Trình tự thủ tục cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký đất đai được quy định thế nào?

Trình tự thủ tục cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký đất đai được quy định như thế nào? Nội dung đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm những nội dung gì? Các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất là gì?

Nội dung chính

    Trình tự thủ tục cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký đất đai được quy định như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 32 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về trình tự thủ tục đăng ký đất đai cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

    Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với tổ chức đang sử dụng đất, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài
    1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 21 của Nghị định này.
    Đối với phần diện tích đất mà công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục sử dụng sau khi rà soát, sắp xếp theo quy định tại Điều 181 của Luật Đất đai thì thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
    2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện:
    a) Cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ;
    b) Chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất để thực hiện công việc quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này đối với tổ chức đang sử dụng đất.
    Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định này nhận hồ sơ của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 28 của Luật Đất đai thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện công việc quy định tại khoản 5 Điều này.
    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất chỉ đạo cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh kiểm tra thực tế sử dụng đất của tổ chức, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất theo quy định tại khoản 2 Điều 142 và khoản 2 Điều 145 của Luật Đất đai.
    4. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh thực hiện:
    a) Lập tờ trình theo Mẫu số 10/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hình thức sử dụng đất của tổ chức như trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo Mẫu số 14/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;
    b) Đối với trường hợp người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì xác định giá đất và gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất.
    5. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 28 của Luật Đất đai:
    a) Gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các công việc quy định tại Điều 33 của Nghị định này;
    b) Trích lục bản đồ địa chính đối với nơi đã có bản đồ địa chính;
    c) Đối với nơi chưa có bản đồ địa chính và trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có mảnh trích đo bản đồ địa chính thì kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo bản đồ địa chính theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 9 của Nghị định này.
    Trường hợp trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chưa có mảnh trích đo bản đồ địa chính thì thực hiện trích đo bản đồ địa chính;
    d) Trường hợp có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà không có giấy tờ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 28 của Nghị định này thì gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện về đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng đó. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai;
    đ) Kiểm tra việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
    e) Chuyển Thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai theo Mẫu số 03/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến nơi nộp hồ sơ để trả cho người yêu cầu đăng ký đối với trường hợp không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
    g) Trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

    Theo đó, trình tự đăng ký đất đai lần đầu cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm: Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận quy định. Cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả và chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo kiểm tra sử dụng đất và xác định ranh giới thửa đất và xử lý hồ sơ (gồm lập tờ trình xác định hình thức sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính và gửi thông tin cho cơ quan thuế).

    Ngoài ra, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp xã, trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính, kiểm tra điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gửi thông báo kết quả đăng ký cho người yêu cầu.

    Trình tự thủ tục cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký đất đai được quy định thế nào? (Hình từ Internet)

    Nội dung đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm những nội dung gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về các nội dung khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu như sau:

    Một số quy định cụ thể về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
    1. Nội dung đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm:
    a) Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý gồm tên, giấy tờ nhân thân, pháp nhân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý;
    b) Thông tin về thửa đất gồm số thửa đất, số tờ bản đồ, địa chỉ, diện tích, loại đất, hình thức sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và các thông tin khác về thửa đất; thông tin về tài sản gắn liền với đất gồm loại tài sản, địa chỉ, diện tích xây dựng, diện tích sàn, diện tích sử dụng, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu và các thông tin khác về tài sản gắn liền với đất;
    c) Yêu cầu về đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc quyền quản lý đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất, tài sản gắn liền với đất;
    d) Các yêu cầu khác của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai (nếu có).

    Như vậy, đối với việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm những nội dung gồm: Thông tin về người sử dụng đất, thông tin về thửa đất, yêu cầu đăng ký và các yêu cầu khác phù hợp với quy định pháp luật về đất đai (nếu có).

    Các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 về các trường hợp người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất bao gồm:

    - Chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Người gốc Việt Nam có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và khu công nghệ cao.

    - Mua, thuê mua nhà ở nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất: Người gốc Việt Nam có quyền mua hoặc thuê mua nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, kèm theo quyền sử dụng đất ở. Điều này giúp họ có nơi cư trú ổn định tại Việt Nam.

    - Nhận thừa kế và tặng cho: Họ có quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các tài sản gắn liền với đất từ người thừa kế, hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở từ những người trong hàng thừa kế, theo quy định của pháp luật.

    - Được giao đất: Người gốc Việt Nam có quyền được Nhà nước giao đất hoặc giao đất cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    - Thuê đất: Họ có quyền được Nhà nước cho thuê đất. Quyền thuê này cho phép họ sử dụng đất trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trong các dự án đầu tư, sản xuất, hoặc phát triển kinh doanh.

    - Nhận quyền sử dụng đất

    + Qua hòa giải tranh chấp: Người gốc Việt Nam có quyền nhận quyền sử dụng đất thông qua các hình thức hòa giải tranh chấp đất đai mà được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền công nhận.

    + Thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp: Họ cũng có thể nhận quyền sử dụng đất theo các thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ.

    + Quyết định của cơ quan nhà nước: Quyền này cũng có thể phát sinh từ các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, hoặc tố cáo liên quan đến đất đai.

    + Phán quyết của Tòa án: Người gốc Việt Nam có quyền nhận quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành.

    + Kết quả đấu giá: Họ có thể nhận quyền sử dụng đất thông qua văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    + Chia, tách quyền sử dụng đất: Người gốc Việt Nam cũng có thể nhận quyền sử dụng đất theo văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất trong các trường hợp có chung quyền sử dụng đất.

    25