Tuyến đường thay thế khi Cầu Mỹ Thuận 1 bị hạn chế giao thông trong tháng 6/2025
Nội dung chính
Cầu Mỹ Thuận 1 bị hạn chế giao thông vào khung giờ nào?
Cầu Mỹ Thuận 1 là cây cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, cách TP.HCM khoảng 125 km về phía tây nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP.HCM.
Cầu được khởi công vào năm 1997 với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, hợp tác giữa Việt Nam và Australia.
Sau hơn 25 năm sử dụng, cầu Mỹ Thuận 1 đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Do đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang cho biết đang phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 4 đã triển khai phương án hạn chế xe qua cầu Mỹ Thuận trong thời gian thi công.
Cầu Mỹ Thuận 1 bị hạn chế giao thông từ ngày 2/6 đến hết tháng 6/2025, cầu sẽ được sửa chữa, với việc hạn chế giao thông từ 5h00 đến 13h30 hàng ngày.
Tuyến đường thay thế khi Cầu Mỹ Thuận 1 bị hạn chế giao thông
Hiện tại, phương án thay thế tối ưu nhất là di chuyển qua cầu Mỹ Thuận 2, nằm cách cầu cũ khoảng 350m về phía thượng lưu.
Đây là cầu dành riêng cho ô tô, kết nối trực tiếp cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giúp phương tiện lưu thông thông suốt, giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận 1.
Tuy nhiên, xe máy và các phương tiện thô sơ không được phép lưu thông trên cầu Mỹ Thuận 2, nên vẫn phải đi qua cầu Mỹ Thuận 1 trong khung giờ không bị hạn chế hoặc chấp nhận di chuyển chậm theo phân luồng.
Nếu nhất thiết cần phải di chuyển trong khung giờ bị hạn chế thì người đi xe máy có thể tham khảo tuyến từ Tiền Giang → đi về Cái Bè, vòng qua cầu Rạch Miễu → Trà Vinh → Vĩnh Long. Tuy nhiên, tuyến này xa, tốn thời gian và không thực tế.
Hiện chưa có tuyến đường thay thế thực sự khả thi cho xe máy quanh khu vực này, do khoảng cách và điều kiện hạ tầng không thuận lợi.
Tuyến đường thay thế khi Cầu Mỹ Thuận 1 bị hạn chế giao thông trong tháng 6/2025? (Hình từ Internet)
Việc sửa chữa cầu Mỹ Thuận 1 cần phải bảo đảm điều gì?
Tại Điều 2 Luật Đường bộ 2024 có nêu như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
2. Đường bộ bao gồm: đường, cầu đường bộ, cống đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ, đường cứu nạn và các công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ.
3. Công trình đường bộ bao gồm: đường bộ; công trình phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác đường bộ; công trình thuộc hệ thống quản lý giao thông thông minh; nhà hạt quản lý đường bộ; kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe; trạm thu phí và các công trình khác của đường bộ.
4. Kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; điểm dừng xe, đỗ xe; đất của đường bộ; hành lang an toàn đường bộ và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.
...
Theo quy định trên thì có thể thấy cầu Mỹ Thuận 1 (cầu đường bộ) sẽ thuộc nhóm công trình đường bộ mà công trình đường bộ lại thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ.
Do đó, việc sử chữa cầu Mỹ Thuận 1 sẽ thực hiện theo quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.
Căn cứ Điều 35 Luật Đường bộ 2024 có quy định về việc bảo trì kết cầu cầu hạ tầng đường bộ như sau:
Điều 35. Bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ
...
3. Sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất để khắc phục hư hỏng, xuống cấp phát sinh trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ, hạn chế việc xuống cấp của kết cấu hạ tầng đường bộ.
4. Sửa chữa định kỳ bao gồm:
a) Sửa chữa khiếm khuyết, hư hỏng công trình, hạng mục công trình, thiết bị, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;
b) Bổ sung báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông đường bộ và các hạng mục công trình, thiết bị công trình khác để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình đang khai thác;
c) Sửa chữa, nâng cấp kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; mua sắm bổ sung vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
d) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc; phương tiện, thiết bị, hệ thống công nghệ phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ; hệ thống quản lý, vận hành giao thông đường bộ; hệ thống thu phí; công trình kiểm soát tải trọng xe.
5. Sửa chữa đột xuất bao gồm:
a) Sửa chữa khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ;
b) Sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai;
c) Sửa chữa khi bộ phận công trình bị hư hỏng đột xuất trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng và các trường hợp cần thiết khác để bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng.
6. Việc sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng lưu lượng, tải trọng khai thác và tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật này.
....
Như vậy, việc sửa chữa cầu Mỹ Thuận 1 do xuống cấp cần phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng lưu lượng, tải trọng khai thác và tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật Đường bộ 2024.