Thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công hiện nay như thế nào?
Nội dung chính
Tài sản công là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm:
- Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
- Tài sản công tại doanh nghiệp;
- Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước;
- Đất đai và các loại tài nguyên khác.
Thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công hiện nay như thế nào?(Hình Internet)
Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan nào giải quyết?
Việc giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được quy định tại khoản 3 Điều 194 Luật Nhà ở 2023 như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý;
- Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý, trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
- Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Thủ tục giải quyết tranh chấp về nhà ở thuộc tài sản công như thế nào?
Tại Điều 81 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công như sau:
* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như sau:
- Người thuê nhà ở có đơn đề nghị kèm theo bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính giấy tờ chứng minh đang sử dụng nhà ở gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đề nghị xem xét giải quyết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra nội dung nêu trong đơn và lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, bao gồm: đơn đề nghị giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở; biên bản làm việc với các bên có tranh chấp; biên bản kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà ở (nếu có); hồ sơ quá trình quản lý, sử dụng nhà ở;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm xem xét xác minh thực tế (nếu có), tổng hợp báo cáo và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền; quyết định giải quyết tranh chấp này được gửi đến người có đơn đề nghị, các cá nhân, tổ chức liên quan.
* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thực hiện như sau:
- Người thuê nhà ở có đơn đề nghị kèm theo bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính giấy tờ chứng minh đang sử dụng nhà ở gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Xây dựng (đối với trường hợp nhà ở do cơ quan trung ương quản lý mà không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) hoặc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp nhà ở đang thuê do cơ quan này quản lý để được xem xét, giải quyết;
- Cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều 81 Nghị định 95/2024/NĐ-CP giao cho cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc tiếp nhận hồ sơ;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra nội dung nêu trong đơn và lập hồ sơ giải quyết tranh chấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 Nghị định 95/2024/NĐ-CP;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm xem xét xác minh thực tế (nếu có), tổng hợp và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp báo cáo Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, quyết định;
- Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở theo thẩm quyền; quyết định giải quyết tranh chấp này được gửi đến người có đơn đề nghị, các cá nhân, tổ chức liên quan.
* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công theo thẩm quyền của Tòa án được thực hiện theo Điều 125,130,149 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định về trình tự giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công theo thủ tục tố tụng hành chính như sau:
- Thụ lý vụ án: Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án.
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án giải quyết vụ án; trường hợp Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án không thể tiếp tục giải quyết vụ án hoặc thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán khác giải quyết vụ án.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).
- Chuẩn bị xét xử: hời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:
+ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng
+ 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó làquyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 01 tháng
+ Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.