Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở có bắt buộc phải hòa giải không?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về gì? Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở có cần phải hòa giải không?

Nội dung chính

    Tranh chấp đất đai là tranh chấp về gì?

    Theo quy định tại khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

    Theo đó, quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất được quy định tại Điều 26 Luật Đất đai 2024 và Điều 31 Luật Đất đai 2024 và những quyền và nghĩa vụ cụ thể khác theo quy định Luật Đất đai 2024.

    Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở có bắt buộc phải hòa giải không?

    Căn cứ tại khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì với những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất sau đây sẽ không phải bắt buộc tiến hành hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã:

    – Thứ nhất, về các tranh chấp giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất;

    – Thứ hai, các tranh chấp liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất giữa các cá nhân tổ chức với nhau;

    – Thứ ba, quá trình phân chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất thì cũng không bắt buộc phải hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã.

    Như vậy, theo quy định nêu trên các cá nhân, tổ chức xảy ra những tranh chấp đất liên quan đến quyền sở hữu nhà ở (giao dịch mua bán nhà đất) hay thừa kế quyền sử dụng hoặc phân chia tài sản chung khi vợ chồng ly hôn là quyền sử dụng đất sẽ không bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Các bên có thể sẽ tự hòa giải và thương lượng với nhau hoặc lựa chọn việc khởi kiện ra tòa án.

    Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở có bắt buộc phải hòa giải không? (Hình ảnh từ internet)

    Trình tự hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện như thế nào?

    Tại Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Theo đó, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:

    - Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;

    - Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

    - Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;

    - Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;

    - Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.

     

    27