung giá, giá tối đa, giá cụ thể tùy dịch vụ

30

Sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân (không bao gồm các dịch vụ được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí)

Bộ, ngành được giao quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quyết định giá cụ thể, giá tối đa, khung gia (tùy dịch vụ)

31

Đất thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về đất đai

Thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai

32

Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của địa phương

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định khung giá

33

Dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc cho phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

34

Dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng của cơ sở hỏa táng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

35

Dịch vụ ra, vào bến xe ô tô

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa

36

Dịch vụ vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

37

Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân

38

Dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (trừ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải đối khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước)

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

39

Dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

40

Dịch vụ thuê công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

41

Dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa

42

Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể

 

 

 

283
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Luật Giá 2023
Tải văn bản gốc Luật Giá 2023

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

Law No. 16/2023/QH15

Hanoi, June 19, 2023

LAW ON PRICES

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly of Vietnam hereby promulgates the Law on Prices.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for the rights and obligations of agencies, organizations, individuals, and consumers concerning prices and valuation; price management and regulation of the State; price summary, analysis, and forecast; databases on prices; valuation; specialized price inspectorate, inspection of compliance with laws on prices and valuation.

Article 2. Regulated entities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 3. Application of the Law on Prices and relevant laws

1. In case of different regulations between the Law on Prices and other laws promulgated before the effective date of the Law on Prices, the Law on Prices shall prevail, except for cases prescribed in Clause 4 of this Article.

2. In case of other laws promulgated after the effective date of the Law on Prices that require particular regulations on the management and regulation of prices different from the ones prescribed in the Law on Prices, it is obligatory to determine the specific content that is implemented under or not under the Law on Prices and the content that is implemented under that such laws.

3. In case other laws promulgated after the effective date of the Law on Prices stipulate additional regulations on goods and services priced by the State, it is obligatory to conduct a policy impact assessment; such goods and services must meet at least one of the criteria prescribed in Clause 1 Article 21 of this Law. At the same time, it is obligatory to elaborate on the competence and responsibility for pricing, pricing forms for the mentioned goods and services, and determine the grounds and methods of pricing and the promulgation of pricing documents that are implemented under or not under the Law on Prices and contents that are implemented under such other laws.

4. Certain goods shall be priced by the State in compliance with relevant laws as follows:

a) The determination of land prices shall comply with land laws;

b) The determination of housing prices shall comply with housing laws;

c) The determination of electricity prices and electric services shall comply with electricity laws;

d) The determination of medical service prices shall comply with medical examination and treatment laws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

e) The determination of royalty for the utilization and use of published works, audios, or videos in case of limitation of copyrights or relevant rights, compensation for rights to use transferred inventions under compulsory decisions in case of disagreement between the persons granted the right to use such inventions and the right holders, and compensation for the right to use transferred plant varieties under compulsory decisions shall be implemented under laws on intellectual property.

Article 4. Interpretation of terms

For the purpose of this Law, the following terms shall be construed as follows:

1. Goods refer to products that may be exchanged, purchased, and sold on the market.

2. Services refer to invisible products with their production inseparable from consumption.

3. Essential goods and services refer to the goods and services required to meet the basic demand of humans, such as primary ingredients, fuels, materials, and services for production and circulation in conformity with the socio-economic context of each period.

4. Market prices refer to the prices of goods and services established based on supply and demand and decided by market factors within a certain period of space.

5. Market price level refers to the average of general prices of goods and services on the market in a certain period of space, measured by the consumer price index (CPI) or production price index (PPI) (in any).

6. Aggregate cost of goods and services include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Circulation costs of goods and services.

7. Price determinants refer to the actual aggregate cost; profits (if any) or losses (if any); financial obligations as prescribed by laws.

8. Price regulation refers to when competent state agencies apply measures under this Law to limit the inadequacies of the market economy to protect legitimate rights and benefits of consumers, suppliers of goods and services, and the State and implement objectives for inflation control and socio-economic development.

9. Price stabilization refers to when competent state agencies perform solutions or measures under this Law to stabilize the prices of goods and services when there are abnormal fluctuations in prices within a certain period.

10. Abnormal fluctuations in prices refer to the phenomenon where the market price levels of goods and services increased too high or too low compared to the market price levels of a previous period.

11. Pricing means the process of determining the prices of goods and services performed by competent state agencies or suppliers of goods and services.

12. Price schemes refer to the presentation of grounds for pricing or adjusting prices or determinants of prices of goods and services.

13. Price negotiation refers to the agreement among organizations providing goods and services on purchase prices and sale prices of goods and services that are intermediaries of state agencies as prescribed by this Law.

14. Price declaration means notifications of prices after pricing or adjustment provided by organizations providing goods and services subject to price declaration according to Clause 2 Article 28 of this Law for competent state agencies for market price summary, analysis, and forecast.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

16. Valuation means advisory operations of evaluating assets at a certain location and period for specific purposes performed by valuation enterprises or valuation councils under the Valuation Standards of Vietnam.

17. Assets subject to valuation include assets, goods, and services subject to valuation upon requests from agencies, organizations, or individuals or due to other cases.

18. Valuation certificates are documents issued by valuation enterprises or their branches after the valuation to notify customers and relevant organizations or individuals (if any) prescribed in valuation contracts of the value of the valuation assets and the main contents of valuation reports.

19. Valuation reports means documents presenting the valuation process used as the basis for preparing valuation certificates of valuation enterprises or issuing notifications of results of the valuation of valuation councils. To be specific:

a) Regarding the provision of valuation services, valuation reports are prepared by a valuer specifying his/her opinions on prices and are considered and approved by legal representatives of the valuation enterprise or heads of such enterprise’s branches;

b) Regarding valuation operations of the State, valuation reports are prepared by valuation councils, specifying the opinions of council members and unanimous suggestions of the councils.

20. Notifications of valuation results are documents issued by valuation councils after the valuation operation to notify agencies, organizations, and individuals competent to establish valuation councils of the values of valuation assets and the main contents of valuation reports.

21. Collusion of prices and valuation refers to acts of agreeing on the falsification of prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes of agencies, organizations, or individuals.

Article 5. State's principles of price management and regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Protect legitimate rights and benefits of consumers, suppliers of goods and services, and the State.

3. Contribute to macro-economic stability, ensure social security and sustainable development; promote private investment in the provision of public services; adopt policies appropriate to areas with disadvantaged or extremely disadvantaged socio-economic conditions, and other cases as prescribed by laws.

Article 6. Disclosure of information on prices and valuation

1. State agencies and state affiliates shall disclose:

a) Guidelines, schemes, and reports on measures to manage and regulate prices approved by competent state agencies; legislative documents on prices;

b) Documents on pricing of goods and services included in the list of goods and services priced by the State, except for state reserves;

c) Lists of eligible valuation enterprises and valuers; lists of valuation enterprises that are suspended or have their certificates of eligibility for valuation services revoked; lists of persons with revoked valuer cards.

2. Suppliers of goods and services shall disclose:

a) Specific prices of goods and services they determined within the price brackets, maximum prices, and minimum prices promulgated by competent state agencies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Prices of goods and prices subject to price listing

3. Valuation enterprises shall disclose:

a) Lists of their valuers;

b) Basic information on their operations, including certificates of eligibility for valuation services and the number of certificates issued annually;

c) Price lists of valuation services.

4. Agencies, units, organizations, and individuals responsible for disclosing information prescribed in this Article shall ensure accuracy, truthfulness, and punctuality and take responsibility for the disclosed contents. The disclosure of information does not apply to information included in the list of state secrets and cases where disclosure is forbidden as prescribed by laws.

Information and communications about policies of laws on prices and price management and regulation mechanisms shall ensure objectivity and truthfulness as prescribed by laws.

5. The disclosure of information prescribed in this Article shall be posted on the websites (if any) of agencies, units, organizations, and individuals or be disclosed under other appropriate forms. For cases prescribed in Point b Clause 1 of this Article, the information shall be disclosed by sending written documents to relevant agencies, units, organizations, and individuals and updated to databases on prices. Regarding contents prescribed in Point a and Point b Clause 2 of this Article, the information shall be disclosed via updates to databases on prices.

Article 7. Forbidden acts concerning prices and valuation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Interfering in the implementation of rights and obligations of suppliers of goods and services or consumers concerning prices and organizations or individuals engaging in valuation operations contrary to their functions, tasks, and entitlements as prescribed by laws.

b) Deliberately disclosing or using information on prices provided by suppliers of goods and services contrary to regulations of competent state agencies;

c) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or vales of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

2. Regarding organizations and individuals:

a) Spreading or disseminating false and inaccurate information on socio-economic situations causing disturbances in the market information and prices of goods and services;

b) Conducting fraudulent pricing by deliberately changing contents committed in transactions without informing customers in advance regarding the time, location, and conditions for purchase and sale, methods of transport and payment, quality, quantity, features, functions, goods, and services at the time of delivering goods or providing services;

c) Taking advantage of emergencies, incidents, tragedies, natural disasters, or epidemics to increase the sale prices of goods or services contrary to the fluctuation of aggregate cost compared to normal conditions for self-seeking purposes;

d) Obstructing the price management, regulation, or valuation operations of competent state agencies;

dd) Forging or providing forged certificates of valuation or using forged certificates of valuation for purposes prescribed in Clause 4 Article 55 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

g) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

3. Regarding valuation enterprises:

a) Conducting acts of unhealthy competition as prescribed by laws on competition; providing inaccurate information on the qualifications, experience, and capacity of service provision of valuers or valuation enterprises;

b) Providing valuation services for persons related to valuation enterprises according to laws on enterprises;

c) Providing inaccurate or false declarations, forging applications for issuance or re-issuance of certificates of eligibility for valuation services, applications for valuer practicing certificates;

d) Issuing false certificates of valuation;

dd) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

4. Regarding valuers:

a) Providing inaccurate information on the qualifications, experience, and capacity of service provision of valuers or valuation enterprises;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Independently preparing certificates of valuation or reports on valuation;

d) Signing certificates of valuation or reports on valuation contrary to specialty or notifications of state agencies on permitted practicing fields; signing certificates of valuation or reports on valuation when not meeting conditions for valuation practice according to Clause 1 Article 45 of this Law;

dd) Performing valuation for persons related to valuation enterprises according to laws on enterprises;

e) Preparing false reports on valuation or documents related to valuation operations according to Valuation Standards of Vietnam;

g) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

5. Regarding valuation councils:

a) Directing or interfering in valuation operations affecting the professional independence of council members for self-seeking purposes;

b) Issuing false notifications of results of the valuation or reports on valuation;

c) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Preparing false documents related to valuation operations according to Valuation Standards of Vietnam;

b) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

7. Regarding customers and third parties in valuation contracts:

a) Deliberately providing false information on assets subject to valuation;

b) Using expired certificates of valuation; using certificates of valuation contrary to valuation purposes in association with assets subject to valuation and the number of such assets prescribed in valuation contracts;

c) Conducting bribery, collusion, or agreements to falsify the prices of goods and services or values of assets subject to valuation for self-seeking purposes; colluding in prices and valuation.

8. Regarding agencies, organizations, and individuals: issuing documents with forms and methods limiting the operations of valuation enterprises and valuers contrary to this Law.

Chapter II

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF SUPPLIERS OF GOODS AND SERVICES AND CONSUMERS CONCERNING PRICES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Determine and adjust prices of goods and services produced and traded by themselves (hereinafter referred to as “goods”), except for goods and services specifically priced by the State. Consider applying principles, grounds, and measures to price goods and services as prescribed by the State.

2. Determine the purchase and sale prices of their goods and services following the price brackets and maximum and minimum prices promulgated by competent state agencies in conformity with the grounds, principles, and measures to price goods and services prescribed in this Law.

3. Participate in the development, connection, and sharing of information to databases on prices.

4. Lower the sale prices of goods and services without being considered violating laws on competition and laws on anti-dumping of imported goods. Old prices, new prices, and discount periods must be publicly listed for:

a) Fresh goods;

b) Inventory goods;

c) Seasonal goods and services;

d) Goods and services for promotion as prescribed by laws;

dd) Goods and services of enterprises in cases of business suspension, bankruptcy, dissolution, or changes to business locations or professions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Request competent state agencies of pricing to consider adjusting prices of their goods and services included in the list of goods and services priced by the State.

6. Access information on policies on prices and measures to manage and regulate prices of the State.

7. File complaints, denunciations, or lawsuits against acts with signs of violations against laws on prices; request organizations and individuals to compensate for damage caused by violations of laws on prices as prescribed by laws.

Article 9. Suppliers of goods and services shall:

1. Prepare price schemes or detailed assessment reports on determinants of prices of goods and services or promptly, accurately, and adequately provide relevant data and documents upon requests of competent state agencies for pricing or application of other measures to manage and regulate prices according to this Law.

2. Comply with documents on pricing and price stabilization measures of competent state agencies.

3. Declare prices of goods and services as prescribed by laws.

4. List prices of goods and services as prescribed by laws.

5. Lower prices of their goods and services in conformity with policies on reduction or exemption from tax and/or fees to support consumers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7. Promptly settle complaints about their goods and services; compensate damage caused by violations against laws on prices as prescribed by laws.

Article 10. Consumers may:

1. Select and make agreements on prices when purchasing goods and services, except for goods and services specifically priced by the State.

2. Access information on policies on prices and measures to manage and regulate prices of the State.

3. Request suppliers of goods and services to provide information on prices, quality, and origin of goods and services and invoices as prescribed by laws.

4. Request competent state agencies to consider adjusting prices of goods and services priced by the State when there are changes to price determinants.

5. File complaints, issue denunciation, file a lawsuit, or request social organizations to file a lawsuit according to this Law, laws on protection of consumer rights, and relevant laws.

Article 11. Consumers shall:

1. Pay the agreed prices or prices of the State when purchasing goods and/or services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Chapter III

TASKS AND ENTITLEMENTS OF PRICE AND VALUATION AUTHORITIES

Article 12. State management of prices and valuation

1. Promulgation and implementation of legislative documents on prices and valuation.

2. Price management and regulation of the State.

3. Market price summary, analysis, and forecast; development and operation of databases on prices.

4. Management of valuation operations; organization of valuation operations of the State.

5. Management of training and advanced training in prices and valuation.

6. Inspection of compliance with laws and handling of violations against laws on prices and valuation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. International cooperation in prices and valuation.

Article 13. Tasks and entitlements of the Government of Vietnam

1. Ensure the uniformity of state management of prices and valuation.

2. Promulgate legislative documents on prices and valuation under its jurisdiction.

3. Submit reports to the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for consideration and adjustments to the list of goods and services subject to price stabilization and the list of goods and services priced by the State.

4. Stipulate and adjust regulations on essential goods and services subject to price declarations prescribed in Point d Clause 2 Article 28 of this Law.

5. Decide and organize the implementation of measures to management and regulate prices according to this Law. Assign and authorize the implementation of state management of prices and valuation and other tasks under its jurisdiction.

Article 14. Tasks and entitlements of the Ministry of Finance of Vietnam

1. Act as the focal agency assisting the Government of Vietnam in ensuring the uniformity of state management of prices and valuation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Submit reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for consideration and adjustments to the list of goods and services subject to price stabilization and the list of goods and services priced by the State based on the proposals of Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, and People's Committees of provinces.

4. Submit reports to the Government of Vietnam for promulgation or adjustments to regulations on essential goods and services subject to price declarations according to Point d Clause 2 Article 28 of this Law based on proposals of Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, and People's Committees of provinces.

5. Submit reports to the Government of Vietnam for consideration and decisions on price stabilization guidelines based on proposals of Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, and People's Committees of provinces; organize the implementation of price stabilization as assigned by the Government of Vietnam.

6. Price goods and services under its jurisdiction as prescribed in the list of goods and services priced by the State; stipulate general pricing methods for goods and services priced by the State and implementation guidelines according to Clause 2 Article 23 of this Law.

7. Receive declarations of prices of goods and services under its jurisdiction.

8. Organize negotiations over prices of goods and services in fields and sectors under its management.

9. Implement the market price summary, analysis, and forecast; apply information technology to the development and operation of the National Database on Prices.

10. Perform the state management of valuation, including:

a) Promulgation of Valuation Standards of Vietnam;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Regulations on exams, issuance, management, term-based expropriation, and revocation of valuer cards;

d) Issuance, re-issuance, and revocation of certificates of eligibility for valuation services; suspension of valuation services;

dd) Management of practicing activities of valuers;

e) Management of operations of valuation enterprises; state management in valuation for occupational associations for valuation according to laws; regulations on the assessment of operations of valuation enterprises.

11. Organize valuation operations of the State in fields within its management scope as prescribed by laws.

12. Implement international cooperation in prices and valuation.

13. Implement professional inspection of prices and valuation according to laws on inspection.

14. Inspect compliance with laws and handle violations against laws on prices and valuation under its functions, fields, and state management scope of prices and valuation.

15. Settle complaints and denunciations concerning prices and valuation in fields within its scope of management according to laws on complaints and denunciations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 15. Tasks and entitlements of Ministries and ministerial agencies

1. Perform the state management of prices in fields within their scope of management as prescribed by laws.

2. Promulgate legislative documents on prices in fields under their management within their jurisdiction or request competent agencies or persons to perform such promulgation; cooperate with Ministries, ministerial agencies, and People’s Committees of provinces in developing legislative documents on prices.

3. Propose and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in submitting reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for consideration and adjustments to the list of goods and services subject to price stabilization and the list of goods and services priced by the State.

4. Propose and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in requesting the Government of Vietnam to promulgate and adjust regulations on essential goods and services subject to price declarations according to Point d Clause 2 Article 28 of this Law.

5. Propose and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in presenting price stabilization guidelines to the Government of Vietnam; implement the price stabilization for goods and services under their state management of specific fields and sectors.

6. Price goods and services under their jurisdiction as prescribed in the list of goods and services priced by the State; take charge and cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in development, promulgating, or requesting competent authorities to promulgate particular pricing measures for goods and services in fields within their scope of management as prescribed by laws.

7. Receiving price declarations as assigned by the Government of Vietnam.

8. Organize negotiations over prices of goods and services in fields and sectors under its management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

10. Organize valuation operations of the State in fields within their management scope as prescribed by laws.

11. Inspect compliance with laws and handle violations against laws on prices and valuation operations of the State under their functions, fields, and state management scope of prices and valuation.

12. Settle complaints and denunciations of the State concerning prices and valuation in fields within their scope of management according to laws on complaints and denunciations.

13. Excise other tasks and entitlements to state management of prices according to this Law, relevant laws, and assignments of the Government of Vietnam.

Article 16. Tasks and entitlements of People’s Committees of provinces

1. Perform the local state management of prices as prescribed by laws and are entitled to decide and assign tasks to each of their affiliated professional agencies based on fields and sectors and to their inferior administrative agencies to consult and assist them in performing tasks and entitlements of state management of prices and valuation prescribed in this Article.

2. Promulgate legislative documents on prices under their management scope within their jurisdiction or request competent agencies to perform such promulgation; cooperate with Ministries and ministerial agencies in developing legislative documents on prices.

3. Implement the price stabilization in their areas as prescribed by this Law; cooperate with other provinces in implementing the price stabilization.

4. Price goods and services under their jurisdiction as prescribed in the list of goods and services priced by the State.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

6. Submit proposals to the Ministry of Finance of Vietnam, Ministries, and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors to submit reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for consideration and adjustments to the list of goods and services subject to price stabilization and the list of goods and services priced by the State.

7. Submit proposals to the Ministry of Finance of Vietnam to request the Government of Vietnam to promulgate and adjust regulations on essential goods and services subject to price declarations according to Point d Clause 2 Article 28 of this Law.

8. Organize negotiations over prices of goods and services according to this Law.

9. Organize valuation operations of the State within their management scope as prescribed by laws.

10. Inspect compliance with laws and handle violations against laws on prices and valuation under their functions, fields, and state management scope of prices and valuation.

11. Settle complaints and denunciations of local authorities concerning prices and valuation in fields within their scope of management according to laws on complaints and denunciations.

12. Decide on the development and implementation of organizations and plans for the implementation of appropriate measures to stabilize the market price level in their areas based on the actual local situations in each stage.

13. Excise other tasks and entitlements to state management of prices according to this Law, relevant laws, and assignments of the Government of Vietnam.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Section 1. PRICE STABILIZATION

Article 17. Goods and services subject to price stabilization

1. Goods and services included in the list of goods and services subject to price stabilization must:

a) Be essential goods and services;

b) Have a great influence on socio-economic development, production, business, and life of the people.

2. The list of goods and services subject to price stabilization is prescribed in Appendix No. 01 enclosed hereof. Ministries and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors on goods and services shall stipulate the economic-technical characteristics of goods and services included in the list of goods and services subject to price stabilization.

3. In cases where it is necessary to adjust the list of goods and services subject to price stabilization, Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, and People's Committees of provinces shall prepare documents requesting adjustments and submit them to the Ministry of Finance of Vietnam for summary and reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of Vietnam for consideration and decisions.

4. The Government of Vietnam shall elaborate on the procedure for providing presentations for the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for adjustments to the list of goods and services subject to price stabilization prescribed in Clause 3 of this Article.

Article 18. Principles and cases of price stabilization

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Assurance of publicity, transparency, and beneficial balance between suppliers of goods and services and consumers;

b) Assurance of conformity with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

c) Assurance of conformity with socio-economic situations and objectives of controlling inflation;

d) Clear determination of the local and national implementation time and scale.

2. Competent state agencies shall consider performing the price stabilization in the following cases:

a) Market price levels of goods and services included in the list of goods and services subject to price stabilization have abnormal fluctuations, greatly impacting socio-economic situations, production, business, and life of the people;

b) Competent agencies declare emergencies, incidents, tragedies, natural disasters, and epidemics; market price levels of goods and services have abnormal fluctuations.

Article 19. Price stabilization measures

1. Price stabilization measures include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Financial and monetary measures in conformity with laws;

c) Determination of specific prices, maximum prices, or price brackets in conformity with the nature of each kind of goods and service, such a procedure shall be implemented under principles, grounds, and methods prescribed in Section 2 of this Chapter;

d) Application of price support measures in conformity with laws and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

dd) Use of price stabilization funds (if any).

A price stabilization fund is a financial fund outside the state budget balance, extracted from prices of goods and services and other legal-financial sources that shall only be used for price stabilization. The Government of Vietnam shall decide on the establishment of price stabilization funds for goods and services included in the list of goods and services subject to price stabilization; regulations on the management, deduction, and expenditures on the use of price stabilization funds and be responsible for ensuring the publicity and transparency during the management and use of funds.

2. The application period of price stabilization measures shall be determined by competent agencies on the basis of determining the reasons for price fluctuations. The actual development of prices of goods and services may end the price stabilization period early or extend the application period depending on the performance of applied price stabilization measures.

Article 20. Price stabilization implementation

1. The price stabilization in the case prescribed in Point a Clause 2 Article 18 of this Law shall be carried out as follows:

a) Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors shall assess the fluctuation of the market price levels of goods and services, the level of impacts on socio-economic situations, production, business, and life of the people; submit documents to the Ministry of Finance of Vietnam for summary and presentation to the Government of Vietnam for consideration and decision on price stabilization guidelines;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Ministries and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors shall promulgate decisions on application of one or several price stabilization measures and the application period and scale; organize and instruct the implementation of price stabilization measures and report on the results of such implementation to the Government of Vietnam while sending such report to the Ministry of Finance of Vietnam for inclusion in the summarized price market report, analysis, and forecast; People's Committees of provinces shall implement price stabilization measures and report on the results to Ministries and ministerial agencies in charge of the implementation;

d) Suppliers of goods and services shall comply with the disclosed price stabilization measures and perform the first-time declaration or re-declaration of prices following Article 28 of this Law with competent state agencies.

2. The implementation in the case prescribed in Point b Clause 2 Article 18 of this Law shall be as follows:

a) Regarding the nationwide price stabilization, Ministries and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors shall assess the actual development and level of market prices of goods and services; submit documents to the Ministry of Finance of Vietnam for summary and presentation to the Government of Vietnam for decisions on appropriate price stabilization guidelines, measures, and periods. In case of goods and services requiring immediate price stabilization that are not included in the list of goods and services subject to price stabilization, the Ministry of Finance of Vietnam shall, based on requests from Ministries and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, submit reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for consideration and decisions on price stabilization guidelines, measures, and periods for such goods and services. Ministries, ministerial agencies in charge of specific fields and sectors, and People’s Committees of provinces shall organize the implementation as assigned by the Government of Vietnam;

b) Regarding local price stabilization, departments in charge of specific fields and sectors shall assess the actual development and level of market prices of goods and services in their areas; submit documents to Departments of Finance for summary and presentation to People’s Committees of provinces for consideration and decisions on appropriate price stabilization guidelines, measures, and periods. Departments, divisions, and People’s Committees of districts shall organize the implementation as assigned by the People’s Committee of provinces. People’s Committees of provinces shall report on the results of the price stabilization to the government of Vietnam while submitting reports to the Ministry of Finance of Vietnam for inclusion in the summarized market price report, analysis, and forecast;

c) Suppliers of goods and services shall comply with the disclosed price stabilization measures and perform the first-time declaration or re-declaration of prices following Article 28 of this Law with competent state agencies;

d) In case competent agencies declare emergencies or stipulate other regulations on price stabilization implementation, comply with laws on emergencies.

3. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Section 2. PRICING

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Goods and services priced by the State must meet one of the following criteria:

a) Being goods and services of fields exclusive to production and business by the State according to laws on commerce and relevant laws;

b) Being important resources according to laws on resources;

c) Being national reserves; public-interest products and services and public services funded by the state;

d) Being essential goods and services that are exclusive regarding their purchase and sale or subject to a limited competitive market with influences on socio-economic situations, life of the people, production, and business.

2. Competent state agencies shall perform the pricing under the following forms:

a) Specific price means the price that agencies, organizations, and individuals must comply with during purchase and sale;

b) Minimum price means the lowest price agencies, organizations, and individuals must comply with during pricing, purchase, and sale;

c) Maximum price means the highest price that agencies, organizations, and individuals must comply with during pricing, purchase, and sale;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Regulations on competence and responsibility for pricing:

a) The Prime Minister of Vietnam shall price extremely essential goods and services, greatly influencing the economy and life of the people;

b) The Ministry of Finance of Vietnam shall price goods and services in fields under its management; goods and services in many fields under its management that affect the state budget;

c) Ministries and ministerial agencies shall price goods and services in fields within their professional management scope as prescribed by laws;

d) People’s Committees of provinces shall price goods and services under their management scope in their areas.

4. The list of goods and services priced by the State, pricing forms, competence, and responsibilities are prescribed in Appendix No. 02 enclosed hereof. Economic-technical characteristics of goods and services included in the list of goods and services priced by the State must comply with regulations of relevant laws; in case of no regulations, Ministries, ministerial agencies, and People's Committees of provinces shall promulgate regulations under their jurisdiction.

5. In cases where it is necessary to adjust the list of goods and services priced by the State, Ministries, ministerial agencies, and People's Committees of provinces shall prepare documents requesting adjustments and submit them to the Ministry of Finance of Vietnam for summary and reports to the Government of Vietnam for presentation to the Standing Committee of Vietnam for consideration and decisions.

6. The Government of Vietnam shall elaborate on the procedure for providing presentations for the Standing Committee of the National Assembly of Vietnam for adjustments to the list of goods and services priced by the State prescribed in Clause 5 of this Article.

Article 22. State's pricing principles and grounds

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Ensure that the coverage of business and production costs is reasonable and valid and profits (if any) and accumulation according to laws (if any) are in conformity with the market level; ensure conformity with the supply and demand for goods and services, market conditions at the time of pricing, and guidelines and policies on socio-economic development of the State in each period;

b) Ensure legitimate rights and benefits of the State, suppliers of goods and services, and consumers;

c) Consider adjusting prices upon changes to price determinants. In case of adjustments to prices of goods and services in public-private partnership investment projects, the adjustments shall be carried out by each period specified in the contracts.

2. State's pricing grounds:

a) Price determinants of goods and services at the time of pricing or the time for identifying price determinants in price schemes in conformity with the characteristics and nature of goods and services;

b) The relationship between supply and demand of goods and services, market demand, purchasing power of the currency, and solvency of consumers;

c) Domestic and international market prices and competitiveness of goods and services.

Article 23. Pricing methods

1. Pricing methods mean ways to price goods and services priced by the State following the forms prescribed in Clause 2 Article 21 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Ministers and heads of ministerial agencies in charge of specific fields and sectors shall take charge and cooperate with the Minister of Finance of Vietnam and relevant Ministries and agencies in promulgating pricing methods or request competent authorities to conduct the promulgation of pricing methods for the following goods and services:

a) Goods and services prescribed in Clause 4 Article 3 of this Law;

b) Goods and services subject to independent pricing methods as prescribed by laws.

Article 24. Promulgation of documents on pricing or adjustments; documents on regulations and policies on prices

1. Documents on pricing and adjustments promulgated by competent state agencies are the main documents. The promulgation of documents shall be performed as follows:

a) Prepare price schemes;

b) Appraise price schemes;

c) Present and promulgate documents on pricing and/or adjustments.

2. Documents on regulations and policies on prices promulgated by competent state agencies are legislative documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Section 3. PRICE NEGOTIATION

Article 25. Criteria for goods and services subject to price negotiations

1. Not being included in the list of goods and services priced by the state; not falling into cases subject to bidding or auction according to laws on procurement and auction.

2. Being exclusive in purchase or sale, in which sellers and buyers must be irreplaceably dependent on each other.

Article 26. Price negotiation principles, competence, and responsibilities

1. Price negotiation principles:

a) Those that request price negotiations must be organizations that provide goods and services purchasing or selling goods and services meeting the criteria prescribed in Article 25 of this Law;

b) The receipt and organization of price negotiations must be performed voluntarily and equally in terms of rights and obligations; sellers and buyers must have written requests for price negotiations;

c) The price negotiation process must ensure objectivity, publicity, transparency, and respect for the rights to pricing of parties requesting the price negotiation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Ministries and ministerial agencies shall take charge of price negotiations over the prices of goods and services under fields within their management scope in which the sellers, buyers, or both parties are 100% state-owned enterprises prescribed by laws on management and use of state capital for investment in production and business at enterprises;

b) Departments shall take charge of price negotiations over the prices of goods and services under fields within their management scope in which the sellers and buyers do not fall into the case prescribed in Point a of this Clause.

If the seller and buyer are headquartered in 2 different provinces or centrally affiliated cities, they shall make an agreement on requesting either of the provinces or centrally affiliated cities to organize the price negotiation.

If the seller and buyer cannot agree on the host of the price negotiation, the department of specific fields and sectors in areas where the seller registered for business shall take charge of the price negotiation. If the seller is a branch of an enterprise, the department in charge of specific fields and sectors in areas where such branch is registered for operations shall take charge of the price negotiation.

Article 27. Price negotiation organization

1. Upon written requests for a price negotiation of the seller and buyer of goods and services, the price negotiation agency shall review and assess the fulfillment of criteria of goods and services following Article 25 of this Law. In case of necessity, the price negotiation agency shall request related parties to provide additional information on goods and services in writing.

2. The price negotiation agency shall organize a price negotiation conference for the seller and buyer to negotiate over the price based on the cooperation and beneficial balance between parties. The seller and buyer shall appoint representatives to participate in the conference in writing.

3. At the price negotiation conference, the price negotiation agency shall be the intermediary between the buyer and seller for them to negotiate over the price and not interfere in the negotiated price.

4. At the price negotiation conference, if the seller and buyer agree on the price, the conference ends, and the price negotiation agency shall prepare a minute on the negotiation result for related parties to sign. The negotiated price shall only be applied to the purchase, sale, and quantity of goods and services as agreed by parties in the written request for the price negotiation; the negotiated price does not hold any value for other cases. The seller and buyer shall take responsibility for their negotiated price.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

6. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Section 4, PRICE DECLARATION, LISTING, AND REFERENCE

Article 28. Price declaration

1. A declared price refers to the price of goods and services decided by an organization providing goods and services and notified to agencies competent to receive declarations.

2. Goods and services subject to price declarations include:

a) Goods and services included in the list of goods and services subject to price stabilization;

b) Goods and services whose price brackets and maximum and minimum prices are determined by the State for organizations to determine specific prices for sale to consumers;

c) Goods and services priced by enterprises based on reference prices;

d) Other essential goods and services promulgated by the Government of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Declaration contents include prices attached with names, types, origins (if any), quality targets (if any), and reasons for sale price adjustments between each declaration.

4. Declarants are organizations providing goods and services with business registration according to laws on enterprises that are entitled to decide prices and included in the list of agencies competent to receive declarations prescribed in Clause 5 of this Article.

5. The development and notification of lists of organizations providing goods and services subject to price declarations are as follows:

a) Ministries and ministerial agencies competent to receive declarations shall review and promulgate the lists of organizations providing goods and services subject to price declarations at Ministries and ministerial agencies;

b) People’s Committees of provinces shall review and promulgate lists of organizations providing goods and services subject to price declarations in their areas that are not included in lists promulgated by Ministries and ministerial agencies.

6. Organizations providing goods and services subject to price declarations that price their goods and services shall perform the first-time declaration or re-declaration of prices under regulations and take responsibility for their declared prices and contents.

7. Agencies receiving declarations shall update information on declared prices to databases on prices; may use the declared price in the market price summary, analysis, and forecast as per regulation.

8. The Government of Vietnam shall elaborate on this Article.

Article 29. Price listing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Suppliers of goods and services shall list prices while ensuring clarity and not confusing customers regarding purchase and sale prices of goods and services via printing, pasting, writing information on boards, papers, or printing directly on the packaging of goods or other forms suitable for actual conditions at the place of sale of goods or provision of services or posting prices on websites for the convenience of observing and acknowledging of customers and competent state agencies.

3. Suppliers shall not make sales with prices higher than the listed ones; for goods and services priced by the State, suppliers of goods and services shall list the prices and strictly comply with such prices when making sales; for goods and services whose price brackets and minimum and maximum prices are determined by competent state agencies, suppliers of goods and services shall list the prices and strictly comply with such prices when making sales. Suppliers of goods and services shall adjust the listed prices immediately after there are changes to the prices of goods and services.

Article 30. Reference prices

1. Reference prices are the prices of goods and services in the domestic and international markets disclosed by competent organizations or agencies for agencies and suppliers of goods and services to use them for agreements and decisions on prices of goods and services.

2. The Government of Vietnam shall decide on goods and services that apply reference prices and stipulate the disclosure and use of such prices.

Section 5. INSPECTION OF PRICE DETERMINANTS

Article 31. Purposes and requirements for the inspection of price determinants

1. The inspection of price determinants shall be performed by competent state agencies to review and assess the rationality and validity of price determinants, supply and demand for goods and services to identify factors impacting the prices of goods and services for consideration and decisions on the implementation of appropriate measures to manage and regulate prices.

2. The inspection of price determinants shall be performed in the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Prices of other goods and services have abnormal fluctuations during emergencies, incidents, tragedies, natural disasters, epidemics, or under directives of the Prime Minister of Vietnam, Ministers, Heads of ministerial agencies, or Chairpersons of People's Committees of Vietnam serving price management and regulation.

Article 32. Competence and responsibility for price-determinant inspection

1. Ministries and ministerial agencies in charge of specific fields and sectors shall inspect price determinants for goods and services in fields within their scope of professional management and assign inspection tasks to professional agencies and their affiliates for implementation.

2. People’s Committees of provinces shall inspect price determinants for goods and services within their management scope by areas and assign inspection tasks to professional agencies and their affiliates for implementation.

Article 33. Implementation of inspection of price determinants

1. The inspection of price determinants shall ensure publicity and transparency while limiting impacts on the production and business of organizations and individuals; identify inspection subjects and time. At the end of the inspection, inspection agencies shall report to competent authorities on the results of the inspection of price determinants.

2. Regulations on the implementation of price-determinant inspection are as follows:

a) State agencies competent to perform price-determinant inspection shall send written notifications of the inspection to suppliers of goods and services;

b) Organizations and individuals subject to price-determinant inspection shall adequately provide information, documents, and certificates related to price determinants;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) At the end of the inspection, inspection agencies shall prepare reports on the results of the price-determinant inspection and propose appropriate measures. The preparation of reports on inspection results shall be performed within 10 days after the end of the inspection. Reports on price-determinant inspection results shall include purposes, requirements, inspection subjects, and inspection results and reasons.

3. During the inspection, if violations are detected, inspection agencies shall handle of transfer the issue to competent agencies for handling as prescribed by laws.

Chapter V

MARKET PRICE SUMMARY, ANALYSIS, FORECAST AND DATABASES ON PRICES

Article 34. Market price summary, analysis, and forecast

1. Market price summary, analysis, and forecast mean the collection and summary of information and data on prices of assets, goods, and services in a period of the stage for analysis, assessment, and forecast regarding the trend of fluctuations of the market price level to propose directions, solutions, and measures to manage and regulate prices.

2. Regulations on market price summary, analysis, and forecast are as follows:

a) Organize the collection and analysis of prices of assets, goods, and services on the market;

b) Develop reports on price market summary, analysis, and forecast in each stage and period in association with the objective for inflation control;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 35. Market price summary, analysis, and forecast principles

1. Being performed regularly, continuously, and promptly.

2. Ensuring adequacy and accuracy based on the application of information technology regarding the summary and analysis of data.

3. Being performed scientifically in association with the application of information technology and requirements for price management and regulation regarding the market price forecast.

Article 36. Reports on market price summary, analysis, and forecast

1. Reports on market price summary, analysis, and forecast include:

a) Summary of market price levels and the development of domestic and international market price levels of goods and services serving the requirement for state management of prices; analysis of reasons for market price level fluctuations; assessment of impacts on domestic and international socio-economic situations and the price management and regulation;

b) Price management and regulation operations of the State;

c) Forecasts for the trend of fluctuations of market price levels of essential goods and services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Solutions and measures to manage and regulate prices.

2. The Minister of Finance of Vietnam shall stipulate price market summary, analysis, and forecast operations.

Article 37. Responsibilities of agencies and units performing market price summary, analysis, and forecast

1. The Ministry of Finance of Vietnam shall take charge and cooperate with Ministries, central authorities, and People's Committees of provinces in implementing price market summary, analysis, and forecast operations for research and counseling for the Government of Vietnam regarding solutions to price regulation according to their functions and assigned tasks.

2. Ministries and central authorities shall cooperate with the Ministry of Finance of Vietnam in implementing market price summary, analysis, and forecast operations in fields under their management according to the regulations of the Government of Vietnam.

3. People’s Committees of provinces shall implement market price summary, analysis, and forecast operations in their areas under the guidance of the Ministry of Finance of Vietnam.

Article 38. Databases on prices

1. Databases on prices include the National Database on Prices and local databases on prices.

2. The National Database on Prices, uniformly managed by the Ministry of Finance of Vietnam, is developed to serve the state management of prices, valuation, and other social needs. Information provided from the National Database on Prices is one of the sources of information serving the state management and social needs. Organizations and individuals that wish for information from the National Database on Prices shall pay the prices for services according to the regulations of the Ministry of Finance of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Ministries, ministerial agencies, People's Committees of provinces, and valuation enterprises shall update information and data on prices to the National Database on Prices. The collection, archive, handling, protection, utilization, and use of databases on prices shall be in association with the application of information technology. Organizations and individuals are encouraged to participate in the development of databases on prices.

5. The Government of Vietnam shall elaborate on the development, management, update, and utilization of databases on prices.

Article 39. Funding for market price summary, analysis, and forecast and databases on prices

1. Funding for market price summary, analysis, forecast operations, and price management and regulation is allocated in the state budget estimates of agencies and units assigned to perform the tasks.

2. Funding for investment in the development, maintenance, upgrade, management, and operation of databases on prices is covered by the state budget according to decentralization and other legal funding sources as prescribed by laws.

Agencies assigned to manage databases on prices shall prepare budget estimates for the development, maintenance, upgrade, management, and operation for presentation to competent authorities for approval according to laws on the state budget.

3. The Ministry of Finance of Vietnam shall elaborate on this Article.

Chapter VI

VALUATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 40. Valuation operations

1. Valuation operations include the provision of valuation services and valuation operations of the State.

2. The provision of valuation services shall be performed by valuation enterprises and concluded under civil contracts; valuation operations of the State shall be performed by valuation councils according to decisions of competent agencies, organizations, and persons prescribed in Article 59 of this Law.

Article 41. Valuation principles

1. Complying with laws and Valuation Standards of Vietnam.

2. Ensuring objectivity, honesty, publicity, and efficiency.

3. Taking responsibilities for valuation operations as prescribed by laws.

Article 42. Valuation Standards of Vietnam

1. Valuation Standards of Vietnam are regulations and guidelines on specialties and professional ethics in valuation operations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 43. Valuation occupational associations

1. Valuation occupational associations are established and operated under laws on associations and shall comply with the Law on Prices and relevant laws.

2. Valuation occupational associations may provide professional training in valuation and advanced training in professional knowledge of valuation, issue certificates of course completion, and perform operations related to valuation according to the regulations of the Minister of Finance of Vietnam.

Section 2. VALUATION SERVICES

Article 44. Valuer cards

1. Valuer cards are professional certificates in asset or enterprise valuation issued to qualified persons at the exam for valuer cards.

2. Participants of the exam for valuer cards shall:

a) Have full legal capacity;

b) Have at least a bachelor’s degree;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. The Minister of Finance of Vietnam shall stipulate the exam, issuance, management, and revocation of valuer cards.

Article 45. Valuation practice registration

1. Persons with valuer cards registering valuation practice shall:

a) Have full legal capacity;

b) Have valid labor contracts as prescribed by laws on labor with enterprises that they are registering valuation practice, except for cases where persons with valuer cards are legal representatives of enterprises;

c) Have a total actual working time at valuation enterprises or price and valuation authorities at the university level or higher of at least 36 months. In case of working at the university level or higher concerning prices or valuation under the program on orientation and application according to laws, the total actual working time at valuation enterprises or price and valuation authorities shall be at least 24 months.

d) Have updated knowledge of valuation according to regulations of the Ministry of Finance of Vietnam, except for cases where valuer cards are issued for less than 1 year at the time of practice registration;

dd) Not be specified in Clause 2 of this Article.

2. Persons banned from valuation practice:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Persons currently banned from valuation practice under effective judgments of decisions of Courts; persons currently under prosecution or trial according to laws on criminal procedures; persons with unspent convictions for crimes against regulations on the economy or positions related to finance, prices, or valuation; persons currently under administrative education measures in communes, wards, or commune-level towns; persons currently subject to mandatory transfer to rehabilitation or education centers;

c) Persons currently subject to revocation of valuer cards according to decisions on penalties for administrative violations of competent persons according to laws on handling of administrative violations.

3. Persons with valuer cards eligible for valuation registration according to Clause 1 of this Article shall register valuation practice with the Ministry of Finance of Vietnam via valuation enterprises to be announced as valuers of such valuation enterprises. Persons with valuer cards in enterprise valuation may register their practice in 2 fields specified in Clause 1 Article 44 of this Law. Persons with valuer cards shall not register their practice at 2 or more enterprises at the same time.

4. The Government of Vietnam shall stipulate the procedure and application for valuation practice registration.

Article 46. Valuers

1. Valuers are persons with valuer cards who have registered for valuation practice and are announced as valuers by the Ministry of Finance of Vietnam.

2. During valuation practice, valuers shall maintain the requirements for valuation practice registration prescribed in Clause 1 Article 45 of this Law. Valuation enterprises shall promptly submit reports to the Ministry of Finance of Vietnam in cases of fluctuations in valuers because such valuers fail to maintain the requirements for valuation practice registration or due to changes to practice registration locations.

3. Regulations on lists of valuers:

a) Lists of valuers shall be announced annually before January 1 of the announcement year;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Lists of valuers shall be announced when enterprises are issued or re-issued with certificates of eligibility for valuation services;

Article 47. Rights and obligations of valuers

1. Valuers may:

a) Practice valuation according to this Law; sign certificates of valuations and reports on valuation by their professional field; practice without having to meet requirements for additional certificates or professional requirements other than those prescribed in this Law;

b) Provide independent viewpoints on professional expertise;

c) Request customers to cooperate in providing documents related to assets subject to valuation and facilitating the valuation; not be responsible for the accuracy of information on assets subject to valuation provided by customers;

d) Refuse to perform valuation in case of improper professional field for practice or inadequate or unreliable documents for valuation performance;

dd) Participate in domestic or foreign occupational organizations for valuation as prescribed by laws;

e) Exercise other rights as prescribed by laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Comply with this Law and relevant laws;

b) Ensure the independence of their professional expertise, honesty, objectivity, and accuracy during asset valuation; take professional responsibility during the implementation and ensure that reports on valuation comply with the Valuation Standards of Vietnam;

c) Provide explanations or protection of contents of their valuation reports for their customers or third parties permitted to use such reports under valuation contracts upon requests; provide explanations for their valuation reports for competent state agencies upon requests as prescribed by laws;

d) Participate in programs on updates on knowledge of valuation as per regulation;

dd) Prepare valuation documentation as prescribed by laws;

e) Perform other obligations as prescribed by laws.

Article 48. Valuation enterprises

1. Valuation enterprises are enterprises established and registered for valuation service provision according to laws on enterprises with certificates of eligibility for valuation services issued by the Ministry of Finance of Vietnam under this Law.

2. Persons who resigned from positions and entitlements in the state management of prices shall not establish or hold positions or titles of managers or operators at valuation enterprises during the period prescribed by laws on prevention and combat against corruption.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. An enterprise applying for a certificate of eligibility for valuation services shall have at least 5 persons with valuer cards meeting the requirements prescribed in Clause 1 Article 45 of this Law registering valuation practice at that enterprise and meet the following conditions:

a) Regarding private enterprises, single-member limited liability companies, and partnerships, owners, directors, or general directors of private enterprises; legal representatives, directors, or general directors of single-member limited liability companies and partnerships shall meet the requirements prescribed in Article 51 of this Law. Owners of single-member limited liability companies that are individuals and members of partnerships shall be persons with valuer cards registering their practice at such enterprises;

b) Regarding limited liability companies with 2 or more members and joint stock companies, legal representatives, directors, or general directors of such enterprises shall meet the requirements prescribed in Article 51 of this Law. At the same time, such enterprises shall have at least 2 capital contributors or 2 shareholders that are persons with valuer cards registering their practice at such enterprises.

If the capital contributors or shareholders are organizations, the authorized representatives of capital contribution organizations shall be persons with valuer cards registering their practice at the enterprises; the total capital contribution of members that are organizations shall not exceed 35% of the charter capital. The total capital contrition of members or shareholders that are persons with valuer cards registering their practice at the enterprises shall account for at least 50% of the charter capital of enterprises.

2. If certificates of eligibility for valuation services are lost, damaged, or have their information altered compared to the information displayed on such certificates, valuation enterprises shall perform the procedure for re-issuance of certificates of eligibility for valuation services.

3. The Government of Vietnam shall stipulate regulations on applications and procedures for issuance and re-issuance of certificates of eligibility for valuation services.

Article 50. Branches of valuation enterprises

1. Branches of valuation enterprises are dependent units of such enterprises, established under laws on enterprises satisfying requirements prescribed in Clause 2 of this Article and written on certificates of eligibility for valuation services.

2. Branches of valuation enterprises shall meet the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Heads of branches must be persons with valuer cards who meet the requirements for practice registration according to Clause 1 Article 45 of this Law registering their practice at such branches.

3. Branches of valuation enterprises may perform valuation according to written documents of valuation enterprises and issue valuation certificates and reports for valuation contracts they concluded with the customers.

4. Valuation enterprises shall take responsibility for the provision of valuation services of their branches.

Article 51. Legal representatives, directors or general directors of valuation enterprises, and heads of branches of valuation enterprises

1. Legal representatives, directors, or general directors of valuation enterprises shall:

a) Be the legal representatives, directors, or general directors written on certificates of enterprise registration;

b) Be valuers at their enterprises;

c) Have at least 36 months of working time as valuers;

d) Maintain the requirements prescribed in Points a, b, d, and dd Clause 1 Article 45 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Names of legal representatives, directors or general directors of valuation enterprises, and heads of branches of valuation enterprises shall be written on certificates of eligibility for valuation services issued to valuation enterprises.

Article 52. Operational requirements for valuation enterprises and their branches

1. Valuation enterprises shall have certificates of eligibility for valuation services while ensuring the maintenance of requirements prescribed in Article 49 and Article 50 of this Law.

2. Within 10 days after failing to meet one of the requirements prescribed in Article 49 and Article 50 of this Law, valuation enterprises shall submit reports to the Ministry of Finance of Vietnam while remedying such matter within 3 months from the date of failure.

3. During the remedial period, as prescribed in Clause 2 of this Article, the provision of valuation services of valuation enterprises and their branches shall be performed as follows:

a) In case legal representatives of enterprises are no longer valuers at such enterprises or no longer meet the requirements prescribed in Points a, b, d, and dd Clause 1 Article 45 of this Law, valuation enterprises and their branches shall not issue valuation certificates and/or reports. In case heads of branches of valuation enterprises are no longer valuers at such enterprises or no longer meet the requirements prescribed in Points a, b, d, and dd Clause 1 Article 45 of this Law, valuation enterprises and their branches shall not issue valuation certificates and/or reports.

b) In case of having an insufficient number of valuers but not falling into cases prescribed in Point a of this Clause, valuation enterprises and their branches may issue valuation certificates and/or reports for valuation contracts concluded when they are sufficient in terms of the number of valuers, but shall not conclude new valuation contracts.

4. After 3 months from the date of failure to meet the requirements prescribed in Article 49 and Article 50 of this Law, valuation enterprises that fail to remedy the operational requirements for valuation services shall be suspended from providing such services or have their certificates of eligibility for valuation services revoked under Article 54 of this Law. Branches of valuation enterprises that fail to remedy the operational requirements for valuation services shall be removed from the certificates of eligibility for valuation services.

Article 53. Rights and duties of valuation enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Provide valuation services under this Law;

b) Participate in domestic and foreign occupational associations or organizations for valuation as prescribed by laws;

c) Request customers to provide documents and data related to assets subject to valuation and facilitate the implementation of the valuation;

d) Refuse to provide valuation services;

dd) Exercise other rights as prescribed by laws.

2. Valuation enterprises shall:

a) Comply with regulations on valuation operations of this Law;

b) Perform valuation by the correct valuation contracts and permitted fields of expertise; allocate valuers or persons with sufficient expertise to perform valuation by concluded contracts; facilitate valuers to perform valuation independently and objectively;

c) Develop and organize the quality control of valuation reports to issue and provide valuation certificates to their customers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Compensate for damage as prescribed by laws due to violations of agreements in valuation contracts or in cases where the valuation operations harm the benefits of agencies, organizations, and individuals due to incompliance with regulations on valuation;

e) Purchase occupational responsibility insurance for valuation operations or extract and establish provision for occupational risks according to regulations of the Minister of Finance of Vietnam;

g) Manage and supervise valuation operations of valuers at enterprises;

h) Adequately implement regulations on reports on valuation operations as per regulation of the Minister of Finance of Vietnam

i) Preserve and archive documentation on valuation safely, sufficiently, and legally, ensuring its confidentiality according to laws on archives;

k) Perform other obligation as prescribed by laws.

Article 54. Suspension of valuation service provision and revocation of certificates of eligibility for valuation services

1. Valuation enterprises shall be suspended from providing valuation services when they fall into one of the following cases:

a) Failing to meet one of the requirements prescribed in Clause 1 Article 49 of this Law in 3 consecutive months;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Other cases of operational suspension according to laws on enterprises and handling of administrative and criminal violations.

2. Valuation enterprises shall have their certificates of eligibility for valuation services revoked when they fall into one of the following cases:

a) Providing false declarations or forging applications for issuance or re-issuance of certificates of eligibility for valuation services;

b) Failing to issue valuation certificates and reports in 12 consecutive months;

c) Failing to remedy violations against regulations prescribed in Point a Clause 1 of this Article within 60 days after being suspended from providing valuation services;

d) Self-terminating their provision of valuation services;

dd) Having their certificates of business registration or certificates of enterprise registration revoked.

3. During the suspension period of valuation service provision, valuation enterprises shall not conclude any valuation contract and shall not issue any valuation certificate. Valuation enterprises that have their certificates of eligibility for valuation services revoked shall terminate the provision of such services from the effective date of revocation decisions.

Legal representatives of valuation enterprises shall, during the revocation of certificates of eligibility for valuation services, continue to archive the documentation on valuation of such enterprises as prescribed in Point i Clause 2 Article 53 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 55. Valuation certificates and reports

1. Valuation certificates shall be signed by valuers who perform the valuation, signed and sealed by legal representatives of valuation enterprises or heads of branches of such enterprises.

2. Valuation reports shall be signed by valuers who perform the valuation, approved by legal representatives of valuation enterprises or heads of branches of such enterprises, and inseparable from valuation certificates.

3. Legal representatives of valuation enterprises may authorize managers of such enterprises under laws on enterprises to sign valuation certificates and consider approving valuation reports. Authorized persons shall be valuers at enterprises.

4. Valuation certificates and reports are used as one of the grounds for customers, relevant organizations, and individuals written in valuation contracts to consider deciding or approving prices of assets. Valuation certificates and reports may only be used in their validity period for the intended purposes in association with the information on assets and the number of assets prescribed in valuation contracts.

5. Valuation certificates shall be updated to the National Database on Prices according to regulations of the Ministry of Finance of Vietnam, except for cases subject to the list of state secrets.

Article 56. Rights and obligations of customers, relevant organizations, and individuals written in valuation contracts

1. Organizations and individuals may select valuation enterprises eligible for practice as prescribed by laws to conclude valuation contracts.

2. Customers, relevant organizations, and individuals (if any) written in valuation contracts may:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Refuse to provide information and documents unrelated to valuation or assets subject to valuation;

c) Request the replacement of valuers when there are grounds suggesting that such valuers violate the Valuation Standards of Vietnam and the honest, independent, objective operational principles during their performance;

d) Request valuation enterprises to provide valuation certificates and reports; compensation in case such enterprises cause damage due to violations;

dd) Consider deciding on the use of valuation certificates and reports;

e) Exercise other rights as prescribed by laws.

3. Customers, relevant organizations, and individuals (if any) written in valuation contracts shall:

a) Adequately, accurately, honestly, promptly, and objectively provide information and documents related to assets subject to valuation upon requests from valuation enterprises and take legal responsibility for the provided information and documents;

b) Cooperate and facilitate valuers to perform the valuation;

c) Promptly, adequately, and accurately notify competent state agencies of law violations and contract violations during the performance of valuers and of valuation enterprises;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Take responsibility for the use of valuation certificates and reports in deciding and approving prices of assets. Valuation certificates and reports shall be used in their validity period for the intended purposes of valuation in association with the assets and number of assets prescribed in valuation contracts;

e) Perform other obligations as prescribed by laws.

Article 57. Valuation service pricing

Prices for valuation services shall be written in valuation contracts and implemented as civil transactions between valuation enterprises with their customers, ensuring principles of offsetting actual costs reasonably for the adequate implementation of operations within the scope of work prescribed in the Valuation Standards of Vietnam.

Article 58. Methods of settling disputes over valuation contracts

1. Negotiating and mediating based on commitments written in valuation contracts.

2. Settling via commercial arbitration.

3. Filing lawsuits at Courts under civil procedure laws.

Section 3. STATE VALUATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. State valuation is selected for implementation in cases prescribed by laws where the use of such a method is one of the bases for competent agencies, organizations, and persons to consider deciding or approving the prices when selling, liquidating, leasing, joint venturing, associating, and transferring public assets or purchasing and renting goods, services, and assets with funding from the state.

2. Competent agencies, organizations, and persons prescribed in Clause 1 of this Article, when selecting the method of State valuation, shall establish valuation councils to implement the mentioned method.

3. Valuation operations of the State are not applicable to goods and services included in the list of goods and services priced by the State.

Article 60. Valuation councils

1. A valuation council shall have at least 3 members who are officials, public employees, or employees under the management and utilization of the person establishing the council, including the chairperson of such valuation council. In case of necessity, it is possible to hire persons with professional certificates prescribed in Clause 2 of this Article as members of the valuation council.

2. At least 50% of the members, including the chairperson, of a valuation council shall have one of the following professional certificates:

a) College diplomas or higher concerning prices and/or valuation;

b) Valuer cards;

c) Certificates of professional training in valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Operational principles of a valuation council:

a) The valuation council shall operate under principles of collective and decision by majority. Valuation meeting sessions may only be held when at least 2/3 or more of the members of the valuation council participate, and such meeting sessions shall be administrated by the chairperson. Before the organization of any meeting session, absent members shall have written documents sent to the chairperson of the valuation council specifying the reason for their absence enclosed with their independent opinions on issues related to prices of assets subject to valuation. If the valuation council only has 3 members, its meeting session shall have such 3 members;

b) The valuation council shall prepare meeting minutes and valuation reports and provide notifications of the valuation results based on the majority votes of its members at the meeting sessions. In case of equal votes, the chairperson shall have the casting vote on the value of assets subject to valuation. Members of the valuation council may reserve their opinions if they disagree with the value of assets decided by the council, such opinions shall be written in meeting minutes;

c) The valuation council, established under Clause 1 of this Article, shall self-dissolute after completing the tasks prescribed in the decision on council establishment. In cases of issues arising after the dissolution, competent agencies shall establish other councils to take charge of the handling;

d) The valuation council may use the seal of the agency that decides on its establishment or the agency where its chairperson works.

Article 61. Rights and obligations of competent agencies, organizations, and persons establishing valuation councils

1. Competent agencies, organizations, and persons establishing valuation councils may:

a) Select individuals meeting the requirements prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 60 of this Law to participate in valuation councils;

b) Hire persons meeting the requirements prescribed in Clause 2 Article 60 of this Law to participate in valuation councils;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

d) Request valuation councils to explain contents in valuation councils and provide notifications of valuation results.

2. Competent agencies, organizations, and persons establishing valuation councils shall:

a) Arrange locations and time and budget for valuation councils and their assisting teams (if any) to perform valuation;

b) Preserve and archive valuation documentation as prescribed by laws;

c) Update notifications of valuation results to databases on prices, except for cases subject to the list of state secrets;

d) Create favorable conditions for participants of valuation councils to update their knowledge about state valuation.

Article 62. Rights and obligations of valuation councils

1. Valuation councils may:

a) Request the provision of necessary information, documents, and resources for the valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Consider deciding on the use of the results of counseling units and/or valuation enterprises;

d) Report on the shortage of information and documents for valuation implementation to competent authorities;

dd) Exercise other rights as prescribed by laws.

2. Valuation councils shall:

a) Ensure the independence of their professional expertise, honesty, objectivity, and accuracy during asset valuation and take responsibility to ensure that valuation operations comply with the Valuation Standards of Vietnam;

b) Review and assess compliance with regulations on collection and analysis of information, selection of valuation methods, and preparation of valuation certificates and reports in case of hiring other parties to perform the valuation partly or wholly;

c) Ensure information confidentiality as prescribed by laws;

d) Perform other obligation as prescribed by laws.

Article 63. Rights and obligations of members of valuation councils

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Access relevant information and documents for valuation;

b) Provide comments and assessments during the valuation process;

c) Cast votes to determine the value of assets subject to valuation; in case of different opinions, reserve their opinions for inclusion in meeting minutes of valuations;

d) Enjoy benefits and policies according to laws on valuation and relevant laws;

dd) Exercise other rights as prescribed by laws.

2. Members of valuation councils shall:

a) Comply with the valuation procedure as per regulation;

b) Ensure the independence of their professional expertise, honesty, objectivity, and accuracy during asset valuation; take responsibility for the quality and sufficiency of notifications of valuation results and valuation reports; take responsibility for their comments and assessments as prescribed in Point b and Point c Clause 1 of this Article;

c) Update professional knowledge about valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

dd) Perform other obligation as prescribed by laws.

Article 64. Notifications of valuation results and reports on valuation

1. Notifications of valuation results and reports on valuation may be used as the basis for counseling for competent agencies, organizations, and persons to consider deciding or approving the prices according to relevant laws.

2. The validity periods of notifications of valuation results and reports on valuation are prescribed in the Valuation Standards of Vietnam. Notifications of valuation results and reports on valuation may only be used in their validity periods for the intended purposes of valuation in association with the type of assets and number of assets prescribed in documents assigning valuation tasks.

Article 65. Valuation costs

1. The costs of valuation operations of valuation councils and their assisting teams (if any) shall be covered by the funding from the state budget of competent agencies establishing such councils, except for cases prescribed in Clause 2 of this Article. The Ministry of Finance of Vietnam shall provide specific guidelines for costs for valuation operations of valuation councils.

2. In case of valuation during the sale, liquidation, lease, joint venture, association, or transfer of public assets, the costs for such valuation operations of valuation councils and their assisting teams (if any) shall comply with relevant laws.

Article 66. Dossiers on valuation of the State

1. A valuation dossier includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Information and documents on assets subject to valuation;

c) Decisions on valuation council establishment;

d) Documents collected and analyzed by the valuation council during the valuation process; reports of experts and certificates of valuation enclosed with reports on valuation of valuation enterprises (if any);

dd) Meeting minutes of the valuation council; reports on valuation and notifications of valuation results of the valuation council;

e) Other documents related to valuation (if any).

2. Valuation councils shall hand over documents related to their valuation operations to agencies, organizations, and persons competent to establish valuation councils for archives.

Chapter VII

PROFESSIONAL INSPECTION OF PRICES AND COMPLIANCE WITH LAWS ON PRICES AND VALUATION

Article 67. Inspection purposes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Inspection of compliance with laws on prices and valuation if for the purposes of improving discipline, creating positive influences on the price management and regulation; acknowledging existences and limitations to study and request amendments to legislative documents on prices and valuation; preventing, detecting, and handling violations against laws on prices and valuation.

Article 68. Inspection principles

1. The inspection shall ensure compliance with principles prescribed by laws on inspection.

2. The inspection of compliance with laws on prices and valuation shall:

a) Be performed under plans or directives of competent authorities or upon detection of violations or signs of violations;

b) Not be overlapped in terms of scope and time regarding inspection, state audit, or examination in the same field for one unit;

c) Ensure objectivity, publicity, transparency, and compliance with entitlements and procedures as prescribed by laws;

d) Prevent obstructions and effects on the operations of inspection subjects.

Article 69. Inspection period

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Inspection periods are determined in inspection decisions and shall not be more than 10 days from the date of announcing inspection decisions; in case of large inspection scope with complicated contents, it is possible to extend the inspection periods once, but it shall not be more than 10 days. Inspection minutes shall be prepared within 5 days after the inspection periods end.

Article 70. Inspection responsibility

1. Financial inspection agencies shall perform the professional inspection of prices under laws on inspection.

2. The Ministry of Finance of Vietnam, Ministries, ministerial agencies, and People's Committees of provinces shall inspect compliance with laws on prices and valuation and assign inspection tasks to professional agencies and affiliates.

The Ministry of Finance of Vietnam shall stipulate the procedure for inspecting compliance with laws on prices and valuation.

Article 71. Report on inspection results and handling responsibility

1. Reports on inspection results and handling responsibility shall comply with laws on inspection

2. Reports on inspection results shall specify the results of the inspection; propose contents of economic, administrative, and legal suggestions (if any) to inspection subjects; suggest amendments to policies and legislative documents (if any); request competent agencies to monitor, urge, and supervise the conclusion of inspections, suggestions, and handling decisions on inspection (if any).

Article 72. Handling of violations against laws on prices and valuation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Organizations and/or individuals violating this Law shall, aside from being handled as prescribed in Clause 1 of this Article, have their information on violations against laws on prices and valuation posted on mass media.

3. The Government of Vietnam shall elaborate on regulations on handling of administrative violations concerning prices and disclosure of information on violations against laws on prices and valuation on mass media.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS13

Article 73. Amendment, replacement, and annulment of several clauses and articles of relevant laws

1. Amendments and annulment of several Clauses and Articles of the Law on Vietnam Civil Aviation No. 66/2006/QH11 amended by Law No. 45/2013/QH13 and Law No. 61/2014/QH13:

a) Amendments to Clause 3 and Clause 4 Article 11 are as follows:

“3. Prices for aviation services:

a) Prices for takeoff and landing services; prices for the administration services for arrival and departure flights; prices for aviation security assurance services; prices for administration services for flights through flight notification regions managed by Vietnam; prices for customer services at airports and airfields;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Transfer of rights to utilize aviation services at airports and airfields, including passenger terminals; airport terminals, goods warehouses; territorial technical-commercial services; repair and maintenance of aviation vehicles and equipment; aviation techniques; provision of aviation meals; provision of aviation fuel;

d) Other aviation services.

4. Prices for non-aviation services:

a) Ground rental services, essential basic services at airports and airfields;

b) Other non-aviation services.”;

b) Amendments to Clause 6 Article 11 are as follows:

“6. The pricing of the State for goods and services prescribed in Points a, b, and c Clause 3 and Point a Clause 4 of this Article shall comply with laws on prices. Enterprises shall declare and list the prices of goods and services according to Clause 3 and Clause 4 of this Article under laws on prices.”.

c) Clause 7 and Clause 8 of Article 11 are annulled;

d) Amendments to Clause 2 Article 116 are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Amendments to Clause 2 and Clause 3 Article 90 of the Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13 amended by Law No. 35/2018/QH14 are as follows:

“2. Prices for port services:

a) Prices for container loading and unloading services; prices for pilotage services; prices for the use of wharves, terminals, and anchor buoys; prices for vessel towage services;

b) Prices for other port services.

3. The pricing of services prescribed in Point a Clause 2 of this Article shall comply with laws on prices.”.

3. Amendments to several Articles of the Law on Railway Transport No. 06/2017/QH14 amended by Law No. 35/2018/QH14 are as follows:

a) Amendments to Clause 1 Article 56 are as follows:

“1. Prices for transport of passengers, luggage, and cargoes on national railways shall be decided by rail transport enterprises; prices for transport of passengers, luggage, and cargoes on urban railways shall be decided by People’s Committees of provinces under laws on prices; prices for transport services on dedicated railways shall be decided by dedicated railway enterprises.”;

b) Amendments to Point a Clause 2 Article 67 are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Amendments to Clause 3 and Clause 4 Article 90 of the Law on Forestry No. 16/2017/QH14 are as follows:

“3. The Minister of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall stipulate methods of forest valuation; price brackets of public production forests, protection forests, and reserve forests.

4. People’s Committees of provinces shall decide the forest price brackets in areas under their management.”.

5. Amendments to Clause 2 and Clause 3 Article 35 of the Law on Irrigation No. 08/2017/QH14 amended by Law No. 35/2018/QH14, Law No. 59/2020/QH14, and Law No. 72/2020/QH14 are as follows:

“2. Competence to price irrigation products and services for irrigation works funded by the state:

a) Regarding irrigation products and public services subject to the order method:

The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the maximum prices for irrigation products and public services under the management of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam;

The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall determine the specific prices for irrigation products and public services under its management based on the maximum prices promulgated by the Ministry of Finance of Vietnam;

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices for irrigation products and public services under their management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Ministry of Finance of Vietnam shall decide on the price brackets of other irrigation products and services under the management of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam;

The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall determine the specific prices for other irrigation products and services under its management based on the price brackets promulgated by the Ministry of Finance of Vietnam;

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices for other irrigation products and services under their management.

3. Regarding public-private partnership-invested irrigation works and irrigation works with non-state funding, the prices for irrigation products and services are determined by contracts between parties.”.

6. Amendments to Clause 6 Article 83 of the Law on Road Traffic No. 23/2008/QH12 amended by Law No. 35/2018/QH14 and Law No. 44/2019/QH14 are as follows:

“6. People’s Committees of provinces shall price services of motor vehicles entering and existing motor vehicle stations based on the types of motor vehicle stations under laws on prices.”.

7. Amendments to Clause 6 Article 79 of the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14 amended by Law No. 11/2022/QH15 are as follows:

“6. People’s Committees of provinces shall elaborate on the management of domestic solid waste of households and individuals in their areas; impose specific charges for domestic solid waste collection, transport, and treatment services based on the weight or volume of the sorted waste; price domestic waste collection, transport, and treatment services under laws on prices.”.

8. Amendments to Clause 2 Article 31 of the Law on Electricity No. 28/2004/QH11 amended by Law No. 24/2012/QH13, Law No. 28/2018/QH14, and Law No. 03/2022/QH15 are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

9. Amendments to the Law on Notarization No. 53/2014/QH14 amended by Law No. 28/2018/QH14 are as follows:

a) Amendments to Article 67 are as follows:

“Article 67. Prices for on-demand notarization-related services

1. Notarization requesters shall pay prices for on-demand notarization-related services when requesting notarial practice organizations to draft contracts or transactions, typewrite or make copies, translate papers or documents, or perform other notarial jobs.

2. People’s Committee of provinces shall determine the maximum prices for on-demand notarization-related services applicable to local notarial practice organizations. Notarial practice organizations shall determine specific prices for each job, which must not exceed the maximum prices promulgated by People’s Committees of provinces, and shall publicly post up such prices at their headquarters. Notarial practice organizations that collect payments for prices for on-demand notarization-related services higher than the maximum and posted prices shall be handled as prescribed by laws.

3. Notarial practice organizations shall explain the prices for on-demand notarization-related services to notarization requesters.”;

b) The Phrase “thù lao công chứng” (remuneration) is replaced with the phrase “giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng” (prices for on-demand notarization-related services) in Point dd Clause 1 Article 7, Clause 5 Article 22, Clause 2 Article 32, Clause 4 Article 33, Point dd Clause 1 Article 70, and the name of Chapter VII.

10. Amendments and annulment of several Clauses and Articles of the Law on Property Auction No. 01/2016/QH14:

a) Amendments to the name and Clause 1 of Article 66 are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Auction prices and property auction expenses shall be agreed upon by the property seller and property auction organization in the property auction service contract. In case of auction of property prescribed in Clause 1 Article 4 of this Law, auction prices shall be in compliance with laws on prices.”;

b) The phrase “thù lao dịch vụ đấu giá” (auction remuneration) is replaced with the phrase “giá dịch vụ đấu giá” (auction prices) in Article 1, Point dd Clause 2 Article 9, Point d Clause 1 Article 24, Point d Clause 4 Article 56, Article 68, and the name of Chapter V;

c) Points dd Clause 2 Article 78 is annulled.

11. Amendments and annulment of several Articles of the Law on Technology Transfer No. 07/2017/QH14 are as follows:

a) Amendments to Point b Clause 2 Article 47 are as follows:

“b) Annually submit reports on technology assessment and inspection to science and technology authorities.”;

b) Clause 2 Article 48 is annulled.

12. Amendments to Article 22 of the Law on Vietnamese Guest Workers No. 69/2020/QH14 are as follows:

“Article 22. Broker agreements and service prices according to broker agreements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Service prices under a broker agreement shall be agreed upon by parties and specified in the agreement without exceeding the ceiling price prescribed in Clause 3 of this Article.

3. The Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs of Vietnam shall elaborate on the ceiling price of service prices under broker agreements for each market, field, and profession by each period with Vietnamese guest workers.”.

13. Clause 2 Article 19 of the Law on Tobacco Harm Prevention amended by Law No. 28/2018/QH14 is annulled.

14. Point b Clause 6 Article 55 of the Law on Planning No. 21/2017/QH14 amended by Law No. 15/2023/QH15 is annulled.

15. Article 24 and Appendix No. 02 on the list of products and services with fees being converted into price fixed by the State enclosed with the Law on Fees and Charges No. 97/2015/QH13 amended by Law No. 09/2017/QH14, Law No. 23/2018/QH14, and Law No. 72/2020/QH14 are annulled.

Article 74. Entry into force

1. This Law comes into force as of July 1, 2024, except for the case prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Clause 2 Article 60 of this Law comes into force as of January 1, 2026. From July 1, 2024 to the end of December 31, 2025, each valuation council shall have at least 1 member having one of the following professional certificates:

a) College diplomas or higher concerning prices and/or valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Certificates of professional training in valuation;

d) Certificates of advanced training in state valuation.

3. The Law on Prices No. 11/2012/QH13, which has been amended by Law No. 61/2014/QH13, Law No. 64/2020/QH14, and Law No. 07/2022/QH15 (hereinafter referred to as “Law on Prices No. 11/2012/QH13”), expires as of the effective date of this Law, except for Article 75 of this Law.

Article 75. Transitional provisions

1. Within 12 months after this Law comes into force, valuation enterprises with certificates of eligibility for valuation services issued under the Law on Prices No. 11/2012/QH13 shall ensure the requirements for eligibility for valuation services under this Law. After the mentioned period, if valuation enterprises fail to satisfy eligibility requirements for valuation services according to this Law, the Ministry of Finance of Vietnam shall revoke their certificates of eligibility for valuation services.

2. Holders of valuer certificates issued in accordance with the Law on Prices No. 11/2012/QH13 may apply for continued practice in asset valuation and business valuation in accordance with provisions of this Law./.

This Law was approved by the XV National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 5th meeting on June 19, 2023.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

APPENDIX NO. 1

LIST OF GOODS AND SERVICES SUBJECT TO PRICE STABILIZATION
(Promulgated together with the Law on Prices No. 16/2023/QH15)

1. Processed petroleum.

2. Liquefied petroleum gas (LPG).

3. Milk for children under 6 years old.

4. Plain rice.

5. Nitrogen fertilizers; DAP fertilizer; NPK fertilizer.

6. Animal feed and aquatic feed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. Plant protection drugs.

9. Drugs included in the list of essential drugs used at medical service facilities.

APPENDIX NO. 2

LIST OF GOODS AND SERVICES PRICED BY THE STATE
(Promulgated together with the Law on Prices No. 16/2023/QH15)

NO.

Names of goods and services

Competence and pricing forms

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Comply with laws on electricity

2

Services of transporting natural gas by pipeline for electricity production

The Ministry of Industry and Trade of Vietnam shall determine the specific prices

3

Rail transport control services on state-invested railway infrastructure

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the maximum prices

4

Road use services of projects on investment in road construction (except for expressway use services) for business managed by central authorities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Road use services of projects on investment in road construction (except for expressway use services) for business managed by local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices

5

State-invested ferry use services managed by central authorities

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the price brackets

State-invested ferry use services managed by local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the price brackets

Non-state-invested ferry use services managed by central authorities

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the maximum prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices

6

Port services (including services of using wharves, terminals, and anchor buoys, container loading and unloading services, and vessel towage services)

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the price brackets

State-invested port and terminal use services (including ports, inland waterway terminals, and fishing ports) managed by central authorities

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the maximum prices

State-invested port and terminal use services (including ports, inland waterway terminals, and fishing ports) managed by local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices

Pilotage services

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

7

Domestic aviation passenger transport services

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the maximum prices

State-invested services of flights on private or commercial planes for official dignitaries (including reserve aircraft)

- The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the maximum prices

- The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the specific prices

Aircraft parking lot rental services; passenger check-in counter rental services; luggage conveyor belt rental services; plane ladder rental services; all-in-one ground services and commercial and technical services at airports and airfields; automatic departure baggage sorting services; aviation fuel refilling services; underground fuel supply system infrastructure services at airports and airfields; transfer of rights to utilize aviation services at airports and airfields, including passenger terminals; airport terminals, goods warehouses; territorial technical-commercial services; repair and maintenance of aviation vehicles and equipment; aviation techniques; provision of aviation meals; provision of aviation fuel

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the price brackets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the price brackets

Takeoff and landing services; administration services for arrival and departure flights; aviation security assurance services; administration services for flights through flight notification regions managed by Vietnam; prices for customer services at airports and airfields;

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the specific prices

8

Transport vehicle inspection services: inspection services of motor vehicles, parts, systems of components, and spare parts of motor vehicles; vehicles and devices for exploration, extraction, and transportation at sea; specialized vehicles and devices for loading and unloading and construction; machinery, devices, and supplies subject to strict regulations on occupational safety and hygiene in transport, and specialized technical devices and equipment.

The Ministry of Transport of Vietnam shall determine the maximum prices

Inspection services of machinery, devices, supplies, and substances subject to strict regulations on occupational safety

Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs of Vietnam shall determine the price brackets

Inspection services of machinery, devices, supplies, and substances subject to strict regulations on industrial safety

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

9

Telecommunications connection services

The Ministry of Information and Communications shall determine the specific prices

10

Public postal services and public telecommunications services except for ordered state-funded services

The Ministry of Information and Communications shall determine the maximum prices

11

Royalties when using works, audio and video recordings in case of limited copyrights, limited related rights according to regulations of the Law on Intellectual Property

Comply with laws on intellectual property

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Compensation for the right to use transferred plant varieties under compulsory decisions of competent agencies

12

Irrigation products and public services for state-funded irrigation works under the management and ordering scope of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam

- The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the maximum prices

- The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall determine the specific prices

Irrigation products and public services for state-funded irrigation works under the management and ordering scope of local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

13

Other irrigation products and services for state-funded irrigation works under the management of the Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall determine the specific prices within its scope of management

Irrigation products and public services for state-funded irrigation works under the management and ordering scope of local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

14

Services in securities-related fields of the Vietnam Exchange (VNX), its subsidies, and the Vietnam Securities Depository and Clearing Corporation

The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the price brackets, maximum prices, and specific prices (depending on services)

15

Clean water

- The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the price brackets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

16

National reserves (except for cases of purchase under competitive bidding, shopping method, direct procurement, and sale via auction according to laws on national reserves in national defense and security)

- The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the maximum purchase prices and minimum sale prices for the purchase and sale of national reserves of Ministries and central authorities

- Ministries and central authorities managing national reserves shall determine the specific prices based on the maximum purchase prices and minimum sale prices of the Ministry of Finance of Vietnam

National reserves in national defense and security

The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall purchase and sell national reserves in national defense and security under the Law on National Reserves

17

Public products and services included in lists promulgated by competent authorities with funding from the state budget and are within the ordering scope of central agencies and organizations

- The Ministry of Finance of Vietnam shall determine the maximum prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Public products and services included in lists promulgated by competent authorities with funding from the state budget and are within the ordering scope of local agencies and organizations

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

18

Medical services within the scope of state pricing under laws on medical examination and treatment.

Comply with laws on medical examination and treatment;

19

Medical quarantine and preventive medicine at public health facilities

- The Ministry of Health of Vietnam shall determine the maximum prices

- People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

- The Ministry of Health of Vietnam shall determine the maximum prices

- People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

20

Qualified whole blood and blood products

The Ministry of Health of Vietnam shall determine the maximum prices

21

Testing services of drug samples and medicinal ingredients at public service providers covering their recurrent expenditures, public services providers partly covering their recurrent expenditures, and public services providers with recurrent expenditures covered by the State

The Ministry of Health of Vietnam shall determine the specific prices

22

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Ministry of Agriculture and Rural Development of Vietnam shall determine the price brackets

23

Textbooks

The Ministry of Education and Training of Vietnam shall determine the maximum prices

24

Tuition fees and services in education and training in public preschool and general education establishments within the scope of pricing of the State under laws on education

Comply with laws on education

Tuition fees and services in education and training in public higher education establishments within the scope of pricing of the State under laws on education and laws on higher education

Comply with laws on education and laws on higher education

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Comply with laws on vocational education

25

Brokerage services by broker agreements on guest workers; services of overseas guest worker provision

Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs of Vietnam shall determine the maximum prices

26

Official housing

Comply with laws on housing

Social housing according to the Law on Housing

Apartment building operation and management services for state-owned apartment buildings in provinces

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

27

Goods and services for tasks of national defense and security ordered from or assigned to units and enterprises of national defense and security

The Ministry of National Defense of Vietnam and the Ministry of Public Security of Vietnam shall determine the specific prices within their jurisdiction

28

Services of auctioning assets subject to sale via auctions as prescribed by laws

The Ministry of Justice of Vietnam shall determine the price brackets

29

Public services funded by the state with prices based on the collection roadmap of service users

Ministries, ministerial agencies, and People’s Committees of provinces shall determine the price brackets, maximum prices, and specific prices based on related fields

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Increased goods and services using information from databases or information systems managed by Ministries and central authorities as requested by organizations and individuals (excluding services permitted to collect fees and charges under laws on fees and charges)

Ministries and central authorities assigned to manage databases and information systems shall determine the specific prices, maximum prices, and price brackets (depending on related services)

31

Land within the scope of state pricing according to laws on land

Comply with laws on land

32

Public production forests, protection forests, and reserve forests under the management of local authorities

People’s Committees of provinces shall determine the price brackets

33

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

34

Cemetery and cremation services of crematoriums with funding from the state budget

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

35

Entering and exiting services at motor vehicle stations

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices

36

Passenger and luggage transport services on urban railways

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

37

Service charge for collection, transport and treatment of domestic solid waste

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices applicable to investors and facilities collecting, transporting, and treating solid domestic waste; determine the specific prices applicable to agencies, organizations, and facilities engaging in production, business, and services, concentrated production, business, and service zones, industrial clusters, households, and individuals

38

Drainage and wastewater treatment services (except for prices for drainage and wastewater treatment services for industrial zones and industrial clusters with non-state funding)

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

39

State-invested vehicle monitoring services

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Rental services of general technical infrastructure works with funding from the state budget

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

41

On-demand notarization-related services

People’s Committees of provinces shall determine the maximum prices

42

Services of using sale areas at markets with funding from the state

People’s Committees of provinces shall determine the specific prices

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh
Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Luật Giá 2023
Số hiệu: 16/2023/QH15
Loại văn bản: Luật
Lĩnh vực, ngành: Tài chính nhà nước
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 19/06/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 45 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
...
45. Thay thế, bỏ từ, cụm từ tại một số điểm, khoản sau đây:
...
b) Thay cụm từ “tổ chức đấu giá tài sản” thành “tổ chức hành nghề đấu giá tài sản” tại ... khoản 1 ... Điều 66

Xem nội dung VB
tổ chức đấu giá tài sản
Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 45 Điều 1 Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 75 Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 75. Hiệu lực thi hành
...
2. Luật Công chứng số 53/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo ... Luật số 16/2023/QH15 ... hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 7, 9, 11, 12 và 14 Điều 76 của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
9. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng số 53/2014/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều 67 như sau:

“Điều 67. Giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng

1. Người yêu cầu công chứng phải trả giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định giá cụ thể đối với từng loại việc không vượt quá mức giá tối đa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức giá tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng thu giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng cao hơn mức giá tối đa và mức giá đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.”;

b) Thay thế cụm từ “thù lao công chứng” bằng cụm từ “giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng” tại điểm đ khoản 1 Điều 7, khoản 4 Điều 22, khoản 2 Điều 32, khoản 4 Điều 33, điểm đ khoản 1 Điều 70 và tên Chương VII.
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 75 Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Mục này được sửa đổi bởi Điều 2 Luật Dược sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Luật Giá số 16/2023/QH15

Sửa đổi, bổ sung mục 9 Phụ lục số 01 - Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15 như sau:

“9. Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu.”.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 01 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ BÌNH ỔN GIÁ
...
9. Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Mục này được sửa đổi bởi Điều 2 Luật Dược sửa đổi 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Mục này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 79 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025
Điều 79. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của các luật liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung Mục 2 Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 ... như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
2 Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Mục này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 79 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 80 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025
Điều 80. Hiệu lực thi hành
...
2. Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo ... Luật số 16/2023/QH15 ... hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 81 của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực.”.
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 2 Điều 80 Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025
Mục này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Điều 56. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, phụ lục của các luật có liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số mục tại Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2024/QH15 và Luật số 61/2024/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung mục 3 ... như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
3 vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Mục này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Mục này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Điều 56. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, phụ lục của các luật có liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số mục tại Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2024/QH15 và Luật số 61/2024/QH15 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung mục 17 ... như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
17 Sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích) trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành, sử dụng ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền đặt hàng của cơ quan, tổ chức ở trung ương

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Mục này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Mục này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Điều 56. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, phụ lục của các luật có liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số mục tại Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2024/QH15 và Luật số 61/2024/QH15 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung mục 36 như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
36 Dịch vụ vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Mục này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 3 Điều 58 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Điều 58. Hiệu lực thi hành
...
3. Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo ... Luật số 16/2023/QH15 ... hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 59 của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 56 như sau:

“1. Giá vận tải hành khách, hành lý, hàng hoá trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định; giá vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá theo quy định của pháp luật về giá; giá vận tải trên đường sắt chuyên dùng do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng quyết định.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 67 như sau:

“a) Bộ Giao thông vận tải định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về giá;”.
Khoản này hết hiệu lực bởi Khoản 3 Điều 58 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026
Phụ lục này được bổ sung bởi Điểm a, b Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 (nội dung bổ sung mục 17a có hiệu lực từ ngày 01/07/2025)
Điều 56. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, phụ lục của các luật có liên quan
...
3. Sửa đổi, bổ sung một số mục tại Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2024/QH15 và Luật số 61/2024/QH15 như sau:

a) ... bổ sung mục 3a vào sau mục 3 như sau:
...
b) ... bổ sung mục 17a vào sau mục 17 như sau:

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Phụ lục này được bổ sung bởi Điểm a, b Khoản 3 Điều 56 Luật Đường sắt 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 (nội dung bổ sung mục 17a có hiệu lực từ ngày 01/07/2025)
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Nguyên tắc định giá rừng, định khung giá rừng
...
Điều 5. Dữ liệu, tài liệu phục vụ định giá rừng, định khung giá rừng
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ VÀ RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TỰ NHIÊN

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ

Điều 6. Giá trị rừng tự nhiên
...
Điều 7. Xác định giá trị lâm sản
...
Điều 8. Xác định giá trị quyền sử dụng rừng
...
Điều 9. Xác định giá trị môi trường rừng
...
Mục 2. ĐỊNH GIÁ RỪNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP

Điều 10. Xác định giá rừng trong trường hợp cho thuê rừng
...
Điều 11. Xác định giá trị rừng phải bồi thường khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; cháy rừng và các thiệt hại khác đối với rừng
...
Điều 12. Xác định giá rừng khi thu hồi rừng; xác định giá trị góp vốn; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước
...
Điều 13. Xác định giá để tính thuế, phí và lệ phí liên quan đến rừng
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ VÀ RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TRỒNG

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ

Điều 14. Giá trị rừng trồng
...
Điều 15. Xác định tổng chi phí đầu tư
...
Điều 16. Xác định thu nhập dự kiến
...
Điều 17. Xác định giá trị môi trường rừng
...
Điều 18. Trình tự định giá rừng trồng
...
Mục 2. ĐỊNH GIÁ RỪNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP

Điều 19. Xác định giá rừng trong trường hợp cho thuê rừng
...
Điều 20. Xác định giá trị rừng phải bồi thường khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; cháy rừng và các thiệt hại khác đối với rừng
...
Điều 21. Xác định giá rừng khi thu hồi rừng; xác định giá trị góp vốn; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước
...
Điều 22. Xác định giá để tính thuế, phí và lệ phí liên quan đến rừng
...
Chương IV ĐỊNH KHUNG GIÁ RỪNG

Điều 23. Phương pháp định khung giá rừng
...
Điều 24. Thẩm quyền ban hành khung giá rừng
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của Cục Lâm nghiệp
...
Điều 26. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
...
Điều 27. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I VÍ DỤ XÁC ĐỊNH GIÁ RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ VÀ RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TỰ NHIÊN
...
PHỤ LỤC II VÍ DỤ XÁC ĐỊNH GIÁ RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ VÀ RỪNG SẢN XUẤT LÀ RỪNG TRỒNG
...
PHỤ LỤC III MẪU PHIẾU KHẢO SÁT GIÁ MUA, BÁN GỖ, CỦI LÂM SẢN NGOÀI GỖ
...
PHỤ LỤC IV XÁC ĐỊNH GIÁ TỐI THIỂU, TỐI ĐA, KHUNG GIÁ TRỊ LÂM SẢN

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 90 của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 như sau:

“3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc sở hữu toàn dân.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Các mặt hàng quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Giá đã có quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành quy định về lĩnh vực giá, thẩm định giá cụ thể thì thực hiện theo quy định đó.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá;

c) Tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá;

d) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Điều 2. Xây dựng, phê duyệt và ban hành kế hoạch kiểm tra

1. Cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ban hành kế hoạch kiểm tra.

2. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, trên cơ sở đề xuất của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch kiểm tra.

3. Kế hoạch kiểm tra đảm bảo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 68 Luật Giá.

4. Quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Ngay sau khi kế hoạch kiểm tra được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.

Điều 3. Quyết định kiểm tra

1. Căn cứ kế hoạch kiểm tra được phê duyệt hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có trách nhiệm trình Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định kiểm tra.

2. Quyết định kiểm tra được ban hành theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Thành phần đoàn kiểm tra

1. Trưởng đoàn kiểm tra là:

a) Lãnh đạo cấp Cục, Vụ hoặc tương đương thuộc các Bộ, ngành; Lãnh đạo Sở, ngành thuộc địa phương;

b) Lãnh đạo cấp Phòng hoặc tương đương của cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra.

2. Thành viên đoàn kiểm tra: là công chức, viên chức, thanh tra viên; sĩ quan, hạ sĩ quan trong Công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong quân đội nhân dân.

3. Thành viên đoàn kiểm tra (bao gồm trưởng đoàn kiểm tra) có trình độ đại học trở lên và có trình độ chuyên môn phù hợp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao cho cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc quyết định.

4. Người thuộc một trong các trường hợp sau không được tham gia đoàn kiểm tra:

a) Người có vốn góp vào doanh nghiệp hoặc có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng kiểm tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Có vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng kiểm tra;

c) Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Người bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn thi hành kỷ luật, xóa án tích;

đ) Người không đủ các điều kiện khác để tham gia Đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá có văn bản trình cơ quan ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định:

a) Gia hạn thời hạn kiểm tra trên cơ sở đề xuất của Trưởng đoàn kiểm tra;

b) Việc thay đổi thành viên đoàn kiểm tra (bao gồm Trưởng đoàn kiểm tra) trong trường hợp có lý do khách quan không thể tiếp tục tham gia Đoàn kiểm tra hoặc các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Điều chỉnh kế hoạch kiểm tra

Trường hợp có những lý do cần điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá trình Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt và nêu rõ lý do điều chỉnh kế hoạch kiểm tra. Sau khi kế hoạch kiểm tra điều chỉnh được phê duyệt, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra gửi thông báo tới đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra.

Điều 6. Quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra có quyền hạn và trách nhiệm như sau:

a) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, thông tin, bố trí thời gian và nhân sự phù hợp để làm việc với Đoàn kiểm tra;

b) Thông báo cho đối tượng kiểm tra về việc tiến hành kiểm tra các nội dung cụ thể tại kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt;

c) Đưa ra ý kiến kết luận về các nội dung kiểm tra trong Biên bản kiểm tra căn cứ vào tài liệu và kết quả kiểm tra;

d) Lập, ký Biên bản kiểm tra.

2. Trưởng đoàn kiểm tra có các quyền hạn, trách nhiệm như sau:

a) Tổ chức thực hiện quyết định kiểm tra theo quy định tại Thông tư này; chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của Đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm về kết luận của Đoàn kiểm tra;

b) Công bố quyết định kiểm tra, thông báo các nội dung thay đổi liên quan đến Đoàn kiểm tra; đề xuất gia hạn thời hạn kiểm tra trong trường hợp cần thiết;

c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và bảo đảm thông tin không được tiết lộ cho các tổ chức, cá nhân không liên quan đến việc kiểm tra;

d) Tổ chức xây dựng Biên bản kiểm tra, Báo cáo kết quả kiểm tra; ký Biên bản kiểm tra, Báo cáo kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản, báo cáo đó;

đ) Lập Biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp sai phạm không thuộc thẩm quyền của Đoàn kiểm tra thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Trong quá trình xử lý kiến nghị của Đoàn kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra giải trình, bổ sung tài liệu, chứng cứ về những vấn đề dự kiến xử lý hoặc kiến nghị xử lý chưa rõ ràng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

g) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên đoàn kiểm tra.

3. Thành viên đoàn kiểm tra có quyền hạn, trách nhiệm như sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công với Trưởng đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực của nội dung báo cáo hoặc đề xuất; đề xuất với Trưởng đoàn kiểm tra thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm hoạt động kiểm tra có hiệu quả, đúng pháp luật;

b) Xây dựng Biên bản kiểm tra, Báo cáo kết quả kiểm tra; lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính;

c) Bảo lưu ý kiến trong Biên bản kiểm tra trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của Trưởng đoàn kiểm tra;

d) Chịu trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra theo kế hoạch.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra

1. Đối tượng kiểm tra có các quyền sau:

a) Kiến nghị làm rõ các nội dung tại Biên bản kiểm tra; có ý kiến giải trình trong Biên bản kiểm tra;

b) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra, thông tin thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng kiểm tra có các nghĩa vụ sau:

a) Chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bố trí người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền và cán bộ có liên quan làm việc với Đoàn kiểm tra;

b) Chuẩn bị đầy đủ và cung cấp kịp thời, đúng thời hạn các báo cáo, tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra và hồ sơ, tài liệu khác có liên quan theo quy định của pháp luật; thực hiện giao nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, báo cáo, tài liệu đã cung cấp;

d) Ký Biên bản kiểm tra sau khi kết thúc kiểm tra;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tiến hành kiểm tra

1. Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và báo cáo cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra thông báo bằng văn bản kế hoạch tiến hành kiểm tra kèm theo Quyết định kiểm tra đến đối tượng kiểm tra chậm nhất 05 ngày trước khi công bố Quyết định kiểm tra (trừ trường hợp kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm). Thông báo phải bao gồm các nội dung cơ bản như sau:

a) Thời gian, địa điểm công bố Quyết định kiểm tra;

b) Thành phần dự họp;

c) Nội dung báo cáo và danh mục các báo cáo, hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra;

d) Các nội dung khác (nếu có).

2. Tại buổi công bố, Trưởng đoàn kiểm tra công bố hoặc ủy quyền bằng văn bản cho thành viên đoàn kiểm tra công bố đầy đủ các nội dung trong Quyết định kiểm tra và nêu rõ mục đích, yêu cầu, kế hoạch tiến hành kiểm tra, nội dung, cách thức làm việc và các hồ sơ, tài liệu, báo cáo đối tượng kiểm tra phải cung cấp cho Đoàn kiểm tra.

Trường hợp đối tượng kiểm tra không chấp hành yêu cầu của đoàn kiểm tra sau khi đã được thông báo bằng văn bản của Trưởng đoàn kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

3. Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, báo cáo do đối tượng kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

4. Trong quá trình kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra lập dự thảo Biên bản kiểm tra trên cơ sở báo cáo của thành viên đoàn kiểm tra.

Biên bản kiểm tra gồm các nội dung về đặc điểm, tình hình chung của đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn kiểm tra và thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra phải được lập trong thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Giá.

Biên bản kiểm tra phải có ý kiến của đối tượng kiểm tra. Trường hợp đối tượng kiểm tra vắng mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc từ chối ký Biên bản kiểm tra thì phải có đại diện chính quyền cơ sở nơi tiến hành kiểm tra hoặc người chứng kiến ký, xác nhận việc lập biên bản kiểm tra và ghi rõ việc đối tượng kiểm tra không ký Biên bản kiểm tra. Trường hợp không có chữ ký của những người này, biên bản vẫn được lập và ghi rõ lý do.

5. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện đối tượng kiểm tra có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, thẩm định giá thì Trưởng đoàn kiểm tra hoặc thành viên đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Báo cáo kết quả kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và gửi Báo cáo kết quả kiểm tra tới cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ kiểm tra kèm theo Biên bản kiểm tra và các tài liệu có liên quan để tổng hợp, báo cáo và lưu trữ hồ sơ theo quy định.

2. Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này và phải nêu rõ các vấn đề sau:

a) Nội dung và kết quả kiểm tra;

b) Đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, pháp luật (nếu có) với đối tượng kiểm tra.

3. Mỗi nội dung kiến nghị xử lý phải nêu rõ sự việc, căn cứ, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành; kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiến nghị, quyết định xử lý về kiểm tra (nếu có); đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (nếu có).

Điều 10. Xử lý các kiến nghị kiểm tra

1. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện báo cáo cơ quan ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định, chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn, đơn vị thực hiện xử lý kiến nghị của đoàn kiểm tra theo thẩm quyền.

2. Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra để kịp thời khắc phục các sai phạm (nếu có).

Điều 11. Lưu trữ hồ sơ

1. Hồ sơ kiểm tra bao gồm:

a) Quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra; Quyết định kiểm tra; Các hồ sơ do Đoàn kiểm tra cung cấp và các tài liệu khác có liên quan;

b) Các tài liệu chứng minh cho thông tin làm cơ sở cho việc hình thành kết luận kiểm tra tại từng đối tượng kiểm tra;

c) Biên bản kiểm tra, Biên bản vi phạm hành chính (nếu có), Báo cáo kết quả kiểm tra.

2. Hồ sơ kiểm tra được lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Giá.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công theo quy định tại pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đoàn kiểm tra; giải quyết khó khăn vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị theo thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra và tổ chức thực hiện việc lưu trữ hồ sơ kiểm tra theo quy định.

4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm nghiên cứu thực hiện các đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý (nếu có) theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý.

5. Đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về kiểm tra của người có thẩm quyền.

6. Việc lập dự toán, sử dụng các khoản chi cho công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Các nội dung về kiểm tra tại Thông tư này thay thế quy định về kiểm tra tại Điều 4, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 19 Chương III, Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá và Điều 1 Thông tư số 25/2019/TT-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá.

2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
...
PHỤ LỤC I MẪU QUYẾT ĐỊNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA
...
PHỤ LỤC II MẪU QUYẾT ĐỊNH KIỂM TRA
...
PHỤ LỤC III MẪU BIÊN BẢN GIAO NHẬN HỒ SƠ, TÀI LIỆU
...
PHỤ LỤC IV MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA

Xem nội dung VB
Điều 70. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra
...
2. Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, giao nhiệm vụ kiểm tra cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc.

Bộ Tài chính quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển (sau đây gọi tắt là giá dịch vụ tại cảng biển).

*Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển; quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ tại cảng biển thực hiện kê khai giá*

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí là tàu thuyền phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ dầu khí.

2. Tàu lai là tàu được thiết kế, đăng kiểm và đăng ký hoạt động làm dịch vụ lai dắt, hỗ trợ tàu vào, rời cập cầu, bến, phao neo.

3. Hàng hoá xuất khẩu là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) ở Việt Nam và có nơi nhận hàng (đích) ở nước ngoài.

4. Hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) ở nước ngoài và nơi nhận hàng (đích) ở Việt Nam.

5. Hàng hoá trung chuyển là hàng hoá được vận chuyển từ nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và đưa vào bảo quản tại khu vực trung chuyển của cảng biển trong một thời gian nhất định rồi xếp lên tàu thuyền khác để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

6. Hàng hoá quá cảnh là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) và nơi nhận hàng (đích) ở ngoài lãnh thổ Việt Nam đi thẳng hoặc được xếp dỡ qua cảng biển Việt Nam hoặc nhập kho, bãi để đi tiếp.

7. Lượt dẫn tàu là việc hoa tiêu hàng hải dẫn tàu liên tục từ vị trí hoa tiêu lên tàu đến vị trí hoa tiêu rời tàu theo quy định.

8. Một chuyến được tính là tàu thuyền vào khu vực hàng hải 01 lượt và rời khu vực hàng hải 01 lượt.

9. Tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo bao gồm các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam được công bố theo quy định của pháp luật.

*Khoản 9 Điều 10 được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

10. Dịch vụ tại cảng biển là các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại diện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp và thu giá dịch vụ của khách hàng để phục vụ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách thông qua cảng biển*

Điều 3. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển

1. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển đối với hoạt động hàng hải quốc tế, bao gồm:

a) Tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh hoặc quá cảnh vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải; tàu thuyền nước ngoài vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam không thuộc vùng nước cảng biển;

b) Tàu thuyền hoạt động vận tải hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh tại khu vực hàng hải;

c) Tàu thuyền vận tải hành khách từ Việt Nam đi nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam; tàu thuyền chuyên dùng hoạt động trên tuyến quốc tế vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

d) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển, được bốc dỡ, giao nhận, bảo quản, neo đậu tại khu vực hàng hải;

đ) Hành khách của tàu khách từ nước ngoài đến Việt Nam (hoặc ngược lại) bằng đường biển, đường thuỷ nội địa vào, rời khu vực hàng hải.

2. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa, bao gồm:

a) Tàu thuyền hoạt động hàng hải nội địa vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

b) Tàu thuyền vận tải hàng hoá, hành khách hoạt động hàng hải nội địa vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

c) Tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo;

d) Hàng hóa nội địa được bốc dỡ, giao nhận, bảo quản, neo đậu tại khu vực hàng hải;

đ) Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí hoạt động tại các cảng dầu khí ngoài khơi, cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí, trong khu vực trách nhiệm của cảng vụ hàng hải.

3. Tàu công vụ không thuộc đối tượng tính giá theo quy định tại Thông tư này.

4. Tàu thuyền vào, rời cảng tránh trú bão hoặc để bàn giao người bị nạn trên biển mà không xếp dỡ hàng hoá, không nhận trả khách có xác nhận của cảng vụ hàng hải tại khu vực; tàu thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, thiên tai theo lệnh điều động hoặc được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thuộc đối tượng tính giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải và giá dịch vụ cầu, bến, phao neo.

Điều 4. Cách xác định giá dịch vụ tại cảng biển

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, chất lượng dịch vụ và tình hình thị trường, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển quyết định mức giá cụ thể không cao hơn giá tối đa đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải hoặc thuộc khung giá đối với dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; dịch vụ bốc dỡ container; dịch vụ lai dắt tại cảng biển theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 5. Đồng tiền tính giá dịch vụ tại cảng biển

1. Đồng tiền tính giá dịch vụ là Đồng Việt Nam hoặc Đô la Mỹ đối với dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu thuyền hoạt động hàng hải quốc tế.

2. Đồng tiền tính giá dịch vụ là Đồng Việt Nam đối với dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu thuyền hoạt động hàng hải nội địa.

3. Trường hợp chuyển đổi từ Đô la Mỹ sang Đồng Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Đơn vị tính và cách làm tròn

1. Đơn vị tính dung tích: Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ tại cảng biển. Đối với tàu thuyền không ghi GT chọn phương thức quy đổi có GT lớn nhất như sau:

a) Tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa tự hành: 1,5 tấn trọng tải tính bằng 01 GT;

b) Sà lan: 01 tấn trọng tải toàn phần tính bằng 01 GT;

c) Tàu kéo, tàu đẩy, tàu chở khách (kể cả thuỷ phi cơ) và cẩu nổi: 01 mã lực (HP, CV) tính bằng 0,5 GT; 01 KW tính bằng 0,7 GT; 01 tấn sức nâng của cẩu đặt trên tàu thuyền tính bằng 06 GT;

d) Tàu thuyền chở khách không ghi công suất máy: 01 ghế ngồi dành cho hành khách tính bằng 0,67 GT; 01 giường nằm tính bằng 04 GT;

đ) Trường hợp tàu thuyền là đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn: tính bằng tổng dung tích của cả đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn, bao gồm: sà lan, đầu kéo hoặc đầu đẩy.

2. Đơn vị tính công suất máy: công suất máy chính của tàu thuyền được tính theo HP, CV hoặc KW; phần lẻ dưới 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW tính tròn là 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW.

3. Đơn vị thời gian:

a) Đối với đơn vị thời gian là ngày: 01 ngày tính là 24 giờ; phần lẻ của ngày từ 12 giờ trở xuống tính bằng 1/2 ngày, trên 12 giờ tính bằng 01 ngày;

b) Đối với đơn vị thời gian là giờ: 01 giờ tính bằng 60 phút; phần lẻ từ 30 phút trở xuống tính bằng 1/2 giờ, trên 30 phút tính bằng 01 giờ.

4. Đơn vị khối lượng hàng hoá (kể cả bao bì) là tấn hoặc mét khối (m³); phần lẻ dưới 0,5 tấn hoặc 0,5 m³ không tính, từ 0,5 tấn hoặc 0,5 m³ trở lên tính bằng 01 tấn hoặc 01 m³. Trong một vận đơn lẻ, khối lượng tối thiểu để tính giá là 01 tấn hoặc 01 m³. Với loại hàng hoá mỗi tấn chiếm từ 02 m³ trở lên thì cứ 02 m³ tính bằng 01 tấn.

5. Đơn vị khoảng cách tính giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải là hải lý (HL); phần lẻ dưới 01 HL tính bằng 01 HL.

6. Đơn vị tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo đối với tàu thuyền là mét (m) cầu, bến, phao neo; phần lẻ dưới 01 m tính bằng 01 m.

Điều 7. Phân chia khu vực

Khu vực tính giá đối với dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt được chia thành 03 khu vực như sau:

1. Khu vực I: bao gồm các cảng biển từ vĩ tuyến 20 độ trở lên phía Bắc và các cảng biển: từ Quảng Ninh đến Nam Định.

2. Khu vực II: bao gồm các cảng biển từ vĩ tuyến 11,5 độ đến dưới vĩ tuyến 20 độ và các cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

3. Khu vực III: bao gồm các cảng biển từ dưới vĩ tuyến 11,5 độ trở vào phía Nam và các cảng biển: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Chương II GIÁ DỊCH VỤ TẠI CẢNG BIỂN

Điều 8. Giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

1. Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ hoa tiêu, trong đó:

a) Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

b) Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

2. Khi yêu cầu dịch vụ hoa tiêu hàng hải, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 06 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 24 giờ. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc hủy bỏ yêu cầu hoa tiêu, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến tối thiểu là 03 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi là 08 giờ.

3. Hoa tiêu đã hoàn thành việc dẫn tàu, nếu thuyền trưởng vẫn giữ hoa tiêu lại sẽ tính thêm tiền chờ đợi và tiền chờ đợi được tính theo số giờ giữ lại thực tế.

4. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu mà người yêu cầu hoa tiêu huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu thì người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó.

5. Tàu thuyền có hành trình để thử máy móc thiết bị, hiệu chỉnh la bàn thì được áp dụng bằng 110% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

6. Tàu thuyền không tự vận hành được vì lý do sự cố kỹ thuật mà phải sử dụng tàu lai thì được áp dụng bằng 150% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Tàu thuyền yêu cầu hoa tiêu đột xuất thì được áp dụng bằng 110% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

8. Tàu thuyền phải dịch chuyển giữa các cầu cảng trong phạm vi bến cảng theo yêu cầu của giám đốc doanh nghiệp cảng thì áp dụng theo giá dịch vụ hoa tiêu dịch chuyển trong cảng.

9. Tàu thuyền hoạt động vào, rời khu vực hàng hải lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên, sửa chữa, phá dỡ hoặc chạy thử sau khi sửa chữa hoặc đóng mới mà không bốc dỡ hàng hoá, không đón, trả khách, thì được áp dụng bằng 70% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 9. Giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo

1. Tàu thuyền neo, buộc tại nhiều vị trí trong khu nước, vùng nước thuộc khu vực hàng hải của một cảng biển thì giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo được tính bằng tổng thời gian thực tế neo, buộc tại từng vị trí.

2. Trường hợp tàu thuyền không làm hàng được do thời tiết với thời gian trên 1 ngày (24 giờ liên tục) hoặc phải nhường cầu cho tàu thuyền khác theo lệnh điều động của Giám đốc cảng vụ hàng hải thì không tính giá dịch vụ cầu, bến, phao neo trong thời gian không làm hàng.

3. Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, trong đó:

a) Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

b) Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 100% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

Điều 10. Giá dịch vụ bốc dỡ container

1. Giá dịch vụ bốc dỡ đối với container hàng hoá quá khổ, quá tải, container chứa hàng nguy hiểm, container có yêu cầu bốc dỡ, chất xếp, bảo quản đặc biệt mà phát sinh thêm chi phí, khung giá áp dụng không vượt quá 150% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải bố trí thêm các thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ việc bốc, dỡ hàng hóa, giá dịch vụ của thiết bị phát sinh do hai bên tự thỏa thuận.

2. Dịch vụ Tàu (Sà lan) ↔ Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng chỉ được thực hiện khi hàng hoá đã đáp ứng được các quy định về giám sát hải quan, kiểm tra trọng tải và các nội dung khác theo quy định trước khi bốc hoặc dỡ hàng lên tàu.

3. Đối với các tuyến container mới tại các bến cảng Khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.

Điều 11. Giá dịch vụ lai dắt

1. Cách tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền

a) Thời gian lai dắt thực tế được tính từ thời điểm tàu lai bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai cho đến khi kết thúc việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai theo yêu cầu của thuyền trưởng tàu được lai và hoa tiêu hàng hải dẫn tàu. Trường hợp thời gian lai dắt thực tế nhỏ hơn 01 giờ được phép làm tròn là 01 giờ. Thời gian lai dắt thực tế để tính giá dịch vụ tối đa là 02 giờ. Trường hợp thời gian lai dắt trên 02 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu, giá lai dắt chỉ được tính bằng 10% khung giá của 01 giờ cho toàn bộ thời gian lai dắt vượt quá 02 giờ;

b) Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng và công suất tàu lai tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển khu vực và khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tính giá dịch vụ lai dắt;

c) Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực theo yêu cầu của cảng vụ hàng hải, hoa tiêu, thuyền trưởng hoặc hãng tàu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng, công suất tàu lai thực tế và khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền;

d) Trường hợp dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng, bên thuê lai dắt được quyền ký kết hợp đồng thuê tàu lai từ khu vực khác;

đ) Trường hợp dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt phải điều động tàu lai từ khu vực khác đến vị trí lai dắt, giá do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá 70% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ điều động thực tế;

e) Trường hợp doanh nghiệp cung cấp tàu lai không đáp ứng được công suất yêu cầu theo quy định tại nội quy cảng biển, phải sử dụng từ hai tàu lai trở lên thì giá dịch vụ lai dắt tàu biển tính theo khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tương ứng với công suất tàu lai tối thiểu theo quy định của nội quy cảng biển.

2. Đối với tàu lai chuyên dùng Azimuth hoặc tàu lai VSP (Voith Schneider Propeller) được áp dụng khung giá tối đa bằng 150% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng thời gian theo yêu cầu của chủ tàu được lai và được cảng vụ hàng hải chấp thuận nhưng tàu được lai dắt chưa tới khiến tàu lai phải chờ đợi thì bên thuê lai dắt phải trả thêm tiền chờ đợi bằng 50% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ chờ đợi thực tế.

4. Trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng giờ mà bên thuê lai dắt đã yêu cầu và được cảng vụ hàng hải chấp thuận nhưng tàu yêu cầu được lai dắt không sẵn sàng để điều động, tàu lai phải trở về vị trí xuất phát hoặc chuyển sang hoạt động khác thì bên thuê lai dắt phải trả bằng 50% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ điều động thực tế.

*Điều 11 được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

Điều 11a. Tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể của dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá

1. Hoa tiêu hàng hải.

2. Sử dụng cầu, bến, phao neo.

3. Bốc, dỡ container.

4. Lai dắt tàu biển.

5. Bốc dỡ hàng hoá khác, bao gồm: hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

6. Buộc, cởi dây tàu biển.

7. Lưu giữ hàng hoá tại kho bãi cảng biển, bao gồm dịch vụ lưu giữ container, hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

8. Kiểm đếm, đóng và rút hàng hoá tại cảng biển.

9. Lập và cấp chứng từ vận chuyển container được vận chuyển thông qua cảng biển.

10. Kẹp, tháo chì container được vận chuyển thông qua cảng biển.

11. Vệ sinh container, áp dụng trong trường hợp hàng hoá làm bẩn container làm phát sinh dịch vụ vệ sinh container.

12. Vệ sinh môi trường, bao gồm dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải từ hoạt động của tàu thuyền tại cảng*

Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Bãi bỏ Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch hoa tiêu và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định.

*Khoản 1 Điều 13 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định;

b) Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận văn bản kê khai giá theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Định kỳ thực hiện rà soát tổng thể Danh sách doanh nghiệp kê khai giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05 tháng 12 hàng năm;

d) Tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ tại cảng biển.*

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;

b) Giá dịch vụ khác tại cảng biển.

3. Việc định giá dịch vụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 12/2024/TT- BGTVT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2024/TT- BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:

“1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển; quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ tại cảng biển thực hiện kê khai giá”.

2. Bổ sung khoản 10 vào sau khoản 9 Điều 2 như sau:

“10. Dịch vụ tại cảng biển là các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại diện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp và thu giá dịch vụ của khách hàng để phục vụ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách thông qua cảng biển”.

3. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:

“Điều 11a. Tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể của dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá

1. Hoa tiêu hàng hải.

2. Sử dụng cầu, bến, phao neo.

3. Bốc, dỡ container.

4. Lai dắt tàu biển.

5. Bốc dỡ hàng hoá khác, bao gồm: hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

6. Buộc, cởi dây tàu biển.

7. Lưu giữ hàng hoá tại kho bãi cảng biển, bao gồm dịch vụ lưu giữ container, hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

8. Kiểm đếm, đóng và rút hàng hoá tại cảng biển.

9. Lập và cấp chứng từ vận chuyển container được vận chuyển thông qua cảng biển.

10. Kẹp, tháo chì container được vận chuyển thông qua cảng biển.

11. Vệ sinh container, áp dụng trong trường hợp hàng hoá làm bẩn container làm phát sinh dịch vụ vệ sinh container.

12. Vệ sinh môi trường, bao gồm dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải từ hoạt động của tàu thuyền tại cảng”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định;

b) Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận văn bản kê khai giá theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Định kỳ thực hiện rà soát tổng thể Danh sách doanh nghiệp kê khai giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05 tháng 12 hàng năm;

d) Tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ tại cảng biển.”.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;

b) Giá dịch vụ khác tại cảng biển.

3. Việc định giá dịch vụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 12/2024/TT- BGTVT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển (sau đây gọi tắt là giá dịch vụ tại cảng biển).

*Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển; quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ tại cảng biển thực hiện kê khai giá*

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí là tàu thuyền phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ dầu khí.

2. Tàu lai là tàu được thiết kế, đăng kiểm và đăng ký hoạt động làm dịch vụ lai dắt, hỗ trợ tàu vào, rời cập cầu, bến, phao neo.

3. Hàng hoá xuất khẩu là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) ở Việt Nam và có nơi nhận hàng (đích) ở nước ngoài.

4. Hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) ở nước ngoài và nơi nhận hàng (đích) ở Việt Nam.

5. Hàng hoá trung chuyển là hàng hoá được vận chuyển từ nước ngoài đến cảng biển Việt Nam và đưa vào bảo quản tại khu vực trung chuyển của cảng biển trong một thời gian nhất định rồi xếp lên tàu thuyền khác để vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

6. Hàng hoá quá cảnh là hàng hoá có nơi gửi hàng (gốc) và nơi nhận hàng (đích) ở ngoài lãnh thổ Việt Nam đi thẳng hoặc được xếp dỡ qua cảng biển Việt Nam hoặc nhập kho, bãi để đi tiếp.

7. Lượt dẫn tàu là việc hoa tiêu hàng hải dẫn tàu liên tục từ vị trí hoa tiêu lên tàu đến vị trí hoa tiêu rời tàu theo quy định.

8. Một chuyến được tính là tàu thuyền vào khu vực hàng hải 01 lượt và rời khu vực hàng hải 01 lượt.

9. Tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo bao gồm các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam được công bố theo quy định của pháp luật.

*Khoản 9 Điều 10 được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

10. Dịch vụ tại cảng biển là các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại diện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp và thu giá dịch vụ của khách hàng để phục vụ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách thông qua cảng biển*

Điều 3. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển

1. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển đối với hoạt động hàng hải quốc tế, bao gồm:

a) Tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh hoặc quá cảnh vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải; tàu thuyền nước ngoài vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam không thuộc vùng nước cảng biển;

b) Tàu thuyền hoạt động vận tải hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh tại khu vực hàng hải;

c) Tàu thuyền vận tải hành khách từ Việt Nam đi nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam; tàu thuyền chuyên dùng hoạt động trên tuyến quốc tế vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

d) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển, được bốc dỡ, giao nhận, bảo quản, neo đậu tại khu vực hàng hải;

đ) Hành khách của tàu khách từ nước ngoài đến Việt Nam (hoặc ngược lại) bằng đường biển, đường thuỷ nội địa vào, rời khu vực hàng hải.

2. Đối tượng tính giá dịch vụ tại cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa, bao gồm:

a) Tàu thuyền hoạt động hàng hải nội địa vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

b) Tàu thuyền vận tải hàng hoá, hành khách hoạt động hàng hải nội địa vào, rời, đi qua hoặc neo đậu tại khu vực hàng hải;

c) Tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo;

d) Hàng hóa nội địa được bốc dỡ, giao nhận, bảo quản, neo đậu tại khu vực hàng hải;

đ) Tàu thuyền chuyên dùng phục vụ dầu khí hoạt động tại các cảng dầu khí ngoài khơi, cảng chuyên dùng phục vụ dầu khí, trong khu vực trách nhiệm của cảng vụ hàng hải.

3. Tàu công vụ không thuộc đối tượng tính giá theo quy định tại Thông tư này.

4. Tàu thuyền vào, rời cảng tránh trú bão hoặc để bàn giao người bị nạn trên biển mà không xếp dỡ hàng hoá, không nhận trả khách có xác nhận của cảng vụ hàng hải tại khu vực; tàu thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, thiên tai theo lệnh điều động hoặc được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thuộc đối tượng tính giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải và giá dịch vụ cầu, bến, phao neo.

Điều 4. Cách xác định giá dịch vụ tại cảng biển

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, chất lượng dịch vụ và tình hình thị trường, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển quyết định mức giá cụ thể không cao hơn giá tối đa đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải hoặc thuộc khung giá đối với dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; dịch vụ bốc dỡ container; dịch vụ lai dắt tại cảng biển theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 5. Đồng tiền tính giá dịch vụ tại cảng biển

1. Đồng tiền tính giá dịch vụ là Đồng Việt Nam hoặc Đô la Mỹ đối với dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu thuyền hoạt động hàng hải quốc tế.

2. Đồng tiền tính giá dịch vụ là Đồng Việt Nam đối với dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu thuyền hoạt động hàng hải nội địa.

3. Trường hợp chuyển đổi từ Đô la Mỹ sang Đồng Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Đơn vị tính và cách làm tròn

1. Đơn vị tính dung tích: Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ tại cảng biển. Đối với tàu thuyền không ghi GT chọn phương thức quy đổi có GT lớn nhất như sau:

a) Tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa tự hành: 1,5 tấn trọng tải tính bằng 01 GT;

b) Sà lan: 01 tấn trọng tải toàn phần tính bằng 01 GT;

c) Tàu kéo, tàu đẩy, tàu chở khách (kể cả thuỷ phi cơ) và cẩu nổi: 01 mã lực (HP, CV) tính bằng 0,5 GT; 01 KW tính bằng 0,7 GT; 01 tấn sức nâng của cẩu đặt trên tàu thuyền tính bằng 06 GT;

d) Tàu thuyền chở khách không ghi công suất máy: 01 ghế ngồi dành cho hành khách tính bằng 0,67 GT; 01 giường nằm tính bằng 04 GT;

đ) Trường hợp tàu thuyền là đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn: tính bằng tổng dung tích của cả đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn, bao gồm: sà lan, đầu kéo hoặc đầu đẩy.

2. Đơn vị tính công suất máy: công suất máy chính của tàu thuyền được tính theo HP, CV hoặc KW; phần lẻ dưới 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW tính tròn là 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW.

3. Đơn vị thời gian:

a) Đối với đơn vị thời gian là ngày: 01 ngày tính là 24 giờ; phần lẻ của ngày từ 12 giờ trở xuống tính bằng 1/2 ngày, trên 12 giờ tính bằng 01 ngày;

b) Đối với đơn vị thời gian là giờ: 01 giờ tính bằng 60 phút; phần lẻ từ 30 phút trở xuống tính bằng 1/2 giờ, trên 30 phút tính bằng 01 giờ.

4. Đơn vị khối lượng hàng hoá (kể cả bao bì) là tấn hoặc mét khối (m³); phần lẻ dưới 0,5 tấn hoặc 0,5 m³ không tính, từ 0,5 tấn hoặc 0,5 m³ trở lên tính bằng 01 tấn hoặc 01 m³. Trong một vận đơn lẻ, khối lượng tối thiểu để tính giá là 01 tấn hoặc 01 m³. Với loại hàng hoá mỗi tấn chiếm từ 02 m³ trở lên thì cứ 02 m³ tính bằng 01 tấn.

5. Đơn vị khoảng cách tính giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải là hải lý (HL); phần lẻ dưới 01 HL tính bằng 01 HL.

6. Đơn vị tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo đối với tàu thuyền là mét (m) cầu, bến, phao neo; phần lẻ dưới 01 m tính bằng 01 m.

Điều 7. Phân chia khu vực

Khu vực tính giá đối với dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt được chia thành 03 khu vực như sau:

1. Khu vực I: bao gồm các cảng biển từ vĩ tuyến 20 độ trở lên phía Bắc và các cảng biển: từ Quảng Ninh đến Nam Định.

2. Khu vực II: bao gồm các cảng biển từ vĩ tuyến 11,5 độ đến dưới vĩ tuyến 20 độ và các cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

3. Khu vực III: bao gồm các cảng biển từ dưới vĩ tuyến 11,5 độ trở vào phía Nam và các cảng biển: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Chương II GIÁ DỊCH VỤ TẠI CẢNG BIỂN

Điều 8. Giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

1. Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ hoa tiêu, trong đó:

a) Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

b) Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

2. Khi yêu cầu dịch vụ hoa tiêu hàng hải, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 06 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi phải báo cho tổ chức hoa tiêu trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu tối thiểu là 24 giờ. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc hủy bỏ yêu cầu hoa tiêu, người yêu cầu hoa tiêu phải báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến tối thiểu là 03 giờ; đối với cảng dầu khí ngoài khơi là 08 giờ.

3. Hoa tiêu đã hoàn thành việc dẫn tàu, nếu thuyền trưởng vẫn giữ hoa tiêu lại sẽ tính thêm tiền chờ đợi và tiền chờ đợi được tính theo số giờ giữ lại thực tế.

4. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu mà người yêu cầu hoa tiêu huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu thì người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó.

5. Tàu thuyền có hành trình để thử máy móc thiết bị, hiệu chỉnh la bàn thì được áp dụng bằng 110% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

6. Tàu thuyền không tự vận hành được vì lý do sự cố kỹ thuật mà phải sử dụng tàu lai thì được áp dụng bằng 150% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Tàu thuyền yêu cầu hoa tiêu đột xuất thì được áp dụng bằng 110% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

8. Tàu thuyền phải dịch chuyển giữa các cầu cảng trong phạm vi bến cảng theo yêu cầu của giám đốc doanh nghiệp cảng thì áp dụng theo giá dịch vụ hoa tiêu dịch chuyển trong cảng.

9. Tàu thuyền hoạt động vào, rời khu vực hàng hải lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên, sửa chữa, phá dỡ hoặc chạy thử sau khi sửa chữa hoặc đóng mới mà không bốc dỡ hàng hoá, không đón, trả khách, thì được áp dụng bằng 70% giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 9. Giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo

1. Tàu thuyền neo, buộc tại nhiều vị trí trong khu nước, vùng nước thuộc khu vực hàng hải của một cảng biển thì giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo được tính bằng tổng thời gian thực tế neo, buộc tại từng vị trí.

2. Trường hợp tàu thuyền không làm hàng được do thời tiết với thời gian trên 1 ngày (24 giờ liên tục) hoặc phải nhường cầu cho tàu thuyền khác theo lệnh điều động của Giám đốc cảng vụ hàng hải thì không tính giá dịch vụ cầu, bến, phao neo trong thời gian không làm hàng.

3. Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, trong đó:

a) Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

b) Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 100% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

Điều 10. Giá dịch vụ bốc dỡ container

1. Giá dịch vụ bốc dỡ đối với container hàng hoá quá khổ, quá tải, container chứa hàng nguy hiểm, container có yêu cầu bốc dỡ, chất xếp, bảo quản đặc biệt mà phát sinh thêm chi phí, khung giá áp dụng không vượt quá 150% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải bố trí thêm các thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ việc bốc, dỡ hàng hóa, giá dịch vụ của thiết bị phát sinh do hai bên tự thỏa thuận.

2. Dịch vụ Tàu (Sà lan) ↔ Sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng chỉ được thực hiện khi hàng hoá đã đáp ứng được các quy định về giám sát hải quan, kiểm tra trọng tải và các nội dung khác theo quy định trước khi bốc hoặc dỡ hàng lên tàu.

3. Đối với các tuyến container mới tại các bến cảng Khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.

Điều 11. Giá dịch vụ lai dắt

1. Cách tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền

a) Thời gian lai dắt thực tế được tính từ thời điểm tàu lai bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai cho đến khi kết thúc việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai theo yêu cầu của thuyền trưởng tàu được lai và hoa tiêu hàng hải dẫn tàu. Trường hợp thời gian lai dắt thực tế nhỏ hơn 01 giờ được phép làm tròn là 01 giờ. Thời gian lai dắt thực tế để tính giá dịch vụ tối đa là 02 giờ. Trường hợp thời gian lai dắt trên 02 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu, giá lai dắt chỉ được tính bằng 10% khung giá của 01 giờ cho toàn bộ thời gian lai dắt vượt quá 02 giờ;

b) Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng và công suất tàu lai tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển khu vực và khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tính giá dịch vụ lai dắt;

c) Trường hợp cung cấp tàu lai với số lượng và công suất của tàu lai lớn hơn mức tối thiểu quy định tại nội quy cảng biển của cảng vụ hàng hải khu vực theo yêu cầu của cảng vụ hàng hải, hoa tiêu, thuyền trưởng hoặc hãng tàu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt căn cứ số lượng, công suất tàu lai thực tế và khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền;

d) Trường hợp dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng, bên thuê lai dắt được quyền ký kết hợp đồng thuê tàu lai từ khu vực khác;

đ) Trường hợp dịch vụ lai dắt tàu thuyền không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền vào khu vực cảng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt phải điều động tàu lai từ khu vực khác đến vị trí lai dắt, giá do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá 70% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ điều động thực tế;

e) Trường hợp doanh nghiệp cung cấp tàu lai không đáp ứng được công suất yêu cầu theo quy định tại nội quy cảng biển, phải sử dụng từ hai tàu lai trở lên thì giá dịch vụ lai dắt tàu biển tính theo khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tương ứng với công suất tàu lai tối thiểu theo quy định của nội quy cảng biển.

2. Đối với tàu lai chuyên dùng Azimuth hoặc tàu lai VSP (Voith Schneider Propeller) được áp dụng khung giá tối đa bằng 150% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng thời gian theo yêu cầu của chủ tàu được lai và được cảng vụ hàng hải chấp thuận nhưng tàu được lai dắt chưa tới khiến tàu lai phải chờ đợi thì bên thuê lai dắt phải trả thêm tiền chờ đợi bằng 50% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ chờ đợi thực tế.

4. Trường hợp tàu lai đã tới vị trí đón tàu được lai dắt đúng giờ mà bên thuê lai dắt đã yêu cầu và được cảng vụ hàng hải chấp thuận nhưng tàu yêu cầu được lai dắt không sẵn sàng để điều động, tàu lai phải trở về vị trí xuất phát hoặc chuyển sang hoạt động khác thì bên thuê lai dắt phải trả bằng 50% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và theo số giờ điều động thực tế.

*Điều 11 được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

Điều 11a. Tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể của dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá

1. Hoa tiêu hàng hải.

2. Sử dụng cầu, bến, phao neo.

3. Bốc, dỡ container.

4. Lai dắt tàu biển.

5. Bốc dỡ hàng hoá khác, bao gồm: hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

6. Buộc, cởi dây tàu biển.

7. Lưu giữ hàng hoá tại kho bãi cảng biển, bao gồm dịch vụ lưu giữ container, hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

8. Kiểm đếm, đóng và rút hàng hoá tại cảng biển.

9. Lập và cấp chứng từ vận chuyển container được vận chuyển thông qua cảng biển.

10. Kẹp, tháo chì container được vận chuyển thông qua cảng biển.

11. Vệ sinh container, áp dụng trong trường hợp hàng hoá làm bẩn container làm phát sinh dịch vụ vệ sinh container.

12. Vệ sinh môi trường, bao gồm dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải từ hoạt động của tàu thuyền tại cảng*

Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Bãi bỏ Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch hoa tiêu và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định.

*Khoản 1 Điều 13 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025

1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định;

b) Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận văn bản kê khai giá theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Định kỳ thực hiện rà soát tổng thể Danh sách doanh nghiệp kê khai giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05 tháng 12 hàng năm;

d) Tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ tại cảng biển.*

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
6 Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
6 Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
6 Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 12/2024/TT- BGTVT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2024/TT- BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:

“1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển; quy định về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ tại cảng biển thực hiện kê khai giá”.

2. Bổ sung khoản 10 vào sau khoản 9 Điều 2 như sau:

“10. Dịch vụ tại cảng biển là các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại diện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp và thu giá dịch vụ của khách hàng để phục vụ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách thông qua cảng biển”.

3. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:

“Điều 11a. Tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể của dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá

1. Hoa tiêu hàng hải.

2. Sử dụng cầu, bến, phao neo.

3. Bốc, dỡ container.

4. Lai dắt tàu biển.

5. Bốc dỡ hàng hoá khác, bao gồm: hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

6. Buộc, cởi dây tàu biển.

7. Lưu giữ hàng hoá tại kho bãi cảng biển, bao gồm dịch vụ lưu giữ container, hàng khô, hàng rời, hàng lỏng.

8. Kiểm đếm, đóng và rút hàng hoá tại cảng biển.

9. Lập và cấp chứng từ vận chuyển container được vận chuyển thông qua cảng biển.

10. Kẹp, tháo chì container được vận chuyển thông qua cảng biển.

11. Vệ sinh container, áp dụng trong trường hợp hàng hoá làm bẩn container làm phát sinh dịch vụ vệ sinh container.

12. Vệ sinh môi trường, bao gồm dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải từ hoạt động của tàu thuyền tại cảng”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trường hợp các yếu tố hình thành giá thay đổi có thể làm cho giá dịch vụ tại cảng biển thấp hơn mức giá tối thiểu hoặc cao hơn mức giá tối đa theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức thẩm định phương án giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh giá theo quy định;

b) Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận văn bản kê khai giá theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Định kỳ thực hiện rà soát tổng thể Danh sách doanh nghiệp kê khai giá, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05 tháng 12 hàng năm;

d) Tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ tại cảng biển.”.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
6 Dịch vụ tại cảng biển (bao gồm dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tàu biển)
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 12/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 12/2024/TT- BGTVT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 31/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 33/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá.
...

Điều 2. Kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá

1. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá bao gồm:

a) Kinh phí đầu tư công được ngân sách nhà nước cấp;

b) Nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

2. Kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

3. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất hiện có, các định mức kinh tế kỹ thuật về công nghệ thông tin và nghiên cứu xác định nội dung cần đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để bố trí kinh phí thực hiện.

Kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính; Kinh phí đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo phân cấp ngân sách.

Điều 3. Kinh phí duy trì, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá

1. Nguồn kinh phí duy trì, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá bao gồm:

a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);

b) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ hợp pháp khác (nếu có);

c) Các nguồn kinh phí tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, cơ quan, tổ chức được giao duy trì, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về giá có trách nhiệm lập dự toán ngân sách phục vụ cho việc duy trì, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu về giá để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cân đối, bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hằng năm của mình bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 39. Kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và cơ sở dữ liệu về giá
...
2. Kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về giá được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan được giao quản lý cơ sở dữ liệu về giá có trách nhiệm lập dự toán ngân sách phục vụ cho việc xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 33/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam sau:
...
Điều 2. Hiệu lực thi hành
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá
...
Điều 4. Chính trực
...
Điều 5. Độc lập, khách quan
...
Điều 6. Có năng lực chuyên môn và tính thận trọng
...
Điều 7. Bảo mật thông tin
...
Điều 8. Hành vi chuyên nghiệp
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ PHẠM VI CÔNG VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung phạm vi công việc thẩm định giá
...
Điều 4. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp thẩm định giá
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CƠ SỞ GIÁ TRỊ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Giá trị thị trường
...
Điều 6. Giá trị thuê thị trường
...
Điều 7. Giá trị đầu tư
...
Điều 8. Giá trị bắt buộc phải bán
...
Điều 9. Giá trị ngang bằng
...
Điều 10. Giả thiết và giả thiết đặc biệt
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II BÁO CÁO THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 3. Báo cáo thẩm định giá
...
Điều 4. Nội dung cơ bản của báo cáo thẩm định giá
...
Chương III CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 5. Chứng thư thẩm định giá
...
Điều 6. Nội dung cơ bản của chứng thư thẩm định giá
...
Điều 7. Hiệu lực của chứng thư thẩm định giá
...
Chương IV THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 8. Thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 9. Nội dung cơ bản của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 10. Hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Chương V HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 11. Hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 12. Lưu trữ hồ sơ thẩm định giá
...
Phụ lục I MẪU CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ
...
Phụ lục II MẪU THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá là thẩm định viên về giá hoặc cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

2. Người thu thập thông tin là người thực hiện hoạt động thẩm định giá hoặc cá nhân giúp việc cho thẩm định viên về giá hoặc thành viên giúp việc cho hội đồng thẩm định giá.

3. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là quá trình tìm kiếm, lựa chọn và tập hợp các thông tin về tài sản thẩm định giá nhằm phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản.

4. Phân tích thông tin là quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá toàn bộ các thông tin đã thu thập được phục vụ cho quá trình thẩm định giá, qua đó đánh giá khả năng tác động của các yếu tố đến quá trình thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá cuối cùng.

Điều 4. Thu thập thông tin

1. Thông tin cần thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm thông tin về các đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật, thông tin về thị trường và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá.

Trường hợp tài sản thẩm định giá là quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, cần thu thập thông tin về việc xác lập sở hữu và hình thành các tài sản này, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

3. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin và phải thể hiện kết quả thu thập thông tin trong hồ sơ thẩm định giá theo quy định.

Trường hợp người thu thập thông tin không phải là người thực hiện hoạt động thẩm định giá thì người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm phân công và hướng dẫn để người thu thập thông tin thực hiện việc thu thập thông tin theo quy định.

4. Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của thông tin, số liệu do mình đã thu thập. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm về việc xem xét, đánh giá, phân tích và sử dụng thông tin được thu thập để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định.

5. Thông tin về tài sản thẩm định giá được thu thập tại thời điểm thẩm định giá. Các thông tin thu thập sau thời điểm thẩm định giá chỉ được sử dụng để tham khảo nhằm phân tích, đánh giá những biến động về giá của tài sản thẩm định giá (nếu cần).

6. Trường hợp phát sinh những hạn chế mà không thể khắc phục đối với việc thu thập thông tin vì lý do khách quan, bất khả kháng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá, người thu thập thông tin phải báo cáo với người thực hiện hoạt động thẩm định giá để người thực hiện hoạt động thẩm định giá phản ánh rõ nội dung này tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.

7. Đối với những thông tin thu thập thuộc danh mục thông tin phải bảo đảm bí mật hoặc chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo các quy định của pháp luật, như các thông tin chưa được phép công bố, các thông tin là bí mật nhà nước, người thu thập thông tin cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khi thu thập và sử dụng các thông tin này.

Điều 5. Các nguồn thông tin thu thập

1. Các nguồn thông tin thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm:

a) Thông tin do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp thể hiện đặc điểm pháp lý (như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền quản lý và các quyền khác liên quan đến tài sản), đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (bao gồm quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, sửa chữa và nâng cấp tài sản) và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin này;

b) Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá;

c) Thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức giám định, các tổ chức tư vấn thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có kiến thức và kinh nghiệm hiểu biết về tài sản thẩm định giá (nếu có);

d) Thông tin từ kết quả khảo sát, thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản thẩm định giá;

đ) Thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

e) Các nguồn thông tin khác (nếu có).

2. Nguồn thông tin thu thập cần được nêu rõ trong hồ sơ thẩm định giá kèm theo lý do và đánh giá về sự phù hợp của nguồn thông tin này với yêu cầu thẩm định giá tài sản.

Điều 6. Cách thức thu thập thông tin

1. Các cách thức thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá:

a) Đề nghị tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp đầy đủ và kịp thời các hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá, bao gồm cả tài liệu về quá trình sử dụng, vận hành và khai thác tài sản, các tài liệu về sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá xác nhận bằng văn bản đối với các nội dung thông tin do mình cung cấp;

b) Khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá:

Người thu thập thông tin trực tiếp tiến hành khảo sát và ghi chép đầy đủ các đặc điểm và hiện trạng của tài sản, các thông tin và yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá trị của tài sản; chụp ảnh tài sản và những hình ảnh để minh chứng về hiện trạng của tài sản; lập biên bản khảo sát hiện trạng tài sản. Biên bản khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá phải có chữ ký của người thu thập thông tin và tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá.

Đối với tài sản thẩm định giá là doanh nghiệp, tài sản vô hình, tài sản tài chính, dịch vụ, tài sản hình thành trong tương lai: người thu thập thông tin tiến hành khảo sát hiện trạng những tài sản, bộ phận cấu thành tài sản mà có thể thực hiện được việc khảo sát trực tiếp trong thực tế.

Các trường hợp không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản nếu người thu thập thông tin nêu được đầy đủ lý do về việc không thể khảo sát tài sản, gồm:

- Tài sản thẩm định giá là máy móc, thiết bị, dụng cụ mới hoặc dịch vụ mà trên bảng danh mục đề nghị thẩm định giá hoặc trên nhãn mác hoặc tài liệu đính kèm đề nghị thẩm định giá có ghi đầy đủ thông tin về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản; đồng thời, có các tài sản giống hệt với tài sản thẩm định giá đang giao dịch, mua bán trên thị trường;

- Tài sản thẩm định giá bị mất, thất lạc hoặc bị hủy hoại hoàn toàn;

- Tài sản thẩm định giá trong trường hợp không thể tiếp cận trực tiếp vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng và người thu thập thông tin phải nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá (nếu có). Người thực hiện thẩm định giá có trách nhiệm nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá (nếu có) tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá;

c) Sử dụng ý kiến tư vấn từ các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn giám định, thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản thẩm định giá;

d) Căn cứ đặc điểm của tài sản thẩm định giá, cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành được người thực hiện hoạt động thẩm định giá dự kiến lựa chọn, việc khảo sát thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản tại thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo một trong các cách thức sau:

- Phỏng vấn bằng một trong các hình thức sau: trực tiếp, bằng điện thoại hoặc qua email đối với các cá nhân, tổ chức có các thông tin về việc sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản, như: chủ sở hữu; người sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa tài sản; khách hàng; nhà cung cấp; nhà sản xuất; người tiêu dùng. Quá trình phỏng vấn và kết quả phỏng vấn phải được lập thành phiếu khảo sát và lưu trữ theo quy định tại Thông tư này;

- Thu thập thông tin trên tờ khai hải quan hoặc hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán, báo giá, danh mục, tài liệu, báo cáo của các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà đầu tư và các đối tượng khác có liên quan;

- Thu thập thông tin qua phương tiện thông tin và truyền thông, như sách báo, tạp chí, ấn phẩm, bài viết, đánh giá của tổ chức nghiên cứu khoa học, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các tổ chức đánh giá, xếp hạng trong nước và quốc tế; trên mạng internet; cổng thông tin điện tử; đài phát thanh, đài truyền hình;

đ) Thu thập thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin từ các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các đơn giá, định mức chuyên ngành có liên quan đến tài sản thẩm định giá; các số liệu về kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch và những nội dung khác có tác động đến giá trị của tài sản thẩm định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc quy định (nếu có);

e) Sử dụng các cách thức thu thập thông tin khác theo quy định.

2. Người thu thập thông tin thực hiện lưu trữ các bằng chứng thể hiện việc thu thập thông tin của mình theo quy định tại Chuẩn mực này và các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

a) Trường hợp quá trình thu thập thông tin sử dụng các phiếu khảo sát, phiếu điều tra, phiếu thu thập, phiếu đánh giá thì phải lưu trữ các phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của người thu thập thông tin; trường hợp các thông tin thu thập về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá thì ghi rõ họ tên, chữ ký của bên yêu cầu thẩm định giá;

b) Trường hợp sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thì phải lưu trữ văn bản tư vấn có kèm chữ ký của chuyên gia hoặc ký, đóng dấu của tổ chức tư vấn và hợp đồng dịch vụ tư vấn (nếu có);

c) Trường hợp sử dụng những thông tin thu thập từ trên mạng internet, thì phải dẫn chiếu cụ thể các đường dẫn liên kết đến thông tin thu thập, lưu trữ các hình ảnh để minh chứng cho việc đã thu thập, đồng thời lập phiếu thu thập thông tin về nội dung này. Phiếu thu thập thông tin phải có chữ ký của người thu thập thông tin.

Điều 7. Xem xét, đánh giá thông tin thu thập

1. Trên cơ sở các thông tin thu thập được, người thực hiện hoạt động thẩm định giá xem xét và sử dụng các thông tin, số liệu tin cậy, phù hợp để đưa vào phân tích thông tin và áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.

2. Đối với những thông tin từ hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp, trường hợp có sự khác nhau giữa các thông tin này với kết quả khảo sát hiện trạng tài sản hoặc trường hợp phát hiện tài liệu, hồ sơ không hoàn chỉnh, không đầy đủ và cần làm rõ hơn các nội dung thông tin để phục vụ cho việc thẩm định giá, cần kịp thời trao đổi với tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá để yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ.

Quá trình trao đổi để bổ sung tài liệu, hồ sơ hoặc làm rõ các nội dung thông tin phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, nghiêm cấm mọi hành vi tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá.

3. Đối với những thông tin khác, cần có sự thẩm định, xem xét và đánh giá thận trọng việc sử dụng các thông tin này trên cơ sở phân tích, đánh giá về mức độ tin cậy, phù hợp của nguồn thông tin, đối tượng cung cấp thông tin, nội dung thông tin, thời điểm thu thập và cách thức thu thập thông tin đối với tài sản thẩm định giá.

Điều 8. Phân tích thông tin

1. Nội dung về phân tích thông tin phải được thể hiện trong báo cáo thẩm định giá. Trong quá trình phân tích thông tin, có thể đưa ra những giả thiết, giả thiết đặc biệt; nội dung về giả thiết, giả thiết đặc biệt thực hiện theo các quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.

2. Các thông tin thu thập được phân tích theo các nhóm nội dung sau:

a) Phân tích những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá; mục đích thẩm định giá; thời điểm thẩm định giá; căn cứ pháp lý để thẩm định giá; cơ sở giá trị thẩm định giá;

b) Phân tích những thông tin về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá;

c) Phân tích những thông tin về thị trường của tài sản thẩm định giá;

d) Phân tích về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất (chỉ áp dụng với tài sản là bất động sản).

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản là việc sử dụng tài sản phù hợp với quy định của pháp luật, các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản có thể là việc tiếp tục sử dụng tài sản với mục đích hiện tại hoặc với mục đích khác thay thế; do đó, cần phân tích và trình bày các lập luận chứng minh về khả năng sử dụng tài sản cho phù hợp với các yếu tố pháp lý, kinh tế - xã hội và tài chính để xác định mục đích sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất của tài sản.

đ) Phân tích thông tin về các nội dung có liên quan khác./.

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá tài sản vô hình xác định được khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Việc thẩm định giá tài sản vô hình không xác định được thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Tài sản vô hình đề cập trong chuẩn mực này là tài sản vô hình xác định được và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình;

b) Có khả năng tạo thu nhập từ tài sản vô hình;

c) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được bằng tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt.

2. Tiền sử dụng tài sản vô hình là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản vô hình phải trả cho chủ sở hữu tài sản vô hình để được quyền sử dụng tài sản đó (ví dụ như tiền sử dụng sáng chế, tiền trả cho nhượng quyền thương mại, tiền trả cho quyền khai thác khoáng sản).

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao là phần thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trừ do tài sản thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình, phần thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm đi tương ứng với phần khấu hao của tài sản cố định vô hình. Khi đó, phần thuế thu nhập được giảm đi do giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao.

4. Tài sản đóng góp là tài sản được sử dụng cùng với tài sản thẩm định để tạo ra dòng tiền trong tương lai. Tài sản đóng góp bao gồm tất cả tài sản hiện tại và tài sản trong tương lai đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền trong tương lai này.

Điều 4. Phân loại tài sản vô hình

Tài sản vô hình bao gồm các loại sau:

1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản.

3. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu.

4. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1 của chuẩn mực này.

Điều 5. Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình

1. Tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình chịu tác động của yếu tố pháp luật, kinh tế, công nghệ, chức năng, kinh tế như: quy mô và triển vọng của thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ độc đáo, khác biệt của tài sản vô hình, sự cạnh tranh của các tài sản vô hình tương tự. Tuổi đời kinh tế có thể là một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn.

2. Khi ước tính tuổi đời kinh tế cần xem xét các yếu tố sau:

a) Thời gian bảo hộ của pháp luật đối với tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ;

b) Quy định tại các hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

c) Quyết định của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

d) Các yếu tố kinh tế như quy mô và triển vọng của thị trường sản phẩm, dịch vụ gắn với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của các tài sản vô hình tương tự hoặc hiệu quả hơn, dẫn tới sự lỗi thời chức năng, lỗi thời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá; các yếu tố khoa học kỹ thuật có liên quan khác;

e) Các kết quả thống kê, phân tích (nếu có) liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

g) Các yếu tố khác có liên quan đến việc ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Điều 6. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm các phương pháp: Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, Phương pháp lợi nhuận vượt trội và Phương pháp thu nhập tăng thêm.

2. Khi áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập, cần cân nhắc thực hiện phân tích độ nhậy để xem xét, phân tích sự thay đổi của kết quả thẩm định giá khi thay đổi giá trị của một số thông số đối với từng trường hợp thẩm định giá.

3. Việc áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 7. Các dòng thu nhập trong cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.

2. Tài sản vô hình có thể tạo ra các dòng thu nhập thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ: thông qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình) hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô hình.

3. Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: dòng thu nhập từ việc sử dụng tài sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình hoặc cả hai dòng thu nhập trên.

Điều 8. Tỷ suất chiết khấu

1. Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên quan tới thu nhập trong tương lai từ tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường.

3. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp để làm tỷ suất chiết khấu.

Điều 9. Áp dụng lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong thẩm định giá tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ thu nhập

1. Căn cứ vào việc sử dụng kết quả thẩm định giá dự kiến và phương pháp thẩm định giá được áp dụng, cần cân nhắc đưa giá trị lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao vào giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá khi áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập.

2. Không tính đến lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong các trường hợp sau:

a) Tài sản vô hình cần thẩm định giá không đáp ứng điều kiện để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng bởi một doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm và sau thời điểm thẩm định giá.

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao được ước tính bằng cách hiện tại hóa giá trị khoản thuế được giảm trừ do khấu hao về hiện tại. Phần thuế được giảm trừ được ước tính phải phù hợp với cách tính khấu hao tài sản vô hình cần thẩm định giá do doanh nghiệp sử dụng tài sản đó áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật.

4. Tỷ suất chiết khấu được sử dụng để tính lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao có thể được cân nhắc xác định trên cơ sở:

a) Tỷ suất chiết khấu phù hợp đối với doanh nghiệp sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá, ví dụ như WACC;

b) Tỷ suất chiết khấu phù hợp với tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TIỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN VÔ HÌNH

Điều 10. Nội dung phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Theo phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình.

2. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình.

3. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp dụng thông qua việc quy đổi về hiện tại dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

4. Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.

Điều 11. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Mức tiền sử dụng tài sản vô hình hoặc tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình được được xác định thông qua:

a) Tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình so sánh hoặc tương đồng có giao dịch trên thị trường;

b) Việc chia tách lợi nhuận trong một giao dịch giả định giữa người sẵn sàng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá và người sẵn sàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá trong một giao dịch độc lập, khách quan.

2. Các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng), ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.

3. Các thông tin khác có liên quan đến việc áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP LỢI NHUẬN VƯỢT TRỘI

Điều 12. Nội dung phương pháp lợi nhuận vượt trội

1. Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này.

2. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Điều 13. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội

Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

1. Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.

2. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP THU NHẬP TĂNG THÊM

Điều 14. Nội dung của phương pháp thu nhập tăng thêm

1. Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.

2. Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện như sau:

a) Bước 1: Xác định những dòng doanh thu kỳ vọng được tạo ra liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá;

b) Bước 2: Xác định dòng thu nhập ròng sau khi đã trừ chi phí nguyên vật liệu và lao động, khoản trích khấu hao (nếu có), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác, thuế doanh nghiệp (nếu có);

c) Bước 3: Xác định khoản đóng góp của các tài sản đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được tính thông qua các bước cụ thể sau:

(i) Xác định những tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn trong vốn lưu động) đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá (tài sản đóng góp);

(ii) Ước tính giá trị thị trường của các tài sản đóng góp vào thu nhập của doanh nghiệp. Giá trị thị trường này có thể được xác định trên cơ sở đánh giá lại giá trị còn lại theo sổ sách kế toán và đối chiếu với thông tin thị trường. Trong trường hợp hạn chế về thông tin thì có thể cân nhắc, điều chỉnh theo giá trị ghi sổ kế toán;

(iii) Xác định thu nhập ròng của tài sản đóng góp trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp, cụ thể là nhân giá trị của từng tài sản đóng góp với tỷ suất sinh lời hợp lý của tài sản đó.

d) Bước 4: Xác định phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách loại trừ khỏi dòng thu nhập ròng phần tiền sử dụng vốn phân bổ cho các tài sản khác ra (bao gồm khoản đóng góp của các tài sản đóng góp đã tính tại Bước 3 và khoản tiền dự kiến mua tài sản cố định mới trong giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai), đồng thời cộng thêm phần trích khấu hao của tài sản đóng góp là tài sản cố định để có được dòng tiền ròng tạo ra từ tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Bước 5: Xác định giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về hiện tại phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá (đã tính tại Bước 4).

Điều 15. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm

Các thông tin sau cần được cân nhắc khi áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm:

1. Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định.

3. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định.

4. Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.

Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 16. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ chi phí

1. Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm phương pháp chi phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.

2. Việc áp dụng cách tiếp cận từ chi phí trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 17. Ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình

Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

1. Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

2. Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của tài sản vô hình.

3. Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

4. Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Điều 18. Áp dụng phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản vô hình

1. Phương pháp so sánh trong cách tiếp cận từ thị trường được áp dụng trong thẩm định giá tài sản vô hình khi đáp ứng được đồng thời các điều kiện sau:

a) Có thông tin về các giao dịch khách quan, độc lập của ít nhất 03 tài sản so sánh tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá;

b) Có đủ thông tin để điều chỉnh sự khác biệt về định lượng giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, từ đó xác định được mức giá chỉ dẫn;

c) Đáp ứng được các yêu cầu khác (ngoài yêu cầu về số lượng tài sản so sánh tối thiểu) nêu tại Chuẩn mực thẩm định giá về cách tiếp cận từ thị trường.

2. Việc áp dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường để thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 19. Các yếu tố so sánh cần cân nhắc khi thẩm định giá tài sản vô hình

1. Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình.

2. Các điều khoản trong hợp đồng (nếu có) hoặc thỏa thuận liên quan đến việc mua bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng.

3. Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng.

4. Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình.

5. Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế, tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

6. Các đặc điểm khác của tài sản vô hình./.

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trường hợp áp dụng cách tiếp cận từ chi phí
...
Điều 5. Phương pháp chi phí thay thế
...
Điều 6. Phương pháp chi phí tái tạo
...
Điều 7. Phương pháp tổng cộng
...
Điều 8. Thành phần của chi phí tái tạo, chi phí thay thế và một số lưu ý khi xác định
...
Điều 9. Lợi nhuận của nhà sản xuất/nhà đầu tư
...
Điều 10. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật so sánh
...
Điều 11. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tuổi đời
...
Điều 12. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tổng cộng
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cách tiếp cận từ thu nhập và các phương pháp thẩm định giá sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA TRỰC TIẾP

Điều 5. Áp dụng phương pháp vốn hóa trực tiếp
...
Điều 6. Xác định thu nhập thuần do tài sản mang lại (I)
...
Điều 7. Xác định tỷ suất vốn hoá (R)
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU

Điều 8. Áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu
...
Điều 9. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)
...
Điều 10. Xác định dòng tiền (CF)
...
Điều 11. Xác định giá trị tài sản cuối kỳ dự báo (Vn)
...
Điều 12. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá
...
Điều 6. Sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 7. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 8. Xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
...
Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

Điều 9. Phương pháp tỷ số bình quân
...
Điều 10. Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 11. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

Điều 12. Phương pháp giá giao dịch
...
Điều 13. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu theo phương pháp giá giao dịch
...
Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 14. Phương pháp tài sản
...
Điều 15. Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 16. Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 17. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
...
Điều 19. Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 20. Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 21. Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo
...
Điều 22. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO VỐN CHỦ SỞ HỮU

Điều 23. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
....
Điều 24. Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 25. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 26. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 27. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

Điều 28. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
...
Điều 29. Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 30. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 31. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 32. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
....
Điều 33. Trường hợp khác

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2024.

2. Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Bất động sản có tiềm năng phát triển là đất trồng để xây dựng hoặc đất có công trình trên đất có thể cải tạo hoặc phá dỡ xây dựng công trình trên đất để sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất.

2. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị phát triển ước tính của tài sản (tổng doanh thu phát triển) trừ đi các chi phí dự kiến phát sinh hợp lý (bao gồm lợi nhuận nhà đầu tư) để tạo ra sự phát triển đó (tổng chi phí phát triển).

Điều 4. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản

1. Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.

2. Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận quy định tại khoản 1 Điều này. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

3. Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Chương II PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ

Điều 5. Áp dụng phương pháp thặng dư

1. Công thức trong phương pháp thặng dư:

V = DT - CP

Trong đó:

V: Giá trị tài sản thẩm định giá;

DT: Tổng doanh thu phát triển;

CP: Tổng chi phí phát triển.

2. Nội dung thực hiện:

a) Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản;

b) Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n);

c) Xác định tổng doanh thu phát triển (DT);

d) Xác định tổng chi phí phát triển (CP);

đ) Xác định giá trị của bất động sản (V).

3. Các trường hợp về thời điểm phát sinh doanh thu phát triển và chi phí phát triển bất động sản:

a) Trường hợp 1: Doanh thu phát triển bất động sản, chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm. Khi đó doanh thu và chi phí phát triển bất động sản được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá.

V = DT - CP (tại thời điểm thẩm định giá)

b) Trường hợp 2: Quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm.

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

V : Giá trị tài sản thẩm định giá;

DTt : Doanh thu phát triển dự kiến năm thứ t;

CPt : Chi phí phát triển dự kiến năm thứ t;

r: Tỷ suất chiết khấu;

n: Giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai;

t: Năm dự báo.

Điều 6. Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản

Việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản được xác định trên cơ sở:

1. Đặc điểm của bất động sản thẩm định giá.

2. Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất và các quy định về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hướng dẫn phân tích việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 7. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)

Việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập.

Điều 8. Xác định tổng doanh thu phát triển (DT)

1. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản là tổng doanh thu dự kiến có được của bất động sản thẩm định giá phù hợp với mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản.

2. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản được xác định trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu (như thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy) của tối thiểu 03 bất động sản có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực có bất động sản thẩm định giá hoặc khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong tương lai. Khi xác định tổng doanh thu phát triển cần phân tích và đánh giá về khả năng thực hiện, hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án theo tiến độ đầu tư đã cam kết và theo các quy định hiện hành về bất động sản.

Việc xác định mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thị trường hoặc số liệu công bố của cơ quan thống kê hoặc cơ quan quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phù hợp mức biến động của thị trường bất động sản qua các năm.

3. Tổng doanh thu phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trong trường hợp tổng doanh thu phát triển chỉ phát sinh trong cùng 01 năm, doanh thu phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trong trường hợp quá trình phát triển kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm, việc chuyển đổi tổng doanh thu phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 9. Xác định tổng chi phí phát triển (CP)

1. Tổng chi phí phát triển của bất động sản là toàn bộ các chi phí phát triển cần thiết dự kiến đầu tư vào bất động sản thẩm định giá, phù hợp với quy định của pháp luật (về các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và hạch toán chi phí sản xuất, đầu tư) và đáp ứng được mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản thẩm định giá.

2. Tổng chi phí phát triển của bất động sản gồm:

a) Chi phí đầu tư xây dựng bao gồm: chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, hạng mục công trình khác; chi phí thiết bị; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí quản lý dự án và các chi phí có liên quan;

b) Chi phí dự phòng;

c) Chi phí kinh doanh (như chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác có liên quan);

d) Chi phí tài chính, thuế nếu có (như thuế sử dụng tài sản/bất động sản);

đ) Các khoản chi phí hợp lý khác;

e) Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên thị trường tính trên tổng chi phí (bao gồm cả giá trị tài sản đầu tư ban đầu nhưng không bao gồm chi phí tài chính) của ít nhất 03 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự trên thị trường hoặc được xác định là trung bình tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được kiểm toán hoặc quyết toán) trên tổng chi phí của ít nhất 03 doanh nghiệp bất động sản tương tự trên thị trường;

g) Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng không tính đến trong tổng chi phí phát triển.

3. Các khoản mục chi phí trên được xác định trên cơ sở điều tra, khảo sát, thu thập các khoản mục chi phí thực tế phổ biến của các dự án bất động sản tương tự và mặt bằng giá trên thị trường (như nguyên, nhiên vật liệu, đơn giá nhân công, thiết bị) tại thời điểm thẩm định giá, phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và những nội dung liên quan quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ chi phí. Khi không thu thập được các thông tin trên thị trường về các khoản mục chi phí, có thể áp dụng các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các phương pháp xác định tổng chi phí đầu tư dự án, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư của các dự án bất động sản tương tự theo từng năm dự báo phù hợp với tiến độ xây dựng dự án bất động sản; tuy nhiên cần lập luận về mức độ phù hợp với mục đích và thời điểm thẩm định giá và thực hiện việc điều chỉnh các định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư (nếu cần thiết) trước khi đưa vào sử dụng.

Trường hợp pháp luật quy định việc xác định các khoản mục chi phí phải thực hiện theo các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sử dụng các định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư đó để xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản.

4. Việc xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản cần tính đến mức biến động giá trị của các khoản mục chi phí kéo dài cả vòng đời dự án bất động sản (nếu có) để đảm bảo phù hợp mức biến động nguyên nhiên vật liệu trong suốt giai đoạn dự báo dòng tiền.

5. Tổng chi phí phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trường hợp tổng chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm, chi phí phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trường hợp quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm và phát sinh các khoản chi phí, việc chuyển đổi tổng chi phí phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 10. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

1. Việc xác định tỷ suất chiết khấu cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền và các rủi ro liên quan đến dòng tiền phát sinh trong quá trình xây dựng, hoàn thành và vận hành dự án bất động sản.

2. Tỷ suất chiết khấu được xác định theo một trong các cách sau:

a) Tỷ suất chiết khấu xác định theo cách tiếp cận từ thu nhập được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập;

b) Tỷ suất chiết khấu được xác định trên cơ sở lãi suất cho vay trung hạn bình quân của loại tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết có trụ sở hoặc chi nhánh trên địa bàn cấp tỉnh tại thời điểm thẩm định giá để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản./.

Xem nội dung VB
Điều 42. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, tổ chức theo dõi thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thẩm định giá.
Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam sau:
...
Điều 2. Hiệu lực thi hành
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá
...
Điều 4. Chính trực
...
Điều 5. Độc lập, khách quan
...
Điều 6. Có năng lực chuyên môn và tính thận trọng
...
Điều 7. Bảo mật thông tin
...
Điều 8. Hành vi chuyên nghiệp
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ PHẠM VI CÔNG VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung phạm vi công việc thẩm định giá
...
Điều 4. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp thẩm định giá
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CƠ SỞ GIÁ TRỊ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Giá trị thị trường
...
Điều 6. Giá trị thuê thị trường
...
Điều 7. Giá trị đầu tư
...
Điều 8. Giá trị bắt buộc phải bán
...
Điều 9. Giá trị ngang bằng
...
Điều 10. Giả thiết và giả thiết đặc biệt
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II BÁO CÁO THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 3. Báo cáo thẩm định giá
...
Điều 4. Nội dung cơ bản của báo cáo thẩm định giá
...
Chương III CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 5. Chứng thư thẩm định giá
...
Điều 6. Nội dung cơ bản của chứng thư thẩm định giá
...
Điều 7. Hiệu lực của chứng thư thẩm định giá
...
Chương IV THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 8. Thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 9. Nội dung cơ bản của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 10. Hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Chương V HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 11. Hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 12. Lưu trữ hồ sơ thẩm định giá
...
Phụ lục I MẪU CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ
...
Phụ lục II MẪU THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá là thẩm định viên về giá hoặc cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

2. Người thu thập thông tin là người thực hiện hoạt động thẩm định giá hoặc cá nhân giúp việc cho thẩm định viên về giá hoặc thành viên giúp việc cho hội đồng thẩm định giá.

3. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là quá trình tìm kiếm, lựa chọn và tập hợp các thông tin về tài sản thẩm định giá nhằm phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản.

4. Phân tích thông tin là quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá toàn bộ các thông tin đã thu thập được phục vụ cho quá trình thẩm định giá, qua đó đánh giá khả năng tác động của các yếu tố đến quá trình thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá cuối cùng.

Điều 4. Thu thập thông tin

1. Thông tin cần thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm thông tin về các đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật, thông tin về thị trường và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá.

Trường hợp tài sản thẩm định giá là quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, cần thu thập thông tin về việc xác lập sở hữu và hình thành các tài sản này, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

3. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin và phải thể hiện kết quả thu thập thông tin trong hồ sơ thẩm định giá theo quy định.

Trường hợp người thu thập thông tin không phải là người thực hiện hoạt động thẩm định giá thì người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm phân công và hướng dẫn để người thu thập thông tin thực hiện việc thu thập thông tin theo quy định.

4. Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của thông tin, số liệu do mình đã thu thập. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm về việc xem xét, đánh giá, phân tích và sử dụng thông tin được thu thập để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định.

5. Thông tin về tài sản thẩm định giá được thu thập tại thời điểm thẩm định giá. Các thông tin thu thập sau thời điểm thẩm định giá chỉ được sử dụng để tham khảo nhằm phân tích, đánh giá những biến động về giá của tài sản thẩm định giá (nếu cần).

6. Trường hợp phát sinh những hạn chế mà không thể khắc phục đối với việc thu thập thông tin vì lý do khách quan, bất khả kháng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá, người thu thập thông tin phải báo cáo với người thực hiện hoạt động thẩm định giá để người thực hiện hoạt động thẩm định giá phản ánh rõ nội dung này tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.

7. Đối với những thông tin thu thập thuộc danh mục thông tin phải bảo đảm bí mật hoặc chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo các quy định của pháp luật, như các thông tin chưa được phép công bố, các thông tin là bí mật nhà nước, người thu thập thông tin cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khi thu thập và sử dụng các thông tin này.

Điều 5. Các nguồn thông tin thu thập

1. Các nguồn thông tin thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm:

a) Thông tin do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp thể hiện đặc điểm pháp lý (như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền quản lý và các quyền khác liên quan đến tài sản), đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (bao gồm quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, sửa chữa và nâng cấp tài sản) và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin này;

b) Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá;

c) Thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức giám định, các tổ chức tư vấn thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có kiến thức và kinh nghiệm hiểu biết về tài sản thẩm định giá (nếu có);

d) Thông tin từ kết quả khảo sát, thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản thẩm định giá;

đ) Thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

e) Các nguồn thông tin khác (nếu có).

2. Nguồn thông tin thu thập cần được nêu rõ trong hồ sơ thẩm định giá kèm theo lý do và đánh giá về sự phù hợp của nguồn thông tin này với yêu cầu thẩm định giá tài sản.

Điều 6. Cách thức thu thập thông tin

1. Các cách thức thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá:

a) Đề nghị tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp đầy đủ và kịp thời các hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá, bao gồm cả tài liệu về quá trình sử dụng, vận hành và khai thác tài sản, các tài liệu về sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá xác nhận bằng văn bản đối với các nội dung thông tin do mình cung cấp;

b) Khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá:

Người thu thập thông tin trực tiếp tiến hành khảo sát và ghi chép đầy đủ các đặc điểm và hiện trạng của tài sản, các thông tin và yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá trị của tài sản; chụp ảnh tài sản và những hình ảnh để minh chứng về hiện trạng của tài sản; lập biên bản khảo sát hiện trạng tài sản. Biên bản khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá phải có chữ ký của người thu thập thông tin và tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá.

Đối với tài sản thẩm định giá là doanh nghiệp, tài sản vô hình, tài sản tài chính, dịch vụ, tài sản hình thành trong tương lai: người thu thập thông tin tiến hành khảo sát hiện trạng những tài sản, bộ phận cấu thành tài sản mà có thể thực hiện được việc khảo sát trực tiếp trong thực tế.

Các trường hợp không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản nếu người thu thập thông tin nêu được đầy đủ lý do về việc không thể khảo sát tài sản, gồm:

- Tài sản thẩm định giá là máy móc, thiết bị, dụng cụ mới hoặc dịch vụ mà trên bảng danh mục đề nghị thẩm định giá hoặc trên nhãn mác hoặc tài liệu đính kèm đề nghị thẩm định giá có ghi đầy đủ thông tin về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản; đồng thời, có các tài sản giống hệt với tài sản thẩm định giá đang giao dịch, mua bán trên thị trường;

- Tài sản thẩm định giá bị mất, thất lạc hoặc bị hủy hoại hoàn toàn;

- Tài sản thẩm định giá trong trường hợp không thể tiếp cận trực tiếp vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng và người thu thập thông tin phải nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá (nếu có). Người thực hiện thẩm định giá có trách nhiệm nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá (nếu có) tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá;

c) Sử dụng ý kiến tư vấn từ các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn giám định, thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản thẩm định giá;

d) Căn cứ đặc điểm của tài sản thẩm định giá, cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành được người thực hiện hoạt động thẩm định giá dự kiến lựa chọn, việc khảo sát thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản tại thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo một trong các cách thức sau:

- Phỏng vấn bằng một trong các hình thức sau: trực tiếp, bằng điện thoại hoặc qua email đối với các cá nhân, tổ chức có các thông tin về việc sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản, như: chủ sở hữu; người sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa tài sản; khách hàng; nhà cung cấp; nhà sản xuất; người tiêu dùng. Quá trình phỏng vấn và kết quả phỏng vấn phải được lập thành phiếu khảo sát và lưu trữ theo quy định tại Thông tư này;

- Thu thập thông tin trên tờ khai hải quan hoặc hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán, báo giá, danh mục, tài liệu, báo cáo của các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà đầu tư và các đối tượng khác có liên quan;

- Thu thập thông tin qua phương tiện thông tin và truyền thông, như sách báo, tạp chí, ấn phẩm, bài viết, đánh giá của tổ chức nghiên cứu khoa học, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các tổ chức đánh giá, xếp hạng trong nước và quốc tế; trên mạng internet; cổng thông tin điện tử; đài phát thanh, đài truyền hình;

đ) Thu thập thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin từ các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các đơn giá, định mức chuyên ngành có liên quan đến tài sản thẩm định giá; các số liệu về kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch và những nội dung khác có tác động đến giá trị của tài sản thẩm định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc quy định (nếu có);

e) Sử dụng các cách thức thu thập thông tin khác theo quy định.

2. Người thu thập thông tin thực hiện lưu trữ các bằng chứng thể hiện việc thu thập thông tin của mình theo quy định tại Chuẩn mực này và các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

a) Trường hợp quá trình thu thập thông tin sử dụng các phiếu khảo sát, phiếu điều tra, phiếu thu thập, phiếu đánh giá thì phải lưu trữ các phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của người thu thập thông tin; trường hợp các thông tin thu thập về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá thì ghi rõ họ tên, chữ ký của bên yêu cầu thẩm định giá;

b) Trường hợp sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thì phải lưu trữ văn bản tư vấn có kèm chữ ký của chuyên gia hoặc ký, đóng dấu của tổ chức tư vấn và hợp đồng dịch vụ tư vấn (nếu có);

c) Trường hợp sử dụng những thông tin thu thập từ trên mạng internet, thì phải dẫn chiếu cụ thể các đường dẫn liên kết đến thông tin thu thập, lưu trữ các hình ảnh để minh chứng cho việc đã thu thập, đồng thời lập phiếu thu thập thông tin về nội dung này. Phiếu thu thập thông tin phải có chữ ký của người thu thập thông tin.

Điều 7. Xem xét, đánh giá thông tin thu thập

1. Trên cơ sở các thông tin thu thập được, người thực hiện hoạt động thẩm định giá xem xét và sử dụng các thông tin, số liệu tin cậy, phù hợp để đưa vào phân tích thông tin và áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.

2. Đối với những thông tin từ hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp, trường hợp có sự khác nhau giữa các thông tin này với kết quả khảo sát hiện trạng tài sản hoặc trường hợp phát hiện tài liệu, hồ sơ không hoàn chỉnh, không đầy đủ và cần làm rõ hơn các nội dung thông tin để phục vụ cho việc thẩm định giá, cần kịp thời trao đổi với tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá để yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ.

Quá trình trao đổi để bổ sung tài liệu, hồ sơ hoặc làm rõ các nội dung thông tin phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, nghiêm cấm mọi hành vi tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá.

3. Đối với những thông tin khác, cần có sự thẩm định, xem xét và đánh giá thận trọng việc sử dụng các thông tin này trên cơ sở phân tích, đánh giá về mức độ tin cậy, phù hợp của nguồn thông tin, đối tượng cung cấp thông tin, nội dung thông tin, thời điểm thu thập và cách thức thu thập thông tin đối với tài sản thẩm định giá.

Điều 8. Phân tích thông tin

1. Nội dung về phân tích thông tin phải được thể hiện trong báo cáo thẩm định giá. Trong quá trình phân tích thông tin, có thể đưa ra những giả thiết, giả thiết đặc biệt; nội dung về giả thiết, giả thiết đặc biệt thực hiện theo các quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.

2. Các thông tin thu thập được phân tích theo các nhóm nội dung sau:

a) Phân tích những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá; mục đích thẩm định giá; thời điểm thẩm định giá; căn cứ pháp lý để thẩm định giá; cơ sở giá trị thẩm định giá;

b) Phân tích những thông tin về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá;

c) Phân tích những thông tin về thị trường của tài sản thẩm định giá;

d) Phân tích về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất (chỉ áp dụng với tài sản là bất động sản).

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản là việc sử dụng tài sản phù hợp với quy định của pháp luật, các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản có thể là việc tiếp tục sử dụng tài sản với mục đích hiện tại hoặc với mục đích khác thay thế; do đó, cần phân tích và trình bày các lập luận chứng minh về khả năng sử dụng tài sản cho phù hợp với các yếu tố pháp lý, kinh tế - xã hội và tài chính để xác định mục đích sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất của tài sản.

đ) Phân tích thông tin về các nội dung có liên quan khác./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá tài sản vô hình xác định được khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Việc thẩm định giá tài sản vô hình không xác định được thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Tài sản vô hình đề cập trong chuẩn mực này là tài sản vô hình xác định được và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình;

b) Có khả năng tạo thu nhập từ tài sản vô hình;

c) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được bằng tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt.

2. Tiền sử dụng tài sản vô hình là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản vô hình phải trả cho chủ sở hữu tài sản vô hình để được quyền sử dụng tài sản đó (ví dụ như tiền sử dụng sáng chế, tiền trả cho nhượng quyền thương mại, tiền trả cho quyền khai thác khoáng sản).

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao là phần thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trừ do tài sản thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình, phần thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm đi tương ứng với phần khấu hao của tài sản cố định vô hình. Khi đó, phần thuế thu nhập được giảm đi do giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao.

4. Tài sản đóng góp là tài sản được sử dụng cùng với tài sản thẩm định để tạo ra dòng tiền trong tương lai. Tài sản đóng góp bao gồm tất cả tài sản hiện tại và tài sản trong tương lai đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền trong tương lai này.

Điều 4. Phân loại tài sản vô hình

Tài sản vô hình bao gồm các loại sau:

1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản.

3. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu.

4. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1 của chuẩn mực này.

Điều 5. Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình

1. Tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình chịu tác động của yếu tố pháp luật, kinh tế, công nghệ, chức năng, kinh tế như: quy mô và triển vọng của thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ độc đáo, khác biệt của tài sản vô hình, sự cạnh tranh của các tài sản vô hình tương tự. Tuổi đời kinh tế có thể là một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn.

2. Khi ước tính tuổi đời kinh tế cần xem xét các yếu tố sau:

a) Thời gian bảo hộ của pháp luật đối với tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ;

b) Quy định tại các hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

c) Quyết định của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

d) Các yếu tố kinh tế như quy mô và triển vọng của thị trường sản phẩm, dịch vụ gắn với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của các tài sản vô hình tương tự hoặc hiệu quả hơn, dẫn tới sự lỗi thời chức năng, lỗi thời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá; các yếu tố khoa học kỹ thuật có liên quan khác;

e) Các kết quả thống kê, phân tích (nếu có) liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

g) Các yếu tố khác có liên quan đến việc ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Điều 6. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm các phương pháp: Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, Phương pháp lợi nhuận vượt trội và Phương pháp thu nhập tăng thêm.

2. Khi áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập, cần cân nhắc thực hiện phân tích độ nhậy để xem xét, phân tích sự thay đổi của kết quả thẩm định giá khi thay đổi giá trị của một số thông số đối với từng trường hợp thẩm định giá.

3. Việc áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 7. Các dòng thu nhập trong cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.

2. Tài sản vô hình có thể tạo ra các dòng thu nhập thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ: thông qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình) hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô hình.

3. Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: dòng thu nhập từ việc sử dụng tài sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình hoặc cả hai dòng thu nhập trên.

Điều 8. Tỷ suất chiết khấu

1. Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên quan tới thu nhập trong tương lai từ tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường.

3. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp để làm tỷ suất chiết khấu.

Điều 9. Áp dụng lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong thẩm định giá tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ thu nhập

1. Căn cứ vào việc sử dụng kết quả thẩm định giá dự kiến và phương pháp thẩm định giá được áp dụng, cần cân nhắc đưa giá trị lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao vào giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá khi áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập.

2. Không tính đến lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong các trường hợp sau:

a) Tài sản vô hình cần thẩm định giá không đáp ứng điều kiện để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng bởi một doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm và sau thời điểm thẩm định giá.

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao được ước tính bằng cách hiện tại hóa giá trị khoản thuế được giảm trừ do khấu hao về hiện tại. Phần thuế được giảm trừ được ước tính phải phù hợp với cách tính khấu hao tài sản vô hình cần thẩm định giá do doanh nghiệp sử dụng tài sản đó áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật.

4. Tỷ suất chiết khấu được sử dụng để tính lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao có thể được cân nhắc xác định trên cơ sở:

a) Tỷ suất chiết khấu phù hợp đối với doanh nghiệp sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá, ví dụ như WACC;

b) Tỷ suất chiết khấu phù hợp với tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TIỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN VÔ HÌNH

Điều 10. Nội dung phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Theo phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình.

2. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình.

3. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp dụng thông qua việc quy đổi về hiện tại dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

4. Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.

Điều 11. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Mức tiền sử dụng tài sản vô hình hoặc tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình được được xác định thông qua:

a) Tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình so sánh hoặc tương đồng có giao dịch trên thị trường;

b) Việc chia tách lợi nhuận trong một giao dịch giả định giữa người sẵn sàng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá và người sẵn sàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá trong một giao dịch độc lập, khách quan.

2. Các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng), ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.

3. Các thông tin khác có liên quan đến việc áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP LỢI NHUẬN VƯỢT TRỘI

Điều 12. Nội dung phương pháp lợi nhuận vượt trội

1. Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này.

2. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Điều 13. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội

Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

1. Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.

2. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP THU NHẬP TĂNG THÊM

Điều 14. Nội dung của phương pháp thu nhập tăng thêm

1. Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.

2. Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện như sau:

a) Bước 1: Xác định những dòng doanh thu kỳ vọng được tạo ra liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá;

b) Bước 2: Xác định dòng thu nhập ròng sau khi đã trừ chi phí nguyên vật liệu và lao động, khoản trích khấu hao (nếu có), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác, thuế doanh nghiệp (nếu có);

c) Bước 3: Xác định khoản đóng góp của các tài sản đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được tính thông qua các bước cụ thể sau:

(i) Xác định những tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn trong vốn lưu động) đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá (tài sản đóng góp);

(ii) Ước tính giá trị thị trường của các tài sản đóng góp vào thu nhập của doanh nghiệp. Giá trị thị trường này có thể được xác định trên cơ sở đánh giá lại giá trị còn lại theo sổ sách kế toán và đối chiếu với thông tin thị trường. Trong trường hợp hạn chế về thông tin thì có thể cân nhắc, điều chỉnh theo giá trị ghi sổ kế toán;

(iii) Xác định thu nhập ròng của tài sản đóng góp trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp, cụ thể là nhân giá trị của từng tài sản đóng góp với tỷ suất sinh lời hợp lý của tài sản đó.

d) Bước 4: Xác định phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách loại trừ khỏi dòng thu nhập ròng phần tiền sử dụng vốn phân bổ cho các tài sản khác ra (bao gồm khoản đóng góp của các tài sản đóng góp đã tính tại Bước 3 và khoản tiền dự kiến mua tài sản cố định mới trong giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai), đồng thời cộng thêm phần trích khấu hao của tài sản đóng góp là tài sản cố định để có được dòng tiền ròng tạo ra từ tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Bước 5: Xác định giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về hiện tại phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá (đã tính tại Bước 4).

Điều 15. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm

Các thông tin sau cần được cân nhắc khi áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm:

1. Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định.

3. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định.

4. Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.

Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 16. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ chi phí

1. Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm phương pháp chi phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.

2. Việc áp dụng cách tiếp cận từ chi phí trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 17. Ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình

Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

1. Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

2. Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của tài sản vô hình.

3. Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

4. Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Điều 18. Áp dụng phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản vô hình

1. Phương pháp so sánh trong cách tiếp cận từ thị trường được áp dụng trong thẩm định giá tài sản vô hình khi đáp ứng được đồng thời các điều kiện sau:

a) Có thông tin về các giao dịch khách quan, độc lập của ít nhất 03 tài sản so sánh tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá;

b) Có đủ thông tin để điều chỉnh sự khác biệt về định lượng giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, từ đó xác định được mức giá chỉ dẫn;

c) Đáp ứng được các yêu cầu khác (ngoài yêu cầu về số lượng tài sản so sánh tối thiểu) nêu tại Chuẩn mực thẩm định giá về cách tiếp cận từ thị trường.

2. Việc áp dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường để thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 19. Các yếu tố so sánh cần cân nhắc khi thẩm định giá tài sản vô hình

1. Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình.

2. Các điều khoản trong hợp đồng (nếu có) hoặc thỏa thuận liên quan đến việc mua bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng.

3. Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng.

4. Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình.

5. Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế, tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

6. Các đặc điểm khác của tài sản vô hình./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trường hợp áp dụng cách tiếp cận từ chi phí
...
Điều 5. Phương pháp chi phí thay thế
...
Điều 6. Phương pháp chi phí tái tạo
...
Điều 7. Phương pháp tổng cộng
...
Điều 8. Thành phần của chi phí tái tạo, chi phí thay thế và một số lưu ý khi xác định
...
Điều 9. Lợi nhuận của nhà sản xuất/nhà đầu tư
...
Điều 10. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật so sánh
...
Điều 11. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tuổi đời
...
Điều 12. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tổng cộng
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cách tiếp cận từ thu nhập và các phương pháp thẩm định giá sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA TRỰC TIẾP

Điều 5. Áp dụng phương pháp vốn hóa trực tiếp
...
Điều 6. Xác định thu nhập thuần do tài sản mang lại (I)
...
Điều 7. Xác định tỷ suất vốn hoá (R)
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU

Điều 8. Áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu
...
Điều 9. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)
...
Điều 10. Xác định dòng tiền (CF)
...
Điều 11. Xác định giá trị tài sản cuối kỳ dự báo (Vn)
...
Điều 12. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá
...
Điều 6. Sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 7. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 8. Xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
...
Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

Điều 9. Phương pháp tỷ số bình quân
...
Điều 10. Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 11. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

Điều 12. Phương pháp giá giao dịch
...
Điều 13. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu theo phương pháp giá giao dịch
...
Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 14. Phương pháp tài sản
...
Điều 15. Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 16. Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 17. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
...
Điều 19. Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 20. Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 21. Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo
...
Điều 22. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO VỐN CHỦ SỞ HỮU

Điều 23. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
....
Điều 24. Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 25. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 26. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 27. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

Điều 28. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
...
Điều 29. Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 30. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 31. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 32. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
....
Điều 33. Trường hợp khác

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2024.

2. Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Bất động sản có tiềm năng phát triển là đất trồng để xây dựng hoặc đất có công trình trên đất có thể cải tạo hoặc phá dỡ xây dựng công trình trên đất để sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất.

2. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị phát triển ước tính của tài sản (tổng doanh thu phát triển) trừ đi các chi phí dự kiến phát sinh hợp lý (bao gồm lợi nhuận nhà đầu tư) để tạo ra sự phát triển đó (tổng chi phí phát triển).

Điều 4. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản

1. Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.

2. Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận quy định tại khoản 1 Điều này. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

3. Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Chương II PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ

Điều 5. Áp dụng phương pháp thặng dư

1. Công thức trong phương pháp thặng dư:

V = DT - CP

Trong đó:

V: Giá trị tài sản thẩm định giá;

DT: Tổng doanh thu phát triển;

CP: Tổng chi phí phát triển.

2. Nội dung thực hiện:

a) Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản;

b) Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n);

c) Xác định tổng doanh thu phát triển (DT);

d) Xác định tổng chi phí phát triển (CP);

đ) Xác định giá trị của bất động sản (V).

3. Các trường hợp về thời điểm phát sinh doanh thu phát triển và chi phí phát triển bất động sản:

a) Trường hợp 1: Doanh thu phát triển bất động sản, chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm. Khi đó doanh thu và chi phí phát triển bất động sản được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá.

V = DT - CP (tại thời điểm thẩm định giá)

b) Trường hợp 2: Quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm.

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

V : Giá trị tài sản thẩm định giá;

DTt : Doanh thu phát triển dự kiến năm thứ t;

CPt : Chi phí phát triển dự kiến năm thứ t;

r: Tỷ suất chiết khấu;

n: Giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai;

t: Năm dự báo.

Điều 6. Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản

Việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản được xác định trên cơ sở:

1. Đặc điểm của bất động sản thẩm định giá.

2. Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất và các quy định về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hướng dẫn phân tích việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 7. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)

Việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập.

Điều 8. Xác định tổng doanh thu phát triển (DT)

1. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản là tổng doanh thu dự kiến có được của bất động sản thẩm định giá phù hợp với mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản.

2. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản được xác định trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu (như thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy) của tối thiểu 03 bất động sản có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực có bất động sản thẩm định giá hoặc khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong tương lai. Khi xác định tổng doanh thu phát triển cần phân tích và đánh giá về khả năng thực hiện, hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án theo tiến độ đầu tư đã cam kết và theo các quy định hiện hành về bất động sản.

Việc xác định mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thị trường hoặc số liệu công bố của cơ quan thống kê hoặc cơ quan quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phù hợp mức biến động của thị trường bất động sản qua các năm.

3. Tổng doanh thu phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trong trường hợp tổng doanh thu phát triển chỉ phát sinh trong cùng 01 năm, doanh thu phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trong trường hợp quá trình phát triển kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm, việc chuyển đổi tổng doanh thu phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 9. Xác định tổng chi phí phát triển (CP)

1. Tổng chi phí phát triển của bất động sản là toàn bộ các chi phí phát triển cần thiết dự kiến đầu tư vào bất động sản thẩm định giá, phù hợp với quy định của pháp luật (về các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và hạch toán chi phí sản xuất, đầu tư) và đáp ứng được mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản thẩm định giá.

2. Tổng chi phí phát triển của bất động sản gồm:

a) Chi phí đầu tư xây dựng bao gồm: chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, hạng mục công trình khác; chi phí thiết bị; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí quản lý dự án và các chi phí có liên quan;

b) Chi phí dự phòng;

c) Chi phí kinh doanh (như chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác có liên quan);

d) Chi phí tài chính, thuế nếu có (như thuế sử dụng tài sản/bất động sản);

đ) Các khoản chi phí hợp lý khác;

e) Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên thị trường tính trên tổng chi phí (bao gồm cả giá trị tài sản đầu tư ban đầu nhưng không bao gồm chi phí tài chính) của ít nhất 03 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự trên thị trường hoặc được xác định là trung bình tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được kiểm toán hoặc quyết toán) trên tổng chi phí của ít nhất 03 doanh nghiệp bất động sản tương tự trên thị trường;

g) Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng không tính đến trong tổng chi phí phát triển.

3. Các khoản mục chi phí trên được xác định trên cơ sở điều tra, khảo sát, thu thập các khoản mục chi phí thực tế phổ biến của các dự án bất động sản tương tự và mặt bằng giá trên thị trường (như nguyên, nhiên vật liệu, đơn giá nhân công, thiết bị) tại thời điểm thẩm định giá, phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và những nội dung liên quan quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ chi phí. Khi không thu thập được các thông tin trên thị trường về các khoản mục chi phí, có thể áp dụng các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các phương pháp xác định tổng chi phí đầu tư dự án, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư của các dự án bất động sản tương tự theo từng năm dự báo phù hợp với tiến độ xây dựng dự án bất động sản; tuy nhiên cần lập luận về mức độ phù hợp với mục đích và thời điểm thẩm định giá và thực hiện việc điều chỉnh các định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư (nếu cần thiết) trước khi đưa vào sử dụng.

Trường hợp pháp luật quy định việc xác định các khoản mục chi phí phải thực hiện theo các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sử dụng các định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư đó để xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản.

4. Việc xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản cần tính đến mức biến động giá trị của các khoản mục chi phí kéo dài cả vòng đời dự án bất động sản (nếu có) để đảm bảo phù hợp mức biến động nguyên nhiên vật liệu trong suốt giai đoạn dự báo dòng tiền.

5. Tổng chi phí phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trường hợp tổng chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm, chi phí phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trường hợp quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm và phát sinh các khoản chi phí, việc chuyển đổi tổng chi phí phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 10. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

1. Việc xác định tỷ suất chiết khấu cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền và các rủi ro liên quan đến dòng tiền phát sinh trong quá trình xây dựng, hoàn thành và vận hành dự án bất động sản.

2. Tỷ suất chiết khấu được xác định theo một trong các cách sau:

a) Tỷ suất chiết khấu xác định theo cách tiếp cận từ thu nhập được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập;

b) Tỷ suất chiết khấu được xác định trên cơ sở lãi suất cho vay trung hạn bình quân của loại tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết có trụ sở hoặc chi nhánh trên địa bàn cấp tỉnh tại thời điểm thẩm định giá để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam sau:
...
Điều 2. Hiệu lực thi hành
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá
...
Điều 4. Chính trực
...
Điều 5. Độc lập, khách quan
...
Điều 6. Có năng lực chuyên môn và tính thận trọng
...
Điều 7. Bảo mật thông tin
...
Điều 8. Hành vi chuyên nghiệp
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ PHẠM VI CÔNG VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung phạm vi công việc thẩm định giá
...
Điều 4. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp thẩm định giá
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CƠ SỞ GIÁ TRỊ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Giá trị thị trường
...
Điều 6. Giá trị thuê thị trường
...
Điều 7. Giá trị đầu tư
...
Điều 8. Giá trị bắt buộc phải bán
...
Điều 9. Giá trị ngang bằng
...
Điều 10. Giả thiết và giả thiết đặc biệt
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II BÁO CÁO THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 3. Báo cáo thẩm định giá
...
Điều 4. Nội dung cơ bản của báo cáo thẩm định giá
...
Chương III CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 5. Chứng thư thẩm định giá
...
Điều 6. Nội dung cơ bản của chứng thư thẩm định giá
...
Điều 7. Hiệu lực của chứng thư thẩm định giá
...
Chương IV THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 8. Thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 9. Nội dung cơ bản của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 10. Hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Chương V HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 11. Hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 12. Lưu trữ hồ sơ thẩm định giá
...
Phụ lục I MẪU CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ
...
Phụ lục II MẪU THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá là thẩm định viên về giá hoặc cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

2. Người thu thập thông tin là người thực hiện hoạt động thẩm định giá hoặc cá nhân giúp việc cho thẩm định viên về giá hoặc thành viên giúp việc cho hội đồng thẩm định giá.

3. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là quá trình tìm kiếm, lựa chọn và tập hợp các thông tin về tài sản thẩm định giá nhằm phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản.

4. Phân tích thông tin là quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá toàn bộ các thông tin đã thu thập được phục vụ cho quá trình thẩm định giá, qua đó đánh giá khả năng tác động của các yếu tố đến quá trình thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá cuối cùng.

Điều 4. Thu thập thông tin

1. Thông tin cần thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm thông tin về các đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật, thông tin về thị trường và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá.

Trường hợp tài sản thẩm định giá là quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, cần thu thập thông tin về việc xác lập sở hữu và hình thành các tài sản này, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

3. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin và phải thể hiện kết quả thu thập thông tin trong hồ sơ thẩm định giá theo quy định.

Trường hợp người thu thập thông tin không phải là người thực hiện hoạt động thẩm định giá thì người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm phân công và hướng dẫn để người thu thập thông tin thực hiện việc thu thập thông tin theo quy định.

4. Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của thông tin, số liệu do mình đã thu thập. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm về việc xem xét, đánh giá, phân tích và sử dụng thông tin được thu thập để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định.

5. Thông tin về tài sản thẩm định giá được thu thập tại thời điểm thẩm định giá. Các thông tin thu thập sau thời điểm thẩm định giá chỉ được sử dụng để tham khảo nhằm phân tích, đánh giá những biến động về giá của tài sản thẩm định giá (nếu cần).

6. Trường hợp phát sinh những hạn chế mà không thể khắc phục đối với việc thu thập thông tin vì lý do khách quan, bất khả kháng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá, người thu thập thông tin phải báo cáo với người thực hiện hoạt động thẩm định giá để người thực hiện hoạt động thẩm định giá phản ánh rõ nội dung này tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.

7. Đối với những thông tin thu thập thuộc danh mục thông tin phải bảo đảm bí mật hoặc chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo các quy định của pháp luật, như các thông tin chưa được phép công bố, các thông tin là bí mật nhà nước, người thu thập thông tin cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khi thu thập và sử dụng các thông tin này.

Điều 5. Các nguồn thông tin thu thập

1. Các nguồn thông tin thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm:

a) Thông tin do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp thể hiện đặc điểm pháp lý (như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền quản lý và các quyền khác liên quan đến tài sản), đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (bao gồm quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, sửa chữa và nâng cấp tài sản) và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin này;

b) Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá;

c) Thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức giám định, các tổ chức tư vấn thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có kiến thức và kinh nghiệm hiểu biết về tài sản thẩm định giá (nếu có);

d) Thông tin từ kết quả khảo sát, thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản thẩm định giá;

đ) Thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

e) Các nguồn thông tin khác (nếu có).

2. Nguồn thông tin thu thập cần được nêu rõ trong hồ sơ thẩm định giá kèm theo lý do và đánh giá về sự phù hợp của nguồn thông tin này với yêu cầu thẩm định giá tài sản.

Điều 6. Cách thức thu thập thông tin

1. Các cách thức thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá:

a) Đề nghị tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp đầy đủ và kịp thời các hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá, bao gồm cả tài liệu về quá trình sử dụng, vận hành và khai thác tài sản, các tài liệu về sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá xác nhận bằng văn bản đối với các nội dung thông tin do mình cung cấp;

b) Khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá:

Người thu thập thông tin trực tiếp tiến hành khảo sát và ghi chép đầy đủ các đặc điểm và hiện trạng của tài sản, các thông tin và yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá trị của tài sản; chụp ảnh tài sản và những hình ảnh để minh chứng về hiện trạng của tài sản; lập biên bản khảo sát hiện trạng tài sản. Biên bản khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá phải có chữ ký của người thu thập thông tin và tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá.

Đối với tài sản thẩm định giá là doanh nghiệp, tài sản vô hình, tài sản tài chính, dịch vụ, tài sản hình thành trong tương lai: người thu thập thông tin tiến hành khảo sát hiện trạng những tài sản, bộ phận cấu thành tài sản mà có thể thực hiện được việc khảo sát trực tiếp trong thực tế.

Các trường hợp không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản nếu người thu thập thông tin nêu được đầy đủ lý do về việc không thể khảo sát tài sản, gồm:

- Tài sản thẩm định giá là máy móc, thiết bị, dụng cụ mới hoặc dịch vụ mà trên bảng danh mục đề nghị thẩm định giá hoặc trên nhãn mác hoặc tài liệu đính kèm đề nghị thẩm định giá có ghi đầy đủ thông tin về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản; đồng thời, có các tài sản giống hệt với tài sản thẩm định giá đang giao dịch, mua bán trên thị trường;

- Tài sản thẩm định giá bị mất, thất lạc hoặc bị hủy hoại hoàn toàn;

- Tài sản thẩm định giá trong trường hợp không thể tiếp cận trực tiếp vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng và người thu thập thông tin phải nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá (nếu có). Người thực hiện thẩm định giá có trách nhiệm nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá (nếu có) tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá;

c) Sử dụng ý kiến tư vấn từ các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn giám định, thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản thẩm định giá;

d) Căn cứ đặc điểm của tài sản thẩm định giá, cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành được người thực hiện hoạt động thẩm định giá dự kiến lựa chọn, việc khảo sát thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản tại thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo một trong các cách thức sau:

- Phỏng vấn bằng một trong các hình thức sau: trực tiếp, bằng điện thoại hoặc qua email đối với các cá nhân, tổ chức có các thông tin về việc sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản, như: chủ sở hữu; người sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa tài sản; khách hàng; nhà cung cấp; nhà sản xuất; người tiêu dùng. Quá trình phỏng vấn và kết quả phỏng vấn phải được lập thành phiếu khảo sát và lưu trữ theo quy định tại Thông tư này;

- Thu thập thông tin trên tờ khai hải quan hoặc hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán, báo giá, danh mục, tài liệu, báo cáo của các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà đầu tư và các đối tượng khác có liên quan;

- Thu thập thông tin qua phương tiện thông tin và truyền thông, như sách báo, tạp chí, ấn phẩm, bài viết, đánh giá của tổ chức nghiên cứu khoa học, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các tổ chức đánh giá, xếp hạng trong nước và quốc tế; trên mạng internet; cổng thông tin điện tử; đài phát thanh, đài truyền hình;

đ) Thu thập thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin từ các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các đơn giá, định mức chuyên ngành có liên quan đến tài sản thẩm định giá; các số liệu về kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch và những nội dung khác có tác động đến giá trị của tài sản thẩm định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc quy định (nếu có);

e) Sử dụng các cách thức thu thập thông tin khác theo quy định.

2. Người thu thập thông tin thực hiện lưu trữ các bằng chứng thể hiện việc thu thập thông tin của mình theo quy định tại Chuẩn mực này và các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

a) Trường hợp quá trình thu thập thông tin sử dụng các phiếu khảo sát, phiếu điều tra, phiếu thu thập, phiếu đánh giá thì phải lưu trữ các phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của người thu thập thông tin; trường hợp các thông tin thu thập về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá thì ghi rõ họ tên, chữ ký của bên yêu cầu thẩm định giá;

b) Trường hợp sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thì phải lưu trữ văn bản tư vấn có kèm chữ ký của chuyên gia hoặc ký, đóng dấu của tổ chức tư vấn và hợp đồng dịch vụ tư vấn (nếu có);

c) Trường hợp sử dụng những thông tin thu thập từ trên mạng internet, thì phải dẫn chiếu cụ thể các đường dẫn liên kết đến thông tin thu thập, lưu trữ các hình ảnh để minh chứng cho việc đã thu thập, đồng thời lập phiếu thu thập thông tin về nội dung này. Phiếu thu thập thông tin phải có chữ ký của người thu thập thông tin.

Điều 7. Xem xét, đánh giá thông tin thu thập

1. Trên cơ sở các thông tin thu thập được, người thực hiện hoạt động thẩm định giá xem xét và sử dụng các thông tin, số liệu tin cậy, phù hợp để đưa vào phân tích thông tin và áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.

2. Đối với những thông tin từ hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp, trường hợp có sự khác nhau giữa các thông tin này với kết quả khảo sát hiện trạng tài sản hoặc trường hợp phát hiện tài liệu, hồ sơ không hoàn chỉnh, không đầy đủ và cần làm rõ hơn các nội dung thông tin để phục vụ cho việc thẩm định giá, cần kịp thời trao đổi với tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá để yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ.

Quá trình trao đổi để bổ sung tài liệu, hồ sơ hoặc làm rõ các nội dung thông tin phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, nghiêm cấm mọi hành vi tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá.

3. Đối với những thông tin khác, cần có sự thẩm định, xem xét và đánh giá thận trọng việc sử dụng các thông tin này trên cơ sở phân tích, đánh giá về mức độ tin cậy, phù hợp của nguồn thông tin, đối tượng cung cấp thông tin, nội dung thông tin, thời điểm thu thập và cách thức thu thập thông tin đối với tài sản thẩm định giá.

Điều 8. Phân tích thông tin

1. Nội dung về phân tích thông tin phải được thể hiện trong báo cáo thẩm định giá. Trong quá trình phân tích thông tin, có thể đưa ra những giả thiết, giả thiết đặc biệt; nội dung về giả thiết, giả thiết đặc biệt thực hiện theo các quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.

2. Các thông tin thu thập được phân tích theo các nhóm nội dung sau:

a) Phân tích những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá; mục đích thẩm định giá; thời điểm thẩm định giá; căn cứ pháp lý để thẩm định giá; cơ sở giá trị thẩm định giá;

b) Phân tích những thông tin về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá;

c) Phân tích những thông tin về thị trường của tài sản thẩm định giá;

d) Phân tích về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất (chỉ áp dụng với tài sản là bất động sản).

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản là việc sử dụng tài sản phù hợp với quy định của pháp luật, các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản có thể là việc tiếp tục sử dụng tài sản với mục đích hiện tại hoặc với mục đích khác thay thế; do đó, cần phân tích và trình bày các lập luận chứng minh về khả năng sử dụng tài sản cho phù hợp với các yếu tố pháp lý, kinh tế - xã hội và tài chính để xác định mục đích sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất của tài sản.

đ) Phân tích thông tin về các nội dung có liên quan khác./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá tài sản vô hình xác định được khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Việc thẩm định giá tài sản vô hình không xác định được thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Tài sản vô hình đề cập trong chuẩn mực này là tài sản vô hình xác định được và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình;

b) Có khả năng tạo thu nhập từ tài sản vô hình;

c) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được bằng tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt.

2. Tiền sử dụng tài sản vô hình là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản vô hình phải trả cho chủ sở hữu tài sản vô hình để được quyền sử dụng tài sản đó (ví dụ như tiền sử dụng sáng chế, tiền trả cho nhượng quyền thương mại, tiền trả cho quyền khai thác khoáng sản).

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao là phần thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trừ do tài sản thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình, phần thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm đi tương ứng với phần khấu hao của tài sản cố định vô hình. Khi đó, phần thuế thu nhập được giảm đi do giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao.

4. Tài sản đóng góp là tài sản được sử dụng cùng với tài sản thẩm định để tạo ra dòng tiền trong tương lai. Tài sản đóng góp bao gồm tất cả tài sản hiện tại và tài sản trong tương lai đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền trong tương lai này.

Điều 4. Phân loại tài sản vô hình

Tài sản vô hình bao gồm các loại sau:

1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản.

3. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu.

4. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1 của chuẩn mực này.

Điều 5. Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình

1. Tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình chịu tác động của yếu tố pháp luật, kinh tế, công nghệ, chức năng, kinh tế như: quy mô và triển vọng của thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ độc đáo, khác biệt của tài sản vô hình, sự cạnh tranh của các tài sản vô hình tương tự. Tuổi đời kinh tế có thể là một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn.

2. Khi ước tính tuổi đời kinh tế cần xem xét các yếu tố sau:

a) Thời gian bảo hộ của pháp luật đối với tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ;

b) Quy định tại các hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

c) Quyết định của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

d) Các yếu tố kinh tế như quy mô và triển vọng của thị trường sản phẩm, dịch vụ gắn với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của các tài sản vô hình tương tự hoặc hiệu quả hơn, dẫn tới sự lỗi thời chức năng, lỗi thời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá; các yếu tố khoa học kỹ thuật có liên quan khác;

e) Các kết quả thống kê, phân tích (nếu có) liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

g) Các yếu tố khác có liên quan đến việc ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Điều 6. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm các phương pháp: Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, Phương pháp lợi nhuận vượt trội và Phương pháp thu nhập tăng thêm.

2. Khi áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập, cần cân nhắc thực hiện phân tích độ nhậy để xem xét, phân tích sự thay đổi của kết quả thẩm định giá khi thay đổi giá trị của một số thông số đối với từng trường hợp thẩm định giá.

3. Việc áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 7. Các dòng thu nhập trong cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.

2. Tài sản vô hình có thể tạo ra các dòng thu nhập thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ: thông qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình) hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô hình.

3. Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: dòng thu nhập từ việc sử dụng tài sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình hoặc cả hai dòng thu nhập trên.

Điều 8. Tỷ suất chiết khấu

1. Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên quan tới thu nhập trong tương lai từ tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường.

3. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp để làm tỷ suất chiết khấu.

Điều 9. Áp dụng lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong thẩm định giá tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ thu nhập

1. Căn cứ vào việc sử dụng kết quả thẩm định giá dự kiến và phương pháp thẩm định giá được áp dụng, cần cân nhắc đưa giá trị lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao vào giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá khi áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập.

2. Không tính đến lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong các trường hợp sau:

a) Tài sản vô hình cần thẩm định giá không đáp ứng điều kiện để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng bởi một doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm và sau thời điểm thẩm định giá.

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao được ước tính bằng cách hiện tại hóa giá trị khoản thuế được giảm trừ do khấu hao về hiện tại. Phần thuế được giảm trừ được ước tính phải phù hợp với cách tính khấu hao tài sản vô hình cần thẩm định giá do doanh nghiệp sử dụng tài sản đó áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật.

4. Tỷ suất chiết khấu được sử dụng để tính lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao có thể được cân nhắc xác định trên cơ sở:

a) Tỷ suất chiết khấu phù hợp đối với doanh nghiệp sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá, ví dụ như WACC;

b) Tỷ suất chiết khấu phù hợp với tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TIỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN VÔ HÌNH

Điều 10. Nội dung phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Theo phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình.

2. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình.

3. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp dụng thông qua việc quy đổi về hiện tại dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

4. Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.

Điều 11. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Mức tiền sử dụng tài sản vô hình hoặc tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình được được xác định thông qua:

a) Tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình so sánh hoặc tương đồng có giao dịch trên thị trường;

b) Việc chia tách lợi nhuận trong một giao dịch giả định giữa người sẵn sàng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá và người sẵn sàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá trong một giao dịch độc lập, khách quan.

2. Các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng), ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.

3. Các thông tin khác có liên quan đến việc áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP LỢI NHUẬN VƯỢT TRỘI

Điều 12. Nội dung phương pháp lợi nhuận vượt trội

1. Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này.

2. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Điều 13. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội

Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

1. Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.

2. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP THU NHẬP TĂNG THÊM

Điều 14. Nội dung của phương pháp thu nhập tăng thêm

1. Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.

2. Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện như sau:

a) Bước 1: Xác định những dòng doanh thu kỳ vọng được tạo ra liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá;

b) Bước 2: Xác định dòng thu nhập ròng sau khi đã trừ chi phí nguyên vật liệu và lao động, khoản trích khấu hao (nếu có), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác, thuế doanh nghiệp (nếu có);

c) Bước 3: Xác định khoản đóng góp của các tài sản đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được tính thông qua các bước cụ thể sau:

(i) Xác định những tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn trong vốn lưu động) đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá (tài sản đóng góp);

(ii) Ước tính giá trị thị trường của các tài sản đóng góp vào thu nhập của doanh nghiệp. Giá trị thị trường này có thể được xác định trên cơ sở đánh giá lại giá trị còn lại theo sổ sách kế toán và đối chiếu với thông tin thị trường. Trong trường hợp hạn chế về thông tin thì có thể cân nhắc, điều chỉnh theo giá trị ghi sổ kế toán;

(iii) Xác định thu nhập ròng của tài sản đóng góp trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp, cụ thể là nhân giá trị của từng tài sản đóng góp với tỷ suất sinh lời hợp lý của tài sản đó.

d) Bước 4: Xác định phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách loại trừ khỏi dòng thu nhập ròng phần tiền sử dụng vốn phân bổ cho các tài sản khác ra (bao gồm khoản đóng góp của các tài sản đóng góp đã tính tại Bước 3 và khoản tiền dự kiến mua tài sản cố định mới trong giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai), đồng thời cộng thêm phần trích khấu hao của tài sản đóng góp là tài sản cố định để có được dòng tiền ròng tạo ra từ tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Bước 5: Xác định giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về hiện tại phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá (đã tính tại Bước 4).

Điều 15. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm

Các thông tin sau cần được cân nhắc khi áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm:

1. Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định.

3. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định.

4. Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.

Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 16. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ chi phí

1. Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm phương pháp chi phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.

2. Việc áp dụng cách tiếp cận từ chi phí trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 17. Ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình

Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

1. Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

2. Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của tài sản vô hình.

3. Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

4. Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Điều 18. Áp dụng phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản vô hình

1. Phương pháp so sánh trong cách tiếp cận từ thị trường được áp dụng trong thẩm định giá tài sản vô hình khi đáp ứng được đồng thời các điều kiện sau:

a) Có thông tin về các giao dịch khách quan, độc lập của ít nhất 03 tài sản so sánh tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá;

b) Có đủ thông tin để điều chỉnh sự khác biệt về định lượng giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, từ đó xác định được mức giá chỉ dẫn;

c) Đáp ứng được các yêu cầu khác (ngoài yêu cầu về số lượng tài sản so sánh tối thiểu) nêu tại Chuẩn mực thẩm định giá về cách tiếp cận từ thị trường.

2. Việc áp dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường để thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 19. Các yếu tố so sánh cần cân nhắc khi thẩm định giá tài sản vô hình

1. Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình.

2. Các điều khoản trong hợp đồng (nếu có) hoặc thỏa thuận liên quan đến việc mua bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng.

3. Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng.

4. Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình.

5. Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế, tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

6. Các đặc điểm khác của tài sản vô hình./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trường hợp áp dụng cách tiếp cận từ chi phí
...
Điều 5. Phương pháp chi phí thay thế
...
Điều 6. Phương pháp chi phí tái tạo
...
Điều 7. Phương pháp tổng cộng
...
Điều 8. Thành phần của chi phí tái tạo, chi phí thay thế và một số lưu ý khi xác định
...
Điều 9. Lợi nhuận của nhà sản xuất/nhà đầu tư
...
Điều 10. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật so sánh
...
Điều 11. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tuổi đời
...
Điều 12. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tổng cộng
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cách tiếp cận từ thu nhập và các phương pháp thẩm định giá sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA TRỰC TIẾP

Điều 5. Áp dụng phương pháp vốn hóa trực tiếp
...
Điều 6. Xác định thu nhập thuần do tài sản mang lại (I)
...
Điều 7. Xác định tỷ suất vốn hoá (R)
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU

Điều 8. Áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu
...
Điều 9. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)
...
Điều 10. Xác định dòng tiền (CF)
...
Điều 11. Xác định giá trị tài sản cuối kỳ dự báo (Vn)
...
Điều 12. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá
...
Điều 6. Sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 7. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 8. Xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
...
Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

Điều 9. Phương pháp tỷ số bình quân
...
Điều 10. Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 11. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

Điều 12. Phương pháp giá giao dịch
...
Điều 13. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu theo phương pháp giá giao dịch
...
Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 14. Phương pháp tài sản
...
Điều 15. Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 16. Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 17. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
...
Điều 19. Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 20. Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 21. Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo
...
Điều 22. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO VỐN CHỦ SỞ HỮU

Điều 23. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
....
Điều 24. Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 25. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 26. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 27. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

Điều 28. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
...
Điều 29. Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 30. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 31. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 32. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
....
Điều 33. Trường hợp khác

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2024.

2. Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Bất động sản có tiềm năng phát triển là đất trồng để xây dựng hoặc đất có công trình trên đất có thể cải tạo hoặc phá dỡ xây dựng công trình trên đất để sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất.

2. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị phát triển ước tính của tài sản (tổng doanh thu phát triển) trừ đi các chi phí dự kiến phát sinh hợp lý (bao gồm lợi nhuận nhà đầu tư) để tạo ra sự phát triển đó (tổng chi phí phát triển).

Điều 4. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản

1. Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.

2. Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận quy định tại khoản 1 Điều này. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

3. Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Chương II PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ

Điều 5. Áp dụng phương pháp thặng dư

1. Công thức trong phương pháp thặng dư:

V = DT - CP

Trong đó:

V: Giá trị tài sản thẩm định giá;

DT: Tổng doanh thu phát triển;

CP: Tổng chi phí phát triển.

2. Nội dung thực hiện:

a) Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản;

b) Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n);

c) Xác định tổng doanh thu phát triển (DT);

d) Xác định tổng chi phí phát triển (CP);

đ) Xác định giá trị của bất động sản (V).

3. Các trường hợp về thời điểm phát sinh doanh thu phát triển và chi phí phát triển bất động sản:

a) Trường hợp 1: Doanh thu phát triển bất động sản, chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm. Khi đó doanh thu và chi phí phát triển bất động sản được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá.

V = DT - CP (tại thời điểm thẩm định giá)

b) Trường hợp 2: Quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm.

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

V : Giá trị tài sản thẩm định giá;

DTt : Doanh thu phát triển dự kiến năm thứ t;

CPt : Chi phí phát triển dự kiến năm thứ t;

r: Tỷ suất chiết khấu;

n: Giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai;

t: Năm dự báo.

Điều 6. Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản

Việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản được xác định trên cơ sở:

1. Đặc điểm của bất động sản thẩm định giá.

2. Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất và các quy định về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hướng dẫn phân tích việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 7. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)

Việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập.

Điều 8. Xác định tổng doanh thu phát triển (DT)

1. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản là tổng doanh thu dự kiến có được của bất động sản thẩm định giá phù hợp với mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản.

2. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản được xác định trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu (như thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy) của tối thiểu 03 bất động sản có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực có bất động sản thẩm định giá hoặc khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong tương lai. Khi xác định tổng doanh thu phát triển cần phân tích và đánh giá về khả năng thực hiện, hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án theo tiến độ đầu tư đã cam kết và theo các quy định hiện hành về bất động sản.

Việc xác định mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thị trường hoặc số liệu công bố của cơ quan thống kê hoặc cơ quan quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phù hợp mức biến động của thị trường bất động sản qua các năm.

3. Tổng doanh thu phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trong trường hợp tổng doanh thu phát triển chỉ phát sinh trong cùng 01 năm, doanh thu phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trong trường hợp quá trình phát triển kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm, việc chuyển đổi tổng doanh thu phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 9. Xác định tổng chi phí phát triển (CP)

1. Tổng chi phí phát triển của bất động sản là toàn bộ các chi phí phát triển cần thiết dự kiến đầu tư vào bất động sản thẩm định giá, phù hợp với quy định của pháp luật (về các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và hạch toán chi phí sản xuất, đầu tư) và đáp ứng được mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản thẩm định giá.

2. Tổng chi phí phát triển của bất động sản gồm:

a) Chi phí đầu tư xây dựng bao gồm: chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, hạng mục công trình khác; chi phí thiết bị; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí quản lý dự án và các chi phí có liên quan;

b) Chi phí dự phòng;

c) Chi phí kinh doanh (như chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác có liên quan);

d) Chi phí tài chính, thuế nếu có (như thuế sử dụng tài sản/bất động sản);

đ) Các khoản chi phí hợp lý khác;

e) Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên thị trường tính trên tổng chi phí (bao gồm cả giá trị tài sản đầu tư ban đầu nhưng không bao gồm chi phí tài chính) của ít nhất 03 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự trên thị trường hoặc được xác định là trung bình tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được kiểm toán hoặc quyết toán) trên tổng chi phí của ít nhất 03 doanh nghiệp bất động sản tương tự trên thị trường;

g) Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng không tính đến trong tổng chi phí phát triển.

3. Các khoản mục chi phí trên được xác định trên cơ sở điều tra, khảo sát, thu thập các khoản mục chi phí thực tế phổ biến của các dự án bất động sản tương tự và mặt bằng giá trên thị trường (như nguyên, nhiên vật liệu, đơn giá nhân công, thiết bị) tại thời điểm thẩm định giá, phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và những nội dung liên quan quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ chi phí. Khi không thu thập được các thông tin trên thị trường về các khoản mục chi phí, có thể áp dụng các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các phương pháp xác định tổng chi phí đầu tư dự án, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư của các dự án bất động sản tương tự theo từng năm dự báo phù hợp với tiến độ xây dựng dự án bất động sản; tuy nhiên cần lập luận về mức độ phù hợp với mục đích và thời điểm thẩm định giá và thực hiện việc điều chỉnh các định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư (nếu cần thiết) trước khi đưa vào sử dụng.

Trường hợp pháp luật quy định việc xác định các khoản mục chi phí phải thực hiện theo các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sử dụng các định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư đó để xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản.

4. Việc xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản cần tính đến mức biến động giá trị của các khoản mục chi phí kéo dài cả vòng đời dự án bất động sản (nếu có) để đảm bảo phù hợp mức biến động nguyên nhiên vật liệu trong suốt giai đoạn dự báo dòng tiền.

5. Tổng chi phí phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trường hợp tổng chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm, chi phí phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trường hợp quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm và phát sinh các khoản chi phí, việc chuyển đổi tổng chi phí phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 10. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

1. Việc xác định tỷ suất chiết khấu cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền và các rủi ro liên quan đến dòng tiền phát sinh trong quá trình xây dựng, hoàn thành và vận hành dự án bất động sản.

2. Tỷ suất chiết khấu được xác định theo một trong các cách sau:

a) Tỷ suất chiết khấu xác định theo cách tiếp cận từ thu nhập được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập;

b) Tỷ suất chiết khấu được xác định trên cơ sở lãi suất cho vay trung hạn bình quân của loại tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết có trụ sở hoặc chi nhánh trên địa bàn cấp tỉnh tại thời điểm thẩm định giá để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam sau:
...
Điều 2. Hiệu lực thi hành
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá
...
Điều 4. Chính trực
...
Điều 5. Độc lập, khách quan
...
Điều 6. Có năng lực chuyên môn và tính thận trọng
...
Điều 7. Bảo mật thông tin
...
Điều 8. Hành vi chuyên nghiệp
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ PHẠM VI CÔNG VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung phạm vi công việc thẩm định giá
...
Điều 4. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp thẩm định giá
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CƠ SỞ GIÁ TRỊ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Giá trị thị trường
...
Điều 6. Giá trị thuê thị trường
...
Điều 7. Giá trị đầu tư
...
Điều 8. Giá trị bắt buộc phải bán
...
Điều 9. Giá trị ngang bằng
...
Điều 10. Giả thiết và giả thiết đặc biệt
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Chương II BÁO CÁO THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 3. Báo cáo thẩm định giá
...
Điều 4. Nội dung cơ bản của báo cáo thẩm định giá
...
Chương III CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 5. Chứng thư thẩm định giá
...
Điều 6. Nội dung cơ bản của chứng thư thẩm định giá
...
Điều 7. Hiệu lực của chứng thư thẩm định giá
...
Chương IV THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 8. Thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 9. Nội dung cơ bản của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Điều 10. Hiệu lực của thông báo kết quả thẩm định giá
...
Chương V HỒ SƠ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 11. Hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 12. Lưu trữ hồ sơ thẩm định giá
...
Phụ lục I MẪU CHỨNG THƯ THẨM ĐỊNH GIÁ
...
Phụ lục II MẪU THÔNG BÁO KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THU THẬP VÀ PHÂN TÍCH THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá là thẩm định viên về giá hoặc cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

2. Người thu thập thông tin là người thực hiện hoạt động thẩm định giá hoặc cá nhân giúp việc cho thẩm định viên về giá hoặc thành viên giúp việc cho hội đồng thẩm định giá.

3. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là quá trình tìm kiếm, lựa chọn và tập hợp các thông tin về tài sản thẩm định giá nhằm phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản.

4. Phân tích thông tin là quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá toàn bộ các thông tin đã thu thập được phục vụ cho quá trình thẩm định giá, qua đó đánh giá khả năng tác động của các yếu tố đến quá trình thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá cuối cùng.

Điều 4. Thu thập thông tin

1. Thông tin cần thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm thông tin về các đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật, thông tin về thị trường và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá.

Trường hợp tài sản thẩm định giá là quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, cần thu thập thông tin về việc xác lập sở hữu và hình thành các tài sản này, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

3. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin và phải thể hiện kết quả thu thập thông tin trong hồ sơ thẩm định giá theo quy định.

Trường hợp người thu thập thông tin không phải là người thực hiện hoạt động thẩm định giá thì người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm phân công và hướng dẫn để người thu thập thông tin thực hiện việc thu thập thông tin theo quy định.

4. Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của thông tin, số liệu do mình đã thu thập. Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm về việc xem xét, đánh giá, phân tích và sử dụng thông tin được thu thập để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định.

5. Thông tin về tài sản thẩm định giá được thu thập tại thời điểm thẩm định giá. Các thông tin thu thập sau thời điểm thẩm định giá chỉ được sử dụng để tham khảo nhằm phân tích, đánh giá những biến động về giá của tài sản thẩm định giá (nếu cần).

6. Trường hợp phát sinh những hạn chế mà không thể khắc phục đối với việc thu thập thông tin vì lý do khách quan, bất khả kháng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá, người thu thập thông tin phải báo cáo với người thực hiện hoạt động thẩm định giá để người thực hiện hoạt động thẩm định giá phản ánh rõ nội dung này tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.

7. Đối với những thông tin thu thập thuộc danh mục thông tin phải bảo đảm bí mật hoặc chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo các quy định của pháp luật, như các thông tin chưa được phép công bố, các thông tin là bí mật nhà nước, người thu thập thông tin cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khi thu thập và sử dụng các thông tin này.

Điều 5. Các nguồn thông tin thu thập

1. Các nguồn thông tin thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm:

a) Thông tin do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp thể hiện đặc điểm pháp lý (như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền quản lý và các quyền khác liên quan đến tài sản), đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (bao gồm quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, sửa chữa và nâng cấp tài sản) và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin này;

b) Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá;

c) Thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức giám định, các tổ chức tư vấn thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có kiến thức và kinh nghiệm hiểu biết về tài sản thẩm định giá (nếu có);

d) Thông tin từ kết quả khảo sát, thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản thẩm định giá;

đ) Thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

e) Các nguồn thông tin khác (nếu có).

2. Nguồn thông tin thu thập cần được nêu rõ trong hồ sơ thẩm định giá kèm theo lý do và đánh giá về sự phù hợp của nguồn thông tin này với yêu cầu thẩm định giá tài sản.

Điều 6. Cách thức thu thập thông tin

1. Các cách thức thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá:

a) Đề nghị tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp đầy đủ và kịp thời các hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá, bao gồm cả tài liệu về quá trình sử dụng, vận hành và khai thác tài sản, các tài liệu về sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá xác nhận bằng văn bản đối với các nội dung thông tin do mình cung cấp;

b) Khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá:

Người thu thập thông tin trực tiếp tiến hành khảo sát và ghi chép đầy đủ các đặc điểm và hiện trạng của tài sản, các thông tin và yếu tố có ảnh hưởng lớn đến giá trị của tài sản; chụp ảnh tài sản và những hình ảnh để minh chứng về hiện trạng của tài sản; lập biên bản khảo sát hiện trạng tài sản. Biên bản khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá phải có chữ ký của người thu thập thông tin và tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá.

Đối với tài sản thẩm định giá là doanh nghiệp, tài sản vô hình, tài sản tài chính, dịch vụ, tài sản hình thành trong tương lai: người thu thập thông tin tiến hành khảo sát hiện trạng những tài sản, bộ phận cấu thành tài sản mà có thể thực hiện được việc khảo sát trực tiếp trong thực tế.

Các trường hợp không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản nếu người thu thập thông tin nêu được đầy đủ lý do về việc không thể khảo sát tài sản, gồm:

- Tài sản thẩm định giá là máy móc, thiết bị, dụng cụ mới hoặc dịch vụ mà trên bảng danh mục đề nghị thẩm định giá hoặc trên nhãn mác hoặc tài liệu đính kèm đề nghị thẩm định giá có ghi đầy đủ thông tin về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản; đồng thời, có các tài sản giống hệt với tài sản thẩm định giá đang giao dịch, mua bán trên thị trường;

- Tài sản thẩm định giá bị mất, thất lạc hoặc bị hủy hoại hoàn toàn;

- Tài sản thẩm định giá trong trường hợp không thể tiếp cận trực tiếp vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng và người thu thập thông tin phải nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá (nếu có). Người thực hiện thẩm định giá có trách nhiệm nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá (nếu có) tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá;

c) Sử dụng ý kiến tư vấn từ các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn giám định, thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản thẩm định giá;

d) Căn cứ đặc điểm của tài sản thẩm định giá, cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành được người thực hiện hoạt động thẩm định giá dự kiến lựa chọn, việc khảo sát thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản tại thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo một trong các cách thức sau:

- Phỏng vấn bằng một trong các hình thức sau: trực tiếp, bằng điện thoại hoặc qua email đối với các cá nhân, tổ chức có các thông tin về việc sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản, như: chủ sở hữu; người sử dụng, vận hành, khai thác, bảo trì, sửa chữa tài sản; khách hàng; nhà cung cấp; nhà sản xuất; người tiêu dùng. Quá trình phỏng vấn và kết quả phỏng vấn phải được lập thành phiếu khảo sát và lưu trữ theo quy định tại Thông tư này;

- Thu thập thông tin trên tờ khai hải quan hoặc hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán, báo giá, danh mục, tài liệu, báo cáo của các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà đầu tư và các đối tượng khác có liên quan;

- Thu thập thông tin qua phương tiện thông tin và truyền thông, như sách báo, tạp chí, ấn phẩm, bài viết, đánh giá của tổ chức nghiên cứu khoa học, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, các tổ chức đánh giá, xếp hạng trong nước và quốc tế; trên mạng internet; cổng thông tin điện tử; đài phát thanh, đài truyền hình;

đ) Thu thập thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin từ các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; các đơn giá, định mức chuyên ngành có liên quan đến tài sản thẩm định giá; các số liệu về kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch và những nội dung khác có tác động đến giá trị của tài sản thẩm định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc quy định (nếu có);

e) Sử dụng các cách thức thu thập thông tin khác theo quy định.

2. Người thu thập thông tin thực hiện lưu trữ các bằng chứng thể hiện việc thu thập thông tin của mình theo quy định tại Chuẩn mực này và các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

a) Trường hợp quá trình thu thập thông tin sử dụng các phiếu khảo sát, phiếu điều tra, phiếu thu thập, phiếu đánh giá thì phải lưu trữ các phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của người thu thập thông tin; trường hợp các thông tin thu thập về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá thì ghi rõ họ tên, chữ ký của bên yêu cầu thẩm định giá;

b) Trường hợp sử dụng ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn thì phải lưu trữ văn bản tư vấn có kèm chữ ký của chuyên gia hoặc ký, đóng dấu của tổ chức tư vấn và hợp đồng dịch vụ tư vấn (nếu có);

c) Trường hợp sử dụng những thông tin thu thập từ trên mạng internet, thì phải dẫn chiếu cụ thể các đường dẫn liên kết đến thông tin thu thập, lưu trữ các hình ảnh để minh chứng cho việc đã thu thập, đồng thời lập phiếu thu thập thông tin về nội dung này. Phiếu thu thập thông tin phải có chữ ký của người thu thập thông tin.

Điều 7. Xem xét, đánh giá thông tin thu thập

1. Trên cơ sở các thông tin thu thập được, người thực hiện hoạt động thẩm định giá xem xét và sử dụng các thông tin, số liệu tin cậy, phù hợp để đưa vào phân tích thông tin và áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.

2. Đối với những thông tin từ hồ sơ, tài liệu về tài sản thẩm định giá do tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá cung cấp, trường hợp có sự khác nhau giữa các thông tin này với kết quả khảo sát hiện trạng tài sản hoặc trường hợp phát hiện tài liệu, hồ sơ không hoàn chỉnh, không đầy đủ và cần làm rõ hơn các nội dung thông tin để phục vụ cho việc thẩm định giá, cần kịp thời trao đổi với tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá để yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ.

Quá trình trao đổi để bổ sung tài liệu, hồ sơ hoặc làm rõ các nội dung thông tin phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, nghiêm cấm mọi hành vi tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và giá trị tài sản thẩm định giá.

3. Đối với những thông tin khác, cần có sự thẩm định, xem xét và đánh giá thận trọng việc sử dụng các thông tin này trên cơ sở phân tích, đánh giá về mức độ tin cậy, phù hợp của nguồn thông tin, đối tượng cung cấp thông tin, nội dung thông tin, thời điểm thu thập và cách thức thu thập thông tin đối với tài sản thẩm định giá.

Điều 8. Phân tích thông tin

1. Nội dung về phân tích thông tin phải được thể hiện trong báo cáo thẩm định giá. Trong quá trình phân tích thông tin, có thể đưa ra những giả thiết, giả thiết đặc biệt; nội dung về giả thiết, giả thiết đặc biệt thực hiện theo các quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cơ sở giá trị thẩm định giá.

2. Các thông tin thu thập được phân tích theo các nhóm nội dung sau:

a) Phân tích những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá; mục đích thẩm định giá; thời điểm thẩm định giá; căn cứ pháp lý để thẩm định giá; cơ sở giá trị thẩm định giá;

b) Phân tích những thông tin về đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá;

c) Phân tích những thông tin về thị trường của tài sản thẩm định giá;

d) Phân tích về việc sử dụng tài sản tốt nhất và có hiệu quả nhất (chỉ áp dụng với tài sản là bất động sản).

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản là việc sử dụng tài sản phù hợp với quy định của pháp luật, các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của tài sản có thể là việc tiếp tục sử dụng tài sản với mục đích hiện tại hoặc với mục đích khác thay thế; do đó, cần phân tích và trình bày các lập luận chứng minh về khả năng sử dụng tài sản cho phù hợp với các yếu tố pháp lý, kinh tế - xã hội và tài chính để xác định mục đích sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất của tài sản.

đ) Phân tích thông tin về các nội dung có liên quan khác./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024

2. Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá tài sản vô hình xác định được khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Việc thẩm định giá tài sản vô hình không xác định được thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Tài sản vô hình đề cập trong chuẩn mực này là tài sản vô hình xác định được và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình;

b) Có khả năng tạo thu nhập từ tài sản vô hình;

c) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được bằng tiền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt.

2. Tiền sử dụng tài sản vô hình là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản vô hình phải trả cho chủ sở hữu tài sản vô hình để được quyền sử dụng tài sản đó (ví dụ như tiền sử dụng sáng chế, tiền trả cho nhượng quyền thương mại, tiền trả cho quyền khai thác khoáng sản).

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao là phần thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trừ do tài sản thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình. Trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình, phần thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm đi tương ứng với phần khấu hao của tài sản cố định vô hình. Khi đó, phần thuế thu nhập được giảm đi do giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao.

4. Tài sản đóng góp là tài sản được sử dụng cùng với tài sản thẩm định để tạo ra dòng tiền trong tương lai. Tài sản đóng góp bao gồm tất cả tài sản hiện tại và tài sản trong tương lai đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền trong tương lai này.

Điều 4. Phân loại tài sản vô hình

Tài sản vô hình bao gồm các loại sau:

1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản.

3. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu.

4. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1 của chuẩn mực này.

Điều 5. Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình

1. Tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình chịu tác động của yếu tố pháp luật, kinh tế, công nghệ, chức năng, kinh tế như: quy mô và triển vọng của thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ độc đáo, khác biệt của tài sản vô hình, sự cạnh tranh của các tài sản vô hình tương tự. Tuổi đời kinh tế có thể là một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn.

2. Khi ước tính tuổi đời kinh tế cần xem xét các yếu tố sau:

a) Thời gian bảo hộ của pháp luật đối với tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ;

b) Quy định tại các hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

c) Quyết định của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

d) Các yếu tố kinh tế như quy mô và triển vọng của thị trường sản phẩm, dịch vụ gắn với tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời của các tài sản vô hình tương tự hoặc hiệu quả hơn, dẫn tới sự lỗi thời chức năng, lỗi thời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá; các yếu tố khoa học kỹ thuật có liên quan khác;

e) Các kết quả thống kê, phân tích (nếu có) liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;

g) Các yếu tố khác có liên quan đến việc ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Điều 6. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm các phương pháp: Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, Phương pháp lợi nhuận vượt trội và Phương pháp thu nhập tăng thêm.

2. Khi áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ thu nhập, cần cân nhắc thực hiện phân tích độ nhậy để xem xét, phân tích sự thay đổi của kết quả thẩm định giá khi thay đổi giá trị của một số thông số đối với từng trường hợp thẩm định giá.

3. Việc áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 7. Các dòng thu nhập trong cách tiếp cận từ thu nhập

1. Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.

2. Tài sản vô hình có thể tạo ra các dòng thu nhập thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ: thông qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình) hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô hình.

3. Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: dòng thu nhập từ việc sử dụng tài sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình hoặc cả hai dòng thu nhập trên.

Điều 8. Tỷ suất chiết khấu

1. Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên quan tới thu nhập trong tương lai từ tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường.

3. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp để làm tỷ suất chiết khấu.

Điều 9. Áp dụng lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong thẩm định giá tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ thu nhập

1. Căn cứ vào việc sử dụng kết quả thẩm định giá dự kiến và phương pháp thẩm định giá được áp dụng, cần cân nhắc đưa giá trị lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao vào giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá khi áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập.

2. Không tính đến lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong các trường hợp sau:

a) Tài sản vô hình cần thẩm định giá không đáp ứng điều kiện để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng bởi một doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm và sau thời điểm thẩm định giá.

3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao được ước tính bằng cách hiện tại hóa giá trị khoản thuế được giảm trừ do khấu hao về hiện tại. Phần thuế được giảm trừ được ước tính phải phù hợp với cách tính khấu hao tài sản vô hình cần thẩm định giá do doanh nghiệp sử dụng tài sản đó áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật.

4. Tỷ suất chiết khấu được sử dụng để tính lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao có thể được cân nhắc xác định trên cơ sở:

a) Tỷ suất chiết khấu phù hợp đối với doanh nghiệp sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá, ví dụ như WACC;

b) Tỷ suất chiết khấu phù hợp với tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TIỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN VÔ HÌNH

Điều 10. Nội dung phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Theo phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản vô hình.

2. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu tài sản vô hình.

3. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp dụng thông qua việc quy đổi về hiện tại dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

4. Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển), thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.

Điều 11. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình

1. Mức tiền sử dụng tài sản vô hình hoặc tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình được được xác định thông qua:

a) Tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản vô hình so sánh hoặc tương đồng có giao dịch trên thị trường;

b) Việc chia tách lợi nhuận trong một giao dịch giả định giữa người sẵn sàng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá và người sẵn sàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá trong một giao dịch độc lập, khách quan.

2. Các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng), ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.

3. Các thông tin khác có liên quan đến việc áp dụng phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP LỢI NHUẬN VƯỢT TRỘI

Điều 12. Nội dung phương pháp lợi nhuận vượt trội

1. Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này.

2. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Điều 13. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội

Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

1. Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.

2. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP THU NHẬP TĂNG THÊM

Điều 14. Nội dung của phương pháp thu nhập tăng thêm

1. Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.

2. Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện như sau:

a) Bước 1: Xác định những dòng doanh thu kỳ vọng được tạo ra liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá;

b) Bước 2: Xác định dòng thu nhập ròng sau khi đã trừ chi phí nguyên vật liệu và lao động, khoản trích khấu hao (nếu có), chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác, thuế doanh nghiệp (nếu có);

c) Bước 3: Xác định khoản đóng góp của các tài sản đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được tính thông qua các bước cụ thể sau:

(i) Xác định những tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn trong vốn lưu động) đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá (tài sản đóng góp);

(ii) Ước tính giá trị thị trường của các tài sản đóng góp vào thu nhập của doanh nghiệp. Giá trị thị trường này có thể được xác định trên cơ sở đánh giá lại giá trị còn lại theo sổ sách kế toán và đối chiếu với thông tin thị trường. Trong trường hợp hạn chế về thông tin thì có thể cân nhắc, điều chỉnh theo giá trị ghi sổ kế toán;

(iii) Xác định thu nhập ròng của tài sản đóng góp trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp, cụ thể là nhân giá trị của từng tài sản đóng góp với tỷ suất sinh lời hợp lý của tài sản đó.

d) Bước 4: Xác định phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách loại trừ khỏi dòng thu nhập ròng phần tiền sử dụng vốn phân bổ cho các tài sản khác ra (bao gồm khoản đóng góp của các tài sản đóng góp đã tính tại Bước 3 và khoản tiền dự kiến mua tài sản cố định mới trong giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai), đồng thời cộng thêm phần trích khấu hao của tài sản đóng góp là tài sản cố định để có được dòng tiền ròng tạo ra từ tài sản vô hình cần thẩm định giá;

đ) Bước 5: Xác định giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về hiện tại phần thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá (đã tính tại Bước 4).

Điều 15. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm

Các thông tin sau cần được cân nhắc khi áp dụng phương pháp thu nhập tăng thêm:

1. Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định.

2. Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định.

3. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định.

4. Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.

Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 16. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ chi phí

1. Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm phương pháp chi phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.

2. Việc áp dụng cách tiếp cận từ chi phí trong thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 17. Ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình

Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

1. Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

2. Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của tài sản vô hình.

3. Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

4. Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Điều 18. Áp dụng phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản vô hình

1. Phương pháp so sánh trong cách tiếp cận từ thị trường được áp dụng trong thẩm định giá tài sản vô hình khi đáp ứng được đồng thời các điều kiện sau:

a) Có thông tin về các giao dịch khách quan, độc lập của ít nhất 03 tài sản so sánh tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá;

b) Có đủ thông tin để điều chỉnh sự khác biệt về định lượng giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, từ đó xác định được mức giá chỉ dẫn;

c) Đáp ứng được các yêu cầu khác (ngoài yêu cầu về số lượng tài sản so sánh tối thiểu) nêu tại Chuẩn mực thẩm định giá về cách tiếp cận từ thị trường.

2. Việc áp dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường để thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.

Điều 19. Các yếu tố so sánh cần cân nhắc khi thẩm định giá tài sản vô hình

1. Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình.

2. Các điều khoản trong hợp đồng (nếu có) hoặc thỏa thuận liên quan đến việc mua bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng.

3. Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng.

4. Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình.

5. Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế, tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

6. Các đặc điểm khác của tài sản vô hình./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trường hợp áp dụng cách tiếp cận từ chi phí
...
Điều 5. Phương pháp chi phí thay thế
...
Điều 6. Phương pháp chi phí tái tạo
...
Điều 7. Phương pháp tổng cộng
...
Điều 8. Thành phần của chi phí tái tạo, chi phí thay thế và một số lưu ý khi xác định
...
Điều 9. Lợi nhuận của nhà sản xuất/nhà đầu tư
...
Điều 10. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật so sánh
...
Điều 11. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tuổi đời
...
Điều 12. Giá trị hao mòn xác định theo kỹ thuật tổng cộng
...

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cách tiếp cận từ thu nhập và các phương pháp thẩm định giá sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP VỐN HÓA TRỰC TIẾP

Điều 5. Áp dụng phương pháp vốn hóa trực tiếp
...
Điều 6. Xác định thu nhập thuần do tài sản mang lại (I)
...
Điều 7. Xác định tỷ suất vốn hoá (R)
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU

Điều 8. Áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu
...
Điều 9. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)
...
Điều 10. Xác định dòng tiền (CF)
...
Điều 11. Xác định giá trị tài sản cuối kỳ dự báo (Vn)
...
Điều 12. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27/04/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Cơ sở giá trị
...
Điều 5. Tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá
...
Điều 6. Sử dụng báo cáo tài chính trong thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 7. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
...
Điều 8. Xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
...
Chương II CÁCH TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TỶ SỐ BÌNH QUÂN

Điều 9. Phương pháp tỷ số bình quân
...
Điều 10. Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 11. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP GIÁ GIAO DỊCH

Điều 12. Phương pháp giá giao dịch
...
Điều 13. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu theo phương pháp giá giao dịch
...
Chương III CÁCH TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ

Điều 14. Phương pháp tài sản
...
Điều 15. Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 16. Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 17. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá

Chương IV CÁCH TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 18. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
...
Điều 19. Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 20. Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 21. Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo
...
Điều 22. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN TỰ DO VỐN CHỦ SỞ HỮU

Điều 23. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
....
Điều 24. Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 25. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 26. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 27. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG CỔ TỨC

Điều 28. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
...
Điều 29. Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 30. Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
...
Điều 31. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
...
Điều 32. Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
....
Điều 33. Trường hợp khác

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2024.

2. Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 06/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
...
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Bất động sản có tiềm năng phát triển là đất trồng để xây dựng hoặc đất có công trình trên đất có thể cải tạo hoặc phá dỡ xây dựng công trình trên đất để sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất.

2. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản có tiềm năng phát triển dựa trên cơ sở lấy giá trị phát triển ước tính của tài sản (tổng doanh thu phát triển) trừ đi các chi phí dự kiến phát sinh hợp lý (bao gồm lợi nhuận nhà đầu tư) để tạo ra sự phát triển đó (tổng chi phí phát triển).

Điều 4. Các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản

1. Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.

2. Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận quy định tại khoản 1 Điều này. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

3. Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Chương II PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ

Điều 5. Áp dụng phương pháp thặng dư

1. Công thức trong phương pháp thặng dư:

V = DT - CP

Trong đó:

V: Giá trị tài sản thẩm định giá;

DT: Tổng doanh thu phát triển;

CP: Tổng chi phí phát triển.

2. Nội dung thực hiện:

a) Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản;

b) Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n);

c) Xác định tổng doanh thu phát triển (DT);

d) Xác định tổng chi phí phát triển (CP);

đ) Xác định giá trị của bất động sản (V).

3. Các trường hợp về thời điểm phát sinh doanh thu phát triển và chi phí phát triển bất động sản:

a) Trường hợp 1: Doanh thu phát triển bất động sản, chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm. Khi đó doanh thu và chi phí phát triển bất động sản được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá.

V = DT - CP (tại thời điểm thẩm định giá)

b) Trường hợp 2: Quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm.

(Xem chi tiết tại văn bản)

Trong đó:

V : Giá trị tài sản thẩm định giá;

DTt : Doanh thu phát triển dự kiến năm thứ t;

CPt : Chi phí phát triển dự kiến năm thứ t;

r: Tỷ suất chiết khấu;

n: Giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai;

t: Năm dự báo.

Điều 6. Xác định việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản

Việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản được xác định trên cơ sở:

1. Đặc điểm của bất động sản thẩm định giá.

2. Các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất và các quy định về đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hướng dẫn phân tích việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.

Điều 7. Xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai (n)

Việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập.

Điều 8. Xác định tổng doanh thu phát triển (DT)

1. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản là tổng doanh thu dự kiến có được của bất động sản thẩm định giá phù hợp với mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản.

2. Tổng doanh thu phát triển của bất động sản được xác định trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu (như thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy) của tối thiểu 03 bất động sản có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực có bất động sản thẩm định giá hoặc khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong tương lai. Khi xác định tổng doanh thu phát triển cần phân tích và đánh giá về khả năng thực hiện, hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án theo tiến độ đầu tư đã cam kết và theo các quy định hiện hành về bất động sản.

Việc xác định mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thị trường hoặc số liệu công bố của cơ quan thống kê hoặc cơ quan quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phù hợp mức biến động của thị trường bất động sản qua các năm.

3. Tổng doanh thu phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trong trường hợp tổng doanh thu phát triển chỉ phát sinh trong cùng 01 năm, doanh thu phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trong trường hợp quá trình phát triển kéo dài nhiều năm, sau khi xây dựng cho thuê để kinh doanh hoặc cho thuê một phần để kinh doanh hoặc bán từng phần bất động sản qua nhiều năm, việc chuyển đổi tổng doanh thu phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 9. Xác định tổng chi phí phát triển (CP)

1. Tổng chi phí phát triển của bất động sản là toàn bộ các chi phí phát triển cần thiết dự kiến đầu tư vào bất động sản thẩm định giá, phù hợp với quy định của pháp luật (về các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và hạch toán chi phí sản xuất, đầu tư) và đáp ứng được mục đích sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản thẩm định giá.

2. Tổng chi phí phát triển của bất động sản gồm:

a) Chi phí đầu tư xây dựng bao gồm: chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, hạng mục công trình khác; chi phí thiết bị; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí quản lý dự án và các chi phí có liên quan;

b) Chi phí dự phòng;

c) Chi phí kinh doanh (như chi phí quảng cáo, bán hàng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác có liên quan);

d) Chi phí tài chính, thuế nếu có (như thuế sử dụng tài sản/bất động sản);

đ) Các khoản chi phí hợp lý khác;

e) Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên thị trường tính trên tổng chi phí (bao gồm cả giá trị tài sản đầu tư ban đầu nhưng không bao gồm chi phí tài chính) của ít nhất 03 dự án đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự trên thị trường hoặc được xác định là trung bình tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đã được kiểm toán hoặc quyết toán) trên tổng chi phí của ít nhất 03 doanh nghiệp bất động sản tương tự trên thị trường;

g) Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng không tính đến trong tổng chi phí phát triển.

3. Các khoản mục chi phí trên được xác định trên cơ sở điều tra, khảo sát, thu thập các khoản mục chi phí thực tế phổ biến của các dự án bất động sản tương tự và mặt bằng giá trên thị trường (như nguyên, nhiên vật liệu, đơn giá nhân công, thiết bị) tại thời điểm thẩm định giá, phù hợp với các quy định của pháp luật về xây dựng và những nội dung liên quan quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ chi phí. Khi không thu thập được các thông tin trên thị trường về các khoản mục chi phí, có thể áp dụng các quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các phương pháp xác định tổng chi phí đầu tư dự án, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư của các dự án bất động sản tương tự theo từng năm dự báo phù hợp với tiến độ xây dựng dự án bất động sản; tuy nhiên cần lập luận về mức độ phù hợp với mục đích và thời điểm thẩm định giá và thực hiện việc điều chỉnh các định mức, đơn giá và suất vốn đầu tư (nếu cần thiết) trước khi đưa vào sử dụng.

Trường hợp pháp luật quy định việc xác định các khoản mục chi phí phải thực hiện theo các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sử dụng các định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư đó để xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản.

4. Việc xác định tổng chi phí phát triển của bất động sản cần tính đến mức biến động giá trị của các khoản mục chi phí kéo dài cả vòng đời dự án bất động sản (nếu có) để đảm bảo phù hợp mức biến động nguyên nhiên vật liệu trong suốt giai đoạn dự báo dòng tiền.

5. Tổng chi phí phát triển được xác định thông qua cách tiếp cận từ thị trường hoặc cách tiếp cận từ thu nhập.

a) Trường hợp tổng chi phí phát triển bất động sản chi phát sinh trong cùng 01 năm, chi phí phát triển được tính toán theo mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định giá đối với bất động sản sau khi đầu tư xây dựng bán lại toàn bộ sản phẩm tại thời điểm thẩm định giá;

b) Trường hợp quá trình phát triển bất động sản kéo dài nhiều năm và phát sinh các khoản chi phí, việc chuyển đổi tổng chi phí phát triển của bất động sản về thời điểm thẩm định giá được thực hiện theo công thức tổng quát sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 10. Xác định tỷ suất chiết khấu (r)

1. Việc xác định tỷ suất chiết khấu cần phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền và các rủi ro liên quan đến dòng tiền phát sinh trong quá trình xây dựng, hoàn thành và vận hành dự án bất động sản.

2. Tỷ suất chiết khấu được xác định theo một trong các cách sau:

a) Tỷ suất chiết khấu xác định theo cách tiếp cận từ thu nhập được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thu nhập;

b) Tỷ suất chiết khấu được xác định trên cơ sở lãi suất cho vay trung hạn bình quân của loại tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết có trụ sở hoặc chi nhánh trên địa bàn cấp tỉnh tại thời điểm thẩm định giá để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản./.

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:

a) Ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá tài sản vô hình được hướng dẫn bởi Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản được hướng dẫn bởi Thông tư 42/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/08/2024
Đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 3. Đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá

1. Nội dung đánh giá

a) Duy trì điều kiện hoạt động thẩm định giá;

b) Chấp hành quy định của pháp luật về thẩm định giá và tuân thủ nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá;

c) Tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động xây dựng và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, tổ chức;

d) Tham gia phối hợp thực hiện hợp tác quốc tế;

đ) Tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá của Bộ, ngành, địa phương;

e) Tham gia phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thẩm định giá.

2. Kỳ đánh giá từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm tổ chức thực hiện đánh giá.

Trong giai đoạn từ ngày 15 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 5 hằng năm, Cục Quản lý giá tổ chức đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá đối với các doanh nghiệp thẩm định giá đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trước kỳ đánh giá;

b) Đủ điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá từ 6 tháng trở lên trong kỳ đánh giá;

c) Đủ điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá trong giai đoạn tổ chức thực hiện đánh giá.

Doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm nộp báo cáo theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Thông tư này để làm cơ sở cho việc đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá.

3. Việc đánh giá được thực hiện bằng phương thức chấm điểm theo các nội dung đánh giá trên cơ sở tổng hợp, thống kê từ các nguồn thông tin sau:

a) Thông tin, số liệu tại Báo cáo theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Thông tư này;

b) Thông tin, số liệu có được trong quá trình quản lý nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá;

c) Thông tin phản ánh từ Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân (nếu có).

4. Nội dung đánh giá theo từng mức độ hoạt động thông qua điểm số chi tiết cho từng chỉ tiêu thành phần (chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

5. Việc đánh giá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá. Kết quả đánh giá được Cục Quản lý giá công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 hằng năm. Kết quả đánh giá không phản ánh chất lượng của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá cụ thể của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá.
...
PHỤ LỤC I. BẢNG CHI TIẾT NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP THẨM ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:
...
e) Quản lý hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá; quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá đối với hội nghề nghiệp về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; quy định về việc đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá.
Đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 6. Chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá

1. Nội dung chi và mức chi phục vụ cho hoạt động thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Giá gồm:

a) Chi công tác phí thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT- BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

b) Chi khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

c) Chi báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác thẩm định giá tài sản của hội đồng thẩm định giá thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 42/2022/TT-BTC), mức chi 1.200.000 đồng/báo cáo và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

d) Chi họp hội đồng thẩm định giá thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 42/2022/TT-BTC và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

đ) Chi văn phòng phẩm, in tài liệu phục vụ công tác thẩm định giá tài sản theo hóa đơn, chứng từ chi hợp pháp, trong phạm vi dự toán được giao;

e) Chi thuê người có chứng nhận chuyên môn theo quy định làm thành viên hội đồng thẩm định giá, thuê tổ chức giám định thực hiện việc giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản, thuê thẩm định giá tài sản (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

g) Đối với những khoản chi liên quan đến hoạt động thẩm định giá không quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước được quy định tại Thông tư này và tại các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

3. Hằng năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá lập dự toán ngân sách phục vụ hoạt động thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp trong năm phát sinh các nhiệm vụ đột xuất, được lập bổ sung dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

4. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Xem nội dung VB
Điều 65. Chi phí thẩm định giá

1. Chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, tổ giúp việc của hội đồng thẩm định giá (nếu có) được bảo đảm bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước của cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định giá, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
Khoản được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Giá.

2. Thẻ thẩm định viên về giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này theo quy định tại khoản 1 Điều 44, bao gồm: Thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản và Thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người tham dự kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Giá.

2. Người đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá.

3. Hội đồng thi cấp thẻ thẩm định viên về giá và Tổ giúp việc của Hội đồng thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

Chương II TỔ CHỨC KỲ THI CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ DỰ THI

Điều 3. Hồ sơ đăng ký dự thi

1. Đối với người chưa có thẻ thẩm định viên về giá, hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

a) Phiếu đăng ký dự thi có dán ảnh theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng thực chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá phù hợp với lĩnh vực chuyên môn dự thi do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo về thẩm định giá cấp, trừ trường hợp có giấy tờ nêu tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá (nếu không có bản sao chứng thực chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trong trường hợp bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên không ghi rõ chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá thì thí sinh nộp thêm bản sao chứng thực bảng điểm có thể hiện đã học các chuyên ngành trên;

d) Bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp đại học trở lên (của chuyên ngành khác với chuyên ngành giá, thẩm định giá), trừ trường hợp có bản sao chứng thực bằng tốt nghiệp đại học trở lên của chuyên ngành giá hoặc thẩm định giá;

đ) 02 (hai) ảnh màu (4x6cm) chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

2. Đối với người đã có thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản có nhu cầu thi thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

a) Thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, điểm đ Khoản 1 Điều này;

b) Bản sao thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản.

Điều 4. Trình tự đăng ký dự thi

1. Thí sinh lập Phiếu đăng ký dự thi trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính đính kèm bản chụp/scan các loại hồ sơ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 3 Thông tư này và nộp chi phí dự thi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp không đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, thí sinh nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký dự thi quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 3 Thông tư này tại Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính và nộp chi phí dự thi theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ, trên cơ sở kết quả rà soát điều kiện dự thi của Hội đồng thi thẩm định viên về giá (sau đây gọi là Hội đồng thi), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính thông báo cho các thí sinh nộp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có nội dung kê khai chưa chính xác; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính, thí sinh phải hoàn thiện hồ sơ đúng hạn.

3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính thông báo các thí sinh đủ điều kiện dự thi thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Điều 5. Chi phí dự thi

1. Người dự thi phải nộp chi phí dự thi theo thông báo của Hội đồng thi. Chi phí dự thi được nộp bằng tiền mặt hoặc thông qua thanh toán điện tử theo hướng dẫn của Hội đồng thi. Chi phí dự thi đã nộp không hoàn trả cho người đăng ký dự thi trong mọi trường hợp.

2. Hội đồng thi căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi của kỳ thi lần trước liền kề để xây dựng dự toán chi phí tổ chức thi theo nguyên tắc lấy thu bù chi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp số thu lớn hơn số chi thì số chênh lệch thu lớn hơn chi được nộp vào ngân sách nhà nước.

Mục 2. TỔ CHỨC KỲ THI

Điều 6. Các thông báo liên quan đến kỳ thi

1. Bộ Tài chính thông báo về việc tổ chức thi thẩm định viên về giá trước ngày 01 tháng 7 hằng năm, trừ kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức theo quy định của Thông tư này hoặc trường hợp bất khả kháng do khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

2. Trước ngày tổ chức kỳ thi thẩm định viên về giá ít nhất 60 ngày, Hội đồng thi thông báo kế hoạch tổ chức thi, điều kiện dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi, thời gian, địa điểm, hình thức thi và các thông tin cần thiết khác có liên quan tới kỳ thi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

3. Trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi, Hội đồng thi trình Bộ Tài chính phê duyệt kết quả điểm thi, thông báo điểm thi và thông báo về việc nhận đơn phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Trường hợp bất khả kháng do khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định kéo dài thời gian công bố kết quả thi và thông báo nhận đơn phúc khảo, thời gian kéo dài không quá 30 ngày.

4. Trong thời gian chậm nhất 45 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi thông báo điểm thi phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Trường hợp bất khả kháng do khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định kéo dài thời gian công bố kết quả thi phúc khảo, thời gian kéo dài không quá 20 ngày.

Điều 7. Nội dung thi, môn thi

1. Các môn thi:

a) Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực thẩm định giá, nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá;

b) Thẩm định giá bất động sản;

c) Thẩm định giá động sản;

d) Phân tích tài chính doanh nghiệp;

đ) Thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Người dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản cần thi đủ 03 môn thi quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Người dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp cần thi đủ 05 môn thi quy định tại khoản 1 điều này.

4. Người đã có thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản, dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp cần thi đủ 02 môn thi quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.

5. Nội dung thi các môn quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm cả phần lý thuyết và phần bài tập quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Hình thức thi và thời gian thi

1. Hình thức thi: Thi tự luận hoặc thi trắc nghiệm hoặc thi trắc nghiệm kết hợp với thi tự luận đối với mỗi môn thi.

2. Thời gian làm bài thi các môn thi tối đa 150 phút đối với hình thức thi tự luận, tối đa 90 phút đối với hình thức thi trắc nghiệm; đối với môn thi kết hợp tự luận và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi tối đa 120 phút.

Mục 3. HỘI ĐỒNG THI CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Điều 9. Hội đồng thi và Tổ giúp việc Hội đồng thi

1. Hội đồng thi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập cho từng kỳ thi theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc thủ trưởng đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một kỳ thi.

2. Thành phần Hội đồng thi tối đa 11 người, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng thi: là Lãnh đạo Bộ Tài chính hoặc cấp Cục/Vụ/Viện/Học viện thuộc Bộ được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thi: 01 người là đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc lãnh đạo đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính làm Phó Chủ tịch Thường trực; 01 người là lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ;

c) Các Ủy viên Hội đồng thi: ít nhất 04 người gồm ủy viên thư ký Hội đồng thi là lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính và đại diện một số đơn vị trong Bộ và đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam.

3. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng thi (sau đây gọi tắt là Tổ giúp việc) và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, số lượng người của Tổ giúp việc.

4. Một cá nhân không được tham gia là thành viên Hội đồng thi quá 3 (ba) kỳ thi liên tục, ngoại trừ trường hợp cụ thể do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Điều 10. Chế độ và thời gian làm việc

1. Chế độ làm việc của Hội đồng thi:

a) Hội đồng thi làm việc theo chế độ tập thể. Các quyết định của Hội đồng thi được thông qua khi có ít nhất 2/3 ý kiến đồng ý của thành viên Hội đồng thi;

b) Hội đồng thi tổ chức ít nhất 01 (một) cuộc họp do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định;

c) Chương trình và nội dung các cuộc họp Hội đồng thi được thông báo bằng văn bản cho các thành viên Hội đồng thi trước khi họp ít nhất 02 ngày làm việc.

2. Chế độ làm việc của Tổ giúp việc:

a) Tổ giúp việc được thành lập cho từng kỳ thi và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng thi;

b) Tổ trưởng Tổ giúp việc là Ủy viên thư ký Hội đồng thi;

c) Tổ giúp việc đặt tại Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đặt tại đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính.

3. Thời gian làm việc: Hội đồng thi và Tổ giúp việc được sử dụng thời gian làm việc hành chính để tổ chức các cuộc họp và hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp cần thiết phải làm ngoài giờ do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định.

Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thi

1. Tổ chức rà soát điều kiện đăng ký dự thi của các thí sinh.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính và ban hành Nội quy thi, Quy chế thu, chi tài chính áp dụng cho kỳ thi thẩm định viên về giá sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt; Thu và quản lý chi phí dự thi theo quy định.

3. Triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi khi được Bộ Tài chính phê duyệt. Thông báo công khai kế hoạch thi trên phương tiện thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

4. Tổ chức việc xây dựng đề thi và đáp án các môn thi cho mỗi kỳ thi.

5. Tổ chức coi thi, chấm thi theo quy định.

6. Tổng hợp và thông báo kết quả điểm thi theo từng kỳ thi trình Bộ Tài chính phê duyệt.

7. Tổ chức chấm phúc khảo kết quả thi theo quy định đối với thí sinh có nộp đơn phúc khảo; tổng hợp kết quả chấm phúc khảo trình Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thông báo kết quả chấm phúc khảo cho thí sinh.

8. Tổng hợp và trình Bộ danh sách thí sinh đủ điều kiện xét cấp thẻ thẩm định viên về giá cho từng kỳ thi.

9. Hội đồng thi được phép sử dụng con dấu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính trong thời gian hoạt động của Hội đồng thi trừ trường hợp Lãnh đạo Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng thi.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của thành viên Hội đồng thi

1. Chủ tịch Hội đồng thi:

a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về tổ chức kỳ thi thẩm định viên về giá theo quy định; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi quy định tại Thông tư này.

b) Phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch và từng thành viên Hội đồng thi;

c) Quyết định thành lập Tổ giúp việc; Ban đề thi, Ban coi thi (bao gồm Trưởng điểm thi), Ban chấm thi và Ban phúc khảo (nếu cần thiết);

d) Tổ chức việc ra đề thi và đáp án có niêm phong riêng, lựa chọn đề thi và đáp án theo nội dung, chương trình đã quy định bảo đảm bí mật tuyệt đối đề thi, đáp án trước khi thi; mời chuyên gia phản biện đề thi, đáp án (nếu cần thiết);

đ) Tổ chức việc coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo; lựa chọn và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân ra đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo;

e) Báo cáo Bộ Tài chính kết quả kỳ thi sau khi chấm thi và chấm phúc khảo; danh sách thí sinh đủ điều kiện xét cấp thẻ thẩm định viên về giá cho từng kỳ thi;

g) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thi điều hành công việc của Hội đồng thi (nếu cần thiết).

2. Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng thi:

a) Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi giúp Chủ tịch Hội đồng thi điều hành công việc thường xuyên của Hội đồng thi theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thi; trực tiếp chỉ đạo Tổ giúp việc và có ý kiến đối với các đề xuất của Tổ giúp việc trước khi trình Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, quyết định;

b) Các Phó Chủ tịch Hội đồng thi giúp Chủ tịch Hội đồng thi tổ chức kỳ thi theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thi;

c) Các ủy viên Hội đồng thi thực hiện công việc theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thi và Phó Chủ tịch Hội đồng thi.

3. Ủy viên thư ký Hội đồng thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc:

a) Trình Hội đồng thi phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi, danh sách thí sinh không đủ điều kiện dự thi trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp hồ sơ đăng ký dự thi của các thành viên Tổ giúp việc;

b) Thu nhận biên bản vi phạm kỷ luật đối với người dự thi có vi phạm nội quy thi và trình Hội đồng thi xem xét;

c) Tổng hợp kết quả thi, kết quả phúc khảo báo cáo Hội đồng thi xem xét, trình Bộ Tài chính phê duyệt;

d) Chuẩn bị các văn bản cần thiết liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng thi;

đ) Thực hiện nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ giúp việc và các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng thi phân công.

4. Từng thành viên trong Hội đồng thi chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng thi và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình theo phân công nhiệm vụ được giao.

Điều 13. Điều kiện đối với những cá nhân tham gia tổ chức kỳ thi

1. Đối với các thành viên Hội đồng thi, thành viên Tổ giúp việc:

a) Không tổ chức, tham gia hướng dẫn ôn thi sau khi Hội đồng thi đã có văn bản thông báo công khai kế hoạch và nội dung thi năm đó;

b) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em của vợ hoặc của chồng theo quy định của pháp luật tham dự kỳ thi.

2. Đối với người được tham gia coi thi:

a) Không thuộc đối tượng được Chủ tịch Hội đồng thi ký hợp đồng ra đề thi;

b) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em của vợ hoặc của chồng tham dự kỳ thi;

c) Tuân thủ các quy định, các cam kết về việc coi thi với Hội đồng thi.

3. Đối với người được tham gia ra đề thi, chấm thi và chấm phúc khảo:

a) Có cam kết trong hợp đồng về ra đề thi, chấm thi về việc thực hiện các quy định về việc ra đề thi và chấm thi với Hội đồng thi;

b) Là cán bộ, công chức, viên chức hoặc cá nhân khác có năng lực chuyên môn, trình độ học vấn từ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành thi tương ứng, có thời gian công tác thực tế hoặc có thời gian giảng dạy liên tục các môn liên quan đến chuyên ngành thẩm định giá từ 05 năm trở lên;

c) Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em của vợ hoặc của chồng tham dự kỳ thi;

d) Người đã tham gia chấm thi môn thi nào thì không được tham gia chấm thi phúc khảo đối với môn thi đó.

Mục 4. CÔNG BỐ KẾT QUẢ THI

Điều 14. Môn thi đạt yêu cầu

1. Môn thi đạt yêu cầu là môn thi đạt từ 5 (năm) điểm trở lên chấm theo thang điểm 10 (mười).

2. Người đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản đã dự thi đủ số lượng môn thi theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này và đạt yêu cầu điểm thi tại khoản 1 Điều này thì đủ điều kiện được Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ trưởng đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản.

2. Người đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp đã dự thi đủ số lượng môn thi theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 Thông tư này và đạt yêu cầu điểm thi tại khoản 1 Điều này thì đủ điều kiện được Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Thủ trưởng đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp.

Điều 15. Thông báo điểm thi

1. Hội đồng thi tổng hợp kết quả thi của thí sinh trình Bộ Tài chính kết quả thi cho từng kỳ thi, trên cơ sở:

a) Kết quả chấm thi của từng môn thi của thí sinh;

b) Kết quả chấm phúc khảo (nếu có) từng môn thi của thí sinh.

2. Kết quả thi là căn cứ để cấp thẻ thẩm định viên về giá cho thí sinh đủ điều kiện cấp thẻ theo quy định.

Điều 16. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu

Việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá thực hiện theo quy định đối với hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của ngành tài chính.

Mục 5. XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM

Điều 17. Xử lý vi phạm đối với thí sinh

1. Các hành vi vi phạm đối với thí sinh được quy định cụ thể tại nội quy thi đối với từng kỳ thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định.

2. Thí sinh vi phạm Nội quy thi phải được giám thị phòng thi lập biên bản có chữ ký của giám thị phòng thi và thí sinh dự thi. Sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi, giám thị phòng thi phải báo cáo ngay với Trưởng điểm thi. Trường hợp thí sinh cố tình không ký vào biên bản thì biên bản được lập có chữ ký của giám thị phòng thi vẫn có giá trị pháp lý.

3. Khiển trách: Hình thức xử lý khiển trách do giám thị phòng thi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi. Thí sinh bị khiển trách ở bài thi nào sẽ bị trừ 1/4 (25%) kết quả điểm thi của bài thi đó.

4. Cảnh cáo: Hình thức xử lý cảnh cáo do giám thị phòng thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có), ghi rõ hình thức xử lý trong biên bản và công bố công khai tại phòng thi. Thí sinh bị xử lý cảnh cáo ở bài thi nào sẽ bị trừ 1/2 (50%) kết quả điểm thi của bài thi đó.

5. Đình chỉ thi: Hình thức kỷ luật đình chỉ thi do giám thị coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng điểm thi quyết định và công bố công khai tại phòng thi. Thí sinh bị đình chỉ thi ở bài thi nào thì bài thi đó được chấm điểm (0). Thí sinh bị đình chỉ thi phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi công bố Quyết định của Trưởng điểm thi; phải nộp lại đề thi và bài thi đã làm. Thí sinh bị đình chỉ thi được tiếp tục thi các môn chưa thi đã đăng ký, các môn đã thi xong được chấm điểm, bảo lưu theo quy định.

6. Hủy kết quả thi

Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, quyết định hủy kết quả thi theo đề nghị của giám thị phòng thi, Trưởng điểm thi. Thí sinh bị hủy kết quả thi sẽ bị tước quyền tham dự kỳ thi trong hai kỳ thi tiếp theo hoặc tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xem xét quyết định hủy kết quả thi áp dụng đối với những thí sinh có một trong các hành vi sau:

a) Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;

b) Gây rối làm mất trật tự an ninh trong khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi;

c) Khai man hồ sơ thi, thi hộ hoặc nhờ người thi hộ.

7. Thí sinh có quyền tố giác những người vi phạm nội quy, quy chế thi cho giám thị, Trưởng điểm thi hoặc Hội đồng thi.

Điều 18. Xử lý vi phạm đối với người tham gia công tác tổ chức thi

1. Các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm đối với người tham gia công tác tổ chức thi được quy định cụ thể tại nội quy, quy chế thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định.

2. Người vi phạm sẽ bị cấm tham gia tham gia công tác tổ chức thi trong vòng 05 năm.

3. Đối với công chức, viên chức tham gia công tác tổ chức thi ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì bị xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức.

4. Hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ được chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về hình sự.

Điều 19. Xử lý các trường hợp vi phạm trong khi chấm thi

1. Những bài thi bị nghi vấn có dấu hiệu đánh dấu thì Chủ tịch Hội đồng thi tổ chức chấm tập thể, nếu đủ căn cứ xác đáng để các cán bộ chấm thi và Trưởng môn chấm thi (nếu có) kết luận lỗi cố ý của thí sinh thì bị trừ 1/4 (25%) kết quả thi của môn thi đó.

2. Cho điểm không (0) đối với những bài thi viết trên giấy không đúng quy định hoặc bài thi sau khi được xác định là cố ý viết bằng các loại chữ, loại mực khác nhau.

3. Đối với những bài thi bị nhàu nát do bị thí sinh khác giằng xé thì căn cứ biên bản coi thi, tiến hành chấm bình thường và công nhận kết quả thi.

Chương III CẤP, QUẢN LÝ, THU HỒI THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Điều 20. Cấp thẻ thẩm định viên về giá

1. Thí sinh đã đăng ký dự thi trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính và có kết quả các môn thi đạt yêu cầu cần nộp hồ sơ (bản giấy) các tài liệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 3 Thông tư này để Hội đồng thi rà soát tính hợp lệ của hồ sơ.

2. Chậm nhất 30 ngày sau khi công bố điểm thi phúc khảo Bộ Tài chính hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính quyết định cấp thẻ thẩm định viên về giá cho các thí sinh dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá đạt điểm thi theo quy định tại Điều 14 Thông tư này. Mẫu Quyết định cấp thẻ thẩm định viên về giá quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

3. Thẻ thẩm định viên về giá được trao trực tiếp cho người được cấp thẻ hoặc trao cho người được ủy quyền nhận thẻ. Thẻ thẩm định viên về giá không được cấp lại. Mẫu thẻ thẩm định viên về giá theo quy định tại Phụ lục IV và Phụ lục V kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp người được cấp thẻ thẩm định viên về giá nhưng bị mất, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác có nhu cầu cấp Giấy xác nhận đã có thẻ thẩm định viên về giá thì đề nghị Bộ Tài chính giải quyết.

Điều 21. Quản lý thẻ thẩm định viên về giá

1. Thẻ thẩm định viên về giá có giá trị không thời hạn, trừ trường hợp bị thu hồi thẻ theo quy định tại Điều 22 Thông tư này.

2. Thẻ thẩm định viên về giá có giá trị pháp lý để đăng ký hành nghề thẩm định giá theo lĩnh vực được ghi trên thẻ như sau:

a) Thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản được đăng ký hành nghề thẩm định giá các loại tài sản thẩm định giá trừ doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp;

b) Thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp được đăng ký hành nghề thẩm định giá các loại tài sản thẩm định giá.

3. Người sử dụng thẻ thẩm định viên về giá phải chấp hành các quy định sau:

a) Không được sửa chữa, tẩy xóa lên bề mặt hoặc nội dung của thẻ;

b) Không được cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên và thẻ thẩm định viên về giá của mình để thực hiện hoạt động thẩm định giá;

c) Không được sử dụng vào các mục đích khác mà pháp luật không quy định.

Điều 22. Thu hồi thẻ thẩm định viên về giá

1. Thẻ thẩm định viên về giá bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Giả mạo hoặc gian lận về bằng cấp, chứng chỉ để đủ điều kiện dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá; giả mạo các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Căn cước, Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tương đương.

b) Nhờ người khác thi hộ trong kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.

2. Bộ Tài chính hoặc đơn vị theo phân cấp của Bộ Tài chính quyết định thu hồi thẻ thẩm định viên về giá theo mẫu quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này.

Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý giá hoặc đơn vị được Bộ Tài chính giao tổ chức thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá

1. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi và thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi, thí sinh không đủ điều kiện dự thi.

2. Lập và báo cáo Bộ Tài chính kế hoạch tổ chức thi.

3. Tổ chức thực hiện việc trao thẻ thẩm định viên về giá cho các thí sinh đủ điều kiện cấp thẻ theo quy định.

4. Tổ chức quản lý danh sách người có thẻ thẩm định viên về giá.

5. Tổ chức bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan đến các kỳ thi thẩm định viên về giá theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

6. Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức thi thẩm định viên về giá; quản lý, cấp, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá (sau đây gọi tắt là Thông tư 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính).

3. Đối với thí sinh đã dự thi lần đầu tại kỳ thi tổ chức liền trước ngày 01/7/2024 có điểm thi đạt yêu cầu của các môn thi quy định tại Thông tư 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính dưới đây thì được bảo lưu kết quả thi tại kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức thi thực hiện theo quy định của Thông tư này, cụ thể:

a) Môn thi Thẩm định giá bất động sản;

b) Môn thi Thẩm định giá doanh nghiệp;

c) Môn thi Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực giá và thẩm định giá kết hợp với môn thi “Nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá” quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính tương đương với môn thi “Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực thẩm định giá, nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá” quy định tại Thông tư này;

d) Đối với thí sinh đã dự thi có điểm thi đạt yêu cầu của một trong hai môn thi “Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực giá và thẩm định giá” hoặc môn thi “Nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính được bảo lưu môn thi đạt yêu cầu và được đăng ký dự thi môn thi còn lại chưa đạt yêu cầu đề xác định đạt yêu cầu môn thi “Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực thẩm định giá, nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Hình thức thi, thời gian thi, ngôn ngữ làm bài thi và nội dung của môn thi “Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực giá và thẩm định giá” và môn thi “Nguyên lý hình thành giá cả thị trường và nguyên lý căn bản về thẩm định giá” thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ Tài chính.

4. Thẻ thẩm định viên về giá đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục có giá trị pháp lý và tương đương với thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực doanh nghiệp.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hoặc thủ trưởng đơn vị được Bộ Tài chính giao tổ chức thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chủ tịch Hội đồng thi cấp thẻ thẩm định viên về giá, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
...
PHỤ LỤC I MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ THI CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ
...
PHỤ LỤC II NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÁC MÔN THI CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ
...
PHỤ LỤC III MẪU QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Mẫu số 01 (trường hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp thẻ)
...
Mẫu số 02 (trường hợp Thủ trưởng đơn vị được phân cấp cấp thẻ)
...
PHỤ LỤC IV MẪU THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ LĨNH VỰC THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Mẫu số 01 (trường hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp thẻ)
...
Mẫu số 02 (trường hợp Thủ trưởng đơn vị được phân cấp cấp thẻ)
...
PHỤ LỤC V MẪU THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ LĨNH VỰC THẨM ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP

Mẫu số 01 (trường hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp thẻ)
...
Mẫu số 02 (trường hợp Thủ trưởng đơn vị được phân cấp cấp thẻ)
...
PHỤ LỤC VI MẪU QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC THU HỒI THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Mẫu số 01 (trường hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính thu hồi thẻ)
...
Mẫu số 02 (trường hợp Thủ trưởng đơn vị được phân cấp thu hồi thẻ)

Xem nội dung VB
Điều 44. Thẻ thẩm định viên về giá
...
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thi, cấp, quản lý, thu hồi thẻ thẩm định viên về giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 39/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho thẩm định viên về giá và người làm công tác thẩm định giá của nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người có nhu cầu dự thi để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá; người có Thẻ thẩm định viên về giá; thẩm định viên về giá; người làm công tác thẩm định giá của Nhà nước; đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá; cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá (sau đây gọi tắt là đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức).

Điều 3. Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

1. Chương trình, nội dung, thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải phù hợp với các đối tượng tham dự lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định tại Thông tư này.

2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải đảm bảo thường xuyên cập nhật, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

3. Việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức được tổ chức dưới hình thức tập trung. Trong trường hợp phát sinh tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cần thiết khác, Bộ Tài chính thông báo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

4. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Yêu cầu đối với đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức khi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Có đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đạt đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có trình độ đại học, sau đại học chuyên ngành phù hợp với chuyên đề giảng dạy;

b) Có thời gian công tác từ 5 (năm) năm trở lên liên quan trực tiếp đến chuyên đề giảng dạy;

c) Người đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy liên quan đến các chuyên đề giảng dạy tại các cơ sở đào tạo hoặc người đã làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến giá, thẩm định giá hoặc các chuyên gia, thẩm định viên về giá trong và ngoài nước có đủ trình độ, uy tín chuyên môn phù hợp với các chuyên đề của lớp học quy định tại Thông tư này.

2. Có kế hoạch, nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phù hợp với quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 15, Điều 16 và Điều 20 Thông tư này.

3. Phải bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bao gồm phòng học, bàn ghế, bảng viết, giáo cụ và các trang thiết bị cần thiết khác (tự có hoặc có hợp đồng thuê). Trường hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo hình thức trực tuyến, thì phải bảo đảm cơ sở vật chất (tự có hoặc có hợp đồng thuê) để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo hình thức này.

Điều 5. Quyền và trách nhiệm của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

1. Quyền của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

a) Chiêu sinh và chủ động triển khai thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo đúng các đối tượng quy định Thông tư này;

b) Được thu tiền dịch vụ từ những học viên tham dự lớp học. Mức thu tiền dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức do Thủ trưởng đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quyết định. Việc thu, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán đối với nguồn thu tiền dịch vụ từ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

c) Cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước và xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá theo quy định tại Thông tư này.

2. Trách nhiệm của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

a) Chấp hành các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; kiểm tra đánh giá kết quả học tập, cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước và xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá theo quy định tại Thông tư này;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư này;

c) Thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá của học viên vào Phiếu đánh giá chất lượng lớp học theo Mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính đúng đắn, hợp pháp của kết quả đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và các Chứng chỉ hoặc xác nhận do đơn vị mình cấp;

đ) Cấp lại chứng chỉ hoặc xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức do sai thông tin học viên hoặc không đúng so với mẫu chứng chỉ theo quy định của Bộ Tài chính hoặc trong trường hợp bị mất, bị hỏng theo yêu cầu của học viên;

e) Không được cấp Chứng chỉ hoặc xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức cho những người không có tên trong danh sách học, những người có tham gia học nhưng không đạt yêu cầu lớp học theo quy định tại Thông tư này;

g) Lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quy định tại Điều 7 Thông tư này;

h) Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các thông tin, tài liệu, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức;

i) Chịu sự kiểm tra của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Chế độ báo cáo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

1. Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực hiện báo cáo định kỳ hàng Quý về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của đơn vị mình theo các nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá Quý I/ II/ III/ IV;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Quyết định mở từng lớp học; Quyết định công nhận kết quả đạt yêu cầu từng lớp học; Danh sách học viên đạt yêu cầu từng lớp học và được cấp Chứng chỉ hoặc xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức theo Mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; Lịch học của từng lớp học kèm theo nội dung, chương trình;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Quản lý giá;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo bằng một trong các hình thức sau: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan); hoặc qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng khi hệ thống này được xây dựng và đi vào hoạt động;

e) Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất ngày cuối cùng của tháng đầu Quý liền kề sau Quý báo cáo;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: Định kỳ hàng Quý;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Ngày cuối cùng của Quý báo cáo;

i) Mẫu báo cáo: Quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của đơn vị mình theo các nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo tình hình hoạt động và phương hướng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức năm;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Tình hình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá trong năm báo cáo;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Quản lý giá;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo bằng một trong các hình thức sau: Gửi trực tiếp tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận; hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; hoặc gửi thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan); hoặc qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng khi hệ thống này được xây dựng và đi vào hoạt động;

e) Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất trước ngày 31/01 của năm liền sau năm báo cáo;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: Định kỳ hàng năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Ngày cuối cùng của năm báo cáo;

i) Mẫu báo cáo: Quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của mình.

4. Đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 7. Lưu trữ hồ sơ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức

1. Hồ sơ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lưu trữ tại Bộ Tài chính bao gồm:

a) Báo cáo quý về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gửi đến Bộ Tài chính;

b) Báo cáo năm về tình hình hoạt động và phương hướng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gửi đến Bộ Tài chính;

c) Báo cáo đột xuất về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gửi đến Bộ Tài chính.

2. Hồ sơ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải lưu trữ tại đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bao gồm:

a) Các tài liệu quy định tại Điều 6 Thông tư này;

b) Các bài kiểm tra của học viên đối với đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá và bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước;

c) Phiếu đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức;

d) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

3. Hình thức lưu trữ bằng giấy hoặc dữ liệu điện tử. Thời gian lưu trữ là 10 (mười) năm đối với hồ sơ tổ chức đào tạo và 05 (năm) năm đối với hồ sơ tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Thủ trưởng đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá phải chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản, lưu trữ, tiêu hủy hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Chương II ĐÀO TẠO VỀ NGHIỆP VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 8. Đối tượng đào tạo

1. Người có nhu cầu dự thi để được cấp thẻ thẩm định viên về giá.

2. Các đối tượng khác có nhu cầu tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá.

Điều 9. Đơn vị đào tạo

Các đơn vị sau đây đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này được tổ chức đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá:

1. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo trình độ đại học về thẩm định giá theo quy định của pháp luật giáo dục - đào tạo.

2. Các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính.

3. Hội nghề nghiệp về thẩm định giá.

Điều 10. Hình thức tổ chức, nội dung và chương trình đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá

1. Lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá được tổ chức tập trung một kỳ liên tục hoặc nhiều kỳ nhưng không kéo dài quá 3 (ba) tháng cho một lớp học và phải đảm bảo dạy và học đủ thời lượng, nội dung và chương trình theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nội dung và chương trình đào tạo:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

a) Lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tài sản bao gồm 05 chuyên đề: Pháp luật áp dụng trong lĩnh vực thẩm định giá; Nguyên lý hình thành giá cả thị trường và Nguyên lý căn bản về thẩm định giá; Thẩm định giá bất động sản; Thẩm định giá động sản 1 (Thẩm định giá máy, thiết bị); Thẩm định giá động sản 2 (Thẩm định giá tài sản vô hình và các động sản khác);

b) Lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm các chuyên đề quy định tại điểm a khoản này và 02 chuyên đề: Phân tích tài chính doanh nghiệp; Thẩm định giá doanh nghiệp;

c) Thời lượng cho một lớp đào tạo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này là 116 giờ, lớp đào tạo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là 160 giờ, chưa bao gồm thời gian ôn tập và kiểm tra đánh giá kết quả học tập quy định tại Điều 11 Thông tư này;

d) Các học viên đã có kết quả đạt yêu cầu của lớp đào tạo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được phép học bổ sung để hoàn thành chương trình của lớp đào tạo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

3. Một lớp học đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tối đa không quá 150 học viên.

4. Đơn vị tổ chức đào tạo thực hiện việc biên soạn tài liệu đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá theo nội dung khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời, có trách nhiệm cập nhật những nội dung, quy định mới của nhà nước liên quan đến lĩnh vực giá, thẩm định giá trong quá trình giảng dạy.

Điều 11. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập

1. Kết thúc lớp đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, đơn vị đào tạo phải tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Nội dung các bài kiểm tra phải thể hiện được những kiến thức cơ bản của các chuyên đề trong chương trình học:

a) Đối với lớp đào tạo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư này, việc kiểm tra được thực hiện bằng 2 (hai) bài viết; trong đó, bài kiểm tra cho phần kiến thức chung là 120 phút, cho phần kiến thức nghiệp vụ là 150 phút;

b) Đối với các học viên theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 Thông tư này phải làm 01 (một) bài kiểm tra viết 150 phút cho các chuyên đề học bổ sung.

2. Điểm các bài kiểm tra được chấm theo thang điểm 10 (mười). Bài kiểm tra dưới 5 điểm là bài kiểm tra không đạt yêu cầu.

3. Học viên tham dự lớp học không đảm bảo tối thiểu 80% thời gian học theo quy định cho mỗi chuyên đề thì không được tham dự kiểm tra đánh giá kết quả học tập cho phần kiến thức có chuyên đề đó và phải học lại chuyên đề còn thiếu.

4. Trường hợp vì lý do thai sản, tai nạn, ốm đau có giấy chứng nhận của bệnh viện (sau đây gọi tắt là lý do đặc biệt), học viên không tham dự kiểm tra đánh giá kết quả học tập được thì học viên phải có đơn đề nghị hoãn kiểm tra và phải được Thủ trưởng đơn vị đào tạo chấp thuận.

5. Học viên có bài kiểm tra không đạt yêu cầu và học viên chưa dự kiểm tra vì lý do đặc biệt quy định tại khoản 4 Điều này có quyền dự kiểm tra lại một lần đối với mỗi bài kiểm tra. Thời gian tổ chức kiểm tra lại cho những học viên trên do Thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định nhưng không quá 6 (sáu) tháng kể từ ngày kết thúc lớp đào tạo.

Điều 12. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá

1. Học viên có kết quả từ 5 (năm) điểm trở lên đối với mỗi bài kiểm tra là học viên đạt yêu cầu lớp học và được cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tài sản hoặc Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp tùy theo chương trình học mà học viên tham gia đào tạo.

Học viên đã được cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tài sản được phép học bổ sung để hoàn thành chương trình của lớp đào tạo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư này để được cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá doanh nghiệp.

2. Thủ trưởng đơn vị đào tạo (hoặc cấp phó được Thủ trưởng đơn vị đào tạo phân công) ký, cấp Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá theo Mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này và phải được đóng dấu giáp lai ảnh của học viên.

3. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá tài sản là một trong những điều kiện để đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp là một trong những điều kiện để đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc để đăng ký dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp.

Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá cũng là điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập hội đồng thẩm định giá tham gia hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 60 Luật Giá.

4. Các trường hợp cấp lại Chứng chỉ vì bị mất, bị hỏng do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác sẽ do đơn vị đào tạo xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ Chứng chỉ cấp lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp lại này.

Chương III BỒI DƯỠNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

Điều 13. Đối tượng bồi dưỡng

1. Người làm công tác thẩm định giá nhà nước.

2. Các đối tượng khác trong các cơ quan nhà nước và người có nhu cầu bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

Điều 14. Đơn vị bồi dưỡng

Các đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư này được tổ chức bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

Điều 15. Hình thức tổ chức, nội dung và chương trình bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước

1. Lớp bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước được tổ chức tập trung một kỳ liên tục, phải đảm bảo dạy và học đủ thời lượng, nội dung và chương trình theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thời lượng cho một lớp bồi dưỡng được quy định là 40 giờ, chưa bao gồm thời gian ôn tập và kiểm tra đánh giá kết quả học tập quy định tại Điều 16 Thông tư này.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Một lớp học bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước tối đa không quá 150 học viên.

4. Đơn vị tổ chức bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước thực hiện việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước theo nội dung khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời, có trách nhiệm cập nhật những nội dung, quy định mới của nhà nước liên quan đến lĩnh vực giá, thẩm định giá (trong đó có thẩm định giá nhà nước) trong quá trình giảng dạy.

Điều 16. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập

1. Kết thúc lớp bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước, đơn vị bồi dưỡng phải tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Việc kiểm tra được thực hiện bằng 1 (một) bài viết (tự luận hoặc trắc nghiệm do Thủ trưởng đơn vị bồi dưỡng quyết định) trong thời gian tối đa 150 phút cho cả phần kiến thức chung và phần kiến thức nghiệp vụ. Nội dung bài kiểm tra phải thể hiện được những kiến thức cơ bản của các chuyên đề trong chương trình học.

2. Điểm bài kiểm tra được chấm theo thang điểm 10 (mười). Bài kiểm tra dưới 5 điểm là bài kiểm tra không đạt yêu cầu.

3. Học viên tham dự lớp học không đảm bảo tối thiểu 80% thời gian học theo quy định cho mỗi chuyên đề thì không được tham dự kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phải học lại chuyên đề còn thiếu.

4. Trường hợp vì lý do đặc biệt, học viên không tham dự kiểm tra đánh giá kết quả học tập được thì học viên phải có đơn đề nghị hoãn kiểm tra và phải được Thủ trưởng đơn vị tổ chức bồi dưỡng chấp thuận.

5. Học viên có bài kiểm tra không đạt yêu cầu và học viên chưa dự kiểm tra vì lý do đặc biệt quy định tại khoản 4 Điều này có quyền dự kiểm tra lại một lần. Thời gian tổ chức kiểm tra lại cho những học viên trên do Thủ trưởng đơn vị bồi dưỡng quyết định nhưng không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày kết thúc lớp bồi dưỡng.

Điều 17. Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước

1. Học viên có kết quả bài kiểm tra từ 5 (năm) điểm trở lên là học viên đạt yêu cầu lớp học và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

2. Thủ trưởng đơn vị bồi dưỡng (hoặc cấp phó được Thủ trưởng đơn vị bồi dưỡng phân công) ký, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước. Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước theo Mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này và phải đóng dấu giáp lai ảnh của học viên.

3. Các trường hợp cấp lại Chứng chỉ vì bị mất, bị rách, bị cháy, bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác do đơn vị bồi dưỡng xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ Chứng chỉ cấp lại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp lại này.

4. Người có Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước được tham gia hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 60 Luật Giá.

Người tham gia hội đồng thẩm định giá nhà nước có trách nhiệm chủ động thực hiện cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá thông qua hoạt động thực thi công vụ của mình đồng thời qua ít nhất một trong các hình thức sau:

a) Tham gia hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá hoặc hội nghị tập huấn công tác thẩm định giá do Bộ Tài chính tổ chức hằng năm. Thời lượng tham gia tối thiểu: 01 hội nghị/năm;

b) Tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về thẩm định giá do các đơn vị bồi dưỡng quy định tại Điều 14 Thông tư này tổ chức hằng năm. Thời lượng tham gia tối thiểu: 01 lớp/năm.

Chương IV

CẬP NHẬT KIẾN THỨC VỀ NGHIỆP VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 18. Đối tượng cập nhật kiến thức

1. Thẩm định viên về giá, trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 01 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề.

2. Các đối tượng khác có nhu cầu.

Điều 19. Đơn vị cập nhật kiến thức

1. Các trung tâm có chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính và Hội nghề nghiệp về thẩm định giá đáp ứng đủ các yêu cầu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được tổ chức cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá.

2. Trước khi mở lớp cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá đầu tiên trong năm, các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này phải gửi công văn thông báo về Bộ Tài chính đối với việc cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá của mình.

Điều 20. Hình thức tổ chức, nội dung, tài liệu và thời lượng cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá

1. Lớp cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá được tổ chức tập trung một kỳ liên tục và phải đảm bảo đủ thời gian, nội dung và tài liệu theo các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và định hướng nội dung cập nhật theo thông báo hằng năm của Bộ Tài chính. Mỗi lớp cập nhật kiến thức không quá 150 học viên.

2. Nội dung cập nhật kiến thức

a) Các quy định của pháp luật về giá, thẩm định giá và pháp luật khác có liên quan đến hoạt động thẩm định giá của Việt Nam và quốc tế;

b) Kỹ năng, kinh nghiệm thẩm định giá, các tình huống thẩm định giá và đạo đức nghề nghiệp;

c) Các kiến thức và thông tin khác liên quan đến thẩm định giá.

3. Tài liệu cập nhật kiến thức do đơn vị tổ chức lớp cập nhật kiến thức thực hiện biên soạn và phải chứa đựng các nội dung cơ bản theo quy định tại khoản 2 Điều này. Đơn vị tổ chức cập nhật kiến thức có trách nhiệm thường xuyên cập nhật những nội dung, quy định mới của nhà nước liên quan đến lĩnh vực giá, thẩm định giá trong quá trình giảng dạy.

4. Thời lượng cập nhật kiến thức tối thiểu hằng năm là 20 giờ/năm đối với lĩnh vực thẩm định giá tài sản và 24 giờ/năm đối với lĩnh vực thẩm định giá doanh nghiệp. Trường hợp học viên đã tham dự lớp cập nhật kiến thức nhưng chưa đủ số giờ cập nhật kiến thức theo quy định thì phải tham dự tiếp các lớp cập nhật khác của cùng một đơn vị cập nhật kiến thức để bổ sung đủ số giờ cập nhật theo quy định nhưng tối đa không quá 2 (hai) lớp/năm.

Điều 21. Xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá

1. Học viên đã tham dự đủ số giờ cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Thông tư này được xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp.

Thủ trưởng đơn vị cập nhật kiến thức (hoặc cấp phó được Thủ trưởng đơn vị cập nhật kiến thức phân công) ký, cấp xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá.

2. Xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều này là một trong những điều kiện để thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp kể từ ngày được cấp xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá đến hết ngày 31/12 năm sau liền kề.

3. Trường hợp thẩm định viên về giá hành nghề tham dự Hội nghị Hội thẩm định viên về giá ASEAN thì Giấy chứng nhận tham dự Hội nghị thay thế văn bản xác nhận hoàn thành cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá khi đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá

1. Tiếp nhận, tổng hợp số liệu, báo cáo về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

2. Thông báo định hướng nội dung cập nhật kiến thức về nghiệp vụ thẩm định giá cho năm liền kề trước ngày 31/12 hằng năm.

3. Định kỳ hoặc đột xuất, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) tiến hành kiểm tra việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá của các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Điều khoản chuyển tiếp

1. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá được cấp theo quy định tại Quyết định số 87/2008/QĐ-BTC ngày 22/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính được công nhận như chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư này.

2. Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá được cấp theo quy định tại Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá và Thông tư số 11/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 204/2014/TT-BTC được công nhận như chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá doanh nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

3. Những lớp đào tạo, bồi dưỡng về thẩm định giá có quyết định mở lớp học trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục được thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá và Thông tư số 11/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 204/2014/TT-BTC .

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá và Thông tư số 11/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 204/2014/TT-BTC ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
...
PHỤ LỤC I PHIẾU ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG LỚP HỌC
...
PHỤ LỤC II DANH SÁCH HỌC VIÊN ĐẠT YÊU CẦU LỚP HỌC VÀ ĐƯỢC CẤP CHỨNG CHỈ HOẶC XÁC NHẬN HOÀN THÀNH CẬP NHẬT KIẾN THỨC
...
PHỤ LỤC III BÁO CÁO QUÝ VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, CẬP NHẬT KIẾN THỨC
...
PHỤ LỤC IV BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, CẬP NHẬT KIẾN THỨC
...
PHỤ LỤC V KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU CHỨNG CHỈ ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
10. Quản lý nhà nước về thẩm định giá bao gồm các nội dung sau đây:
...
b) Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ nghiệp vụ thẩm định giá cho thẩm định viên về giá và người làm công tác thẩm định giá của Nhà nước;
Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 39/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 4. Trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Doanh nghiệp thẩm định giá không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thẩm định giá thì phải trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp với mức trích hằng năm là 1% trên doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng), được trích vào cuối năm tài chính và được hạch toán như trường hợp trích lập dự phòng phải trả.

2. Trường hợp dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp có số dư cuối năm tài chính vượt mức 10% doanh thu dịch vụ thẩm định giá (doanh thu không có thuế giá trị gia tăng) tính trung bình trong 03 năm gần nhất, doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập đối với phần vượt mức và hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế nội bộ quản lý và sử dụng dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

4. Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thẩm định giá thì số dư dự phòng rủi ro nghề nghiệp đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết được hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
e) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về đánh giá hoạt động doanh nghiệp thẩm định giá; trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá.
...
Điều 5. Chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá

1. Báo cáo định kỳ:

a) Định kỳ từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo theo mẫu Báo cáo tình hình doanh nghiệp và một số chỉ tiêu hoạt động thẩm định giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm liền trước năm thực hiện báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện báo cáo;

b) Định kỳ sau ngày 15 tháng 12 của năm, doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo theo mẫu Báo cáo rà soát danh sách thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu của báo cáo là ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Báo cáo định kỳ quy định tại Khoản 1 Điều này được gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) bằng một trong các phương thức sau:

a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của Bộ Tài chính;

b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Gửi qua fax hoặc thư điện tử theo địa chỉ baocaotdg@mof.gov.vn (bản scan);

d) Gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng của Bộ Tài chính (nếu có).

3. Báo cáo đột xuất: Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện báo cáo đột xuất đối với các nội dung liên quan đến việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá);

b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để phục vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá phát hành theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, tố tụng hình sự.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu tại các báo cáo.

Xem nội dung VB
Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
...
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
...
h) Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; chế độ báo cáo giá thị trường
...
Điều 4. Tổ chức thu thập thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 5. Phân tích diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 6. Dự báo giá thị trường
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Chương IV KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 20. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 21. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường
...
Điều 23. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 12. Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá
...
3. Tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; chế độ báo cáo giá thị trường
...
Điều 4. Tổ chức thu thập thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 5. Phân tích diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 6. Dự báo giá thị trường
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Chương IV KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 20. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 21. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường
...
Điều 23. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
...
9. Tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; chế độ báo cáo giá thị trường
...
Điều 4. Tổ chức thu thập thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 5. Phân tích diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 6. Dự báo giá thị trường
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Chương IV KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 20. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 21. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường
...
Điều 23. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 36. Báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; chế độ báo cáo giá thị trường
...
Điều 4. Tổ chức thu thập thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 5. Phân tích diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 6. Dự báo giá thị trường
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Chương IV KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 20. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
Điều 21. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức báo cáo giá thị trường
...
Điều 23. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 37. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điều này được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
...
Chương IV KINH PHÍ ĐẢM BẢO CHO CÔNG TÁC TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 19. Nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Kinh phí bảo đảm thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Các nội dung chi:

a) Chi khoán công tác phí cho cán bộ được phân công nhiệm vụ thu thập giá thị trường trực tiếp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 của Thông tư này;

b) Chi công tác phí cho các đoàn công tác khảo sát, điều tra, thu thập thông tin giá thị trường điểm c khoản 4 Điều 4 của Thông tư này;

c) Chi tiền họp tại các cuộc họp phục vụ xây dựng báo cáo giá thị trường;

d) Chi văn phòng phẩm, nước uống, biên soạn và in ấn tài liệu cho các cuộc họp phục vụ xây dựng báo cáo giá thị trường;

đ) Chi xây dựng các báo cáo giá thị trường.

Điều 20. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Căn cứ yêu cầu, tính chất của nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ quan thực hiện tổng hợp phân tích, dự báo giá thị trường có trách nhiệm bố trí nguồn ngân sách nhà nước được phân cấp, giao hằng năm của mình để chi cho các hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường theo các nội dung chi, mức chi quy định tại khoản 2 Điều này để phục vụ xây dựng báo cáo giá thị trường phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Thông tư này.

2. Mức chi của các nội dung chi cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường như sau:

a) Cán bộ được phân công nhiệm vụ thu thập giá thị trường trực tiếp được hưởng tiền công tác phí khoán theo tháng theo quy định tại Điều 8 của Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

b) Công tác phí cho các đoàn công tác khảo sát, điều tra, thu thập thông tin giá thị trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;

c) Mức tiền họp tại các cuộc họp phục vụ xây dựng báo cáo giá thị trường:

- Chủ trì: mức chi 150.000 đồng/người/cuộc họp.

- Các thành viên tham dự: mức chi 100.000 đồng/người/cuộc họp.

d) Mức chi văn phòng phẩm, nước uống, biên soạn và in ấn tài liệu cho các cuộc họp thực hiện thanh toán theo thực tế hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

đ) Mức chi xây dựng các báo cáo giá thị trường:

- Báo cáo giá thị trường chuyên ngành của các Bộ, báo cáo giá thị trường của địa phương: 1.200.000 đồng/báo cáo.

- Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ và đột xuất của Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá: 8.000.000 đồng/báo cáo.

Điều 21. Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

Việc lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí cho hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.
...
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 39. Kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và cơ sở dữ liệu về giá

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và công tác quản lý, điều tiết giá được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ.

2. Kinh phí đầu tư xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về giá được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan được giao quản lý cơ sở dữ liệu về giá có trách nhiệm lập dự toán ngân sách phục vụ cho việc xây dựng, duy trì, nâng cấp, quản lý, vận hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
....
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 36. Báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

1. Báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tổng hợp mặt bằng giá thị trường và diễn biến mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước và thế giới phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về giá; phân tích các nguyên nhân của biến động mặt bằng giá thị trường; đánh giá tác động kinh tế, chính trị trong nước và thế giới đến công tác quản lý, điều tiết giá;

b) Công tác quản lý, điều tiết giá của Nhà nước;

c) Dự báo xu hướng biến động mặt bằng giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;

d) Dự kiến phương án điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (nếu có); đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế - xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát;

đ) Giải pháp, biện pháp quản lý, điều tiết giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 đến Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
...
Điều 3. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; chế độ báo cáo giá thị trường

1. Đối tượng thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường:

a) Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá); các Bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi là các Bộ);

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết);

c) Các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

2. Chế độ báo cáo giá thị trường:

a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ của địa phương, báo cáo giá thị trường đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo tổng hợp định kỳ, đột xuất phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá, kiểm soát lạm phát;

b) Các Bộ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan có liên quan thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; gửi báo cáo định kỳ, đột xuất cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường thuộc địa bàn quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; gửi báo cáo định kỳ, đột xuất cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này;

d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường trình cấp có thẩm quyền theo phân công được giao.

Điều 4. Tổ chức thu thập thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Nguyên tắc thu thập thông tin giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật Giá.

2. Yêu cầu đối với việc tổ chức thu thập thông tin giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ:

a) Khách quan, kịp thời, giá thu thập là giá thực mua, thực bán trên thị trường tại thời điểm thu thập thông tin. Trường hợp thu thập theo giá kê khai thì phải chú thích rõ mức giá gắn với tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá;

b) Đúng địa điểm cần báo cáo giá và thời điểm báo cáo giá thị trường;

c) Khu vực khảo sát thu thập thông tin giá thị trường phải là những nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, ổn định, đại diện cho khu vực thành thị, nông thôn tại tỉnh, thành phố;

d) Phân định rõ giá khảo sát, thu thập là giá bán lẻ, giá kê khai; giá phổ biến trên thị trường thu thập được; chú thích rõ thông tin về các yếu tố khác liên quan như: giá đã bao gồm hay chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, giá bán tại cửa hàng, nơi sản xuất, giá bán tới địa điểm người mua (nơi giao hàng), tính đặc thù thị trường.

3. Công tác thu thập thông tin giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện từ một hoặc một số nguồn thông tin sau:

a) Giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ được khảo sát trên thị trường;

b) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;

c) Giá kê khai của các tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Giá khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và các cơ sở dữ liệu về giá tại các Bộ, địa phương;

đ) Giá trúng đấu giá, đấu thầu;

e) Giá từ các nguồn hợp pháp khác.

4. Phương pháp thu thập thông tin giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ gồm các phương pháp sau:

a) Phương pháp trực tiếp: Cán bộ được phân công nhiệm vụ thu thập thông tin giá thị trường trực tiếp (sau đây gọi là cán bộ thị trường) đến các nhà máy sản xuất, chế biến; trung tâm bán buôn, chợ đầu mối; các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ, cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh; các cơ sở giáo dục đào tạo (đối với dịch vụ đào tạo); các cơ sở khám chữa bệnh (đối với dịch vụ khám chữa bệnh) để khảo sát, thu thập thông tin và ghi chép lại thông tin thu thập được vào Phiếu khảo sát, thu thập thông tin giá thị trường theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này;

b) Phương pháp gián tiếp: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường thực hiện thu thập thông tin giá hàng hóa, dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả thống kê giá kê khai; hoặc giá do cơ quan, tổ chức thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường mua thông tin; hoặc giá được cung cấp bởi cơ quan, tổ chức có dữ liệu, thông tin về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ. Các thông tin thu thập được phải chú thích rõ nguồn thông tin và được ghi nhận trong báo cáo giá thị trường hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định (nếu có);

c) Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đoàn khảo sát giá thị trường để phục vụ công tác thu thập thông tin giá thị trường đảm bảo chính xác, đáp ứng yêu cầu báo cáo. Các thông tin thu thập được phải chú thích rõ nguồn thông tin và được ghi nhận trong báo cáo giá thị trường hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định (nếu có).

Điều 5. Phân tích diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Nguyên tắc phân tích giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật Giá.

2. Yêu cầu đối với phân tích giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ:

a) Phản ánh chính xác, trung thực tình hình giá hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở các thông tin, số liệu đã thu thập được;

b) Đầy đủ, phù hợp với yêu cầu, mục đích của báo cáo phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá.

3. Nội dung phân tích giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ gồm:

a) Tổng hợp thông tin giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ đã thu thập được để phân tích, đánh giá diễn biến giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ (xu hướng giá tăng/giảm, mức giá tăng/giảm, so sánh mức giá với cùng kỳ, so với kỳ liền trước hoặc các kỳ gốc khác); đánh giá tác động của biến động giá thị trường, phương án điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý, định giá đến mặt bằng giá thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát;

b) Phân tích nguyên nhân biến động giá hàng hóa, dịch vụ (quan hệ cung cầu, yếu tố tác động từ thị trường thế giới và trong nước, yếu tố tiền tệ, tỷ giá, chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm và các yếu tố liên quan khác).

Điều 6. Dự báo giá thị trường

1. Dự báo giá thị trường là việc đưa ra các nhận định, số liệu dự toán về diễn biến giá của hàng hóa, dịch vụ hoặc xu hướng biến động của mặt bằng giá thị trường trong một thời điểm hoặc thời kỳ tương lai trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố có khả năng tác động lên giá hàng hóa, dịch vụ để phục vụ việc hoạch định chính sách, ra quyết định trong công tác quản lý, điều tiết giá của cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

2. Nguyên tắc dự báo giá hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật Giá.

3. Yêu cầu đối với việc dự báo giá hàng hóa, dịch vụ:

a) Thực hiện dựa trên các nguồn thông tin tin cậy;

b) Đầy đủ, đáp ứng với yêu cầu, mục đích của báo cáo phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá.

4. Dự báo giá thị trường bao gồm dự báo giá cho từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể và đánh giá tác động dự kiến của diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ đó đến chỉ số giá tiêu dùng (sau đây gọi là chỉ số CPI) để trên cơ sở đó dự báo biến động chỉ số CPI nhằm đề xuất các giải pháp về quản lý, điều tiết giá góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 34. Hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
2. Nội dung công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được quy định như sau:

a) Tổ chức thu thập, phân tích giá các tài sản, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 3 đến Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
....
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 34. Hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
2. Nội dung công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được quy định như sau:
...
b) Xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trong từng giai đoạn, thời kỳ gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
....
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 34. Hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
2. Nội dung công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được quy định như sau:
...
b) Xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trong từng giai đoạn, thời kỳ gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
....
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
Điều 7. Phân loại báo cáo giá thị trường
...
Điều 8. Nội dung báo cáo giá thị trường
...
Điều 9. Phương thức gửi báo cáo
...
Chương II BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Mục 1. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Điều 10. Báo cáo giá thị trường tổng hợp đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 11. Báo cáo giá thị trường tổng hợp định kỳ, đột xuất trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ
Điều 12. Báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ
...
Mục 2. BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH CỦA CÁC BỘ

Điều 13. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành đột xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu
...
Điều 14. Báo cáo giá thị trường chuyên ngành định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá
...
Chương III BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG; BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TỔNG HỢP, PHÂN TÍCH, DỰ BÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG

Điều 15. Báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 16. Nội dung báo cáo, tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo giá thị trường địa phương
...
Điều 17. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện báo cáo giá thị trường của địa phương
...
Điều 18. Báo cáo giá thị trường của tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
....
PHỤ LỤC I DANH MỤC THÔNG TIN, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THỰC HIỆN BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG CHUYÊN NGÀNH
....
PHỤ LỤC II BẢNG GIÁ THỊ TRƯỜNG THÁNG …… NĂM ……..
...
PHỤ LỤC III QUY ƯỚC ĐẶT KÝ HIỆU TỆP BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG
...
PHỤ LỤC V MẪU BÁO CÁO GIÁ THỊ TRƯỜNG TỔNG HỢP CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRÌNH TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ VÀ PHỤC VỤ HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
...
PHỤ LỤC VI MẪU PHIẾU KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN GIÁ THỊ TRƯỜNG

Xem nội dung VB
Điều 34. Hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường
...
2. Nội dung công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường được quy định như sau:
...
b) Xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường trong từng giai đoạn, thời kỳ gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 đến Điều 9 ; Chương II, Chương III Thông tư 29/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực I

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền tại Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ lai dắt đối với tàu thuyền hoạt động vận tải quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Trường hợp cụ thể

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam phải có xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực về công suất tàu lai thực tế điều động.

Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực I (không áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện)

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển thuộc Khu vực II

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển Khu vực III

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển (không áp dụng đối với bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Nhóm cảng biển số 5)

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

4. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với Nhóm cảng biển số 5

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

5. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích, áp dụng cách tính giá như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với bến cảng Lạch Huyện và khu vực Cái Mép - Thị Vải

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại áp dụng đối với bốc, dỡ container phục vụ vận chuyển qua lại giữa các cảng để xuất hàng, chuyển cảng đích.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 8. Điều kiện áp dụng

1. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa quy định tại Điều 3 của Quyết định này áp dụng đối với hàng hoá container được vận chuyển giữa hai cầu, bến cảng trong nội địa Việt Nam.

2. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 của Quyết định này áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá container được bốc tại cầu, bến cảng biển cuối cùng của Việt Nam đi cảng nước ngoài;

b) Hàng hoá container đến từ cảng nước ngoài được dỡ tại cầu, bến cảng biển đầu tiên của Việt Nam.

Điều 9. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Khung giá sử dụng cầu, bến, phao neo
...
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“2. Giá dịch vụ tại cảng biển bao gồm:

a) Giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ hoa tiêu; giá sử dụng cầu, bến, phao neo; giá dịch vụ lai dắt tàu biển;
Khung giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 811/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 810/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 809/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam. Các mức giá quy định tại Quyết định này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động nội địa

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải nội địa tính theo lượt dẫn tàu là 2.000.000 đồng/lượt.

3. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 2 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 4. Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu thuyền hoạt động quốc tế

1. Tính theo đơn giá: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải cho một lượt dẫn tàu bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 1, 2, 3, 4, 5, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này với cự ly dẫn tàu với tổng dung tích của tàu thuyền. Riêng đối với Mục 6 khoản 1 Điều này thì được tính bằng tích số của đơn giá tối đa quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này với tổng dung tích của tàu thuyền.

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

3. Đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải quy định tại khoản 2 Điều này, tàu thuyền có dung tích từ 80.000 GT trở lên (không áp dụng đối với tàu khách và tàu hàng lỏng), hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển, giá dịch vụ hoa tiêu được tính như sau:

a) Phần dung tích trên 80.000 GT đến 120.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 50% quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Phần dung tích trên 120.000 GT đến 160.000 GT, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 40% quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Phần dung tích trên 160.000 GT trở lên, áp dụng giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải bằng 30% quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tính theo lượt dẫn tàu: Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải quốc tế tính theo lượt dẫn tàu.

a) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 1, 2, 3, 7 khoản 1 và khoản 2 Điều này là 300 USD/lượt;

b) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 4, 5 khoản 1 Điều này là 200 USD/lượt;

c) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu quy định tại Mục 6 khoản 1 Điều này là 100 USD/lượt;

d) Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải theo lượt dẫn tàu đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT (kể cả tàu đánh bắt cá) là 40 USD/lượt;

5. Trường hợp giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo đơn giá quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này thấp hơn giá tối đa theo lượt dẫn tàu quy định tại khoản 4 Điều này, thì giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tính theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 5. Các trường hợp tính giá cụ thể

1. Trường hợp thay đổi giờ yêu cầu hoa tiêu hoặc huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu mà thời gian báo cho tổ chức hoa tiêu biết trước thời điểm yêu cầu hoa tiêu đã dự kiến dưới 03 giờ, đối với cảng dầu khí ngoài khơi dưới 08 giờ, người yêu cầu hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi thì áp dụng mức giá bằng 30.000 đồng/người/giờ đối với hoạt động nội địa và 10 USD/người/giờ đối với hoạt động quốc tế. Đối với trường hợp bao gồm cả phương tiện thì áp dụng mức giá bằng 200.000 đồng/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động nội địa và 20 USD/người và phương tiện/giờ đối với hoạt động quốc tế. Trường hợp hoa tiêu chưa xuất phát thì tính 01 giờ; hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu được tính tối thiểu là 01 giờ; hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu sau thời điểm yêu cầu dịch vụ hoa tiêu không quá 04 giờ, quá thời gian trên việc yêu cầu dịch vụ hoa tiêu coi như đã hủy bỏ và người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó và mức giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này.

2. Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu nhưng tàu thuyền không vận hành được vì lý do bất khả kháng có cảng vụ hàng hải khu vực xác nhận thì giá dịch vụ hoa tiêu được tính không vượt quá giá tối đa theo lượt quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải nội địa) và khoản 4 Điều 4 của Quyết định này (đối với hoạt động hàng hải quốc tế).

3. Tàu thuyền không tới thẳng cảng đến mà yêu cầu neo lại dọc đường (trừ các tuyến không được chạy đêm) người yêu cầu hoa tiêu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu. Giá dịch vụ phương tiện đón trả hoa tiêu không quá 300.000 đồng/tàu/lượt đối với tàu hoạt động nội địa và 30 USD/tàu/lượt đối với tàu hoạt động quốc tế.

4. Tàu thuyền đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ đã yêu cầu được cảng vụ hàng hải khu vực và tổ chức hoa tiêu chấp thuận mà hoa tiêu chưa tới, khiến tàu phải chờ đợi thì tổ chức hoa tiêu phải trả tiền chờ đợi cho chủ tàu, tiền chờ đợi là 250.000 đồng/giờ đối với hoạt động nội địa và 100 USD/giờ đối với hoạt động quốc tế, tính theo số giờ thực tế phải chờ đợi.

5. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền chở khách) vào, rời một khu vực hàng hải tối thiểu 04 chuyến/tháng/khu vực hàng hải trở lên, thì từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 80% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

6. Tàu thuyền chở khách vào, rời khu vực hàng hải tối thiểu 4 chuyến/tháng/khu vực hàng hải, từ chuyến thứ tư trở đi của tàu này trong tháng, áp dụng bằng 50% giá tối đa dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 2.000.000 đồng đối với tàu hoạt động nội địa và 300 USD đối với tàu hoạt động quốc tế.

7. Tàu thuyền chở khách hoạt động quốc tế có dung tích toàn phần từ 50.000 GT trở lên vào, rời một khu vực hàng hải, áp dụng bằng 40% giá dịch vụ hoa tiêu quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này hoặc áp dụng tối đa bằng 300 USD.

Điều 6. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
6
...
Dịch vụ hoa tiêu hàng hải
Giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại cảng biển được hướng dẫn bởi Quyết định 814/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 3. Hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá

1. Hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá bao gồm:

a) Đơn đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ giấy tờ chứng minh đã cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính phù hợp với lĩnh vực chuyên môn đăng ký hành nghề và còn hiệu lực tại thời điểm đăng ký hành nghề trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 01 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề;

c) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bản giấy do cơ quan có thẩm quyền cấp không quá 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký hành nghề hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ của Phiếu này hoặc Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bản điện tử được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID không quá 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký hành nghề;

d) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá với vai trò là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp;

đ) Giấy xác nhận thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ sổ bảo hiểm xã hội thể hiện quá trình đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá trừ trường hợp đã được thông báo là thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá;

e) Bản sao hợp đồng lao động ký kết giữa doanh nghiệp và người có thẻ thẩm định viên về giá trừ trường hợp người có thẻ thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

2. Người có thẻ thẩm định viên về giá chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá.

3. Doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề của người có thẻ thẩm định viên về giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.

Điều 4. Trình tự đăng ký hành nghề thẩm định giá

1. Người có thẻ thẩm định viên về giá khi thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này bảo đảm đầy đủ, chính xác, hợp pháp.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ bảo đảm đầy đủ thành phần hồ sơ và ký xác nhận trên Đơn đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp của từng người có thẻ thẩm định viên về giá.

3. Doanh nghiệp thẩm định giá có văn bản về việc đăng ký hành nghề thẩm định giá Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này gửi Bộ Tài chính kèm theo hồ sơ đăng ký hành nghề của từng người có thẻ thẩm định viên về giá bằng một trong các phương thức sau: dịch vụ bưu chính, nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, có nội dung chưa chính xác, Bộ Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến (nếu có). Doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và gửi đến Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Việc gửi hồ sơ bổ sung, hoàn thiện được thực hiện theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều này. Hết thời hạn trên, trường hợp doanh nghiệp chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ, hồ sơ sẽ không được xem xét để đưa vào thông báo danh sách thẩm định viên về giá;

b) Trường hợp hồ sơ cho thấy người có thẻ thẩm định viên về giá chưa đáp ứng đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm giá theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Giá, Bộ Tài chính thông báo đến doanh nghiệp lý do chưa đủ điều kiện đăng ký hành nghề bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến (nếu có).

5. Trước ngày làm việc cuối cùng của tháng, người có thẻ thẩm định viên về giá đáp ứng đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thấm giá theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Giá và có hồ sơ đăng ký hành nghề được doanh nghiệp thẩm định giá gửi đến Bộ Tài chính trước ngày 15 của tháng đó thì được Bộ Tài chính thông báo là thẩm định viên về giá trong danh sách thẩm định viên về giá được điều chỉnh hằng tháng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

6. Trường hợp biến động thẩm định viên về giá do thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp không còn duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá hoặc thay đổi nơi đăng ký hành nghề, doanh nghiệp thẩm định giá phải kịp thời báo cáo Bộ Tài chính trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có biến động để cập nhật thông tin tại danh sách thẩm định viên về giá được điều chỉnh hằng tháng.
...
PHỤ LỤC

Mẫu số 01 Đơn đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp
...
Mẫu số 02 Giấy xác nhận thời gian thực tế làm việc với trình độ đại học trở lên
...
Mẫu số 03 Về việc đăng ký hành nghề thẩm định giá
...
Mẫu số 04 Thông báo về việc điều chỉnh thông tin về thẩm định viên về giá năm.... tại các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Xem nội dung VB
Điều 45. Đăng ký hành nghề thẩm định giá
...
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
...
Mục 2. CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gồm:

a) Đơn đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị có chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá;

c) Hồ sơ đăng ký hành nghề theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này của ít nhất 05 người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp đề nghị có chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá, mỗi chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá cần có thêm ít nhất hồ sơ đăng ký hành nghề của 03 người có thẻ thẩm định viên về giá;

d) Danh sách có xác nhận của doanh nghiệp về thành viên góp vốn, cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, thành viên góp vốn, cổ đông là tổ chức hoặc bản sao điện tử hợp lệ của Danh sách này trong trường hợp không có thông tin về danh sách thành viên góp vốn danh sách cổ đông tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

đ) Bản sao chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của thành viên góp vốn, cổ đông là tổ chức theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá gồm:

a) Tài liệu tại điểm a, b và d khoản 1 Điều này. Trường hợp đề nghị cấp lại chỉ vì lý do giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, rách thì không yêu cầu nộp tài liệu tại điểm b và d khoản 1 Điều này;

b) Bản gốc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được cấp trong trường hợp đề nghị cấp lại do thay đổi thông tin doanh nghiệp tại giấy chứng nhận hoặc giấy chứng nhận bị rách; bản kê khai lý do bị mất giấy chứng nhận và cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung đã kê khai hoặc bản sao điện tử hợp lệ của bản kê khai này trong trường hợp đề nghị cấp lại do giấy chứng nhận bị mất;

c) Bản sao chứng thực hoặc bản sao điện tử hợp lệ các tài liệu chứng minh cho việc thay đổi thông tin doanh nghiệp tại giấy chứng nhận trong trường hợp đề nghị cấp lại do thay đổi thông tin doanh nghiệp tại giấy chứng nhận;

d) Hồ sơ đăng ký hành nghề theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này của những người có thẻ thẩm định viên về giá có liên quan đến việc cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (nếu có).

Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Doanh nghiệp khi đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này bảo đảm đầy đủ, chính xác, hợp pháp và gửi đến Bộ Tài chính bằng một trong các phương thức sau: dịch vụ bưu chính, nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải gửi hồ sơ đến Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, rách hoặc thông tin thay đổi so với thông tin trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp;

b) Nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí ngay khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và không được hoàn trả phí đã nộp.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, có nội dung chưa chính xác, Bộ Tài chính hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến. Doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và gửi đến Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Việc gửi hồ sơ bổ sung, hoàn thiện được thực hiện theo phương thức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Hết thời hạn trên, trường hợp doanh nghiệp chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo đến doanh nghiệp về việc không cấp, cấp lại bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến;

b) Trường hợp hồ sơ cho thấy doanh nghiệp không đủ điều kiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Bộ Tài chính thông báo đến doanh nghiệp lý do không cấp, cấp lại bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến;

c) Trường hợp hồ sơ cho thấy doanh nghiệp đủ điều kiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Bộ Tài chính cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

3. Riêng trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá đề nghị cấp lại chỉ vì lý do giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, rách; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 05 Đơn đề nghị cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
...
Mẫu số 06 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Xem nội dung VB
Điều 49. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
...
3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
...
Mục 3. ĐÌNH CHỈ KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 7. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Giá.

2. Bộ Tài chính ban hành quyết định đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này trừ trường hợp đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày bị đình chỉ hoạt động trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá hoặc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính và hình sự, doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo về sự việc đến Bộ Tài chính.

3. Trường hợp đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 của Luật Giá thực hiện như sau:

a) Ngày doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ là ngày hết thời hạn 03 tháng liên tục kể từ ngày doanh nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá. Thời gian đình chỉ là 60 ngày.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ, doanh nghiệp có trách nhiệm khắc phục để bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá, đồng thời có báo cáo bằng văn bản về việc đã khắc phục kèm theo tài liệu chứng minh gửi đến Bộ Tài chính.

Căn cứ báo cáo của doanh nghiệp, Bộ Tài chính xem xét có thông báo bằng văn bản cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này;

b) Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá trong 03 tháng liên tục mà chưa bị đình chỉ do không thực hiện báo cáo với Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Giá thì khi bị phát hiện được xử lý như sau:

Trường hợp tại thời điểm phát hiện, doanh nghiệp bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian 180 ngày kể từ ngày bị phát hiện. Hết thời gian đình chỉ, trường hợp doanh nghiệp chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá, Bộ Tài chính có thông báo bằng văn bản cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được cấp.

Trường hợp tại thời điểm phát hiện, doanh nghiệp không bảo đảm một trong những điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá thi sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian 180 ngày kể từ ngày bị phát hiện. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ, doanh nghiệp có trách nhiệm khắc phục để bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá, đồng thời có báo cáo bằng văn bản về việc đã khắc phục kèm theo tài liệu chứng minh gửi đến Bộ Tài chính; trường hợp không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này. Hết thời gian đình chỉ, trường hợp doanh nghiệp chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá, Bộ Tài chính xem xét có thông báo bằng văn bản cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được cấp.

4. Trường hợp đình chỉ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật Giá, doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian 270 ngày kể từ ngày hành vi được phát hiện. Hết thời gian đình chỉ, trường hợp doanh nghiệp chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời bảo đảm tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật Giá, Bộ Tài chính xem xét có thông báo bằng văn bản cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được cấp.

5. Trong thời gian bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các hợp đồng thẩm định giá đã ký với khách hàng, hợp đồng lao động đã ký với thẩm định viên, nhân viên và các nghĩa vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài chính đăng tải công khai trên trang Thông tin điện từ của Bộ Tài chính danh sách doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, danh sách doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sau khi bị đình chỉ.

Điều 8. Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

1. Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 của Luật Giá.

2. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm b, d và đ khoản 2 Điều 54 của Luật Giá, doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm dừng ngay việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời trong thời hạn 03 ngày làm việc, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo về sự việc kèm theo bản gốc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đến Bộ Tài chính.

3. Bộ Tài chính ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này; đăng tải công khai danh sách doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; xóa tên khỏi danh sách doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

4. Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành và phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các hợp đồng thẩm định giá đã ký với khách hàng, hợp đồng lao động đã ký với thẩm định viên, nhân viên, lưu trữ hồ sơ thẩm định giá và các nghĩa vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 07 Quyết định về việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
...
Mẫu số 08 Quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Xem nội dung VB
Điều 54. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
...
4. Chính phủ quy định chi tiết việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Khoản được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Nghị định 78/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 45/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ CHUNG ĐỐI VỚI HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ, LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ

Điều 4. Phương pháp định giá, lựa chọn phương pháp định giá
...
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP CHI PHÍ

Điều 5. Một số nguyên tắc chung
...
Điều 6. Giá hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại
...
Điều 7. Giá hàng hóa nhập khẩu
...
Điều 8. Giá hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước
...
Điều 9. Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước
...
Điều 10. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính
...
Điều 11. Lợi nhuận
...
Điều 12. Xác định giá
...
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH

Điều 13. Thu thập thông tin về giá
...
Điều 14. Phân tích thông tin
...
Điều 15. Xác định giá
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Quy định chuyển tiếp
...
Điều 17. Hiệu lực thi hành

Xem nội dung VB
Điều 23. Phương pháp định giá
...
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 45/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2024
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Hình thức xử phạt, nguyên tắc áp dụng và các biện pháp khắc phục hậu quả
...
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 5. Đăng tải thông tin vi phạm về giá, thẩm định giá
...
Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT GIÁ VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIÁ

Điều 6. Xử phạt đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá
...
Điều 8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về giá theo quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá
...
Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về gửi phương án giá hàng hóa, dịch vụ hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ, cung cấp số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 10. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 11. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá
...
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 14. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra trong quản lý giá
...
Điều 15. Xử phạt hành vi vi phạm khác trong quản lý giá
...
Điều 16. Xử phạt hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
...
Chương III HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 17. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin
...
Điều 18. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động thẩm định giá
...
Điều 19. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp
...
Điều 20. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và phát hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá
...
Điều 21. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 22. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề thẩm định giá
...
Điều 23. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về thẩm định giá
...
Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá và sử dụng chứng thư thẩm định giá đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá
...
Điều 25. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá
...
Chương IV THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 26. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 27. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra
...
Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường
...
Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành
...
Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 33. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 72. Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Hình thức xử phạt, nguyên tắc áp dụng và các biện pháp khắc phục hậu quả
...
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 5. Đăng tải thông tin vi phạm về giá, thẩm định giá
...
Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT GIÁ VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIÁ

Điều 6. Xử phạt đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá
...
Điều 8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về giá theo quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá
...
Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về gửi phương án giá hàng hóa, dịch vụ hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ, cung cấp số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 10. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 11. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá
...
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 14. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra trong quản lý giá
...
Điều 15. Xử phạt hành vi vi phạm khác trong quản lý giá
...
Điều 16. Xử phạt hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
...
Chương III HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 17. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin
...
Điều 18. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động thẩm định giá
...
Điều 19. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp
...
Điều 20. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và phát hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá
...
Điều 21. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 22. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề thẩm định giá
...
Điều 23. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về thẩm định giá
...
Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá và sử dụng chứng thư thẩm định giá đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá
...
Điều 25. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá
...
Chương IV THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 26. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 27. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra
...
Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường
...
Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành
...
Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 33. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 72. Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Hình thức xử phạt, nguyên tắc áp dụng và các biện pháp khắc phục hậu quả
...
Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 5. Đăng tải thông tin vi phạm về giá, thẩm định giá
...
Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT GIÁ VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ GIÁ

Điều 6. Xử phạt đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá
...
Điều 8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về giá theo quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý, điều tiết giá
...
Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về gửi phương án giá hàng hóa, dịch vụ hoặc báo cáo đánh giá chi tiết về các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ, cung cấp số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 10. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
...
Điều 11. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá
...
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
...
Điều 14. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra trong quản lý giá
...
Điều 15. Xử phạt hành vi vi phạm khác trong quản lý giá
...
Điều 16. Xử phạt hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giá đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
...
Chương III HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 17. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin
...
Điều 18. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động thẩm định giá
...
Điều 19. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp
...
Điều 20. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập và phát hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá
...
Điều 21. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá
...
Điều 22. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề thẩm định giá
...
Điều 23. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định khác về thẩm định giá
...
Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin về tài sản thẩm định giá và sử dụng chứng thư thẩm định giá đối với khách hàng thẩm định giá và bên thứ ba có tên trong hợp đồng thẩm định giá
...
Điều 25. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá
...
Chương IV THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 26. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 27. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra
...
Điều 28. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường
...
Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành
...
Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 33. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 72. Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/07/2024
Phương pháp lập giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 31/07/2024 (VB hết hiệu lực: 01/02/2025)
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định phương pháp lập giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp lập giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực từ khi Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện trở thành đơn vị hạch toán độc lập.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

b) Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện từ khi trở thành đơn vị hạch toán độc lập;

c) Các tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện là đơn vị chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

2. Giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực bao gồm giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực được quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 73 Luật Giá số 16/2023/QH15).

3. Năm N là năm dương lịch áp dụng giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó.

4. Năm N-1 là năm dương lịch liền trước năm N.

5. Năm N-2 là năm dương lịch liền trước năm N-1.

Chương II PHƯƠNG PHÁP LẬP GIÁ ĐIỀU ĐỘ VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN VÀ ĐIỀU HÀNH GIAO DỊCH THỊ TRƯỜNG ĐIỆN

Điều 3. Phương pháp lập giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực

1. Giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực được xác định hằng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực trong năm.

2. Giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N (gN) được xác định theo công thức sau:

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 4. Phương pháp xác định tổng doanh thu điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cho phép hằng năm

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 5. Phương pháp xác định lợi nhuận cho phép

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 6. Phương pháp xác định tổng chi phí vốn cho phép

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 7. Phương pháp xác định tổng chi phí vận hành và bảo dưỡng cho phép

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 8. Tài liệu phục vụ tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực

(Xem chi tiết văn bản)

Điều 9. Tài liệu phục vụ tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực điều chỉnh

1. Trường hợp có chênh lệch giữa các thông số tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực với số liệu thực tế làm giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực ước thực hiện thay đổi so với mức giá đã được phê duyệt, giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực sẽ được điều chỉnh theo báo cáo của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

2. Tài liệu phục vụ tính toán giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N điều chỉnh bao gồm:

a) Báo cáo về cơ sở xây dựng giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực điều chỉnh năm N;

b) Thuyết minh, bảng tính giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực điều chỉnh của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này;

c) Các tài liệu, văn bản chứng minh.

Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hợp đồng dịch vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện

1. Hợp đồng dịch vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện được ký kết giữa Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm thanh toán chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực theo hợp đồng đã ký kết.

Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và báo cáo theo quy định của pháp luật về giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

2. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xác định, hạch toán doanh thu, chi phí; lập và sử dụng hóa đơn; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp, pháp luật về thuế, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cục Điều tiết điện lực thực hiện việc trình phê duyệt giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về phân công của Chính phủ quy định thẩm quyền phê duyệt giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp

Khi trở thành đơn vị hạch toán độc lập, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng và báo cáo phương án tính toán chi phí để xác định giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại Thông tư này để báo cáo Cục Điều tiết điện lực thẩm định theo quy định. Trong thời gian giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực chưa được phê duyệt, các bên thỏa thuận việc tạm thanh toán tại hợp đồng dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cho đến khi giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực của năm được phê duyệt. Phần chênh lệch giữa thanh toán tạm tính và thanh toán theo giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực của năm được các bên quyết toán lại sau khi giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực của năm được phê duyệt.

Điều 13. Nguyên tắc áp dụng giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực

Trường hợp giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N chưa được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm N-1, các bên thỏa thuận việc tạm thanh toán tại hợp đồng dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực cho đến khi giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N được phê duyệt. Các bên có thể thỏa thuận áp dụng giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N-1 đối với trường hợp tạm thanh toán. Phần chênh lệch giữa thanh toán tạm tính và thanh toán theo giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực mới (năm N) được các bên quyết toán lại sau khi giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực năm N được phê duyệt.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2024.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có vướng mắc, yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực.”.Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
Phương pháp lập khung giá bán buôn điện, giá bán buôn điện, hợp đồng mua buôn điện mẫu của Tổng công ty điện lực được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 30/12/2024 (VB hết hiệu lực: 01/02/2025)
Căn cứ Luật giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định phương pháp lập khung giá bán buôn điện.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về phương pháp lập khung giá bán buôn điện, giá bán buôn điện, hợp đồng mua buôn điện mẫu của Tổng công ty điện lực.

2. Thông tư này áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các Tổng công ty Điện lực; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khung giá bán buôn điện là khung giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho từng Tổng công ty Điện lực chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được xác định theo mức giá bán buôn điện bình quân tối thiểu (đồng/kWh) và mức giá bán buôn điện bình quân tối đa (đồng/kWh).

2. Giá bán buôn điện là giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho Tổng công ty Điện lực để bán lại cho khách hàng sử dụng điện.

3. Sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực là sản lượng điện (bao gồm cả sản lượng điện thương phẩm bán điện tại khu vực chưa nối lưới điện quốc gia) mà Tổng công ty Điện lực bán cho khách hàng sử dụng điện và cho các đơn vị bán lẻ điện.

4. Tổng công ty Điện lực là các tổng công ty điện lực thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bao gồm Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh.

5. Năm N là năm dương lịch tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm áp dụng khung giá và giá.

6. Năm N-1 là năm dương lịch liền trước năm N.

7. Năm N-2 là năm dương lịch liền trước năm N-1.

Chương II PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH KHUNG GIÁ BÁN BUÔN ĐIỆN

Điều 3. Phương pháp xác định khung giá bán buôn điện

Mức giá bán buôn điện trong khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho Tổng công ty Điện lực năm N được xác định theo công thức sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 4. Nguyên tắc xác định chi phí phân phối - bán lẻ điện

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 5. Nguyên tắc xác định lợi nhuận định mức của Tổng công ty Điện lực

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 6. Phương pháp lập giá bán buôn điện

Giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho Tổng công ty Điện lực năm N được xác định theo công thức sau:

(Xem chi tiết tại văn bản)

Điều 7. Tài liệu phục vụ tính toán khung giá bán buôn điện

1. Thuyết minh cơ sở xây dựng khung giá bán buôn điện năm N.

2. Thuyết minh và các bảng tính khung giá bán buôn điện năm N, gồm:

a) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng, tình hình thực hiện doanh thu, các chi phí năm N-1, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu đến thời điểm ngày 31 tháng 12 (hoặc ngày 30 tháng 9 trong trường hợp chưa có số liệu thời điểm 31 tháng 12) năm N-1.

b) Thuyết minh và tính toán các thành phần chi phí, lợi nhuận của Tổng công ty Điện lực i, gồm:

- Bảng tổng hợp chi phí phân phối - bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.

- Bảng tính khấu hao tài sản cố định hiện hữu năm N gồm: tổng hợp giá trị khấu hao cơ bản của các tài sản cố định có trên sổ sách đến ngày 31 tháng 12 năm N-1; Nguyên giá tài sản cố định tăng mới năm N và khấu hao dự kiến của tài sản cố định tăng mới năm N; Dự kiến tài sản cố định tăng mới năm N theo danh mục các công trình đóng điện (trong đó có số liệu về tổng mức đầu tư, tạm tăng tài sản, thời gian đóng điện dự kiến, chi phí khấu hao dự kiến trích cho năm N).

- Bảng tính lãi vay kế hoạch năm N theo các hợp đồng tín dụng.

- Bảng tính ước chi phí chênh lệch tỷ giá năm N.

- Bảng tổng hợp về biến động số lao động cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện năm N-1, kế hoạch lao động bình quân cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện năm N và kế hoạch chi phí tiền lương và các khoản trích theo lương cho hoạt động phân phối - bán lẻ điện dự kiến cho năm N.

- Bảng dự kiến kế hoạch chi phí, doanh thu tại các khu vực chưa nối lưới điện quốc gia (nếu có).

- Bảng số liệu dự kiến chi phí mua điện mặt trời mái nhà năm N.

- Vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31 tháng 12 (hoặc ngày 30 tháng 9 trong trường hợp chưa có số liệu tại thời điểm ngày 31 tháng 12) năm N-1 (đồng).

c) Thuyết minh và tính toán chi phí sửa chữa lớn, chi phí vật liệu, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, chi phí phát triển khách hàng, chi phí chăm sóc khách hàng và truyền thông, chi phí công tơ.

d) Thuyết minh và bảng tính toán chi phí mua điện từ thị trường điện của Tổng công ty Điện lực i của năm N, bao gồm:

- Thuyết minh về các thông số đầu vào tính toán mô phỏng chi phí mua điện từ thị trường điện, gồm: Phụ tải dự báo năm N; các số liệu chung của thị trường điện năm N: giá điện năng thị trường, giá công suất thị trường, hệ số quy đổi theo tổn thất điện năng; các số liệu của các nhà máy điện được phân bổ hợp đồng và các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N: giá hợp đồng, sản lượng hợp đồng, sản lượng kế hoạch;

- Bảng tính toán chi phí mua điện tử thị trường điện của Tổng công ty Điện lực i trong năm N.

đ) Thuyết minh và bảng tính các khoản thuế, phí của các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N, bao gồm:

- Thuyết minh về các chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải làm mát, thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, dịch vụ môi trường rừng, các chí liên quan khác;

- Bảng tính toán phân bổ các khoản thuế, phí của các nhà máy điện ký hợp đồng trực tiếp với Tổng công ty Điện lực trong năm N.

3. Các tài liệu kèm theo, gồm:

a) Báo cáo tài chính năm N-2 đã được kiểm toán do Cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo thuyết minh;

b) Định mức các thành phần chi phí sử dụng trong hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Tài liệu phục vụ tính toán khung giá bán buôn điện điều chỉnh

1. Tờ trình về việc xây dựng khung giá bán buôn điện điều chỉnh năm N.

2. Thuyết minh và các bảng tính khung giá bán buôn điện điều chỉnh năm N, gồm:

a) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng, tình hình thực hiện doanh thu, các chi phí, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu ước thực hiện năm N;

b) Thuyết minh và bảng tính các thành phần chi phí, lợi nhuận của Tổng công ty Điện lực trong khung giá bán buôn điện điều chỉnh theo các hạng mục quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này;

c) Các tài liệu, văn bản chứng minh.

Chương III HỢP ĐỒNG MUA BUÔN ĐIỆN

Điều 9. Hợp đồng mua buôn điện mẫu

1. Hợp đồng mua buôn điện mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này là cơ sở cho Bên bán và Bên mua đàm phán ký kết. Bên bán và Bên mua có quyền thỏa thuận, thống nhất bổ sung các điều khoản được quy định cụ thể trong Hợp đồng mua buôn điện mẫu phù hợp quy định pháp luật.

2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực thực hiện việc kiểm tra hợp đồng mua buôn điện sau khi kết thúc đàm phán và ký tắt hợp đồng mua buôn điện theo quy định của pháp luật.

Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thẩm định khung giá bán buôn điện hằng năm và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt; kiểm tra hợp đồng mua buôn điện.

2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán, báo cáo khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho các Tổng công ty Điện lực hàng năm, chỉ đạo Tổng công ty Điện lực thực hiện lập bộ số liệu xây dựng khung giá bán buôn điện theo quy định tại Thông tư này.

3. Các Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm lập bộ số liệu xây dựng khung giá bán buôn điện hàng năm trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam để báo cáo Cục Điều tiết điện lực theo quy định tại Thông tư này.

4. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm tính toán mô phỏng chi phí mua điện của các Tổng công ty Điện lực từ thị trường điện để phục vụ tính toán khung giá bán buôn điện.

5. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường điện, chi phí mua điện từ các nhà máy ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Tổng công ty Điện lực, doanh thu và lợi nhuận định mức của các Tổng công ty Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

6. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm đàm phán hợp đồng mua buôn điện theo quy định tại Thông tư này, đảm bảo tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu, tài liệu cung cấp; thống nhất để báo cáo Cục Điều tiết điện lực kiểm tra hợp đồng mua bán điện theo quy định.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 12 năm 2024.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các đơn vị có trách nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
...
PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG MUA BUÔN ĐIỆN MẪU

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“2. Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực.”.
Phương pháp lập giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 31/07/2024 (VB hết hiệu lực: 01/02/2025)
Phương pháp lập khung giá bán buôn điện, giá bán buôn điện, hợp đồng mua buôn điện mẫu của Tổng công ty điện lực được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 30/12/2024 (VB hết hiệu lực: 01/02/2025)
Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn bởi Thông tư 21/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 17/10/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Chương I PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Nguyên tắc và căn cứ định giá

1. Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cách thức xác định giá cho từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

2. Việc định giá phải áp dụng các nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 6 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là Nghị định số 96/2023/NĐ-CP) và các nguyên tắc sau đây:

a) Việc lựa chọn phương pháp định giá thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;

b) Không tính trùng lắp các yếu tố chi phí cấu thành trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

3. Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm:

a) Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi không được tính vào chi phí hình thành giá thành dịch vụ theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan;

b) Các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật, trong đó có các khoản phụ cấp đặc thù gồm:

- Chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng và cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 của các Bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng;

- Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc.

c) Các chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác.

Điều 2. Lựa chọn áp dụng phương pháp định giá

1. Phương pháp chi phí được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi xác định được các yếu tố hình thành giá.

2. Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi cần định giá thì phải thu thập được ít nhất thông tin của 3 đơn vị thực hiện dịch vụ để so sánh. Việc lựa chọn thu thập các thông tin về dịch vụ so sánh được quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Căn cứ điều kiện thực tiễn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lập phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đơn vị lập phương án giá) quyết định lựa chọn áp dụng một trong hai phương pháp định giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để lập phương án giá.

4. Trường hợp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng được cả hai phương pháp định giá cùng lúc thì Thủ trưởng đơn vị lập phương án giá được ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH

Điều 3. Phương pháp so sánh

1. Phương pháp so sánh là phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào thông tin thu thập được về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại được cung ứng trên thị trường trong nước tại thời điểm định giá để đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá.

2. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại là dịch vụ có cùng tên gọi, cùng quy trình chuyên môn kỹ thuật và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cung cấp bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật;

b) Tương đương về trình độ chuyên môn của nhân lực, kỹ thuật và công nghệ;

c) Tương đương về mô hình quản lý hoặc tương đương về hạng đơn vị sự nghiệp y tế.

Điều 4. Thu thập thông tin về giá so sánh

1. Đơn vị lập phương án giá thực hiện thu thập thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại để so sánh với dịch vụ cần định giá do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác cung cấp và chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực của quá trình thu thập thông tin và kết quả thu thập thông tin.

2. Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Đã hoặc đang được áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cung cấp thông tin về giá;

b) Được thu thập trong phạm vi 24 tháng tính từ thời điểm xây dựng phương án giá trở về trước của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp không đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ khác nhau trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì mở rộng việc thu thập thông tin theo tiêu chí từ gần đến xa để lấy đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ.

3. Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại căn cứ ít nhất một trong các nguồn tài liệu sau đây:

a) Giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc thẩm định hoặc công bố hoặc cung cấp;

b) Giá thực tế giao dịch thành công của các tổ chức, cá nhân ghi trên hóa đơn bán hàng theo quy định hoặc giá ghi trên hợp đồng cung cấp dịch vụ;

c) Giá kê khai hoặc giá thông báo hoặc giá niêm yết theo quy định; giá do các tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định;

d) Giá do các hội, hiệp hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp;

đ) Giá thu thập được thông qua thông tin đăng tải chính thức trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức;

e) Giá do tổ chức, cá nhân khảo sát và thu thập trên thị trường được lập dưới dạng phiếu khảo sát thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư;

g) Giá chào mua, chào bán trên báo giá của đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Báo giá phải được đóng dấu của đơn vị (nếu có) và có đầy đủ thông tin về:

- Tên, địa chỉ;

- Mã số thuế (nếu có);

- Thời điểm cung cấp thông tin;

- Hiệu lực của báo giá, chào giá (nếu có);

h) Giá trong các cơ sở dữ liệu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân tích thông tin

1. Xác định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh thu thập được có cùng loại với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá bằng cách đối chiếu thông tin thu thập được với quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp thu thập được trên 03 thông tin thì được quyết định lựa chọn số thông tin để đưa vào so sánh theo nguyên tắc ưu tiên:

a) Lựa chọn thu thập thông tin tại thời điểm gần nhất với thời điểm lập phương án giá;

b) Trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các địa bàn tương đồng về điều kiện kinh tế xã hội.

3. Hiệu chỉnh thông tin trước khi thực hiện so sánh:

a) Trường hợp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại để so sánh thu thập được có biến động thì cần phải điều chỉnh tăng hoặc giảm mức giá của dịch vụ so sánh về thời điểm xác định giá phù hợp với biến động của giá trên thị trường, cụ thể giá so sánh là giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền quy định trong năm liền kề trước đó và chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do Quốc hội công bố;

b) Trường hợp giá thu thập được có đơn vị tính giá là ngoại tệ thì quy đổi thành Đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm xác định giá.

4. Đơn vị lập phương án giá xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể và đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể theo một trong hai cách sau đây:

a) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể được xác định trên cơ sở giá bình quân của các mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh sau khi hiệu chỉnh;

b) Đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể trên cơ sở phân tích các thông tin thu thập quy định tại Điều 4 Thông tư này và các khoản 1, 2 Điều này bảo đảm mức giá đề xuất phù hợp quy định tại Điều 1 Thông tư này và không vượt mức giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh sau khi hiệu chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHI PHÍ

Điều 6. Phương pháp chi phí

1. Phương pháp chi phí là phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm xác định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá nêu trong phương án giá phù hợp với quy trình chuyên môn của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

2. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP được xác định như sau:

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh = Giá thành toàn bộ + Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) + Nghĩa vụ tài chính

Trong đó:

a) Giá thành toàn bộ: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;

b) Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có): thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

c) Nghĩa vụ tài chính: thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản chi phí trong yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xác định theo một trong các cách sau đây:

a) Đối với những yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên thị trường có dịch vụ so sánh mà đơn vị thu thập được thông tin thì được sử dụng phương pháp so sánh theo quy định tại mục 2 Chương này để xác định chi phí. Trường hợp không có đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì người đứng đầu đơn vị lập phương án giá chịu trách nhiệm quyết định sử dụng thông tin thực tế thu thập được;

b) Trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành;

c) Trên cơ sở mức chi phí thực tế hợp lý của yếu tố hình thành giá;

d) Trên cơ sở chế độ chính sách của Nhà nước hoặc khoản mục chi phí đã có giá do Nhà nước quy định hoặc đã có quy định pháp luật (về thuế, kế toán, thống kê và các pháp luật có liên quan);

đ) Trên cơ sở phân bổ chi phí theo các tiêu chí phù hợp với hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

4. Cách xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể và đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể theo phương pháp chi phí: Căn cứ quy định tại các điều 6, 7 và 8 Thông tư này để xác định và bảo đảm mức giá đề xuất phù hợp quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 7. Xác định các chi phí và xây dựng phương án giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

1. Đơn vị lập phương án giá tổng hợp các yếu tố chi phí, nhóm chi phí hình thành giá của một dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp xác định các chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành:

Chi phí = Định mức kinh tế - kỹ thuật x Đơn giá

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật được xác định như sau:

- Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành theo thẩm quyền.

- Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP: áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp yếu tố chi phí thực tế thấp hơn chi phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành tại thời điểm đơn vị lập phương án giá: Đơn vị lập phương án giá xác định yếu tố hình thành giá theo chi phí thực tế nhưng phải bảo đảm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chi phí thực tế cao hơn chi phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm đơn vị lập phương án giá: Đơn vị lập phương án giá thực hiện việc tính theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành.

- Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo khoản 7 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

b) Đơn giá được xác định như sau:

Đơn giá các chi phí (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) là giá cung ứng đến đơn vị được xác định theo giá công bố (nếu có) hoặc giá ghi trên hóa đơn theo quy định của pháp luật tại thời điểm lập phương án giá cộng (+) với chi phí lưu thông hợp lý, hợp lệ đến đơn vị hoặc giá trúng thầu theo quy định. Ưu tiên các chứng từ gần thời điểm xây dựng phương án giá và thời hạn 24 tháng tính đến ngày đơn vị xây dựng phương án giá.

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định thì người đứng đầu đơn vị quyết định trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập được theo một trong các hình thức quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này để xác định đơn giá.

Trường hợp không có đủ 03 đơn vị cung ứng thì người đứng đầu đơn vị lập phương án giá chịu trách nhiệm việc quyết định sử dụng thông tin thực tế thu thập được.

Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương. Chi phí nhân công thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;

Trong trường hợp các chi phí có nhiều đơn giá khác nhau thì người đứng đầu đơn vị quyết định lựa chọn việc tính đơn giá theo giá bình quân hoặc bình quân gia quyền hoặc tự quyết định lựa chọn đơn giá của chi phí đó bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không vượt mức tối đa giá của thông tin thu thập được.

3. Trường hợp xác định chi phí không có định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành:

Trong trường hợp yếu tố chi phí có nhiều loại, nhiều đơn giá khác nhau thì xác định theo mức chi phí thực tế hợp lý của yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

4. Trường hợp xác định chi phí bằng phương pháp phân bổ:

a) Đối với chi phí liên quan đến nhiều dịch vụ mà không thể tách riêng ra được thì cần tập hợp và phân bổ theo tiêu chí phù hợp như doanh thu, chi phí, số lượng, khối lượng, thời gian và các tiêu chí khác phù hợp với đơn vị và quy định của pháp luật liên quan. Việc phân bổ chi phí bảo đảm không tính trùng các khoản chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp yếu tố chi phí phát sinh trong nhiều kỳ kế toán thì cần tập hợp số liệu của nhiều kỳ kế toán để phân bổ phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật liên quan của từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

b) Các tiêu chí dùng để phân bổ do người đứng đầu đơn vị lập phương án giá quyết định trên cơ sở tham khảo các tiêu chí phân bổ tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và các tiêu chí khác (nếu có) phù hợp với yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

5. Căn cứ các quy định hiện hành và cơ sở dữ liệu hiện có, đơn vị có thể tham khảo một trong hai cách theo các bước tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để xây dựng phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 8. Tích luỹ hoặc lợi nhuận dự kiến

1. Đơn vị lập phương án giá xác định tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) theo tỷ suất lợi nhuận hoặc mức lợi nhuận hoặc mức tích lũy theo quy định của pháp luật.

Đơn vị lập phương án giá được lựa chọn một trong các tiêu chí giá vốn hoặc doanh thu thuần khi xác định mức lợi nhuận dự kiến hoặc mức tích luỹ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xác định không vượt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên thị trường (đối với dịch vụ có giá thị trường).

2. Lợi nhuận dự kiến:

a) Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ phần trăm (%) của khoản lợi nhuận tính trên giá vốn hoặc trên doanh thu thuần;

b) Mức lợi nhuận xác định theo điểm a khoản này theo mức lợi nhuận thực tế của các năm trước liền kề gần nhất theo báo cáo tài chính của đơn vị.

3. Mức tích luỹ: Việc xác định mức tích lũy do người đứng đầu đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không sử dụng mức tích lũy quy định tại Khoản này để làm căn cứ xác định chênh lệch thu chi từ việc thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.

Mục 4. ĐỊNH GIÁ THEO LOẠI HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 9. Hồ sơ và thủ tục phê duyệt phương án giá

1. Hồ sơ phương án giá:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ lập phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) lập Hồ sơ phương án giá gửi 01 bản chính hoặc 01 bản sao có xác nhận của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền định giá theo quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

b) Hồ sơ phương án giá bao gồm:

- Công văn đề nghị định giá, điều chỉnh giá kèm theo các căn cứ, sự cần thiết và các mục tiêu đề xuất định giá hoặc điều chỉnh giá và bảng tổng hợp danh mục dịch vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;

- Phương án giá của các dịch vụ cần định giá thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này (nếu có); người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về số liệu giải trình, đề xuất và lưu giữ các tài liệu thuyết minh cách tính toán;

- Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, đính kèm bản sao ý kiến của các cơ quan theo quy định (nếu có);

- Các tài liệu khác có liên quan, các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện mức giá mới (nếu có).

2. Thẩm định phương án giá:

a) Căn cứ hồ sơ phương án giá do đơn vị lập theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định phương án giá tổ chức đánh giá để xác định, đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể cho đơn vị trên hồ sơ phương án giá của đơn vị gửi cơ quan thẩm định phương án giá;

b) Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền định giá, điều chỉnh giá bao gồm các tài liệu sau đây:

- Tờ trình về việc định giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kèm dự thảo văn bản định giá, điều chỉnh giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

- Báo cáo thẩm định phương án giá; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định (nếu có);

- Các hồ sơ, tài liệu khác liên quan (nếu có).

3. Thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 9 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và không được vượt giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

4. Về hình thức văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Giá.

Điều 10. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như sau:

1. Xây dựng các mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn của người tham gia cung cấp dịch vụ, nhân lực chăm sóc, điều trị; điều kiện cơ sở vật chất và mức độ chăm sóc; chất lượng, số lượng dịch vụ kỹ thuật.

2. Trường hợp phát sinh các chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: đơn vị được áp dụng phương pháp chi phí để xác định và đề xuất giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:

a) Nếu đơn vị phát sinh chi phí do mời thêm nhân lực trong nước (ngoài nhân viên cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước: được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các khoản chi phí thuê nhân lực theo hợp đồng và chi phí ăn, ở, đi lại, thuê biên dịch, phiên dịch, các chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến thuê nhân lực trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện của người sử dụng dịch vụ;

b) Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại nhà thì được tính thêm các chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh liên quan để thực hiện dịch vụ.

Chương II TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 10 năm 2024.

2. Các Thông tư sau hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025:

a) Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp;

b) Thông tư số 21/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp;

c) Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.

3. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp như sau:

a) Sửa khoản 5 Điều 2 như sau:

“5. Giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và oxy sử dụng cho dịch vụ theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này làm cơ sở thanh quyết toán đối với các dịch vụ cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm thời ghi nhận số liệu; trong đó ghi chú của các dịch vụ áp dụng như ghi chú với dịch vụ đó nhưng thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây mê. Chi phí thuốc và oxy thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và người bệnh theo thực tế sử dụng và kết quả mua sắm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mức giá của các dịch vụ kỹ thuật từ dịch vụ số 59, 61, 64 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng để thanh quyết toán bảo hiểm y tế từ ngày 17 tháng 11 năm 2023.”;

b) Sửa khoản 8 và khoản 9 Điều 7 như sau:

''8. Các quy định tại khoản 7 Điều này, khoản 6 Điều 5 và khoản 16 Điều 6 Thông tư này chỉ áp dụng để thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng để tính chi phí đồng chi trả của người bệnh.

9. Trong thời gian xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh: cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá và số lượng dịch vụ thực tế, không áp dụng quy định thanh toán tại khoản 7 Điều này, khoản 6 Điều 5 và khoản 16 Điều 6 Thông tư này.";

c) Bãi bỏ nội dung quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9:

“3. Trách nhiệm của Sở Y tế:

c) Báo cáo cấp có thẩm quyền giao giường bệnh, quyết định số lượng người làm việc cho các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý để các cơ sở y tế có đủ giường bệnh, nhân lực đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.”.

Điều 12. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Trách nhiệm của Bộ Y tế: Vụ Kế hoạch - Tài chính làm đầu mối chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này và hướng dẫn nội dung chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn quản lý.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn kỹ thuật, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế phù hợp với tình trạng của người bệnh.

2. Sử dụng kinh phí từ nguồn thu phù hợp với các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua sắm, sửa chữa thay thế các thiết bị y tế không phải là tài sản cố định để bảo đảm điều kiện về chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

3. Trích lập, quản lý và sử dụng kết quả tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp có chênh lệch thu lớn hơn chi. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng mức tích lũy quy định tại Điều 8 Thông tư này để xác định tổng chênh lệch thu chi từ việc thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.

4. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu, tài liệu của hồ sơ phương án giá và ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật theo thẩm quyền.

5. Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động và bảo đảm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, phương tiện và nhân lực theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau đây:

- Bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề (trừ số giường bệnh theo yêu cầu được bố trí khu vực riêng hoặc độc lập không lẫn với các giường bệnh thông thường tại các khoa, phòng do đơn vị đầu tư từ nguồn vốn vay, huy động, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mua sắm đầu tư từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định);

- Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.

c) Công khai, minh bạch danh mục, mức giá và khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh theo đúng phác đồ điều trị đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành;

d) Thực hiện hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính; phải trích và sử dụng khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

6. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sửa đổi bổ sung kịp thời đối với trường hợp định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp với thực tế thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

7. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có biến động hoặc các yếu tố hình thành giá biến động tăng hoặc giảm đảm bảo phù hợp với biến động của giá dịch vụ trên thị trường hoặc biến động của chỉ số giá tiêu dùng do Quốc hội công bố hàng năm hoặc chủ trương, chính sách của Nhà nước thay đổi.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
...
PHỤ LỤC I MẪU PHIẾU KHẢO SÁT THÔNG TIN VỀ GIÁ
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG ÁN GIÁ - TỔNG HỢP CÁC CẤU PHẦN CHI PHÍ, NHÓM CHI PHÍ HÌNH THÀNH GIÁ CỦA MỘT DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
...
PHỤ LỤC III TÍNH GIÁ THÀNH CỦA DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO YẾU TỐ CHI PHÍ
...
PHỤ LỤC IV TÍNH GIÁ THÀNH CỦA DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO PHƯƠNG PHÁP PHÂN BỔ CHI PHÍ
...
PHỤ LỤC V TỔNG HỢP CÁC DỊCH VỤ ĐỀ XUẤT BAN HÀNH GIÁ CỤ THỂ
...
PHỤ LỤC VI GIÁ CÁC DỊCH VỤ KỸ THUẬT THỰC HIỆN BẰNG PHƯƠNG PHÁP VÔ CẢM GÂY TÊ CHƯA BAO GỒM THUỐC VÀ OXY SỬ DỤNG TRONG DỊCH VỤ

Xem nội dung VB
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
...
6. Định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn bởi Thông tư 21/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 17/10/2024
Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn bởi Thông tư 21/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 17/10/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Chương I PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ

Điều 1. Nguyên tắc và căn cứ định giá

1. Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là cách thức xác định giá cho từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

2. Việc định giá phải áp dụng các nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 6 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là Nghị định số 96/2023/NĐ-CP) và các nguyên tắc sau đây:

a) Việc lựa chọn phương pháp định giá thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư này;

b) Không tính trùng lắp các yếu tố chi phí cấu thành trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

3. Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm:

a) Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi không được tính vào chi phí hình thành giá thành dịch vụ theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan;

b) Các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật, trong đó có các khoản phụ cấp đặc thù gồm:

- Chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng và cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 của các Bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng;

- Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc.

c) Các chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác.

Điều 2. Lựa chọn áp dụng phương pháp định giá

1. Phương pháp chi phí được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi xác định được các yếu tố hình thành giá.

2. Phương pháp so sánh được áp dụng để định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi cần định giá thì phải thu thập được ít nhất thông tin của 3 đơn vị thực hiện dịch vụ để so sánh. Việc lựa chọn thu thập các thông tin về dịch vụ so sánh được quy định tại Điều 4 Thông tư này.

3. Căn cứ điều kiện thực tiễn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lập phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đơn vị lập phương án giá) quyết định lựa chọn áp dụng một trong hai phương pháp định giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để lập phương án giá.

4. Trường hợp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng được cả hai phương pháp định giá cùng lúc thì Thủ trưởng đơn vị lập phương án giá được ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH

Điều 3. Phương pháp so sánh

1. Phương pháp so sánh là phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào thông tin thu thập được về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại được cung ứng trên thị trường trong nước tại thời điểm định giá để đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá.

2. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá. Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại là dịch vụ có cùng tên gọi, cùng quy trình chuyên môn kỹ thuật và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cung cấp bởi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật;

b) Tương đương về trình độ chuyên môn của nhân lực, kỹ thuật và công nghệ;

c) Tương đương về mô hình quản lý hoặc tương đương về hạng đơn vị sự nghiệp y tế.

Điều 4. Thu thập thông tin về giá so sánh

1. Đơn vị lập phương án giá thực hiện thu thập thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại để so sánh với dịch vụ cần định giá do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác cung cấp và chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực của quá trình thu thập thông tin và kết quả thu thập thông tin.

2. Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Đã hoặc đang được áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cung cấp thông tin về giá;

b) Được thu thập trong phạm vi 24 tháng tính từ thời điểm xây dựng phương án giá trở về trước của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp không đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ khác nhau trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì mở rộng việc thu thập thông tin theo tiêu chí từ gần đến xa để lấy đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ.

3. Thông tin về giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại căn cứ ít nhất một trong các nguồn tài liệu sau đây:

a) Giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc thẩm định hoặc công bố hoặc cung cấp;

b) Giá thực tế giao dịch thành công của các tổ chức, cá nhân ghi trên hóa đơn bán hàng theo quy định hoặc giá ghi trên hợp đồng cung cấp dịch vụ;

c) Giá kê khai hoặc giá thông báo hoặc giá niêm yết theo quy định; giá do các tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định;

d) Giá do các hội, hiệp hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp;

đ) Giá thu thập được thông qua thông tin đăng tải chính thức trên trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức;

e) Giá do tổ chức, cá nhân khảo sát và thu thập trên thị trường được lập dưới dạng phiếu khảo sát thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư;

g) Giá chào mua, chào bán trên báo giá của đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Báo giá phải được đóng dấu của đơn vị (nếu có) và có đầy đủ thông tin về:

- Tên, địa chỉ;

- Mã số thuế (nếu có);

- Thời điểm cung cấp thông tin;

- Hiệu lực của báo giá, chào giá (nếu có);

h) Giá trong các cơ sở dữ liệu về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân tích thông tin

1. Xác định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh thu thập được có cùng loại với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần định giá bằng cách đối chiếu thông tin thu thập được với quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp thu thập được trên 03 thông tin thì được quyết định lựa chọn số thông tin để đưa vào so sánh theo nguyên tắc ưu tiên:

a) Lựa chọn thu thập thông tin tại thời điểm gần nhất với thời điểm lập phương án giá;

b) Trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các địa bàn tương đồng về điều kiện kinh tế xã hội.

3. Hiệu chỉnh thông tin trước khi thực hiện so sánh:

a) Trường hợp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cùng loại để so sánh thu thập được có biến động thì cần phải điều chỉnh tăng hoặc giảm mức giá của dịch vụ so sánh về thời điểm xác định giá phù hợp với biến động của giá trên thị trường, cụ thể giá so sánh là giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền quy định trong năm liền kề trước đó và chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do Quốc hội công bố;

b) Trường hợp giá thu thập được có đơn vị tính giá là ngoại tệ thì quy đổi thành Đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm xác định giá.

4. Đơn vị lập phương án giá xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể và đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể theo một trong hai cách sau đây:

a) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể được xác định trên cơ sở giá bình quân của các mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh sau khi hiệu chỉnh;

b) Đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể trên cơ sở phân tích các thông tin thu thập quy định tại Điều 4 Thông tư này và các khoản 1, 2 Điều này bảo đảm mức giá đề xuất phù hợp quy định tại Điều 1 Thông tư này và không vượt mức giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để so sánh sau khi hiệu chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 3. PHƯƠNG PHÁP CHI PHÍ

Điều 6. Phương pháp chi phí

1. Phương pháp chi phí là phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm xác định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá nêu trong phương án giá phù hợp với quy trình chuyên môn của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

2. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP được xác định như sau:

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh = Giá thành toàn bộ + Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) + Nghĩa vụ tài chính

Trong đó:

a) Giá thành toàn bộ: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;

b) Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có): thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

c) Nghĩa vụ tài chính: thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản chi phí trong yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xác định theo một trong các cách sau đây:

a) Đối với những yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên thị trường có dịch vụ so sánh mà đơn vị thu thập được thông tin thì được sử dụng phương pháp so sánh theo quy định tại mục 2 Chương này để xác định chi phí. Trường hợp không có đủ 03 đơn vị cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì người đứng đầu đơn vị lập phương án giá chịu trách nhiệm quyết định sử dụng thông tin thực tế thu thập được;

b) Trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành;

c) Trên cơ sở mức chi phí thực tế hợp lý của yếu tố hình thành giá;

d) Trên cơ sở chế độ chính sách của Nhà nước hoặc khoản mục chi phí đã có giá do Nhà nước quy định hoặc đã có quy định pháp luật (về thuế, kế toán, thống kê và các pháp luật có liên quan);

đ) Trên cơ sở phân bổ chi phí theo các tiêu chí phù hợp với hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

4. Cách xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể và đề xuất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể theo phương pháp chi phí: Căn cứ quy định tại các điều 6, 7 và 8 Thông tư này để xác định và bảo đảm mức giá đề xuất phù hợp quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 7. Xác định các chi phí và xây dựng phương án giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

1. Đơn vị lập phương án giá tổng hợp các yếu tố chi phí, nhóm chi phí hình thành giá của một dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp xác định các chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành:

Chi phí = Định mức kinh tế - kỹ thuật x Đơn giá

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật được xác định như sau:

- Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành theo thẩm quyền.

- Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP: áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp yếu tố chi phí thực tế thấp hơn chi phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành tại thời điểm đơn vị lập phương án giá: Đơn vị lập phương án giá xác định yếu tố hình thành giá theo chi phí thực tế nhưng phải bảo đảm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chi phí thực tế cao hơn chi phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm đơn vị lập phương án giá: Đơn vị lập phương án giá thực hiện việc tính theo định mức kinh tế - kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành.

- Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo khoản 7 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

b) Đơn giá được xác định như sau:

Đơn giá các chi phí (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) là giá cung ứng đến đơn vị được xác định theo giá công bố (nếu có) hoặc giá ghi trên hóa đơn theo quy định của pháp luật tại thời điểm lập phương án giá cộng (+) với chi phí lưu thông hợp lý, hợp lệ đến đơn vị hoặc giá trúng thầu theo quy định. Ưu tiên các chứng từ gần thời điểm xây dựng phương án giá và thời hạn 24 tháng tính đến ngày đơn vị xây dựng phương án giá.

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định thì người đứng đầu đơn vị quyết định trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập được theo một trong các hình thức quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này để xác định đơn giá.

Trường hợp không có đủ 03 đơn vị cung ứng thì người đứng đầu đơn vị lập phương án giá chịu trách nhiệm việc quyết định sử dụng thông tin thực tế thu thập được.

Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương. Chi phí nhân công thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;

Trong trường hợp các chi phí có nhiều đơn giá khác nhau thì người đứng đầu đơn vị quyết định lựa chọn việc tính đơn giá theo giá bình quân hoặc bình quân gia quyền hoặc tự quyết định lựa chọn đơn giá của chi phí đó bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không vượt mức tối đa giá của thông tin thu thập được.

3. Trường hợp xác định chi phí không có định mức kinh tế - kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành:

Trong trường hợp yếu tố chi phí có nhiều loại, nhiều đơn giá khác nhau thì xác định theo mức chi phí thực tế hợp lý của yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thủ trưởng đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

4. Trường hợp xác định chi phí bằng phương pháp phân bổ:

a) Đối với chi phí liên quan đến nhiều dịch vụ mà không thể tách riêng ra được thì cần tập hợp và phân bổ theo tiêu chí phù hợp như doanh thu, chi phí, số lượng, khối lượng, thời gian và các tiêu chí khác phù hợp với đơn vị và quy định của pháp luật liên quan. Việc phân bổ chi phí bảo đảm không tính trùng các khoản chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp yếu tố chi phí phát sinh trong nhiều kỳ kế toán thì cần tập hợp số liệu của nhiều kỳ kế toán để phân bổ phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật liên quan của từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

b) Các tiêu chí dùng để phân bổ do người đứng đầu đơn vị lập phương án giá quyết định trên cơ sở tham khảo các tiêu chí phân bổ tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và các tiêu chí khác (nếu có) phù hợp với yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

5. Căn cứ các quy định hiện hành và cơ sở dữ liệu hiện có, đơn vị có thể tham khảo một trong hai cách theo các bước tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này để xây dựng phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 8. Tích luỹ hoặc lợi nhuận dự kiến

1. Đơn vị lập phương án giá xác định tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có) theo tỷ suất lợi nhuận hoặc mức lợi nhuận hoặc mức tích lũy theo quy định của pháp luật.

Đơn vị lập phương án giá được lựa chọn một trong các tiêu chí giá vốn hoặc doanh thu thuần khi xác định mức lợi nhuận dự kiến hoặc mức tích luỹ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xác định không vượt giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên thị trường (đối với dịch vụ có giá thị trường).

2. Lợi nhuận dự kiến:

a) Tỷ suất lợi nhuận là tỷ lệ phần trăm (%) của khoản lợi nhuận tính trên giá vốn hoặc trên doanh thu thuần;

b) Mức lợi nhuận xác định theo điểm a khoản này theo mức lợi nhuận thực tế của các năm trước liền kề gần nhất theo báo cáo tài chính của đơn vị.

3. Mức tích luỹ: Việc xác định mức tích lũy do người đứng đầu đơn vị quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không sử dụng mức tích lũy quy định tại Khoản này để làm căn cứ xác định chênh lệch thu chi từ việc thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.

Mục 4. ĐỊNH GIÁ THEO LOẠI HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 9. Hồ sơ và thủ tục phê duyệt phương án giá

1. Hồ sơ phương án giá:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (hoặc đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ lập phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh) lập Hồ sơ phương án giá gửi 01 bản chính hoặc 01 bản sao có xác nhận của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền định giá theo quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

b) Hồ sơ phương án giá bao gồm:

- Công văn đề nghị định giá, điều chỉnh giá kèm theo các căn cứ, sự cần thiết và các mục tiêu đề xuất định giá hoặc điều chỉnh giá và bảng tổng hợp danh mục dịch vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này;

- Phương án giá của các dịch vụ cần định giá thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này (nếu có); người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về số liệu giải trình, đề xuất và lưu giữ các tài liệu thuyết minh cách tính toán;

- Văn bản tổng hợp ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, đính kèm bản sao ý kiến của các cơ quan theo quy định (nếu có);

- Các tài liệu khác có liên quan, các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện mức giá mới (nếu có).

2. Thẩm định phương án giá:

a) Căn cứ hồ sơ phương án giá do đơn vị lập theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định phương án giá tổ chức đánh giá để xác định, đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể cho đơn vị trên hồ sơ phương án giá của đơn vị gửi cơ quan thẩm định phương án giá;

b) Hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền định giá, điều chỉnh giá bao gồm các tài liệu sau đây:

- Tờ trình về việc định giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kèm dự thảo văn bản định giá, điều chỉnh giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

- Báo cáo thẩm định phương án giá; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định (nếu có);

- Các hồ sơ, tài liệu khác liên quan (nếu có).

3. Thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và khoản 9 Điều 119 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và không được vượt giá cao nhất của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

4. Về hình thức văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Giá.

Điều 10. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như sau:

1. Xây dựng các mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn của người tham gia cung cấp dịch vụ, nhân lực chăm sóc, điều trị; điều kiện cơ sở vật chất và mức độ chăm sóc; chất lượng, số lượng dịch vụ kỹ thuật.

2. Trường hợp phát sinh các chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: đơn vị được áp dụng phương pháp chi phí để xác định và đề xuất giá của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:

a) Nếu đơn vị phát sinh chi phí do mời thêm nhân lực trong nước (ngoài nhân viên cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước: được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các khoản chi phí thuê nhân lực theo hợp đồng và chi phí ăn, ở, đi lại, thuê biên dịch, phiên dịch, các chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến thuê nhân lực trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện của người sử dụng dịch vụ;

b) Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại nhà thì được tính thêm các chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh liên quan để thực hiện dịch vụ.

Chương II TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 10 năm 2024.

2. Các Thông tư sau hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025:

a) Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp;

b) Thông tư số 21/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp;

c) Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.

3. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp như sau:

a) Sửa khoản 5 Điều 2 như sau:

“5. Giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và oxy sử dụng cho dịch vụ theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này làm cơ sở thanh quyết toán đối với các dịch vụ cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm thời ghi nhận số liệu; trong đó ghi chú của các dịch vụ áp dụng như ghi chú với dịch vụ đó nhưng thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây mê. Chi phí thuốc và oxy thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và người bệnh theo thực tế sử dụng và kết quả mua sắm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mức giá của các dịch vụ kỹ thuật từ dịch vụ số 59, 61, 64 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng để thanh quyết toán bảo hiểm y tế từ ngày 17 tháng 11 năm 2023.”;

b) Sửa khoản 8 và khoản 9 Điều 7 như sau:

''8. Các quy định tại khoản 7 Điều này, khoản 6 Điều 5 và khoản 16 Điều 6 Thông tư này chỉ áp dụng để thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng để tính chi phí đồng chi trả của người bệnh.

9. Trong thời gian xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh: cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mức giá và số lượng dịch vụ thực tế, không áp dụng quy định thanh toán tại khoản 7 Điều này, khoản 6 Điều 5 và khoản 16 Điều 6 Thông tư này.";

c) Bãi bỏ nội dung quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9:

“3. Trách nhiệm của Sở Y tế:

c) Báo cáo cấp có thẩm quyền giao giường bệnh, quyết định số lượng người làm việc cho các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý để các cơ sở y tế có đủ giường bệnh, nhân lực đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.”.

Điều 12. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Trách nhiệm của Bộ Y tế: Vụ Kế hoạch - Tài chính làm đầu mối chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này và hướng dẫn nội dung chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 6 Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn quản lý.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn kỹ thuật, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế phù hợp với tình trạng của người bệnh.

2. Sử dụng kinh phí từ nguồn thu phù hợp với các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua sắm, sửa chữa thay thế các thiết bị y tế không phải là tài sản cố định để bảo đảm điều kiện về chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

3. Trích lập, quản lý và sử dụng kết quả tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp có chênh lệch thu lớn hơn chi. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng mức tích lũy quy định tại Điều 8 Thông tư này để xác định tổng chênh lệch thu chi từ việc thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.

4. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu, tài liệu của hồ sơ phương án giá và ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật theo thẩm quyền.

5. Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động và bảo đảm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, phương tiện và nhân lực theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau đây:

- Bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề (trừ số giường bệnh theo yêu cầu được bố trí khu vực riêng hoặc độc lập không lẫn với các giường bệnh thông thường tại các khoa, phòng do đơn vị đầu tư từ nguồn vốn vay, huy động, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mua sắm đầu tư từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định);

- Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới.

c) Công khai, minh bạch danh mục, mức giá và khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh theo đúng phác đồ điều trị đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành;

d) Thực hiện hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính; phải trích và sử dụng khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

6. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sửa đổi bổ sung kịp thời đối với trường hợp định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp với thực tế thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

7. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có biến động hoặc các yếu tố hình thành giá biến động tăng hoặc giảm đảm bảo phù hợp với biến động của giá dịch vụ trên thị trường hoặc biến động của chỉ số giá tiêu dùng do Quốc hội công bố hàng năm hoặc chủ trương, chính sách của Nhà nước thay đổi.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
...
PHỤ LỤC I MẪU PHIẾU KHẢO SÁT THÔNG TIN VỀ GIÁ
...
PHỤ LỤC II PHƯƠNG ÁN GIÁ - TỔNG HỢP CÁC CẤU PHẦN CHI PHÍ, NHÓM CHI PHÍ HÌNH THÀNH GIÁ CỦA MỘT DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
...
PHỤ LỤC III TÍNH GIÁ THÀNH CỦA DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO YẾU TỐ CHI PHÍ
...
PHỤ LỤC IV TÍNH GIÁ THÀNH CỦA DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO PHƯƠNG PHÁP PHÂN BỔ CHI PHÍ
...
PHỤ LỤC V TỔNG HỢP CÁC DỊCH VỤ ĐỀ XUẤT BAN HÀNH GIÁ CỤ THỂ
...
PHỤ LỤC VI GIÁ CÁC DỊCH VỤ KỸ THUẬT THỰC HIỆN BẰNG PHƯƠNG PHÁP VÔ CẢM GÂY TÊ CHƯA BAO GỒM THUỐC VÀ OXY SỬ DỤNG TRONG DỊCH VỤ

Xem nội dung VB
Điều 23. Phương pháp định giá
...
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này;
Phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hướng dẫn bởi Thông tư 21/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 17/10/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá.

Điều 1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá

Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể) của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Thông báo hình thức tiếp nhận và tổ chức tiếp nhận văn bản kê khai giá thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về giá;

b) Rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá và đăng tải tại Hệ thống dịch vụ công trực tuyến về quản lý thiết bị y tế của Bộ Y tế;

c) Phối hợp với Trung tâm thông tin y tế Quốc gia, Bộ Y tế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện kê khai giá thiết bị y tế;

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính kết nối, cập nhật thông tin, dữ liệu kê khai giá thiết bị y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật về giá.

đ) Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về giá và nhu cầu của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, trong thời gian tối đa hai năm một lần, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, trình Bộ Y tế ban hành Thông tư để sửa đổi, bổ sung và cập nhật đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá theo quy định.

2. Trung tâm thông tin y tế Quốc gia - Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện kê khai giá thiết bị y tế.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai việc tiếp nhận kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai.

Trong quá trình thực hiện; nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - KỸ THUẬT CỦA THIẾT BỊ Y TẾ THỰC HIỆN KÊ KHAI GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá (sau đây gọi tắt là Danh mục thuốc).

Điều 2. Nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc thực hiện kê khai giá phải đáp ứng đồng thời các nguyên tắc, tiêu chí sau:

1. Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

2. Thuốc được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Ban hành Danh mục thuốc

Ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về giá và phân tích, dự báo giá thị trường; trong thời gian tối đa 02 (hai) năm, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc tại Điều 2 Thông tư này, Cục Quản lý Dược chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và các đơn vị liên quan trình Bộ Y tế ban hành Thông tư cập nhật danh mục thuốc theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Thủ trưởng các đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC DANH MỤC THUỐC THIẾT YẾU VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - KỸ THUẬT CỦA THUỐC ĐƯỢC SỬ DỤNG TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THỰC HIỆN KÊ KHAI GIÁ

I. THUỐC HÓA DƯỢC
...
II. SINH PHẨM
...
III. THUỐC HÓA DƯỢC CÓ CHỨA THÀNH PHẦN DƯỢC LIỆU
...
IV. VẮC XIN
...
V. THUỐC CỔ TRUYỀN

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
...
Điều 3. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá

Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá gồm các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sau đây:

1. Tên sản phẩm (tên gọi chi tiết);

2. Phân loại sản phẩm;

3. Dạng sản phẩm (dạng bào chế/ dạng dùng);

4. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc số tự công bố sản phẩm.

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 29/2024/TT-BTC nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Thông tư 44/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

“b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết);”.

Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, phụ lục của Thông tư số 29/2024/TT-BTC

1. Thay thế cụm từ “Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính” bằng cụm từ “Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số - Bộ Tài chính” tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 22 của Thông tư số 29/2024/TT-BTC.

2. Thay thế Phụ lục I và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 29/2024/TT-BTC lần lượt bằng Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bỏ các cụm từ “Bộ Kế hoạch và Đầu tư” và “Tổng cục Thống kê” tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 29/2024/TT-BTC.

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
2. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
...
d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 29/2024/TT-BTC nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Thông tư 44/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá.

Điều 1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá

Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể) của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế - Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Thông báo hình thức tiếp nhận và tổ chức tiếp nhận văn bản kê khai giá thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về giá;

b) Rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá và đăng tải tại Hệ thống dịch vụ công trực tuyến về quản lý thiết bị y tế của Bộ Y tế;

c) Phối hợp với Trung tâm thông tin y tế Quốc gia, Bộ Y tế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện kê khai giá thiết bị y tế;

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính kết nối, cập nhật thông tin, dữ liệu kê khai giá thiết bị y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật về giá.

đ) Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về giá và nhu cầu của công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, trong thời gian tối đa hai năm một lần, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, trình Bộ Y tế ban hành Thông tư để sửa đổi, bổ sung và cập nhật đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá theo quy định.

2. Trung tâm thông tin y tế Quốc gia - Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện kê khai giá thiết bị y tế.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai việc tiếp nhận kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai.

Trong quá trình thực hiện; nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - KỸ THUẬT CỦA THIẾT BỊ Y TẾ THỰC HIỆN KÊ KHAI GIÁ

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá (sau đây gọi tắt là Danh mục thuốc).

Điều 2. Nguyên tắc, tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc thực hiện kê khai giá phải đáp ứng đồng thời các nguyên tắc, tiêu chí sau:

1. Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

2. Thuốc được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Ban hành Danh mục thuốc

Ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về giá và phân tích, dự báo giá thị trường; trong thời gian tối đa 02 (hai) năm, trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc tại Điều 2 Thông tư này, Cục Quản lý Dược chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và các đơn vị liên quan trình Bộ Y tế ban hành Thông tư cập nhật danh mục thuốc theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

1. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Thủ trưởng các đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC DANH MỤC THUỐC THIẾT YẾU VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - KỸ THUẬT CỦA THUỐC ĐƯỢC SỬ DỤNG TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THỰC HIỆN KÊ KHAI GIÁ

I. THUỐC HÓA DƯỢC
...
II. SINH PHẨM
...
III. THUỐC HÓA DƯỢC CÓ CHỨA THÀNH PHẦN DƯỢC LIỆU
...
IV. VẮC XIN
...
V. THUỐC CỔ TRUYỀN

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
...
Điều 3. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá

Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá gồm các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sau đây:

1. Tên sản phẩm (tên gọi chi tiết);

2. Phân loại sản phẩm;

3. Dạng sản phẩm (dạng bào chế/ dạng dùng);

4. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc số tự công bố sản phẩm.

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 29/2024/TT-BTC nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Thông tư 44/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

“b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã, các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết);”.

Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, phụ lục của Thông tư số 29/2024/TT-BTC

1. Thay thế cụm từ “Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính” bằng cụm từ “Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số - Bộ Tài chính” tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 22 của Thông tư số 29/2024/TT-BTC.

2. Thay thế Phụ lục I và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 29/2024/TT-BTC lần lượt bằng Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bỏ các cụm từ “Bộ Kế hoạch và Đầu tư” và “Tổng cục Thống kê” tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 29/2024/TT-BTC.

Xem nội dung VB
Điều 28. Kê khai giá
...
2. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm:
...
d) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.

Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 29/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thuốc được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung hướng dẫn Nội dung này tại Thông tư 29/2024/TT-BTC nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Thông tư 44/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
Điều 3. Áp dụng Luật Giá và pháp luật có liên quan
...
4. Việc định giá của Nhà nước đối với một số mặt hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan như sau:
...
đ) Học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
24 Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
24 Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật về giáo dục đại học
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
24 Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
24 Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
...
Chương III PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Điều 9. Nguyên tắc tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí thực tế hợp lý phát sinh để hoàn thành việc giáo dục, đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí vật tư, chi phí quản lý, chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định, các chi phí khác và tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

2. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được phân biệt theo cấp học, trình độ, lĩnh vực, ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và hình thức giáo dục, đào tạo.

3. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được điều chỉnh hằng năm khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ giáo dục, đào tạo thay đổi.

Điều 10. Xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo

1. Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo xác định theo công thức sau:

Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có)

2. Chi phí tiền lương

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

a) Chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ)

- Định mức lao động: Xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

- Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

b) Căn cứ điều kiện và yêu cầu thực tế, chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương của cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động hiệu quả của đơn vị và phải được quy định chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Chi phí vật tư là chi phí phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, thực nhiệm và nghiên cứu khoa học; hoạt động cung cấp dịch vụ, gồm: Chi phí văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, điện, nước, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác được xác định trên cơ sở mức tiêu hao vật tư và đơn giá vật tư:

a) Mức tiêu hao vật tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật như sau:

- Đối với sản phẩm đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức kinh tế - kỹ thuật;

- Đối với sản phẩm chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hiệu trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đơn giá vật tư được xác định như sau:

Đơn giá vật tư dùng để tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là giá bao gồm thuế giá trị gia tăng, được xác định phù hợp với tiêu chuẩn, chủng loại và chất lượng vật tư sử dụng. Cụ thể như sau:

- Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo giá do Nhà nước quy định (+) chi phí lưu thông hợp lý (nếu có);

- Đối với vật tư mua ngoài:

Nếu không có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo mức giá thấp nhất từ các nguồn thông tin như giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp hoặc báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp;

Nếu có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định thì tính theo giá mua ghi trên hóa đơn mua/bán hàng; hoặc giá trúng thầu, giá trúng đấu giá, giá niêm yết (+) chi phí hợp lý, hợp lệ để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư trực tiếp nhập khẩu đưa vào sử dụng: Tính theo giá vốn nhập khẩu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (+) các chi phí thực tế hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có) (+) chi phí thuế, phí, lệ phí (nếu có);

- Đối với vật tư tự chế: Tính theo giá thực tế xuất kho (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

- Đối với vật tư thuê gia công chế biến: Tính theo giá thực tế xuất kho giao gia công (+) chi phí gia công (+) các chi phí hợp lý để đưa vật tư về đến cơ sở giáo dục (nếu có);

Giá các loại vật tư và các khoản chi phí về gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua,... phải được ghi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí quản lý là chi phí phục vụ các phòng, ban của bộ phận quản lý trong cơ sở giáo dục, bao gồm:

a) Chi phí tuyển sinh;

b) Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý; tiền thuê tài sản cố định; chi phí trả cho nhà thầu (nếu có);

c) Chi phí bằng tiền khác thuộc quản lý chung, ngoài các chi phí đã nêu trên như: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ, nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí hợp lý khác.

5. Chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định là chi phí khấu hao hoặc hao mòn nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác sử dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo được tính theo quy định của Bộ Tài chính và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao hoặc hao mòn tài sản cố định vào giá dịch vụ giáo dục, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định.

6. Chi phí khác gồm các loại thuế khác theo quy định, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí khác.

7. Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
24 Học phí, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2024
Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, do trung ương quản lý.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý giá, các trường hợp miễn và giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do trung ương quản lý.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kinh doanh, sử dụng và quản lý giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do trung ương quản lý.

Điều 2. Đối tượng và chủ phương tiện phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Đối tượng thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua trạm thu phí của dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do trung ương quản lý (sau đây gọi tắt là phương tiện).

2. Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi tắt là chủ phương tiện) thuộc đối tượng thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, trừ các trường hợp quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Điều 3. Đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Xe cứu thương.

2. Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

4. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh, các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng), xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.

5. Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân bao gồm:

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;

d) Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;

đ) Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng Công an nhân dân;

e) Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng Công an nhân dân);

g) Xe của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

6. Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:

a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);

b) Các xe phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe).

7. Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường.

8. Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.

9. Xe ô tô của lực lượng công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc theo quy định.

10. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.

11. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

12. Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ.

Chương II QUẢN LÝ GIÁ, VÉ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Định giá dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá.

2. Cục Đường bộ Việt Nam quyết định áp dụng phương pháp định giá theo quy định pháp luật về giá.

3. Khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ thay đổi ảnh hưởng đến giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lựa chọn các Doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (Doanh nghiệp dự án) lập phương án giá.

4. Các doanh nghiệp dự án được lựa chọn lập phương án giá có trách nhiệm lập phương án giá theo quy định pháp luật về giá, báo cáo, giải trình về phương án giá, cung cấp các tài liệu, hồ sơ phương án giá theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam và chịu trách nhiệm về phương án giá do mình lập.

5. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phương án giá, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản quy định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ.

6. Việc lập, thẩm định hồ sơ phương án giá, ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

Điều 5. Mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ

Mức giá tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ đường bộ là mức thu tối đa quy định cho một lượt phương tiện khi tham gia giao thông qua trạm thu phí.

Điều 6. Nguyên tắc xác định mức giá cụ thể, mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ

1. Mức giá cụ thể cho một lần phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ (sau đây gọi tắt là mức giá lượt) không cao hơn mức giá tối đa đối với từng loại phương tiện theo Quyết định ban hành mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Mức giá tháng là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 30 ngày. Mức giá tháng được tính bằng 30 (ba mươi) lần mức giá quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Mức giá quý là mức thu đối với một phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí trong thời hạn 90 ngày. Mức giá quý được tính bằng 3 (ba) lần mức giá tháng và chiết khấu 10%.

4. Mức giá lượt, mức giá tháng, mức giá quý cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án.

5. Căn cứ tình hình kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của địa phương nơi đặt trạm thu phí sử dụng đường bộ, các bên ký hợp đồng dự án thống nhất mức giảm và đối tượng giảm giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ đường bộ và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 7. Quản lý vé sử dụng đường bộ

1. Việc in, phát hành, quản lý, sử dụng vé và hoàn vé (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

2. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ vừa là chứng từ kiểm soát khi phương tiện đi qua trạm thu phí đường bộ vừa là chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức một dừng phát hành cho trạm thu phí phí đường bộ nào thì chỉ có giá trị sử dụng tại trạm đó. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng thực hiện theo quy định về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

3. Vé dịch vụ sử dụng đường bộ bán theo phương tiện tương ứng với mệnh giá ghi trên vé. Vé tháng, vé quý phải thể hiện rõ thời hạn sử dụng, biển số phương tiện. Vé tháng, vé quý phải sử dụng đúng trạm và thời hạn ghi trên vé. Trường hợp phương tiện thay đổi biển số và đã thực hiện điều chỉnh thông tin tại đơn vị thu thì được tiếp tục sử dụng vé tháng, vé quý cho đến khi hết thời hạn. Khi mua vé tháng, vé quý lần đầu hoặc khi có sự thay đổi về thông số kỹ thuật trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người mua phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp (bản chính hoặc bản sao có chứng thực, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc) để mua vé theo mức thu tương ứng với loại phương tiện theo quy định.

4. Trường hợp trạm thu phí dừng thu hoặc tạm dừng thu không xác định thời hạn, đơn vị thu thực hiện hoàn lại tiền mua vé tháng, vé quý cho chủ phương tiện. Số tiền hoàn lại bằng mức thu chia cho 30 ngày (đối với vé tháng) hoặc chia cho 90 ngày (đối với vé quý) nhân với số ngày còn hiệu lực của vé tính từ ngày dừng thu hoặc tạm dừng thu.

5. Trường hợp xảy ra thảm họa, dịch bệnh, thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng khác, trạm thu phí phải tạm dừng thu có thời hạn theo yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền, đơn vị thu thực hiện gia hạn thời gian hiệu lực của vé tháng, vé quý theo nguyên tắc số ngày gia hạn bằng số ngày tạm dừng thu nhưng đảm bảo không vượt quá số ngày còn hiệu lực của vé tháng, vé quý tính từ thời điểm bắt đầu tạm dừng thu.

Điều 8. Kê khai giá

1. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kê khai giá, tổ chức việc cập nhật thông tin giá kê khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đối với dịch vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 9. Niêm yết giá

Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Điều 29 Luật Giá.

Điều 10. Công khai thông tin về giá

Việc công khai thông tin về giá được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Giá.

Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam:

a) Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá tại Thông tư này;

b) Thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án, Nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh giá dịch vụ sử dụng đường bộ có trách nhiệm:

a) Thực hiện việc lập phương án giá và chịu trách nhiệm về phương án giá theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện kê khai, công khai, niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí theo quy định pháp luật về giá;

c) Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện cho chủ phương tiện và tránh ùn tắc giao thông;

d) Tổ chức bán vé kịp thời, đầy đủ các loại vé cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ và thực hiện hoàn tiền, gia hạn vé đúng quy định.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Bãi bỏ Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý và Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 07/2023/TT-BGTVT ngày 24 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư về trạm thu phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
4 Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do trung ương quản lý
Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 32/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý được hướng dẫn bởi Thông tư 33/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý bến phà, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý giá dịch vụ của bến phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Điều 2. Đối tượng phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng phà

Đối tượng phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng phà là: người đi bộ, hành khách đi xe và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng.

Điều 3. Đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà

1. Xe cứu thương và xe đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu.

2. Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

3. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa.

4. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.

5. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe chuyên dùng mang biển số: nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh, các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng), xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.

6. Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân bao gồm:

a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;

b) Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;

c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;

d) Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;

đ) Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng Công an nhân dân;

e) Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng Công an nhân dân);

g) Xe của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

7. Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.

8. Xe phục vụ tang lễ, gồm:

a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);

b) Các xe phục vụ tang lễ (bao gồm: xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh).

9. Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

11. Thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp, xe máy). Khi sử dụng dịch vụ phà trong trường hợp này phải xuất trình giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc) cần thiết như: thẻ thương binh, bệnh binh; Giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh kèm theo căn cước công dân; thẻ học sinh, căn cước công dân hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.

12. Người, phương tiện sử dụng dịch vụ phà tại bến phà Kênh Tắt, Láng Sắt thuộc Quốc lộ 53, bến phà Kênh Sáu thuộc Quốc lộ 53B.

Điều 4. Định giá dịch vụ sử dụng phà

1. Khung giá dịch vụ sử dụng phà được định giá theo nguyên tắc và căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Giá.

2. Cục Đường bộ Việt Nam quyết định áp dụng phương pháp định giá theo quy định của pháp luật về giá.

3. Cơ quan quản lý bến phà có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà lập phương án giá dịch vụ sử dụng phà theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo đúng quy định pháp luật về giá và chịu trách nhiệm về phương án giá do mình lập.

4. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phương án giá, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định quy định khung giá cho dịch vụ sử dụng phà.

5. Việc lập, thẩm định hồ sơ phương án giá, ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 5. Khung giá dịch vụ sử dụng phà

1. Khung giá sử dụng dịch vụ phà là mức thu tối đa và mức thu tối thiểu cho một lượt quy định cho người đi bộ, hành khách đi xe và từng phương tiện khi tham gia giao thông vượt sông bằng phà. Cơ quan quản lý bến phà và đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà quyết định giá cụ thể trong phạm vi khung giá dịch vụ sử dụng phà được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Khung giá dịch vụ sử dụng phà được xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Điều 6. Quản lý vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà

1. Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà theo đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

2. Vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà tại các bến phà bao gồm 02 loại: vé lượt, vé tháng.

a) Vé lượt: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà một lần, cho một đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà;

b) Vé tháng: là vé có giá trị sử dụng dịch vụ sử dụng phà nhiều lần trong vòng 30 ngày, kể từ ngày bán ghi cụ thể trên vé đến ngày kết thúc thời hạn được ghi cụ thể trên vé. Vé tháng chỉ áp dụng đối với các đối tượng có quy định mức thu vé tháng tại các văn bản định giá do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

Đối với người đi bộ, trên vé phải ghi rõ họ, tên và số căn cước (hoặc hộ chiếu; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; giấy xác nhận nhân thân do Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận). Đối với phương tiện theo quy định không có biển số, trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và họ, tên; số căn cước (hoặc hộ chiếu; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; giấy xác nhận nhân thân do Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận) của người điều khiển phương tiện. Đối với phương tiện theo quy định phải có biển số, trên vé phải ghi rõ loại phương tiện và biển số của phương tiện.

3. Vé mua cho đối tượng phải trả tiền dịch vụ sử dụng phà chỉ có giá trị sử dụng cho đối tượng tại bến phà đó.

4. Trường hợp xảy ra thảm họa, dịch bệnh, thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng khác, bến phà phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà thực hiện gia hạn thời gian hiệu lực của vé tháng theo nguyên tắc số ngày gia hạn bằng số ngày tạm dừng hoạt động nhưng đảm bảo không vượt quá số ngày còn hiệu lực của vé tháng tính từ thời điểm bắt đầu tạm dừng hoạt động.

Điều 7. Kê khai giá

1. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kê khai giá, tổ chức việc cập nhật thông tin giá kê khai vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đối với dịch vụ sử dụng phà.

2. Cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Điều 8. Niêm yết giá

Đơn vị được cung cấp dịch vụ sử dụng phà thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ sử dụng phà theo quy định tại Điều 29 Luật Giá.

Điều 9. Công khai thông tin về giá

Việc công khai thông tin về giá được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Giá.

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị quản lý bến phà, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà

1. Cơ quan quản lý bến phà có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà lập phương án giá dịch vụ sử dụng phà, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà.

2. Đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng phà có trách nhiệm:

a) Căn cứ khung giá được cơ quan nhà nước ban hành quyết định mức giá thu dịch vụ sử dụng phà cụ thể;

b) Thực hiện kê khai, công khai, niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà theo quy định của pháp luật về giá;

c) Chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về quản lý giá;

d) Tổ chức các điểm bán vé thuận tiện cho chủ phương tiện và tránh ùn tắc giao thông;

đ) Bán kịp thời, đầy đủ các loại vé cho mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Điều 11. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam

1. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý theo thẩm quyền.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Bãi bỏ Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý và Thông tư số 37/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 1588/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành khung giá các bến phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Trung ương quản lý như phụ lục kèm theo. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 1, Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT ngày 14/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Giao Cục Đường bộ Việt Nam triển khai, thực hiện theo đúng quy định tại Luật Giá, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá, Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT ngày 14/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý và các quy định có liên quan.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Tài chính, Vận tải, Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
PHỤ LỤC KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐƯỢC ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, DO TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ

Biểu số 01 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐÌNH KHAO, QUỐC LỘ 57
...
Biểu số 02 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐẠI NGÃI, QUỐC LỘ 60
...
Biểu số 03 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ CỒN NHẤT, QUỐC LỘ 37B
...
Biểu số 04 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ VẠN YÊN, QUỐC LỘ 43
...
Biểu số 05 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐỒNG CAO, QUỐC LỘ 37B
...
Biểu số 06 KHUNG GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ ĐẠI NỘI, QUỐC LỘ 21B
...
Biểu số 07 KHUNG GIÁ THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ KÊNH TẮT, QUỐC LỘ 53
...
Biểu số 08 KHUNG GIÁ THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ LÁNG SẮT, QUỐC LỘ 53
...
Biểu số 08 KHUNG GIÁ THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ LÁNG SẮT, QUỐC LỘ 53
...
Biểu số 10 KHUNG GIÁ THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ KÊNH SÁU, QUỐC LỘ 53B
...
Biểu số 11 KHUNG GIÁ THU DỊCH VỤ SỬ DỤNG PHÀ TÂN PHÚ, QUỐC LỘ 57B

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
Dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý
Quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý được hướng dẫn bởi Thông tư 33/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 1588/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
...
Điều 3. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá

Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá gồm các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sau đây:

1. Tên sản phẩm (tên gọi chi tiết);

2. Phân loại sản phẩm;

3. Dạng sản phẩm (dạng bào chế/ dạng dùng);

4. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc số tự công bố sản phẩm.

Xem nội dung VB
Điều 17. Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
...
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật này. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
...
Điều 3. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá

Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá gồm các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật sau đây:

1. Tên sản phẩm (tên gọi chi tiết);

2. Phân loại sản phẩm;

3. Dạng sản phẩm (dạng bào chế/ dạng dùng);

4. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc số tự công bố sản phẩm.

Xem nội dung VB
Điều 17. Hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá
...
2. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật này. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.
...
Điều 2. Sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá

1. Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá, bao gồm các phân loại sản phẩm sau:

a) Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành;

b) Sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi nhưng không theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế hoặc Bộ quản lý ngành ban hành.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 01 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ BÌNH ỔN GIÁ
...
3. Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 33/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
19 Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
19 Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập
Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 41/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 13/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập là các dịch vụ trong lĩnh vực kiểm dịch y tế, y tế dự phòng do đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về giá.

2. Định mức vật tư trực tiếp là mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, công cụ, thuốc, hóa chất, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng và các vật tư khác (sau đây gọi tắt là vật tư) sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

3. Định mức lao động trực tiếp là mức hao phí về số lượng người lao động (bao gồm cá nhân công thuê ngoài), thời gian lao động cần thiết được sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật (nếu có) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; bảo đảm tính đúng, tính đủ hao phí (bao gồm cả phần hao hụt) cần thiết để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

2. Đối với các loại vật tư được trực tiếp sử dụng cho nhiều lượt dịch vụ mà có hướng dẫn của nhà sản xuất về số lượt sử dụng (sau số lượt sử dụng nhất định có khuyến cáo phải thay thế) thì xác định tiêu hao trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất.

Điều 4. Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Phương pháp tiêu chuẩn: xây dựng định mức trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Phương pháp thống kê, tổng hợp: xây dựng định mức trên cơ sở phân tích các số liệu thu thập được ở các thời gian trước (trong 3 năm liền kề) về mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

3. Phương pháp phân tích, thực nghiệm: xây dựng định mức dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn thông qua khảo sát tại đơn vị (chụp ảnh, bấm giờ, kỹ thuật đo lường khác) khi xác định về mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

4. Phương pháp chuyên gia: sử dụng kinh nghiệm của chuyên gia trong lĩnh vực để đánh giá các yêu cầu kỹ thuật, nội dung công việc cần thực hiện để đưa ra mức tiêu hao vật tư, lao động trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ.

5. Định mức kinh tế - kỹ thuật được xác định theo một hoặc nhiều phương pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật thì phải áp dụng phương pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 5. Cách tính định mức trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Định mức vật tư trực tiếp được xác định như sau:

a) Xác định danh mục, chủng loại vật tư cần thiết, sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 (một) dịch vụ;

b) Xác định mức tiêu hao của từng loại vật tư để thực hiện 01 (một) dịch vụ theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này;

c) Đối với vật tư trực tiếp mà 01 đơn vị số lượng có thể sử dụng cho nhiều hơn 01 lượt dịch vụ thực hiện (ví dụ quần, áo, mũ của nhân viên,...), định mức được tính theo công thức sau:

Định mức vật tư trực tiếp = 1 / Số lượt dịch vụ thực hiện

d) Xác định tỷ lệ (%) hao hụt (nếu có).

2. Định mức lao động trực tiếp được tính như sau:

a) Xác định thời gian lao động được tính bằng giờ của từng vị trí làm việc. Mỗi vị trí làm việc được xác định theo chức danh nghề nghiệp, ngạch, bậc hoặc chuyên môn (nếu có) của người lao động;

b) Xác định hao phí lao động của từng vị trí làm việc để thực hiện 01 dịch vụ theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư này;

c) Cách xác định định mức lao động trực tiếp của mỗi vị trí làm việc để thực hiện 01 dịch vụ trong trường hợp thực hiện đồng thời hơn 01 dịch vụ tại một thời điểm.

Định mức lao động trực tiếp của mỗi vị trí làm việc = Tổng thời gian lao động trực tiếp của vị trí làm việc để thực hiện dịch vụ / Số lượt dịch vụ thực hiện

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13 tháng 01 năm 2025.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
19 Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 41/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 13/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
19 Dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Căn cứ Luật giá ngày 19 tháng 06 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone bao gồm tên gọi chi tiết, chủng loại cụ thể được quy định như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng các biện pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập cung cấp dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng gồm 990 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ quy định tại Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ VỀ KIỂM DỊCH Y TẾ
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ VỀ DINH DƯỠNG
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
...
PHỤ LỤC IV NHÓM DỊCH VỤ VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG
...
PHỤ LỤC V NHÓM DỊCH VỤ VỀ SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP, SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE TRƯỜNG HỌC

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập.

2. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở y tế công lập thực hiện dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS gồm 95 dịch vụ, cụ thể:

1. Nhóm dịch vụ tư vấn phòng, chống HIV/AIDS gồm 18 dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nhóm dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 15 dịch vụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nhóm dịch vụ cận lâm sàng chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS và xác định tình trạng nghiện ma túy gồm 62 dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2025.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.
...
PHỤ LỤC I NHÓM DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
...
PHỤ LỤC II NHÓM DỊCH VỤ KHÁM, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY
...
PHỤ LỤC III NHÓM DỊCH VỤ CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS VÀ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
...
Điều 3. Quy định Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật

1. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm:

a) Mã dịch vụ;

b) Tên dịch vụ, kỹ thuật;

c) Chủng loại.

2. Danh mục Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 21. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
...
4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế được hướng dẫn bởi Thông tư 26/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 34/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 31/12/2024
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập được hướng dẫn bởi Thông tư 40/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 08/01/2025
Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 44/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025
Cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 83/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá áp dụng tại Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá áp dụng tại Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con (sau đây gọi tắt là SGDCK), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là VSDC) theo quy định pháp luật.

2. Đối với các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán không do Nhà nước định giá, SGDCK và VSDC tự định giá và chịu trách nhiệm toàn diện về mức giá dịch vụ do mình cung ứng phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định tại Thông tư này bao gồm: Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ chứng khoán được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán nêu tại khoản 1 Điều này bao gồm: Thành viên của SGDCK; thành viên của VSDC; tổ chức đăng ký niêm yết; tổ chức niêm yết; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; tổ chức phát hành; công ty đại chúng; tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSDC; cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch của SGDCK; Kho bạc Nhà nước; tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại SGDCK và VSDC

1. Bộ Tài chính quyết định giá các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá theo quy định áp dụng tại SGDCK và VSDC.

2. Thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

3. SGDCK và VSDC phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá, chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.

4. SGDCK và VSDC có trách nhiệm thường xuyên rà soát các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá theo quy định áp dụng tại SGDCK và VSDC; rà soát các mức giá dịch vụ chứng khoán do Nhà nước định giá; trường hợp cần định giá, điều chỉnh giá thì báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thẩm định, trình Bộ xem xét quyết định theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá.

5. Thành viên tạo lập thị trường được giảm tối đa không quá 80% mức giá dịch vụ giao dịch tại thị trường chứng khoán cơ sở và tối đa không quá 70% mức giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh đối với giao dịch tạo lập thị trường sau khi các thành viên tạo lập thị trường hoàn thành các nghĩa vụ tạo lập thị trường theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định.

6. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn được giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, giá dịch vụ quản lý niêm yết, giá dịch vụ giao dịch, giá dịch vụ đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần hoặc điều chỉnh thông tin số lượng chứng khoán đăng ký và giá dịch vụ lưu ký chứng khoán đối với trái phiếu xanh.

Chủ thể phát hành có trách nhiệm nộp tài liệu chứng minh trái phiếu đáp ứng quy định về trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật cho SGDCK và VSDC khi thực hiện đăng ký chứng khoán, đăng ký niêm yết.

7. Giá các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá theo quy định áp dụng tại SGDCK và VSDC được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quy định về thanh toán tiền sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Trường hợp tổ chức đăng ký lại tư cách thành viên của SGDCK thì thanh toán tiền sử dụng dịch vụ đăng ký thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý thành viên, dịch vụ quản lý thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ duy trì kết nối định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối như các trường hợp đăng ký làm thành viên mới.

Trường hợp tổ chức đăng ký lại tư cách thành viên lưu ký, thành viên bù trừ của VSDC thì thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh, dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ, dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh như các trường hợp đăng ký làm thành viên mới.

2. Trường hợp thành viên của SGDCK bị SGDCK ngừng giao dịch hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến kéo dài sang năm tiếp theo mà không bị hủy bỏ tư cách thành viên thì vẫn phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên, dịch vụ quản lý thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ duy trì kết nối định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối năm tiếp theo.

Trường hợp thành viên của VSDC bị VSDC ngừng cung cấp dịch vụ lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hoặc đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán kéo dài sang năm tiếp theo mà không bị hủy bỏ tư cách thành viên thì vẫn phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh năm tiếp theo.

3. Trường hợp thành viên của SGDCK bị SGDCK ngừng giao dịch hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến để hủy bỏ tư cách thành viên trong năm đó thì không phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên, dịch vụ quản lý thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ duy trì kết nối định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối trong các năm tiếp theo.

Trường hợp thành viên của VSDC bị VSDC ngừng cung cấp dịch vụ lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hoặc đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán để hủy bỏ tư cách thành viên trong năm đó thì không phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh trong các năm tiếp theo.

4. Đối với các giao dịch đã được xác lập tại SGDCK nhưng bị SGDCK loại bỏ giao dịch hoặc VSDC loại bỏ thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định thì SGDCK không thu giá dịch vụ giao dịch.

5. Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư này thu bằng đồng Việt Nam. Giá dịch vụ được làm tròn đến đơn vị đồng theo quy tắc làm tròn số được quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán và các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đối với trái phiếu Chính phủ ngoại tệ, giá dịch vụ được tính toán trên cơ sở quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo bình quân các mức tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trong tháng có phát sinh dịch vụ liên quan đến trái phiếu Chính phủ ngoại tệ.

Điều 5. Quy định về thời gian thu, thanh toán, hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Đối với các khoản thu định kỳ hàng năm do Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán cho SGDCK, VSDC trước ngày 31 tháng 01 của năm tính giá.

2. Đối với các khoản thu định kỳ hàng tháng do Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán cho SGDCK, VSDC chậm nhất vào ngày 15 của tháng tiếp theo.

3. Đối với các tổ chức đăng ký làm thành viên mới của SGDCK, VSDC và mới đăng ký niêm yết thì thực hiện thanh toán tiền sử dụng dịch vụ đăng ký thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý thành viên, dịch vụ quản lý thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu, dịch vụ duy trì kết nối định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối, dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ, dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh, dịch vụ đăng ký niêm yết, dịch vụ quản lý niêm yết trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ban hành Quyết định chấp thuận tư cách thành viên, Quyết định chấp thuận kết nối giao dịch trực tuyến, Quyết định chấp thuận niêm yết, Quyết định chấp thuận kết nối giao dịch từ xa, VSDC cấp Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh.

4. SGDCK, VSDC hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên, dịch vụ quản lý thành viên chứng khoán phái sinh, dịch vụ duy trì kết nối định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối, dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh cho thành viên của SGDCK, thành viên của VSDC trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ban hành Quyết định hủy bỏ tư cách thành viên, VSDC ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thành viên hoặc hủy bỏ tư cách thành viên.

5. SGDCK thu bổ sung hoặc hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ quản lý niêm yết cho tổ chức niêm yết, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ban hành Quyết định chấp thuận thay đổi niêm yết hoặc ngày SGDCK thông báo về việc thay đổi số lượng chứng khoán niêm yết đối với trường hợp thay đổi niêm yết hoặc ngày hủy niêm yết có hiệu lực đối với trường hợp hủy niêm yết.

6. Trong trường hợp sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu giữa các SGDCK theo quy định pháp luật thì SGDCK có cổ phiếu chuyển đi có trách nhiệm xác định số tiền dịch vụ quản lý niêm yết đã thu trong năm và điều chuyển phần còn lại tính từ tháng sau liền kề tháng SGDCK thực hiện chuyển cổ phiếu cho đến hết tháng 12 của năm đó cho SGDCK tiếp nhận cổ phiếu; SGDCK tiếp nhận cổ phiếu không thu tiền sử dụng dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với tổ chức niêm yết có cổ phiếu niêm yết thuộc diện sắp xếp lại thị trường giao dịch nêu trên.

Điều 6. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ, sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì phần còn lại SGDCK và VSDC thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn thu của VSDC từ dịch vụ chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch của SGDCK (trừ dịch vụ chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã đăng ký chứng khoán tại VSDC nhưng không thuộc đối tượng phải giao dịch trên SGDCK và dịch vụ chuyển quyền sở hữu chứng khoán trong giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF, thực hiện chứng quyền có bảo đảm) được VSDC điều tiết cho SGDCK theo thỏa thuận trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ đảm bảo tối đa không quá 50% số tiền thu được đối với các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên SGDCK.

3. Khi thu tiền dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, SGDCK và VSDC sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. SGDCK và VSDC rà soát các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do Nhà nước định giá theo quy định áp dụng tại SGDCK và VSDC, xây dựng hồ sơ phương án giá gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thẩm định, trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành văn bản định giá theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Điều 8. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2025 và thay thế Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam./.
...
PHỤ LỤC I GIÁ DỊCH VỤ TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN ÁP DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG TY CON, TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM DO BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH GIÁ
...
PHỤ LỤC II HƯỚNG DẪN GIÁ DỊCH VỤ TRONG LĨNH VỰC CHỨNG KHOÁN ÁP DỤNG TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG TY CON, TỔNG CÔNG TY LƯU KÝ VÀ BÙ TRỪ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM DO BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH GIÁ

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
14 Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
Cơ chế, chính sách về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 83/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 18 đến Điều 25 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
dak3d11=d13,d14,15,16,17

Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 18. Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ sân đậu tàu bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ phân loại đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa. Trường hợp tàu bay đậu lại phục vụ cho cả chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa: giá thuê sân đậu theo chuyến được xác định bằng bình quân của giá áp dụng đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa.

4. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng quy định tại các cảng hàng không nhóm B.

5. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay của hãng hàng không chọn cảng hàng không, sân bay của Việt Nam làm cảng hàng không, sân bay căn cứ: áp dụng bằng 50% mức thu tương ứng quy định đối với chuyến bay nội địa.

6. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, tàu bay phải đậu lại cảng hàng không, sân bay không phải là cảng hàng không, sân bay căn cứ của hãng hàng không: áp dụng mức thu bằng 50% mức thu đang thực hiện đối với loại tàu bay tương ứng.

7. Thời gian đậu lại là khoảng thời gian được tính từ thời điểm đóng chèn và thời điểm rút chèn khỏi bánh tàu bay.

Thời gian đậu lại trên 18 giờ đến 24 giờ được tính là 01 ngày; đối với tàu bay đậu lại trên 24 giờ và cất cánh trong vòng 24 giờ tiếp theo, thời gian đậu lại được tính thêm 01 ngày. Cách tính này sẽ được áp dụng để tính thời gian đậu lại trong những khoảng 24 giờ tiếp theo.

Điều 19. Giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ quy định áp dụng đối với chuyến bay sử dụng 02 lượt cầu dẫn khách (đưa khách xuống và lượt đón khách lên). Trường hợp chuyến bay chỉ sử dụng 01 lượt cầu dẫn khách: thu bằng 50% khung giá quy định.

4. Đối với chuyến bay nội địa kết hợp quốc tế: thu bằng 65% mức thu tương ứng đối với chuyến bay quốc tế.

Điều 20. Giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách đi tàu bay tính theo 02 phương thức: theo tháng và theo từng chuyến bay tùy thuộc lựa chọn của khách hàng.

4. Khung giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng tại cảng hàng không nhóm B.

5. Trường hợp quầy thủ tục được sử dụng phục vụ cho cả chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa: giá thuê quầy theo tháng được xác định bằng bình quân của giá thuê theo tháng áp dụng đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa.

6. Nội dung dịch vụ gồm: Mặt bằng bố trí quầy bục; Quầy; Máy tính, trang thiết bị liên quan (không bao gồm phần mềm máy tính chuyên dụng); Bảng thông báo quầy; Băng chuyền gắn với quầy; Điện, nước phục vụ khu vực quầy; Chi phí sửa chữa, quản lý có liên quan.

7. Khung giá dịch vụ thuê các loại quầy làm thủ tục hành khách khác gồm: quầy tại cửa ra máy bay (boarding counter); quầy đầu đảo (service desk); quầy chuyển tiếp (transit counter): thu bằng 20% mức thu tương ứng đối với quầy làm thủ tục hành khách đi tàu bay tại cảng hàng không nhóm A và nhóm B.

8. Thời gian sử dụng quầy và số quầy cho từng chuyến bay do cảng hàng không, sân bay và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở thông lệ, năng lực cung ứng quầy của từng cảng hàng không, sân bay và quy định của hãng hàng không về thời gian làm thủ tục hàng không.

Điều 21. Giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng băng chuyền hành lý đến tại các cảng hàng không, sân bay chưa có dịch vụ xử lý hành lý tự động.

3. Dịch vụ này áp dụng tại các cảng hàng không, sân bay chưa có dịch vụ phân loại tự động hành lý đi.

Điều 22. Giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại tự động hành lý đi.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng băng chuyền phân loại tự động hành lý đi tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng đối với cảng hàng không nhóm B.

Điều 23. Giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không trong nước sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay nhóm A.

3. Nội dung dịch vụ bao gồm: Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay (chiếm tỷ trọng 20% của giá phục vụ mặt đất trọn gói); Giá dẫn tàu bay (nếu có); Phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất (trên cơ sở đảm bảo nhu cầu tối thiểu của chuyến bay và năng lực thực tế của từng cảng hàng không); Dịch vụ sử dụng phương tiện nhà ga có liên quan trực tiếp tới việc phục vụ các chuyến bay và tiền thuê văn phòng đại diện hãng vận chuyển (không bao gồm sân đỗ ô tô); Sân đậu máy bay (trong thời gian miễn thu 02 giờ đầu đậu lại).

Điều 24. Giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không sử dụng dịch vụ tra nạp xăng dầu bằng xe chuyên dụng (xe có chứa nhiên liệu và hệ thống công nghệ bơm) tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Nội dung dịch vụ: tra nạp xăng dầu bằng xe ô tô chuyên dụng (xe lắp xi téc chở nhiên liệu hàng không được lắp đặt hệ thống công nghệ thích hợp, để tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay hoặc hút nhiên liệu hàng không từ tàu bay) tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, không bao gồm dịch vụ cung ứng nhiên liệu.

Điều 25. Giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ và hãng hàng không sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Nội dung dịch vụ: dịch vụ tra nạp nhiên liệu từ hệ thống tra nạp ngầm qua xe truyền tiếp đến tàu bay (xe không chứa nhiên liệu, chỉ có hệ thống công nghệ bơm).

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:
...
b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 4 đến Khoản 11 Điều 1 và Điều 4 đến Điều 11 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:
...
b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 18 đến Điều 25 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 4 đến Khoản 11 Điều 1 và Điều 4 đến Điều 11 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Cơ chế, chính sách quản lý giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được hướng dẫn bởi Điều 28 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 28. Giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: Doanh nghiệp cảng hàng không.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: Doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

3. Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: khai thác nhà ga hành khách; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không.

4. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được tính theo tỷ lệ % doanh thu của dịch vụ hàng không tương ứng (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: khai thác nhà ga hành khách; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không.

5. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được tính theo đơn giá trên sản lượng của dịch vụ hàng không tương ứng bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không.

6. Doanh thu hoặc sản lượng để tính giá nhượng quyền khai thác không bao gồm doanh thu hoặc sản lượng của các công ty cung cấp dịch vụ cho chính doanh nghiệp mình và công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ cung ứng dịch vụ cho công ty mẹ.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:
...
c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 12 Điều 1 và Điều 12 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
12. Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:
...
c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;
Cơ chế, chính sách quản lý giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được hướng dẫn bởi Điều 28 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 12 Điều 1 và Điều 12 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 26, Điều 27 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 26. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ và các hãng hàng không thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.

3. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

a) Khung giá cho thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện hãng hàng không tại nhà ga hành khách gồm cho thuê mặt bằng, phòng làm việc và 01 chỗ đỗ xe ô tô ngoài nhà ga cho văn phòng;

b) Khung giá cho thuê mặt bằng khác: quy định theo phân loại nhà ga (quốc tế, quốc nội); khu vực cho thuê (trong cách ly, ngoài cách ly); loại hình kinh doanh dịch vụ.

4. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa gồm: cho thuê mặt bằng kho và cho thuê mặt bằng văn phòng.

Điều 27. Giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị kinh doanh dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.

3. Giá dịch vụ chưa bao gồm chi phí phục vụ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa quy định.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:
...
4. Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

a) Dịch vụ cho thuê mặt bằng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 13, Khoản 14 Điều 1 và Điều 13, Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
13. Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;

14. Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách.
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:
...
4. Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

a) Dịch vụ cho thuê mặt bằng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;
Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được hướng dẫn bởi Quyết định 1721/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài như sau:

(Bảng biểu,, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Ban hành khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như sau:

(Bảng biểu,, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:
...
4. Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

a) Dịch vụ cho thuê mặt bằng, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 26, Điều 27 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 13, Khoản 14 Điều 1 và Điều 13, Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được hướng dẫn bởi Quyết định 1721/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 29 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 29. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam

1. Dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá phân loại theo cự ly nhóm đường bay gồm:

a) Nhóm I. Dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác);

b) Nhóm II. Từ 500km đến dưới 850km;

c) Nhóm III. Từ 850km đến dưới 1000km; d) Nhóm IV. Từ 1000km đến dưới 1280km; đ) Nhóm V. Từ 1.280km trở lên.

2. Mức giá tối đa dịch vụ quy định đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bay, không bao gồm các khoản thu sau:

a) Thuế giá trị gia tăng;

b) Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý;

c) Các khoản giá dịch vụ tăng thêm.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:
...
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 116 như sau:

“2. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.
Mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 1723/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:
...
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 116 như sau:

“2. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”.
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 29 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 1723/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 29 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 29. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam

1. Dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá phân loại theo cự ly nhóm đường bay gồm:

a) Nhóm I. Dưới 500km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm đường bay khác);

b) Nhóm II. Từ 500km đến dưới 850km;

c) Nhóm III. Từ 850km đến dưới 1000km; d) Nhóm IV. Từ 1000km đến dưới 1280km; đ) Nhóm V. Từ 1.280km trở lên.

2. Mức giá tối đa dịch vụ quy định đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bay, không bao gồm các khoản thu sau:

a) Thuế giá trị gia tăng;

b) Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý;

c) Các khoản giá dịch vụ tăng thêm.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa
Mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 1723/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam như sau:

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa
Cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 29 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được hướng dẫn bởi Quyết định 1723/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 18 đến Điều 25 và Điều 28 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 18. Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ sân đậu tàu bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ phân loại đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa. Trường hợp tàu bay đậu lại phục vụ cho cả chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa: giá thuê sân đậu theo chuyến được xác định bằng bình quân của giá áp dụng đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa.

4. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng quy định tại các cảng hàng không nhóm B.

5. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay của hãng hàng không chọn cảng hàng không, sân bay của Việt Nam làm cảng hàng không, sân bay căn cứ: áp dụng bằng 50% mức thu tương ứng quy định đối với chuyến bay nội địa.

6. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, tàu bay phải đậu lại cảng hàng không, sân bay không phải là cảng hàng không, sân bay căn cứ của hãng hàng không: áp dụng mức thu bằng 50% mức thu đang thực hiện đối với loại tàu bay tương ứng.

7. Thời gian đậu lại là khoảng thời gian được tính từ thời điểm đóng chèn và thời điểm rút chèn khỏi bánh tàu bay.

Thời gian đậu lại trên 18 giờ đến 24 giờ được tính là 01 ngày; đối với tàu bay đậu lại trên 24 giờ và cất cánh trong vòng 24 giờ tiếp theo, thời gian đậu lại được tính thêm 01 ngày. Cách tính này sẽ được áp dụng để tính thời gian đậu lại trong những khoảng 24 giờ tiếp theo.

Điều 19. Giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ quy định áp dụng đối với chuyến bay sử dụng 02 lượt cầu dẫn khách (đưa khách xuống và lượt đón khách lên). Trường hợp chuyến bay chỉ sử dụng 01 lượt cầu dẫn khách: thu bằng 50% khung giá quy định.

4. Đối với chuyến bay nội địa kết hợp quốc tế: thu bằng 65% mức thu tương ứng đối với chuyến bay quốc tế.

Điều 20. Giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không, đơn vị cung ứng dịch vụ mặt đất sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách đi tàu bay tính theo 02 phương thức: theo tháng và theo từng chuyến bay tùy thuộc lựa chọn của khách hàng.

4. Khung giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng tại cảng hàng không nhóm B.

5. Trường hợp quầy thủ tục được sử dụng phục vụ cho cả chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa: giá thuê quầy theo tháng được xác định bằng bình quân của giá thuê theo tháng áp dụng đối với chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa.

6. Nội dung dịch vụ gồm: Mặt bằng bố trí quầy bục; Quầy; Máy tính, trang thiết bị liên quan (không bao gồm phần mềm máy tính chuyên dụng); Bảng thông báo quầy; Băng chuyền gắn với quầy; Điện, nước phục vụ khu vực quầy; Chi phí sửa chữa, quản lý có liên quan.

7. Khung giá dịch vụ thuê các loại quầy làm thủ tục hành khách khác gồm: quầy tại cửa ra máy bay (boarding counter); quầy đầu đảo (service desk); quầy chuyển tiếp (transit counter): thu bằng 20% mức thu tương ứng đối với quầy làm thủ tục hành khách đi tàu bay tại cảng hàng không nhóm A và nhóm B.

8. Thời gian sử dụng quầy và số quầy cho từng chuyến bay do cảng hàng không, sân bay và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở thông lệ, năng lực cung ứng quầy của từng cảng hàng không, sân bay và quy định của hãng hàng không về thời gian làm thủ tục hàng không.

Điều 21. Giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng băng chuyền hành lý đến tại các cảng hàng không, sân bay chưa có dịch vụ xử lý hành lý tự động.

3. Dịch vụ này áp dụng tại các cảng hàng không, sân bay chưa có dịch vụ phân loại tự động hành lý đi.

Điều 22. Giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại tự động hành lý đi.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng băng chuyền phân loại tự động hành lý đi tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Khung giá áp dụng đối với chuyến bay tại cảng hàng không nhóm A: thu bằng 70% mức thu tương ứng đối với cảng hàng không nhóm B.

Điều 23. Giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không trong nước sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay nhóm A.

3. Nội dung dịch vụ bao gồm: Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay (chiếm tỷ trọng 20% của giá phục vụ mặt đất trọn gói); Giá dẫn tàu bay (nếu có); Phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất (trên cơ sở đảm bảo nhu cầu tối thiểu của chuyến bay và năng lực thực tế của từng cảng hàng không); Dịch vụ sử dụng phương tiện nhà ga có liên quan trực tiếp tới việc phục vụ các chuyến bay và tiền thuê văn phòng đại diện hãng vận chuyển (không bao gồm sân đỗ ô tô); Sân đậu máy bay (trong thời gian miễn thu 02 giờ đầu đậu lại).

Điều 24. Giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không sử dụng dịch vụ tra nạp xăng dầu bằng xe chuyên dụng (xe có chứa nhiên liệu và hệ thống công nghệ bơm) tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Nội dung dịch vụ: tra nạp xăng dầu bằng xe ô tô chuyên dụng (xe lắp xi téc chở nhiên liệu hàng không được lắp đặt hệ thống công nghệ thích hợp, để tra nạp nhiên liệu hàng không cho tàu bay hoặc hút nhiên liệu hàng không từ tàu bay) tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, không bao gồm dịch vụ cung ứng nhiên liệu.

Điều 25. Giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ và hãng hàng không sử dụng dịch vụ này tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Nội dung dịch vụ: dịch vụ tra nạp nhiên liệu từ hệ thống tra nạp ngầm qua xe truyền tiếp đến tàu bay (xe không chứa nhiên liệu, chỉ có hệ thống công nghệ bơm).
...
Điều 28. Giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: Doanh nghiệp cảng hàng không.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: Doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

3. Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: khai thác nhà ga hành khách; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không.

4. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được tính theo tỷ lệ % doanh thu của dịch vụ hàng không tương ứng (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: khai thác nhà ga hành khách; khai thác nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không.

5. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không được tính theo đơn giá trên sản lượng của dịch vụ hàng không tương ứng bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không.

6. Doanh thu hoặc sản lượng để tính giá nhượng quyền khai thác không bao gồm doanh thu hoặc sản lượng của các công ty cung cấp dịch vụ cho chính doanh nghiệp mình và công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ cung ứng dịch vụ cho công ty mẹ.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay; nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 4 đến Khoản 14 Điều 1 và Điều 4 đến Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay; nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 18 đến Điều 25 và Điều 28 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 4 đến Khoản 14 Điều 1 và Điều 4 đến Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 26, Điều 27 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 26. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ và các hãng hàng không thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.

3. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

a) Khung giá cho thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện hãng hàng không tại nhà ga hành khách gồm cho thuê mặt bằng, phòng làm việc và 01 chỗ đỗ xe ô tô ngoài nhà ga cho văn phòng;

b) Khung giá cho thuê mặt bằng khác: quy định theo phân loại nhà ga (quốc tế, quốc nội); khu vực cho thuê (trong cách ly, ngoài cách ly); loại hình kinh doanh dịch vụ.

4. Giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa gồm: cho thuê mặt bằng kho và cho thuê mặt bằng văn phòng.

Điều 27. Giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị kinh doanh dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.

3. Giá dịch vụ chưa bao gồm chi phí phục vụ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa quy định.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay và dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 13, Khoản 14 Điều 1 và Điều 13, Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
13. Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;

14. Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách.
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay và dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được hướng dẫn bởi Quyết định 1721/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài như sau:

(Bảng biểu,, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Ban hành khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như sau:

(Bảng biểu,, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cho thuê mặt bằng cảng hàng không, sân bay và dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 26, Điều 27 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 13, Khoản 14 Điều 1 và Điều 13, Điều 14 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được hướng dẫn bởi Quyết định 1721/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 13. Giá dịch vụ điều hành bay đi, đến

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay đi, đến tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế tính cho mỗi lượt điều hành hạ cánh hoặc cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

4. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa bao gồm lượt điều hành cất cánh và lượt điều hành hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay phải hạ cánh tại các điểm hạ cánh khác (không phải điểm dự định hạ cánh) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Trường hợp cất và hạ cánh tại cùng một điểm thì mức giá tính theo ki- lô-mét (km) điều hành thực tế. Việc xác định cự ly điều hành bay thực tế (S) được tính theo công thức: S= Vht × T × 70%. Trong đó:

Vht là vận tốc hành trình của máy bay được công bố trong tài liệu của nhà sản xuất máy bay (km/h);

T là thời gian bay thực tế của máy bay;

Trường hợp do lỗi điều hành bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không sân bay thương thảo với đối tượng sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay quay lại điểm nơi xuất phát.

Điều 14. Giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

3. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay thường lệ được áp dụng đối với chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Đối với chuyến bay không thường lệ: áp dụng mức giá bằng 120% mức giá quy định đối với chuyến bay thường lệ.

Điều 15. Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được tính đối với một (01) lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Đối với các chuyến bay nội địa hạ cánh trong khung giờ có tổng số chuyến bay theo lịch bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép dưới 30% so với tham số điều phối đường hạ cất cánh của cảng hàng không, sân bay: thu bằng 85% mức giá dịch vụ quy định;

Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.

Điều 16. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

1. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam;

c) Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

d) Nội dung dịch vụ bao gồm: soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; an ninh bảo vệ tàu bay; an ninh cho hành khách chậm, nhỡ chuyến; quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trong vòng 24 giờ; nhận dạng hành khách, hành lý trước khi lên tàu bay; canh gác, bảo đảm trật tự địa bàn cảng hàng không; đ) Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá quy định.

2. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên;

c) Mức giá dịch vụ áp dụng đối với tối đa 01 nhân viên an ninh giám sát có trang bị dụng cụ hỗ trợ. Thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ được tính từ khi các bên giao, nhận và ký biên bản bàn giao cho đến khi các bên giao, nhận lại hành khách bị từ chối nhập cảnh và ký biên bản bàn giao. Thời gian tối thiểu cho 01 lần sử dụng dịch vụ là 01 giờ, dưới 60 phút được tính là 01 giờ. Trên 10 giờ được tính giá theo ngày.

3. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: người vận chuyển sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi;

c) Nội dung dịch vụ bao gồm: kiểm tra, soi chiếu, lục soát giám sát an ninh hàng hóa, bưu gửi; giám sát, lục soát an ninh, bảo vệ tàu bay; nhận dạng hàng hóa, bưu gửi trước khi lên tàu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

4. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa đã qua soi chiếu an ninh từ kho hàng hóa hàng không có cơ sở hạ tầng nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

5. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Nội dung dịch vụ: kiểm tra phương tiện chuyên chở và kiểm tra niêm phong an ninh suất ăn, xăng dầu, hàng hóa phục vụ khai thác hàng không trước khi vào khu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo lượt vào của phương tiện vận chuyển.

Điều 17. Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá áp dụng quy định.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến như sau:

1. Đối với chuyến bay quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như sau:

1. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hàng không chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:

1. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay;

2. Dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

3. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
7 Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 13. Giá dịch vụ điều hành bay đi, đến

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay đi, đến tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế tính cho mỗi lượt điều hành hạ cánh hoặc cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

4. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa bao gồm lượt điều hành cất cánh và lượt điều hành hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay phải hạ cánh tại các điểm hạ cánh khác (không phải điểm dự định hạ cánh) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Trường hợp cất và hạ cánh tại cùng một điểm thì mức giá tính theo ki- lô-mét (km) điều hành thực tế. Việc xác định cự ly điều hành bay thực tế (S) được tính theo công thức: S= Vht × T × 70%. Trong đó:

Vht là vận tốc hành trình của máy bay được công bố trong tài liệu của nhà sản xuất máy bay (km/h);

T là thời gian bay thực tế của máy bay;

Trường hợp do lỗi điều hành bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không sân bay thương thảo với đối tượng sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay quay lại điểm nơi xuất phát.

Điều 14. Giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

3. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay thường lệ được áp dụng đối với chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Đối với chuyến bay không thường lệ: áp dụng mức giá bằng 120% mức giá quy định đối với chuyến bay thường lệ.

Điều 15. Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được tính đối với một (01) lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Đối với các chuyến bay nội địa hạ cánh trong khung giờ có tổng số chuyến bay theo lịch bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép dưới 30% so với tham số điều phối đường hạ cất cánh của cảng hàng không, sân bay: thu bằng 85% mức giá dịch vụ quy định;

Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.

Điều 16. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

1. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam;

c) Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

d) Nội dung dịch vụ bao gồm: soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; an ninh bảo vệ tàu bay; an ninh cho hành khách chậm, nhỡ chuyến; quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trong vòng 24 giờ; nhận dạng hành khách, hành lý trước khi lên tàu bay; canh gác, bảo đảm trật tự địa bàn cảng hàng không; đ) Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá quy định.

2. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên;

c) Mức giá dịch vụ áp dụng đối với tối đa 01 nhân viên an ninh giám sát có trang bị dụng cụ hỗ trợ. Thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ được tính từ khi các bên giao, nhận và ký biên bản bàn giao cho đến khi các bên giao, nhận lại hành khách bị từ chối nhập cảnh và ký biên bản bàn giao. Thời gian tối thiểu cho 01 lần sử dụng dịch vụ là 01 giờ, dưới 60 phút được tính là 01 giờ. Trên 10 giờ được tính giá theo ngày.

3. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: người vận chuyển sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi;

c) Nội dung dịch vụ bao gồm: kiểm tra, soi chiếu, lục soát giám sát an ninh hàng hóa, bưu gửi; giám sát, lục soát an ninh, bảo vệ tàu bay; nhận dạng hàng hóa, bưu gửi trước khi lên tàu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

4. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa đã qua soi chiếu an ninh từ kho hàng hóa hàng không có cơ sở hạ tầng nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

5. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Nội dung dịch vụ: kiểm tra phương tiện chuyên chở và kiểm tra niêm phong an ninh suất ăn, xăng dầu, hàng hóa phục vụ khai thác hàng không trước khi vào khu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo lượt vào của phương tiện vận chuyển.

Điều 17. Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá áp dụng quy định.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến như sau:

1. Đối với chuyến bay quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như sau:

1. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hàng không chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:

1. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay;

2. Dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

3. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 13. Giá dịch vụ điều hành bay đi, đến

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay đi, đến tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế tính cho mỗi lượt điều hành hạ cánh hoặc cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

4. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa bao gồm lượt điều hành cất cánh và lượt điều hành hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay phải hạ cánh tại các điểm hạ cánh khác (không phải điểm dự định hạ cánh) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Trường hợp cất và hạ cánh tại cùng một điểm thì mức giá tính theo ki- lô-mét (km) điều hành thực tế. Việc xác định cự ly điều hành bay thực tế (S) được tính theo công thức: S= Vht × T × 70%. Trong đó:

Vht là vận tốc hành trình của máy bay được công bố trong tài liệu của nhà sản xuất máy bay (km/h);

T là thời gian bay thực tế của máy bay;

Trường hợp do lỗi điều hành bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không sân bay thương thảo với đối tượng sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay quay lại điểm nơi xuất phát.

Điều 14. Giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

3. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay thường lệ được áp dụng đối với chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Đối với chuyến bay không thường lệ: áp dụng mức giá bằng 120% mức giá quy định đối với chuyến bay thường lệ.

Điều 15. Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được tính đối với một (01) lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Đối với các chuyến bay nội địa hạ cánh trong khung giờ có tổng số chuyến bay theo lịch bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép dưới 30% so với tham số điều phối đường hạ cất cánh của cảng hàng không, sân bay: thu bằng 85% mức giá dịch vụ quy định;

Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.

Điều 16. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

1. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam;

c) Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

d) Nội dung dịch vụ bao gồm: soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; an ninh bảo vệ tàu bay; an ninh cho hành khách chậm, nhỡ chuyến; quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trong vòng 24 giờ; nhận dạng hành khách, hành lý trước khi lên tàu bay; canh gác, bảo đảm trật tự địa bàn cảng hàng không; đ) Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá quy định.

2. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên;

c) Mức giá dịch vụ áp dụng đối với tối đa 01 nhân viên an ninh giám sát có trang bị dụng cụ hỗ trợ. Thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ được tính từ khi các bên giao, nhận và ký biên bản bàn giao cho đến khi các bên giao, nhận lại hành khách bị từ chối nhập cảnh và ký biên bản bàn giao. Thời gian tối thiểu cho 01 lần sử dụng dịch vụ là 01 giờ, dưới 60 phút được tính là 01 giờ. Trên 10 giờ được tính giá theo ngày.

3. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: người vận chuyển sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi;

c) Nội dung dịch vụ bao gồm: kiểm tra, soi chiếu, lục soát giám sát an ninh hàng hóa, bưu gửi; giám sát, lục soát an ninh, bảo vệ tàu bay; nhận dạng hàng hóa, bưu gửi trước khi lên tàu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

4. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa đã qua soi chiếu an ninh từ kho hàng hóa hàng không có cơ sở hạ tầng nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

5. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Nội dung dịch vụ: kiểm tra phương tiện chuyên chở và kiểm tra niêm phong an ninh suất ăn, xăng dầu, hàng hóa phục vụ khai thác hàng không trước khi vào khu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo lượt vào của phương tiện vận chuyển.

Điều 17. Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá áp dụng quy định.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến như sau:

1. Đối với chuyến bay quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như sau:

1. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hàng không chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:

1. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay;

2. Dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

3. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 13. Giá dịch vụ điều hành bay đi, đến

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay đi, đến tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế tính cho mỗi lượt điều hành hạ cánh hoặc cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

4. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa bao gồm lượt điều hành cất cánh và lượt điều hành hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay phải hạ cánh tại các điểm hạ cánh khác (không phải điểm dự định hạ cánh) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Trường hợp cất và hạ cánh tại cùng một điểm thì mức giá tính theo ki- lô-mét (km) điều hành thực tế. Việc xác định cự ly điều hành bay thực tế (S) được tính theo công thức: S= Vht × T × 70%. Trong đó:

Vht là vận tốc hành trình của máy bay được công bố trong tài liệu của nhà sản xuất máy bay (km/h);

T là thời gian bay thực tế của máy bay;

Trường hợp do lỗi điều hành bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không sân bay thương thảo với đối tượng sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay quay lại điểm nơi xuất phát.

Điều 14. Giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

3. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay thường lệ được áp dụng đối với chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Đối với chuyến bay không thường lệ: áp dụng mức giá bằng 120% mức giá quy định đối với chuyến bay thường lệ.

Điều 15. Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được tính đối với một (01) lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Đối với các chuyến bay nội địa hạ cánh trong khung giờ có tổng số chuyến bay theo lịch bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép dưới 30% so với tham số điều phối đường hạ cất cánh của cảng hàng không, sân bay: thu bằng 85% mức giá dịch vụ quy định;

Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.

Điều 16. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

1. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam;

c) Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

d) Nội dung dịch vụ bao gồm: soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; an ninh bảo vệ tàu bay; an ninh cho hành khách chậm, nhỡ chuyến; quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trong vòng 24 giờ; nhận dạng hành khách, hành lý trước khi lên tàu bay; canh gác, bảo đảm trật tự địa bàn cảng hàng không; đ) Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá quy định.

2. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên;

c) Mức giá dịch vụ áp dụng đối với tối đa 01 nhân viên an ninh giám sát có trang bị dụng cụ hỗ trợ. Thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ được tính từ khi các bên giao, nhận và ký biên bản bàn giao cho đến khi các bên giao, nhận lại hành khách bị từ chối nhập cảnh và ký biên bản bàn giao. Thời gian tối thiểu cho 01 lần sử dụng dịch vụ là 01 giờ, dưới 60 phút được tính là 01 giờ. Trên 10 giờ được tính giá theo ngày.

3. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: người vận chuyển sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi;

c) Nội dung dịch vụ bao gồm: kiểm tra, soi chiếu, lục soát giám sát an ninh hàng hóa, bưu gửi; giám sát, lục soát an ninh, bảo vệ tàu bay; nhận dạng hàng hóa, bưu gửi trước khi lên tàu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

4. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa đã qua soi chiếu an ninh từ kho hàng hóa hàng không có cơ sở hạ tầng nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

5. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Nội dung dịch vụ: kiểm tra phương tiện chuyên chở và kiểm tra niêm phong an ninh suất ăn, xăng dầu, hàng hóa phục vụ khai thác hàng không trước khi vào khu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo lượt vào của phương tiện vận chuyển.

Điều 17. Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá áp dụng quy định.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến như sau:

1. Đối với chuyến bay quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như sau:

1. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hàng không chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:

1. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay;

2. Dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

3. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
...
Điều 13. Giá dịch vụ điều hành bay đi, đến

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay đi, đến tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế tính cho mỗi lượt điều hành hạ cánh hoặc cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

4. Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa bao gồm lượt điều hành cất cánh và lượt điều hành hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay phải hạ cánh tại các điểm hạ cánh khác (không phải điểm dự định hạ cánh) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Trường hợp cất và hạ cánh tại cùng một điểm thì mức giá tính theo ki- lô-mét (km) điều hành thực tế. Việc xác định cự ly điều hành bay thực tế (S) được tính theo công thức: S= Vht × T × 70%. Trong đó:

Vht là vận tốc hành trình của máy bay được công bố trong tài liệu của nhà sản xuất máy bay (km/h);

T là thời gian bay thực tế của máy bay;

Trường hợp do lỗi điều hành bay, đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay đi, đến các cảng hàng không sân bay thương thảo với đối tượng sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay quay lại điểm nơi xuất phát.

Điều 14. Giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

3. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay thường lệ được áp dụng đối với chuyến bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Đối với chuyến bay không thường lệ: áp dụng mức giá bằng 120% mức giá quy định đối với chuyến bay thường lệ.

Điều 15. Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có tàu bay thực hiện chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay được tính đối với một (01) lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.

4. Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay hạ cánh tại các cảng hàng không nhóm A: thu bằng 60% mức giá quy định phù hợp với trọng tải cất cánh tối đa tương ứng đối với chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không nhóm B.

5. Quy định tính giá trong một số trường hợp đặc biệt

a) Thu bằng 50% mức giá quy định tương ứng đối với: trực thăng, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tàu bay hạ cánh tại điểm hạ cánh khác (không phải điểm hạ cánh dự kiến) vì lý do bất khả kháng (thời tiết, kỹ thuật, cấp cứu hành khách, khủng bố, tội phạm, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); tàu bay thực hiện các chuyến bay hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường, hạ cánh vì lý do kỹ thuật, bay chuyển cảng hàng không đến các điểm cất hoặc hạ cánh tại Việt Nam;

b) Thu bằng 30% mức giá quy định đối với: tàu bay thực hiện chuyến bay đào tạo huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại);

c) Đối với các chuyến bay nội địa hạ cánh trong khung giờ có tổng số chuyến bay theo lịch bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép dưới 30% so với tham số điều phối đường hạ cất cánh của cảng hàng không, sân bay: thu bằng 85% mức giá dịch vụ quy định;

Trường hợp do lỗi của người khai thác cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay thương thảo với các đơn vị để thanh toán một cách hợp lý các chi phí thực tế phát sinh do tàu bay phải quay lại cảng hàng không nơi xuất phát.

Điều 16. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

1. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam;

c) Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này;

d) Nội dung dịch vụ bao gồm: soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; an ninh bảo vệ tàu bay; an ninh cho hành khách chậm, nhỡ chuyến; quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại trong vòng 24 giờ; nhận dạng hành khách, hành lý trước khi lên tàu bay; canh gác, bảo đảm trật tự địa bàn cảng hàng không; đ) Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá quy định.

2. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hãng hàng không có hành khách bị từ chối nhập cảnh lưu lại từ 24 giờ trở lên;

c) Mức giá dịch vụ áp dụng đối với tối đa 01 nhân viên an ninh giám sát có trang bị dụng cụ hỗ trợ. Thời gian bắt đầu sử dụng dịch vụ được tính từ khi các bên giao, nhận và ký biên bản bàn giao cho đến khi các bên giao, nhận lại hành khách bị từ chối nhập cảnh và ký biên bản bàn giao. Thời gian tối thiểu cho 01 lần sử dụng dịch vụ là 01 giờ, dưới 60 phút được tính là 01 giờ. Trên 10 giờ được tính giá theo ngày.

3. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: người vận chuyển sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa, bưu gửi;

c) Nội dung dịch vụ bao gồm: kiểm tra, soi chiếu, lục soát giám sát an ninh hàng hóa, bưu gửi; giám sát, lục soát an ninh, bảo vệ tàu bay; nhận dạng hàng hóa, bưu gửi trước khi lên tàu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

4. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng hóa đã qua soi chiếu an ninh từ kho hàng hóa hàng không có cơ sở hạ tầng nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Mức giá dịch vụ được xác định theo đơn vị khối lượng hàng hóa (tấn).

5. Giá dịch vụ bảo đảm an ninh đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị vào phục vụ trong khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

a) Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không;

b) Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ;

c) Nội dung dịch vụ: kiểm tra phương tiện chuyên chở và kiểm tra niêm phong an ninh suất ăn, xăng dầu, hàng hóa phục vụ khai thác hàng không trước khi vào khu bay;

d) Mức giá dịch vụ được xác định theo lượt vào của phương tiện vận chuyển.

Điều 17. Giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

1. Đối tượng thu tiền sử dụng dịch vụ: đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ hành khách.

2. Đối tượng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ: hành khách đi tàu bay làm thủ tục đi từ nhà ga tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

3. Phương thức thu giá dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

4. Quy định tính giá trong trường hợp đặc biệt: trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi (tính tại thời điểm khởi hành chặng đầu tiên) thu bằng 50% mức giá áp dụng quy định.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến như sau:

1. Đối với chuyến bay quốc tế

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay nội địa

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 2. Ban hành mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý như sau:

1. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

2. Đối với chuyến bay thường lệ bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh và sử dụng dịch vụ hàng không chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:

1. Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay;

2. Dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

3. Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không;
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay

(Bảng biểu, xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 13 đến Điều 17 Thông tư 44/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Mức giá dịch vụ điều hành bay đi, đến và mức giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được hướng dẫn bởi Quyết định 1518/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3 Điều 1 và Điều 1, 2, 5 của Biểu giá kèm theo Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Không áp dụng mức giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu ban hành tại Điều 3 Thông tư 15/2023/TT-BYT kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và các quy định của pháp luật về giá để xây dựng, ban hành mức giá cụ thể của từng đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo quy định.

2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch-Tài chính, Bảo hiểm y tế, Pháp chế, Cục trưởng các Cục: Quản lý Khám chữa bệnh, Quản lý Dược - Bộ Y tế và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
...
PHỤ LỤC GIÁ TỐI ĐA CỦA ĐƠN VỊ MÁU TOÀN PHẦN VÀ CHẾ PHẨM MÁU ĐẠT TIÊU CHUẨN

1. Biểu giá các đơn vị máu toàn phần:
...
2. Biểu giá các chế phẩm hồng cầu:
...
3. Biểu giá các chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh:
...
4. Biểu giá các chế phẩm huyết tương đông lạnh:
...
5. Biểu giá các chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu:
...
6. Biểu giá các chế phẩm khối tiểu cầu:
...
7. Biểu giá các chế phẩm tủa lạnh:
...
8. Biểu giá các khối bạch cầu:
...
9. Biểu giá các chế phẩm có sử dụng dụng cụ, vật tư bổ sung:
...
10. Giá tối đa quy định tại Phụ lục này bao gồm:
...
11. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (*) không bao gồm các chi phí theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.
...
12. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (**) không bao gồm các chi phí theo quy định tại các điểm a, d và đ khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
20 Máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Không áp dụng mức giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu ban hành tại Điều 3 Thông tư 15/2023/TT-BYT kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và các quy định của pháp luật về giá để xây dựng, ban hành mức giá cụ thể của từng đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo quy định.

2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch-Tài chính, Bảo hiểm y tế, Pháp chế, Cục trưởng các Cục: Quản lý Khám chữa bệnh, Quản lý Dược - Bộ Y tế và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
...
PHỤ LỤC GIÁ TỐI ĐA CỦA ĐƠN VỊ MÁU TOÀN PHẦN VÀ CHẾ PHẨM MÁU ĐẠT TIÊU CHUẨN

1. Biểu giá các đơn vị máu toàn phần:
...
2. Biểu giá các chế phẩm hồng cầu:
...
3. Biểu giá các chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh:
...
4. Biểu giá các chế phẩm huyết tương đông lạnh:
...
5. Biểu giá các chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu:
...
6. Biểu giá các chế phẩm khối tiểu cầu:
...
7. Biểu giá các chế phẩm tủa lạnh:
...
8. Biểu giá các khối bạch cầu:
...
9. Biểu giá các chế phẩm có sử dụng dụng cụ, vật tư bổ sung:
...
10. Giá tối đa quy định tại Phụ lục này bao gồm:
...
11. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (*) không bao gồm các chi phí theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.
...
12. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (**) không bao gồm các chi phí theo quy định tại các điểm a, d và đ khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
20 Máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Căn cứ Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Không áp dụng mức giá tối đa của một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu ban hành tại Điều 3 Thông tư 15/2023/TT-BYT kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và các quy định của pháp luật về giá để xây dựng, ban hành mức giá cụ thể của từng đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn theo quy định.

2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch-Tài chính, Bảo hiểm y tế, Pháp chế, Cục trưởng các Cục: Quản lý Khám chữa bệnh, Quản lý Dược - Bộ Y tế và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
...
PHỤ LỤC GIÁ TỐI ĐA CỦA ĐƠN VỊ MÁU TOÀN PHẦN VÀ CHẾ PHẨM MÁU ĐẠT TIÊU CHUẨN

1. Biểu giá các đơn vị máu toàn phần:
...
2. Biểu giá các chế phẩm hồng cầu:
...
3. Biểu giá các chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh:
...
4. Biểu giá các chế phẩm huyết tương đông lạnh:
...
5. Biểu giá các chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu:
...
6. Biểu giá các chế phẩm khối tiểu cầu:
...
7. Biểu giá các chế phẩm tủa lạnh:
...
8. Biểu giá các khối bạch cầu:
...
9. Biểu giá các chế phẩm có sử dụng dụng cụ, vật tư bổ sung:
...
10. Giá tối đa quy định tại Phụ lục này bao gồm:
...
11. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (*) không bao gồm các chi phí theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.
...
12. Giá tối đa của các đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu có đánh dấu sao (**) không bao gồm các chi phí theo quy định tại các điểm a, d và đ khoản 10 Điều 3 Thông tư số 15/2023/TT-BYT.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
20 Máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn
Nội dung này được hướng dẫn bởi Quyết định 3833/QĐ-BYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 19/12/2024
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, bao gồm:
...
Điều 2. Tổ chức thực hiện
...

BIỂU MỨC GIÁ, KHUNG GIÁ MỘT SỐ DỊCH VỤ CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG

Điều 1. Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay
...
Điều 2. Mức giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không
...
Điều 5. Mức giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 4. Khung giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay
...
Điều 5. Khung giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay
...
Điều 6. Khung giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách
...
Điều 7. Khung giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý
...
Điều 8. Khung giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi
...
Điều 9. Khung giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói)
...
Điều 10. Khung giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không
...
Điều 11. Khung giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 12. Khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 13. Khung giá dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay
...
Điều 14. Khung giá dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 45/2013/QH13 và Luật số 61/2014/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 11 như sau:

“3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; giá dịch vụ cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; giá dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; giá dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; giá dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; giá dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay;

c) Nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không;

d) Dịch vụ hàng không khác.
Biểu mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không được hướng dẫn bởi Quyết định 1722/QĐ-BGTVT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Căn cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm a khoản 10 Điều 73 Luật Giá năm 2023 và điểm b khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

2. Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến (sau đây gọi là chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia) theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:

1. Người có tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

2. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ GIÁ DỊCH VỤ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN MÀ PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH PHẢI BÁN THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

Điều 3. Cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá

1. Giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (sau đây gọi là giá dịch vụ đấu giá tài sản) được tính trên một cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá thành tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm theo khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Trường hợp thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 36, các điểm a, b, e, i khoản 45, điểm h khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản mà pháp luật áp dụng đối với tài sản đấu giá có quy định việc xác định giá dịch vụ đấu giá tài sản đối với tài sản đó thì giá dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đấu giá đó.

2. Trường hợp đấu giá thành nhưng người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đầy đủ dẫn đến hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá hoặc hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản các chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và giá dịch vụ đấu giá tài sản tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm theo khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành nhưng không vượt quá số tiền đặt cọc của người trúng đấu giá.

3. Giá dịch vụ đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này chưa bao gồm: thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

4. Trường hợp đấu giá không thành thì người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản các chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

5. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản giá dịch vụ đấu giá tài sản, các chi phí đấu giá quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 4. Quản lý, sử dụng giá dịch vụ đấu giá tài sản

1. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thực hiện niêm yết giá dịch vụ đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình; chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về đấu giá tài sản và văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Chương III CHI PHÍ ĐĂNG THÔNG BÁO LỰA CHỌN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN, CHI PHÍ THÔNG BÁO CÔNG KHAI VIỆC ĐẤU GIÁ TRÊN CỔNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN QUỐC GIA, CHI PHÍ SỬ DỤNG CỔNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN QUỐC GIA ĐỂ ĐẤU GIÁ BẰNG HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN

Điều 5. Nguyên tắc thu, chi đối với khoản thu chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến

1. Tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia có trách nhiệm thu, quản lý và sử dụng các khoản thu chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định tại Thông tư này.

2. Khoản thu chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để phục vụ hoạt động của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 6. Mức thu chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến

1. Chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản là 300.000 đồng/01 thông báo (Ba trăm nghìn đồng/một thông báo). Một thông báo bao gồm thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và thông báo kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.

2. Chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia là 300.000 đồng/01 thông báo (Ba trăm nghìn đồng/một thông báo). Một thông báo bao gồm thông báo lần một và lần hai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm a khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai một lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản thì chi phí là 150.000 đồng/01 thông báo (Một trăm năm mươi nghìn đồng/một thông báo).

3. Chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến là 2.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Hai triệu đồng/một cuộc đấu giá).

Trường hợp không có người đăng ký tham gia đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia thì chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia là 1.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Một triệu đồng/một cuộc đấu giá).

4. Chi phí quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này do cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến chi trả và đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Điều 7. Tổ chức thu, nộp chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến

1. Tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia chịu trách nhiệm thu chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia tại Điều 6 Thông tư này. Tài khoản thu của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia là tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại.

2. Việc nộp chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia thực hiện như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này trong thời hạn tối đa là 10 ngày, kể từ ngày thông tin được đăng hợp lệ trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

b) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Hội đồng đấu giá tài sản nộp chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này trong thời hạn tối đa là 07 ngày, kể từ ngày thông tin được đăng hợp lệ trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

c) Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Hội đồng đấu giá tài sản nộp chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này trong thời hạn tối đa là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá.

3. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Hội đồng đấu giá tài sản quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thỏa thuận với tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia về việc tự thanh lý hợp đồng sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

4. Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không nộp chi phí thì tài khoản đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, sử dụng Cổng đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó bị chuyển sang trạng thái tạm ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Điều 8. Quản lý, sử dụng khoản thu chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến

1. Nội dung chi:

a) Quản lý, duy trì, vận hành và phát triển Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

b) Quản lý, giám sát việc đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến;

c) Hoạt động hướng dẫn, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

d) Hoạt động liên quan đến công việc tiếp nhận, xử lý thông tin đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, đấu giá trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu giá tài sản, quản lý dữ liệu về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản;

đ) Các nhiệm vụ chi thường xuyên khác liên quan đến việc tổ chức quản lý, duy trì, vận hành và phát triển Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Việc phân phối kết quả tài chính, trích lập các quỹ thực hiện theo cơ chế tự chủ tuân theo quy định pháp luật hiện hành.

3. Tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia thực hiện chế độ kế toán, tài chính theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Điều 9. Trách nhiệm của Cục Bổ trợ tư pháp, tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cục Bổ trợ tư pháp có trách nhiệm:

a) Theo dõi, giám sát và quản lý việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

b) Tổng hợp kế hoạch thu, kế hoạch chi hằng năm của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt theo quy định;

c) Điều chỉnh kế hoạch thu, kế hoạch chi của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định;

d) Quyết toán thu, chi của tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia theo quy định.

2. Tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia có trách nhiệm:

a) Thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia quy trình thu chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia bao gồm cách thức, phương thức, đối tượng và mức thu;

b) Tổ chức thu chi phí đăng thông báo lựa chọn, chi phí thông báo công khai việc đấu giá, chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia;

c) Quản lý, sử dụng khoản thu theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá bằng hình thức trực tuyến có trách nhiệm:

a) Nộp chi phí theo quy định tại Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Thông tư này;

b) Thực hiện đúng quy chế hoạt động của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và quy định của pháp luật liên quan.

Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trong thời gian tổ chức vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia chưa được thành lập, người có tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Hội đồng đấu giá tài sản chưa phải nộp chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

2. Trường hợp người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì cơ chế, chính sách và việc xác định giá dịch vụ đấu giá tài sản tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn./.

Xem nội dung VB
Điều 73. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số khoản, điều của các luật có liên quan
...
10. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên điều và khoản 1 Điều 66 như sau:

“Điều 66. Giá dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản

1. Giá dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì giá dịch vụ đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.”;
Cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
Khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Quyết định 1311/QĐ-BTP năm 2025 có hiệu lực từ ngày 22/04/2025
Căn cứ Luật Đấu giá tài sản ngày 17 tháng 11 năm 2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 27 tháng 6 năm 2024;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sau đây gọi là giá dịch vụ đấu giá tài sản).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người có tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản khi thực hiện đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trừ các trường hợp đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản được người có thẩm quyền thành lập thực hiện.

2. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Điều 3. Giá dịch vụ đấu giá tài sản

1. Giá dịch vụ đấu giá tài sản được tính trên một cuộc đấu giá theo giá trị tài sản theo giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá thành và được quy định như sau:

a) Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối thiểu: 1.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Một triệu đồng/một cuộc đấu giá);

b) Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nhưng không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Bốn trăm triệu đồng/một cuộc đấu giá).

2. Mức tối đa giá dịch vụ đấu giá tài sản tương ứng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trừ tài sản đấu giá quy định tại khoản 3 Điều này.

(Bảng biểu, xem chi tiết tại văn bản)

Ghi chú: Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm hoặc tổng giá khởi điểm không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá.

Trường hợp một cuộc đấu giá bao gồm nhiều tài sản mà có một phần tài sản đấu giá thành và một phần tài sản đấu giá không thành thì phải xác định tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá thành và tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm để xác định mức giá dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

Ví dụ: Sở X được giao xử lý đấu giá 02 xe ô tô đã qua sử dụng có giá khởi điểm là 80 triệu đồng và 120 triệu đồng, tỷ lệ (%) trên giá khởi điểm của mỗi xe lần lượt là 40% và 60%, tổng giá trị tài sản theo giá khởi điểm là 200 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này thì mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa mà tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể nhận được là: 6,82 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm.

Sở X đăng thông báo công khai để lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Kết quả Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được chọn với mức giá đăng ký là 6 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm. Mức đăng ký 6 triệu đồng + 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm là căn cứ để thực hiện thanh toán giá dịch vụ đấu giá tài sản cho Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá thành cả 2 xe ô tô, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán: 6 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá không thành cả 2 xe ô tô, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá thành xe ô tô có giá khởi điểm là 80 triệu đồng, đấu giá không thành xe ô tô có giá khởi điểm là 120 triệu đồng, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán:

+ Giá dịch vụ đấu giá tài sản đối với xe ô tô đấu giá thành: 6 triệu đồng x 40% + 6% trên phần chênh lệch giá trúng đấu giá với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thành.

+ Chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

3. Mức tối đa giá dịch vụ đấu giá tài sản tương ứng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm đối với tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

(Bảng biểu, xem chi tiết tại văn bản)

Ghi chú: Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá.

Trường hợp một cuộc đấu giá bao gồm nhiều lô đất mà có một phần đấu giá thành và một phần đấu giá không thành thì phải xác định tỷ lệ (%) đấu giá thành và tỷ lệ (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm để xác định mức giá dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quyết định này.

Ví dụ: Tổ chức phát triển quỹ đất A được giao xử lý đấu giá 2 lô đất, mỗi lô có giá khởi điểm là 60 tỷ đồng, tỷ lệ trên giá khởi điểm của mỗi lô là 50%. Tổng giá trị tài sản theo giá khởi điểm là 120 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quyết định này thì mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa là 59,09 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm.

Tổ chức phát triển quỹ đất A đăng thông báo công khai để lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Kết quả Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được chọn với mức giá đăng ký là 55 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm. Mức đăng ký 55 triệu đồng +1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm là căn cứ để thực hiện thanh toán giá dịch vụ đấu giá tài sản cho Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B thực hiện ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá thành 2 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán: 55 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá không thành cả 02 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán các chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá thành 1 lô đất, đấu giá không thành 01 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán như sau:

+ Giá dịch vụ đấu giá tài sản đối với lô đất đấu giá thành: 55 triệu đồng x 50% + 1% trên phần chênh lệch giá trúng đấu giá với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thành.

+ Chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
28 Dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá
Khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Quyết định 1311/QĐ-BTP năm 2025 có hiệu lực từ ngày 22/04/2025
Khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Quyết định 1311/QĐ-BTP năm 2025 có hiệu lực từ ngày 22/04/2025
Căn cứ Luật Đấu giá tài sản ngày 17 tháng 11 năm 2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 27 tháng 6 năm 2024;
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sau đây gọi là giá dịch vụ đấu giá tài sản).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người có tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản khi thực hiện đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trừ các trường hợp đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản được người có thẩm quyền thành lập thực hiện.

2. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Điều 3. Giá dịch vụ đấu giá tài sản

1. Giá dịch vụ đấu giá tài sản được tính trên một cuộc đấu giá theo giá trị tài sản theo giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá thành và được quy định như sau:

a) Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối thiểu: 1.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Một triệu đồng/một cuộc đấu giá);

b) Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nhưng không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá (Bốn trăm triệu đồng/một cuộc đấu giá).

2. Mức tối đa giá dịch vụ đấu giá tài sản tương ứng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trừ tài sản đấu giá quy định tại khoản 3 Điều này.

(Bảng biểu, xem chi tiết tại văn bản)

Ghi chú: Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm hoặc tổng giá khởi điểm không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá.

Trường hợp một cuộc đấu giá bao gồm nhiều tài sản mà có một phần tài sản đấu giá thành và một phần tài sản đấu giá không thành thì phải xác định tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá thành và tỷ lệ phần trăm (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm để xác định mức giá dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.

Ví dụ: Sở X được giao xử lý đấu giá 02 xe ô tô đã qua sử dụng có giá khởi điểm là 80 triệu đồng và 120 triệu đồng, tỷ lệ (%) trên giá khởi điểm của mỗi xe lần lượt là 40% và 60%, tổng giá trị tài sản theo giá khởi điểm là 200 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này thì mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa mà tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể nhận được là: 6,82 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm.

Sở X đăng thông báo công khai để lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Kết quả Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được chọn với mức giá đăng ký là 6 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm. Mức đăng ký 6 triệu đồng + 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm là căn cứ để thực hiện thanh toán giá dịch vụ đấu giá tài sản cho Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá thành cả 2 xe ô tô, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán: 6 triệu đồng cộng (+) 6% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá không thành cả 2 xe ô tô, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trường hợp đấu giá thành xe ô tô có giá khởi điểm là 80 triệu đồng, đấu giá không thành xe ô tô có giá khởi điểm là 120 triệu đồng, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A được thanh toán:

+ Giá dịch vụ đấu giá tài sản đối với xe ô tô đấu giá thành: 6 triệu đồng x 40% + 6% trên phần chênh lệch giá trúng đấu giá với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thành.

+ Chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Sở X và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản A đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

3. Mức tối đa giá dịch vụ đấu giá tài sản tương ứng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm đối với tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

(Bảng biểu, xem chi tiết tại văn bản)

Ghi chú: Mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm không vượt quá 400.000.000 đồng/01 cuộc đấu giá.

Trường hợp một cuộc đấu giá bao gồm nhiều lô đất mà có một phần đấu giá thành và một phần đấu giá không thành thì phải xác định tỷ lệ (%) đấu giá thành và tỷ lệ (%) đấu giá không thành theo giá khởi điểm để xác định mức giá dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quyết định này.

Ví dụ: Tổ chức phát triển quỹ đất A được giao xử lý đấu giá 2 lô đất, mỗi lô có giá khởi điểm là 60 tỷ đồng, tỷ lệ trên giá khởi điểm của mỗi lô là 50%. Tổng giá trị tài sản theo giá khởi điểm là 120 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quyết định này thì mức giá dịch vụ đấu giá tài sản tối đa là 59,09 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm.

Tổ chức phát triển quỹ đất A đăng thông báo công khai để lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Kết quả Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được chọn với mức giá đăng ký là 55 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm. Mức đăng ký 55 triệu đồng +1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm là căn cứ để thực hiện thanh toán giá dịch vụ đấu giá tài sản cho Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B thực hiện ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá thành 2 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán: 55 triệu đồng cộng (+) 1% trên phần chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá không thành cả 02 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán các chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

- Trong trường hợp đấu giá thành 1 lô đất, đấu giá không thành 01 lô đất, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B được thanh toán như sau:

+ Giá dịch vụ đấu giá tài sản đối với lô đất đấu giá thành: 55 triệu đồng x 50% + 1% trên phần chênh lệch giá trúng đấu giá với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thành.

+ Chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản mà Tổ chức phát triển quỹ đất A và Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản B đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Xem nội dung VB
PHỤ LỤC SỐ 02 DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ
...
28 Dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá
Khung giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá được hướng dẫn bởi Quyết định 1311/QĐ-BTP năm 2025 có hiệu lực từ ngày 22/04/2025