Tăng cường giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng của tổ chức và cá nhân thuộc Bộ Xây dựng trong và ngoài nước ra sao?
Nội dung chính
Tăng cường giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng của tổ chức và cá nhân thuộc Bộ Xây dựng trong và ngoài nước ra sao?
Ngày 19/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2023 về việc lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.
Theo đó, tại Mục 2 Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2023 Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng như sau:
2. Bộ Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý chặt chẽ chi phí, định mức xây dựng, suất đầu tư phù hợp với từng khu vực; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định pháp luật.
- Rà soát định mức, chi phí tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, quản lý dự án… bảo đảm tính đúng, tính đủ nhằm huy động, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao trong điều kiện đặc thù của ngành giao thông vận tải. Nghiên cứu định mức chi phí cho công tác thiết kế theo hạng mục công trình, không phụ thuộc vào chi phí xây dựng, tổng mức đầu tư, tránh việc các tư vấn lựa chọn các giải pháp thiết kế có chi phí đầu tư cao, nâng tổng mức đầu tư, không bảo đảm tính kinh tế, kỹ thuật.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động xây dựng (đối với nhà thầu nước ngoài)… của các tổ chức tư vấn, cá nhân trong và ngoài nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Như vậy, Bộ Xây dựng sẽ có nhiệm vụ triển khai tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động xây dựng (đối với nhà thầu nước ngoài)… của các tổ chức tư vấn, cá nhân trong và ngoài nước.
Ngoài ra, để lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cũng sẽ:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý chặt chẽ chi phí, định mức xây dựng, suất đầu tư phù hợp với từng khu vực;
Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định pháp luật.
- Rà soát định mức, chi phí tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, quản lý dự án… bảo đảm tính đúng, tính đủ nhằm huy động, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao trong điều kiện đặc thù của ngành giao thông vận tải.
Nghiên cứu định mức chi phí cho công tác thiết kế theo hạng mục công trình, không phụ thuộc vào chi phí xây dựng, tổng mức đầu tư, tránh việc các tư vấn lựa chọn các giải pháp thiết kế có chi phí đầu tư cao, nâng tổng mức đầu tư, không bảo đảm tính kinh tế, kỹ thuật.
Tăng cường giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng của tổ chức tư vấn, cá nhân trong và ngoài nước thuộc Bộ Xây dựng? (Hình ảnh từ Internet)
Điều kiện chung được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là gì?
Tại Điều 66 Nghị định 15/2021/NĐ-CP có quy định về điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
+ Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
+ Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
+ Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
- Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Tổ chức, cá nhân bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong trường hợp nào?
Tại khoản 2 Điều 63 Nghị định 15/2021/NĐ-CP có quy định về các trường hợp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng sẽ bị thu hồi như sau:
Cấp, thu hồi, gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, điều chỉnh hạng chứng chỉ hành nghề;
b) Gia hạn chứng chỉ hành nghề;
c) Điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ;
d) Cấp lại chứng chỉ hành nghề do chứng chỉ hành nghề cũ còn thời hạn nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin;
đ) Chuyển đổi chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định này.
2. Chứng chỉ hành nghề của cá nhân bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cá nhân không còn đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định này;
b) Giả mạo giấy tờ, kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
c) Cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề;
d) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề;
đ) Chứng chỉ hành nghề bị ghi sai thông tin do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề;
e) Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
g) Chứng chỉ hành nghề được cấp khi không đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định.
...
Như vậy, cá nhân sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong trường hợp:
- Cá nhân không còn đáp ứng điều kiện đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; không có giấy tờ về cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
- Giả mạo giấy tờ, kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- Cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề;
- Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề;
- Chứng chỉ hành nghề bị ghi sai thông tin do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề;
- Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
- Chứng chỉ hành nghề được cấp khi không đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực.