Cầu Tứ Liên ở đâu? Hà Nội khởi công cầu Tứ Liên vào sáng 19/05/2025
Nội dung chính
Cầu Tứ Liên ở đâu?
Cầu Tứ Liên là một dự án cầu mới tại Hà Nội, có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố và khu vực phía Bắc sông Hồng.
Cầu bắt đầu từ khu vực đường Nghi Tàm, gần khách sạn Thắng Lợi thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, bắc qua sông Hồng và kết thúc tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
Cầu Tứ Liên đi qua địa bàn ba quận, huyện là Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh; bắc qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, đồng thời men theo một đoạn của sông Ngũ Huyện Khuê.
Trong số bảy cây cầu bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, cầu Tứ Liên nằm ở vị trí giữa cầu Long Biên và cầu Nhật Tân.
(*) Trên đây là thông tin "Cầu Tứ Liên ở đâu?"
Cầu Tứ Liên ở đâu? Hà Nội khởi công cầu Tứ Liên vào sáng 19/05/2025 (Hình từ Internet)
Hà Nội khởi công cầu Tứ Liên vào sáng 19/05/2025
Sáng ngày 19/5/2025, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức khởi công dự án xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường dẫn hai đầu cầu, kết nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Lễ khởi công được tổ chức tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
Theo Quyết định số 1850/QĐ-UBND, dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu được xây dựng tại quận Tây Hồ, quận Long Biên, huyện Đông Anh với diện tích sử dụng đất khoảng 62,71 ha. Hà Nội khởi công cầu Tứ Liên với những thông tin nổi bật về dự án cầu Tứ Liên như sau:
- Tổng chiều dài dự án: Dự án xây dựng cầu Tứ Liên với tổng chiều dài của cầu và đường dẫn khoảng 11,5 km, trong đó phần cầu chính dài 1 km.
- Thiết kế cầu: kiểu dây văng với hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 500 m, trụ tháp cao 185 m, dây đan chéo tạo điểm nhấn kiến trúc ấn tượng.
- Quy mô mặt cắt ngang: gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn dành cho người đi bộ.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2025 đến năm 2027.
Dự án cầu Tứ Liên được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho các cây cầu hiện có như Chương Dương, Long Biên, Thăng Long và Vĩnh Tuy. Đồng thời, công trình sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân và phát triển không gian đô thị hai bên sông Hồng theo hướng hiện đại.
Cầu Tứ Liên mang thiết kế kiến trúc đặc biệt lấy cảm hứng từ hình ảnh rồng bay, biểu tượng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc mới của Thủ đô.
Đây cũng là một công trình quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hệ thống giao thông, phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của thành phố.
Quy định về đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ như thế nào?
Theo Điều 28 Luật Đường bộ 2024 quy định về đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:
- Đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ là việc đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, cải tạo công trình đường bộ và các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ.
- Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải phù hợp với quy định của Luật Đường bộ 2024, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về ngân sách nhà nước, và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bộ Giao thông vận tải đầu tư tuyến, đoạn tuyến quốc lộ và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020 theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Ủy ban nhân dân các cấp đầu tư các loại đường bộ và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020 theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:
+ Phù hợp với quy hoạch;
+ Bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp kỹ thuật của đường bộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường và có giải pháp đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn;
+ Công trình đường bộ có thể phân kỳ theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư;
+ Trường hợp đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ liên quan đến đê, hành lang bảo vệ nguồn nước, lòng, bờ, bãi sông, hồ phải bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đê điều và an toàn đê điều; bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, không gây cản trở dòng chảy; hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
- Đường bên được xây dựng khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, đường cấp I, cấp II đi qua khu đô thị, khu vực tập trung đông dân cư và các trường hợp cần thiết khác.
- Tuyến đường có hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, trừ đường cao tốc, phải xây dựng điểm dừng xe để đón, trả khách.
- Tại đoạn đường có trường học xây dựng mới, chủ đầu tư trường học phải phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ để xây dựng điểm dừng xe, đỗ xe phù hợp với tổ chức giao thông của tuyến đường.
- Việc nâng cấp, mở rộng, cải tạo công trình đường bộ, công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ đang khai thác theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Điều 48 Luật Đường bộ 2024.
- Công trình đường bộ đang khai thác chưa bảo đảm cấp kỹ thuật, quá thời hạn khai thác, không đáp ứng lưu lượng vận tải phải từng bước đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ.