Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình, có được chặt cây không?

Đất trồng cây nhà mình và nhà hàng xóm nằm liền kề nhau, hàng xóm tự ý trồng cây sang đất nhà mình có được không? Có được chặt cây đó đi không?

Nội dung chính

    Hàng xóm có được tự ý trồng cây lấn đất nhà mình không?

    Lấn đất là hành vi có dấu hiệu dịch chuyển mốc giới, ranh giới thửa đất mà không được cơ quan có thẩm quyền hoặc người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép nhằm chiếm dụng, mở rộng diện tích sử dụng đất (theo khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024).

    Tại Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ranh giới giữa các bất động sản liền kề thường được xác định thông qua các phương tiện như thỏa thuận giữa các bên liên quan hoặc thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong một số trường hợp, ranh giới cũng có thể được xác định dựa trên tập quán hoặc sự tồn tại không tranh chấp trong một khoảng thời gian đủ lâu, thường là từ 30 năm trở lên, theo nguyên tắc sử dụng đất lâu dài. Pháp luật nêu rõ không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

    Ngoài ra, người sử dụng đất chỉ được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác, chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Căn cứ theo những quy định nêu trên, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng ranh giới thửa đất của mình, chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định, không được trồng cây lấn sang đất nhà người khác nếu không được người đó đồng ý. Hành vi tự ý trồng cây lên đất nhà người khác có thể được xem là hành vi lấn đất và bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

    Như vậy, hàng xóm không được tự ý trồng cây lấn đất nhà mình, hành vi này được xem là hành vi lấn đất và bị xử lý theo quy định pháp luật.

    Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình, có được chặt cây không?

    Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình, có được chặt cây không? (Hình từ Internet)

    Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất trồng cây (bao gồm đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm) là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình có thể hiểu là hành vi lấn đất nông nghiệp. Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, những đối tượng có hành vi lấn đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt phạt như sau:

    STT

    Diện tích lấn đất

    Mức phạt tiền
    (triệu đồng)

    Đối với đất thuộc địa giới hành chính của xã

    Đối với đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn

    Đất trồng cây không phải là đất trồng lúa

    1

    Dưới 0,05 héc ta

    03 - 05

    Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt với loại đất tương ứng tại địa giới hành chính xã.

    Tối đa ≤500 triệu đồng với cá nhân, ≤01 tỷ đồng với tổ chức

    2

    Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta

    05 - 10

    3

    Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta

    10 - 30

    4

    Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta

    30 - 50

    5

    Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta

    50 - 100

    6

    Từ 01 đến dưới 02 héc ta

    100 - 150

    5

    Từ 02 héc ta trở lên

    150 - 200

    Đất trồng lúa 

    1

    Dưới 0,02 héc ta

    05 - 10

    Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt với loại đất tương ứng tại địa giới hành chính xã.

    Tối đa ≤500 triệu đồng với cá nhân, ≤01 tỷ đồng với tổ chức

    2

    Từ 0,02 đến dưới 0,05 héc ta

    10 - 20

    3

    Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta

    20 - 30

    4

    Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta

    30 - 50

    5

    Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta

    50 - 100

    6

    Từ 01 héc ta trở lên

    100 - 200

    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, người thực hiện hành vi còn phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất). Điều này đồng nghĩa với việc phải thực hiện chặt bỏ đi những cây trồng đã trồng lấn sang đất nhà người khác. Đồng thời, người vi phạm cũng bị yêu cầu nộp lại toàn bộ lợi ích bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm đó.

    Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP).

    Hàng xóm tự ý trồng cây lấn đất nhà mình, có được chặt cây không?

    Khi hàng xóm trồng cây lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác, việc xử lý cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi của người bị xâm phạm và tránh vi phạm pháp luật. Theo khoản 1 Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu quyền sử dụng đất có quyền tự bảo vệ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm bằng các biện pháp không trái pháp luật.

    Ngoài ra, khoản 4 Điều 225 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng, trong trường hợp tài sản động sản (cây trồng) của một người bị sáp nhập trái phép vào bất động sản (đất) của người khác, chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu người sáp nhập dỡ bỏ tài sản trái phép và bồi thường thiệt hại hoặc chấp nhận giữ lại tài sản đó và thanh toán giá trị cho người sáp nhập. Căn cứ vào quy định này, nếu hàng xóm trồng cây lấn đất, người bị lấn đất có quyền yêu cầu hàng xóm tháo dỡ cây trồng trái phép hoặc giữ lại cây và thanh toán giá trị công trồng. Tuy nhiên, người bị lấn đất không được phép tự ý chặt bỏ cây trồng, vì đây là tài sản thuộc sở hữu của hàng xóm.

    Hành vi tự ý chặt bỏ cây trồng lấn đất có thể bị coi là “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu giá trị tài sản bị hủy hoại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.

    Trong tình huống hai bên không thể thỏa thuận về việc giải quyết số cây trồng nói trên hoặc không thỏa thuận được giá trị của số cây trồng mà người bị lấn đất thanh toán lại cho hàng xóm, người bị lấn đất có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc phường nơi cư trú giải quyết tranh chấp. Nếu không đạt được kết quả, người bị lấn đất có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân để yêu cầu trả lại hiện trạng đất ban đầu.

    Như vậy, khi đối mặt với trường hợp hàng xóm trồng cây lấn đất, người bị lấn đất nên thực hiện các biện pháp phù hợp như yêu cầu tháo dỡ hoặc giữ lại cây và thanh toán giá trị cây trồng đó cho hàng xóm hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền, thay vì tự ý chặt cây. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi của bản thân mà còn tránh vi phạm pháp luật.

    12