Xử lý đối với bản đồ địa chính khi sáp nhập đơn vị hành chính như thế nào?
Nội dung chính
Xử lý đối với bản đồ địa chính khi sáp nhập đơn vị hành chính như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 8 Thông tư 23/2025/TT-BNNMT bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 27 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
(1) Trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính thì việc xử lý đối với bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã lập trước thời điểm sáp nhập thực hiện như sau:
- Giữ nguyên kinh tuyến trục của bản đồ địa chính, trích đo bản đồ địa chính đã sử dụng trước thời điểm sáp nhập mà không phải điều chỉnh;
- Trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì căn cứ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 17 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chỉnh lý số thứ tự tờ bản đồ để sử dụng sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; các nội dung khác của bản đồ địa chính thay đổi do thay đổi tên đơn vị hành chính (nếu có) thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh xây dựng kế hoạch để chỉnh lý các thay đổi.
Tại Điều 27 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
- Đối với các dự án, công trình đo đạc lập bản đồ địa chính được thực hiện chuyển tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì thực hiện việc biên tập bản đồ, thể hiện loại đất; trình bày, xác nhận bản đồ địa chính; trích đo bản đồ địa chính; lập sổ mục kê đất đai và tổng hợp diện tích, số thửa và số người sử dụng đất, người quản lý đất theo kết quả lập bản đồ địa chính theo quy định tại Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.
- Các hạng mục công việc trong đo đạc lập bản đồ địa chính đã được phê duyệt theo dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án thi công nhưng chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa được nghiệm thu cấp đơn vị thi công trước ngày Nghị định 101/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì rà soát, hoàn thiện theo quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP và Thông tư 26/2024/TT-BTNMT.
Xử lý đối với bản đồ địa chính khi sáp nhập đơn vị hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Cơ quan nào quản lý bản đồ địa chính?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 23 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định:
Điều 23. Thực hiện quản lý hồ sơ địa chính
1. Quản lý hồ sơ địa chính dạng số:
a) Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính dạng số của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai mà chưa kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính dạng số của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.2. Quản lý hồ sơ địa chính dạng giấy:
a) Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý các tài liệu gồm:
- Hệ thống hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất của các đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và hồ sơ do cơ quan giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định chuyển đến;
- Bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính và các loại bản đồ, tài liệu đo đạc khác đang sử dụng để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Hệ thống sổ địa chính đang sử dụng, được lập cho các đối tượng đăng ký thuộc thẩm quyền;
- Hồ sơ địa chính đã lập qua các thời kỳ không sử dụng thường xuyên trong quản lý đất đai;
[...]
Như vậy, bản đồ địa chính là một trong các tài liệu do Văn phòng đăng ký đất đai quản lý, ngoài ra theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 23 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT thì bản đồ địa chính còn được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
Nguyên tắc và mục đích sử dụng của việc lập bản đồ địa chính?
Theo Điều 3 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính như sau:
(1) Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;
- Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;
- Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;
- Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.
(2) Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
- Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;
- Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc lập bản đồ địa chính là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý đất đai, nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quản lý tài nguyên đất.