Năm 2025, người dân bỏ hoang đất trồng lúa có bị thu hồi đất không?
Nội dung chính
Năm 2025, người dân bỏ hoang đất trồng lúa có bị thu hồi đất không?
Hiện tại, pháp luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về khái niệm bỏ hoang đất trồng lúa. Tuy nhiên, có thể hiểu bỏ hoang đất trồng lúa là hành vi không sử dụng đất trồng lúa trong một thời gian dài, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, thậm chí làm suy giảm giá trị và làm mất đi mục đích sử dụng ban đầu của nó.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 và điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa thuộc loại đất trồng cây hằng năm, nhóm đất nông nghiệp.
Từ quy định trên và theo khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì hành vi bỏ hoang đất trồng lúa sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai khi:
- Bỏ hoang đất trồng lúa trong thời gian 12 tháng liên tục;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, khi người dân bỏ hoang đất trồng lúa trong thời hạn 12 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt thì sẽ bị thu hồi đất.
Năm 2025, người dân bỏ hoang đất trồng lúa có bị thu hồi đất không?
Người dân bỏ hoang đất trồng lúa bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 24 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi bỏ hoang đất trồng lúa trong thời hạn 12 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt được quy định như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
Bên cạnh đó, người có hành vi bỏ hoang đất trồng lúa còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 60 ngày.
Như vây, tùy vào diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang trong thời hạn 12 tháng liên tục mà mức xử phạt sẽ được quy định khác nhau. Ngoài ra, người sử dụng đất còn bị áp dụng biện pháp bảo đảm để khắc phục hậu quả.
Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu là tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi bỏ hoang đất trồng lúa là bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm. Như vậy, đối với hành vi bỏ hoang đất trồng lúa thì thời hiệu xử phạt là trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm để tính thời hiệu xử phạt.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với khi bỏ hoang đất trồng lúa là thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Trong đó, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm đã thực hiện xong các hoạt động của hành vi vi phạm đó.
Lưu ý: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Kết luận, người dân bỏ hoang đất trồng lúa trong 12 tháng liên tục sẽ bị phạt tiền và buộc phải đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 60 ngày. Trong trường hợp không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn thì sẽ bị thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024. Thời hiệu xử phạt là 2 năm tính từ khi hành vi vi phạm chấm dứt.