Sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trong công trình xây dựng có nội dung gì?
Nội dung chính
Sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trong công trình xây dựng có nội dung gì?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 09/2021/NĐ-CP quy định, việc sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trong công trình xây dựng có nội dung như sau:
(1) Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng khi sử dụng trong công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuân thủ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có).
(2) Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
(3) Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn khác.
Sử dụng vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng trong công trình xây dựng có nội dung gì? (Hình từ Internet)
Cấu kiện xây dựng nhập khẩu phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật nào khi đưa ra thị trường?
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định 09/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 10. Yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng
[...]
2. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng sản xuất trong nước đưa ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn đã công bố. Những sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
3. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng. Đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng nhập khẩu được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Theo đó, các cấu kiện xây dựng nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa (bao gồm cấu kiện xây dựng).
Nếu cấu kiện xây dựng nhập khẩu thuộc đối tượng được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (QCVN) và không được sử dụng tiêu chuẩn thay thế để lách quy định.
Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt hình sự như thế nào?
Căn cứ Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật xây dựng;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng;
c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;
d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được xử lý hình sự theo các mức độ khác nhau, tùy vào hành vi, tính chất, và mức độ thiệt hại:
(1) Mức phạt nhẹ nhất - Khi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử lý kỷ luật:
- Hình phạt:
+ Cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc
+ Phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Hành vi vi phạm bao gồm:
+ Quyết định đầu tư sai quy định của Luật xây dựng.
+ Lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu sai quy định.
+ Lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực.
+ Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả trong các giai đoạn dự án.
(2) Mức phạt nặng hơn - Khi phạm tội có tình tiết tăng nặng hoặc gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng:
- Hình phạt: Tù từ 3 năm đến 12 năm.
- Tình tiết tăng nặng bao gồm:
+ Phạm tội vì vụ lợi.
+ Phạm tội có tổ chức.
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
+ Gây thiệt hại trong ngưỡng nêu trên.
(3) Mức phạt nghiêm trọng nhất - Khi gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên:
Hình phạt: Tù từ 10 năm đến 20 năm.
(4) Hình phạt bổ sung (áp dụng thêm ngoài hình phạt chính):
Có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.